Người cán bộ tiêu biểu trong việc chỉ đạo thực hiện giải pháp hiệu quả về thuyết phục, hòa giải trong thi hành án dân sự

06/07/2020
Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Bình Dương luôn tăng trưởng ổn định và ở mức cao, với cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu là các ngành công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Trước sự phát triển kinh tế – xã hội của Bình Dương, các tranh chấp dân sự và các tệ nạn xã hội, tội phạm hình sự cũng có chiều hướng gia tăng, dẫn đến công tác THADS ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, toàn tỉnh tổng số phải thi hành hàng năm khá cao (trung bình hàng năm đứng thứ 6 về việc và thứ 4 về tiền so với toàn quốc); số việc thi hành liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị rất lớn, tài sản bán đấu giá (nhà, đất) phải giảm giá nhiều lần nhưng không có người đăng ký mua, trong khi biên chế những năm gần đây của đơn vị chưa được tuyển dụng đủ (tính đến thời điểm hiện nay còn thiếu 9 biên chế 149/158), từ đó tạo áp lực công việc rất lớn cho các Cơ quan THADS trong tỉnh. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo Cục và toàn thể cán bộ, công chức, người lao động các cơ quan THADS trong tỉnh, công tác THADS tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giữ vững ổn định và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh nhà. Năm 2019, đơn vị được tặng Cờ Thi đua Ngành Tư pháp được suy tôn đề nghị tặng Cờ Thi đua của Chính phủ.

Để đạt được kết quả đáng khích lệ nêu trên, các cơ quan THADS tỉnh Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo thực hiện tốt giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS”. Giải pháp này thật sự mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành, ít tốn kém kinh phí, tạo sự đồng thuận giữa các bên đương sự, tạo được niềm tin trong nhân dân. Với vai trò là Thủ trưởng đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Lộc, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Dương, bằng sự quyết tâm cao độ, tinh thần nhiệt huyết của mình và bằng sự quyết đoán, bản lĩnh và trách nhiệm của người đứng đầu đã sâu sát trong chỉ đạo, điều hành để đưa giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS” tại các cơ quan THADS tỉnh Bình Dương đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Tại các buổi sinh hoạt Đảng, các cuộc họp giao ban định kỳ sáng thứ hai hàng tuần, hàng quý, sơ kết, tổng kết trong năm, hoặc trong các buổi họp đột xuất…, đồng chí Cục trưởng Nguyễn Văn Lộc luôn lồng ghép quán triệt, chỉ đạo sâu sát việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả giải pháp này. Đồng chí nêu rõ ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện tốt giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS”, đồng thời nhấn mạnh, thực hiện tốt giải pháp này góp phần tích cực vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí thường nhấn mạnh rằng, bản thân đã làm nhiều năm ở cơ quan THADS, luôn đặc biệt tâm huyết với giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS”. Nhiều vụ việc hoà giải trong THADS được thực hiện thành công, đem lại lợi ích cho Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân, góp phần giữ gìn sự bình yên cho làng xóm, quê hương, đỡ tốn kém công sức, tiền của, thời gian của các bên; tăng cường tính pháp chế XHCN, tính nhân đạo của pháp luật. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng chí luôn dặn dò cặn kẽ CBCC, đặc biệt là đội ngũ Chấp hành viên, Thư ký THADS… cần phải tuyên truyền, giải thích rõ các quy định của pháp luật cho các bên đương sự hiểu để tự nguyện thi hành án.
Trong thực tế, do không hiểu biết về pháp luật mà các đương sự có ý định chống đối, khiếu nại vượt cấp, kéo dài, thậm chí có thể còn bị truy cứ trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án, họ rất cần được tuyên truyền, giải thích rõ các quy định của pháp luật. Chính vì vậy, trong quá trình thực thi pháp luật, những CBCC làm công tác THADS phải có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết với công việc và đặc biệt là phải tích cực thực hiện hòa giải, vận động giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, hạn chế đến mức thấp nhât việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế THADS. Để giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS” đạt kết quả cao, đồng chí luôn chia sẻ cho toàn thể CBCC, người lao động trong đơn vị kinh nghiệm thực tế, kỹ năng hòa giải, thuyết phục. Cụ thể như kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu để có kế hoạch hòa giải, thuyết phục; kỹ năng giải thích, thuyết phục, hướng dẫn các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn trong THADS….
Đồng chí quán triệt chủ trương, khi hòa giải, thuyết phục, Chấp hành viên phải luôn thông cảm và tôn trọng các bên đương sự. Khi phân tích, giải thích cho các bên biết hành vi của họ là đúng hay sai, Chấp hành viên cần phải xây dựng không khí gần gũi và tin tưởng, cảm thông và tôn trọng các bên đương sự, luôn có thái độ ân cần, chia sẻ, nhiệt tình, cần phải làm cho không khí nói chuyện được vui vẻ, chan hòa. Như vậy, các bên sẽ lắng nghe ý kiến thuyết phục của Chấp hành viên. Khi thuyết phục các bên, Chấp hành viên đi sâu tìm hiểu, nêu ra được những suy nghĩ, trăn trở của họ thì kết quả hòa giải, thuyết phục sẽ đạt kết quả cao hơn. Muốn thế, Chấp hành viên phải đưa ra giải pháp tối ưu cho các bên hợp tình, hợp lý; tìm hiểu và khơi gợi cho các bên đương sự những tình cảm tốt đẹp vốn có giữa họ  (tình cảm gia đình, tình cảm hàng xóm, tình cảm bạn bè…) để các bên dễ thông cảm cho nhau và tự thỏa thuận với nhau về phương pháp giải quyết việc THADS.
Bên cạnh đó, Chấp hành viên cần phải bình tĩnh, kiên trì giải quyết từng bước, nhất là đối với những đương sự có thái độ ngoan cố. Nếu thực hiện tốt các kỹ năng này, công tác thuyết phục, hòa giải trong THADS sẽ đạt được kết quả cao, không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng thoát khỏi những chi phí phát sinh, bởi nếu phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án phải chịu toàn bộ chi phí cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật. Không những vậy, việc các đương sự tự nguyện thi hành án còn giúp cho cơ quan thi hành án hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí, đặc biệt là sẽ không có phát sinh khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, về mặt xã hội, thuyết phục, vận động được các đương sự tự nguyện thi hành án là đã loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cũng như các khiếu kiện phức tạp sau này.
Kết quả công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính hàng năm cho thấy, các cơ quan THADS tỉnh Bình Dương đã thực hiện thành công khá nhiều việc hòa giải trong THADS.
Khép lại bài viết, đọng lại trong tôi là hình ảnh chân thực của người cán bộ Lãnh đạo Cục THADS tỉnh Bình Dương liêm khiết, gương mẫu trong học tập và và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả giải pháp “hòa giải, thuyết phục trong THADS” trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tôi hy vọng sẽ có nhiều gương sáng như anh, tạo niềm tin trong nhân dân đối với cơ quan THADS.
Nguyễn Quang Hòa
Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh Bình Dương