Một số kinh nghiệm trong ban hành quyết định nghiệp vụ THADS

21/06/2022


Theo tôi hiểu, hoạt động nghiệp vụ THADS giữ vị trí quan trọng nhất của cơ quan THADS, vì nhiệm vụ chính trị trung tâm của cơ quan THADS chính là hoạt động thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Kết quả hoạt động của cơ quan THADS là sự thể hiện tổng hợp của hoạt động nghiệp vụ và các hoạt động mang tính hỗ trợ khác.
Quyết định nghiệp vụ THADS là văn bản do Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên ban hành để thi hành và tổ chức thi hành một hoặc nhiều khoản của những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục THADS, nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án.
Theo quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp, có 128 biểu mẫu quyết định về THADS tương đương 128 quyết định nghiệp vụ trong THADS. Cũng giống như các loại quyết định hành chính khác, quyết định nghiệp vụ trong THADS phải tuân thủ trình tự, thủ tục, nội dung, thể thức ban hành theo quy định của Luật THADS, các văn bản hướng dẫn thi hành và Nghị định số 30/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ. Nói một cách dễ hiểu, quyết định nghiệp vụ trong THADS phải đảm bảo yêu cầu về tính hợp pháp (không được vi phạm pháp luật; ban hành quyết định phải đúng thẩm quyền; phải có căn cứ pháp luật theo từng trường hợp cụ thể; đúng biểu mẫu quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp) và đảm bảo tính hợp lý (bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, của đương sự trong THADS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; phải cụ thể, phù hợp với từng trường hợp cụ thể; phải bảo đảm tính hệ thống toàn diện; phải bảo đảm các yêu cầu của kỹ thuật lập quy về văn phong, ngôn ngữ, cách thức trình bày văn bản).
Tuy nhiên, trên thực tế khi ban hành quyết định nghiệp vụ trong THADS, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên không phải lúc nào cũng ban hành đúng yêu cầu về tính hợp pháp và tính hợp lý. Các sai sót thường gặp khi ban hành quyết định nghiệp vụ trong THADS có thể là căn cứ ban hành quyết định, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả, thể thức ban hành văn bản vv... nhưng dù bất kì một lỗi nào trong quyết định sẽ dẫn đến quyết định được ban hành không đảm bảo. Do đó, tôi nghĩ để ban hành một quyết định nghiệp vụ đúng trong THADS, người có thẩm quyền ban hành cần phải thực hiện được các bước:
Xác định loại quyết định
Trong quá trình tổ chức thi hành án, căn cứ tình hình thực tiễn, Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên phải xem xét, xác định lựa chọn đúng quyết định về thi hành án phù hợp với nội dung, mục đích của việc ra quyết định; đúng với từng vụ việc, trường hợp cụ thể và không trái nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Ví dụ: Quyết định hoãn hay quyết định tạm đình chỉ thi hành án; Quyết định tạm dừng đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản hay quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản... Xác định được loại quyết định cũng là xác định thẩm quyền ban hành quyết định. 
Xác định thẩm quyền ban hành quyết định
Trong hoạt động thi hành án, có thể dễ dàng phân định rằng Thủ trưởng cơ quan THADS ban hành các quyết định mang tính chất chung, quan trọng, thể hiện việc khởi động, tạm dừng, thay đổi, chấm dứt việc THADS như quyết định thi hành án, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, ủy thác, tiếp tục thi hành án, khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án, thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản, thu phí THADS, miễn, giảm phí THADS, chi phí cưỡng chế THADS, rút hồ sơ thi hành án, tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh...và các  quyết định mang tính quản lý, chỉ đạo, điều hành, như quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xác minh tố cáo.... Còn Chấp hành viên ban hành các quyết định mang tính chất nghiệp vụ cụ thể để thi hành việc thi hành án như quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, cưỡng chế thi hành án, giảm giá tài sản, giao tài sản, giải tỏa kê biên tài sản... Thẩm quyền này được quy định cụ thể trong Luật THADS và Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, do đó, Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên chỉ ban hành quyết định nghiệp vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, không được lạm quyền, nhưng đồng thời cũng không được trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm. Về mặt hình thức, trong quyết định phải chỉ ra được căn cứ pháp lý về thẩm quyền ban hành của chủ thể ra quyết định. Ví dụ, khi ban hành quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải căn cứ vào khoản 1 Điều 23 Luật THADS; khi ban hành quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải căn cứ vào khoản 5 Điều 20 Luật THADS vv...
Xác định các nội dung cơ bản của quyết định
Mặc dù các biểu mẫu nghiệp vụ THADS đã xác định đầy đủ các nội dung của quyết định nghiệp vụ trong THADS, tuy nhiên những phần trống của biểu mẫu đòi hỏi phải được xác định đúng, đầy đủ, chính xác nội dung ghi trong quyết định. Mỗi nội dung của một quyết định nghiệp vụ thi hành án phải thể hiện những nội dung chính, nhưng cũng có sự khác nhau trong trường hợp quyết định cụ thể. Do đó, người ban hành quyết định phải thận trọng trong việc xác định nội dung, phải ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ của đương sự, ghi cụ thể nội dung và đúng phạm vi, không được làm sai lệch nội dung quyết định của Tòa án, tránh tình trạng ra quyết định thừa hoặc thiếu các nội dung, các khoản phải thi hành án. Nếu là số tiền thi hành án thì phải ghi cả bằng số và bằng chữ. Ví dụ, nội dung quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản phải chỉ rõ điều khoản của văn bản pháp luật nào làm căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế; Xét thấy người phải thi hành án là ai có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành; kê biên, xử lý tài sản cụ thể là gì; ai đó không được chuyển dịch, sang nhượng các tài sản đã kê biên cho đến khi thi hành án xong hoặc có quyết định của cơ quan THADS nào. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải có: ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; nội dung khiếu nại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ; giữ nguyên, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định, hành vi bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại vv…
Dự thảo quyết định
Việc dự thảo quyết định nghiệp vụ trong THADS phải chính xác, chữ viết phải rõ ràng, đủ nét, dễ đọc, không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, không tẩy xóa, không dùng từ ngữ địa phương, viết cùng một loại mực tốt. Các cơ quan THADS hiện nay đã được trang bị thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác THADS, vì thế nội dung cần ghi trong các quyết định nghiệp vụ THADS phải được in qua máy vi tính. Việc ghi chép quyết định nghiệp vụ THADS theo biểu mẫu (nếu có) phải liên tiếp, không được bỏ trống, đánh rõ số trang, ký tên, đóng dấu. Nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, sửa chữa, bổ sung làm sai lệch nội dung quyết định nghiệp vụ THADS được soạn thảo, ban hành.
Văn phong, ngôn ngữ được sử dụng trong quyết định nghiệp vụ THADS  có những đặc tính riêng, không giống văn phong thông thường, đó là một dạng văn phong hành chính – công vụ. Ngoài yêu cầu về tính trang trọng, lịch sự, tính khuôn mẫu, văn phong được sử dụng trong các quyết định nghiệp vụ thi hành án phải bảo đảm rõ ràng, ngắn  gọn, không đa nghĩa.
Rà soát, ký và ban hành
Sau khi đã dự thảo quyết định nghiệp vụ trong THADS, Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên phải rà soát và ký quyết định để phát hành. Trước khi ký quyết định thì khâu rà soát dự thảo cực kỳ quan trọng để hạn chế sai sót, mặc dù sai sót đó rất nhỏ như thiếu vài đồng trong quyết định thi hành án so với nội dung bản án hoặc sử dụng thiếu, sai một vài từ trong quyết định cưỡng chế thi hành án dân sự... cũng dẫn đến quyết định được ban hành sai. Do đó, việc ra soát cần phải được thực hiện nghiêm túc, trung thực, có thể bắt đầu từ cơ quan ban hành văn bản, quốc hiệu cho đến nơi nhận văn bản phải đảm bảo đúng, đủ nội dung, thể thức và tính logic của một quyết định.   
Đối với các loại quyết định đã được phát hành có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất sự việc thì người có thẩm quyền ban hành phải đính chính bằng văn bản đối với phần sai sót đó, nếu phần sai sót làm thay đổi bản chất sự việc thì ra văn bản thu hồi văn bản đã phát hành để thay thế bằng văn bản mới.
Tóm lại, để bàn hành một quyết định nghiệp vụ trong THADS, như đã nói ở phần trên phải đảm bảo được tính hợp pháp và tính hợp lý. Trong đó tính hợp pháp được quan tâm nhiều hơn vì các yêu cầu của tính hợp pháp quyết định khả năng tồn tại của quyết định, còn các yêu cầu của tính hợp lý xác định tính khả thi của quyết định. Trên thực tế, mọi quyết định ban hành bất hợp pháp, về nguyên tắc, đều phải được bãi bỏ, còn một quyết định hợp pháp nhưng bất hợp lý vẫn có thể tồn tại nhưng sẽ không khả thi hoặc rất hạn chế khi đưa vào thực tiễn. Một quyết định chỉ được xem xét tới tính hợp lý khi quyết định đó hợp pháp. Không thể vì lý do hợp lý, phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị mình để Thủ trưởng cơ quan THADS, Chấp hành viên ban hành các quyết định nghiệp vụ trái pháp luật hay không đúng thẩm quyền.
Đỗ Công Dũng
Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa