Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp làm việc với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

08/05/2013
Chiều ngày 7/5/2013, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khóa XI  là Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Đăk Nông, Bình Phước và Khánh Hòa đến thăm và làm việc tại Bộ Tư pháp, trọng tâm là về công tác thi hành án dân sự.

Thay mặt Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết, sau 20 năm Bộ Tư pháp quản lý công tác thi hành án dân sự và sau hơn 4 năm thi hành Luật thi hành án dân sự, công tác thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho kinh tế xã hội phát triển, thể hiện ở việc chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự ngày càng tăng, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước. Điều này được thể hiện rõ trong kết quả đạt được trong năm 2012, tổng số việc phải thi hành gần 650 ngàn việc, tổng số tiền phải thi hành trên 43 ngàn tỷ đồng. Các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 400 ngàn việc, đạt 88,58% và thu được hơn 10 ngàn tỷ đồng, số việc chuyển kỳ sau có xu hướng giảm dần (năm 2010 số việc chuyển sang năm 2011 là 278.080 việc, năm 2011 chuyển sang năm 2012 là 252.555 việc và năm 2012 chuyển sang năm 2013 còn 229.714 việc.

Thể chế về thi hành án dân sự được hoàn thiện, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc đã tăng cường vị thế cơ quan Thi hành án dân sự, tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, toàn quốc có 63 Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, 697 Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện với gần 10.000 biên chế công chức. Cùng với đó là sự huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác thi hành án dân sự vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Do đó, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao, trong đó giải pháp về công tác cán bộ là giải pháp quan trọng hàng đầu (nhất là đối với người đứng đầu của các cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện), coi đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và phải đi trước một bước. Để thực hiện được các giải pháp này thì đòi hỏi phải có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, có hiệu quả của cấp ủy các cấp nhất là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy. Tại địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác thi hành án dân sự nên đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như: Chủ động phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong việc củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ chủ chốt của Cục, chỉ đạo Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện phối hợp với Cục Thi hành án dân sự củng cố, kiện toàn cán bộ chủ chốt của Chi cục; ban hành Chỉ thị riêng về công tác thi hành án dân sự; định kỳ Thường trực Tỉnh ủy nghe Cục Thi hành án dân sự báo cáo về công tác thi hành án dân sự…

 

 

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hết sức quan trọng, nặng nề được Đảng và Nhà nước giao, nâng cao hiệu quả trong công tác thi hành án dân sự, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác thi hành án dân sự; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác thi hành án dân sự nhất là việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Thường xuyên quan tâm, rà soát đánh giá, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cơ quan Thi hành án dân sự, phối hợp với Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp để bổ sung hoặc thay thế kịp thời các cán bộ lãnh đạo yếu kém nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự…

Trung tâm Dữ liệu, Thông tin và Thống kê