Một số đề xuất nhằm nâng cao trách nhiệm công vụ của Chấp hành viên

12/09/2022
Là người được Nhà nước giao trách nhiệm tổ chức thi hành án, khi thực thi nhiệm vụ, Chấp hành viên nhân danh công quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về các quyết định của mình. Nhà nước trao cho Chấp hành viên quyền được sử dụng quyền lực Nhà nước để đảm bảo việc thi hành án, thể hiện rõ nhất là được sử dụng biện pháp cưỡng chế để buộc tất cả các chủ thể có nghĩa vụ (cho dù người đó là ai, với chức vụ, quyền hạn gì...) phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên. Với những quyền năng quan trọng như vậy nên mỗi lời nói, hành động của Chấp hành viên không chỉ tác động đến quyền, lợi ích của các bên mà còn tác động tâm lý, phản ứng tức thì tới hành động, lời nói của những người có liên quan.


Về phía người phải thi hành án, nếu trong giai đoạn xét xử, các đương sự chỉ dừng lại ở sự nhận thức rằng bản án, quyết định của Tòa án đã xét xử sắp có hiệu lực, khi đó, họ vẫn tin rằng, việc xét xử sẽ còn được diễn ra ở nhiều cấp tiếp theo và hy vọng của họ vẫn còn. Trong khi đó, đến giai đoạn thi hành án, người phải thi hành án sẽ hiểu và nhìn thấy rõ hơn đó những vấn đề mà lâu nay họ tin tưởng sẽ thuộc về họ thì nay buộc phải chuyển giao lại cho người khác. Quyền lợi không được như ý muốn, vì vậy ý thức chấp hành án của họ không dừng lại ở biểu hiện về mặt tâm lý mà còn phát triển thành những xung đột trong hành vi và nhận thức, nhằm đối phó hoặc né tránh, trì hoãn, thậm chí chống đối việc thi hành án.
Về phía người được thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ có liên quan. Tuy là người thắng kiện, nhưng thực tế quyền lợi của họ được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án vẫn mới chỉ ở trên giấy tờ. Vì vậy, tâm lý lớn nhất của họ là việc thi hành án càng nhanh càng tốt, và việc có giải quyết nhanh được hay không tùy thuộc vào cơ quan thi hành án. Như vậy, nếu người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thì lỗi đó thuộc về trách nhiệm của cơ quan thi hành án mà cụ thể là Chấp hành viên. Tính chất của mối quan hệ này về danh nghĩa là quan hệ giữa người được thi hành án với người phải thi hành án, nhưng thực tế lại là quan hệ tâm lý giữa người được thi hành án với Chấp hành viên phụ trách hồ sơ. Nó được thể hiện dưới dạng các yêu cầu thi hành án hoặc qua mỗi lần tiếp xúc với Chấp hành viên. Các yêu cầu này càng trở nên gay gắt hơn khi kết quả thi hành án đạt hiệu quả thấp hoặc bị người phải thi hành án trì hoãn, kéo dài về mặt thời gian hoặc vì bất kì một lý do khách quan nào khác mà kết quả thi hành án chưa được như yêu cầu của họ.
Những vấn đề trên cho thấy, vai trò của Chấp hành viên rất quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án. Từ lời nói, hành động, ứng xử của Chấp hành viên đều được theo dõi, kiểm soát bởi người được thi hành án, người phải thi hành án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan. Thực tiễn cho thấy, không ít Chấp hành viên đã thực sự yêu ngành, yêu nghề, vượt qua khó khăn để bảo vệ pháp luật, hết lòng vì nhiệm vụ được giao, từ đó những lời nói, hành động và ứng xử của họ cũng trở nên chuẩn mực và chất lượng. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp, Chấp hành viên có biểu hiện ngại va chạm, thiếu quyết đoán, ngại khó, ngại khổ… dẫn đến hiệu quả hoạt động không cao.
Để khắc phục được tình trạng này, một mặt Chấp hành viên phải tự ý thức được trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của chính Chấp hành viên. Mặt khác, công tác giáo dục trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên cũng rất cần thiết. Thực tế đã chứng minh rằng, công tác giáo dục tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm công vụ nếu được quan tâm tiến hành thường xuyên thì hiệu quả công tác THADS ngày càng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Chấp hành viên (nói riêng) ngày càng được tăng cường. Công tác tập huấn và bồi dưỡng thường xuyên thì tình trạng vi phạm hoặc có thiếu sót trong việc áp dụng pháp luật càng giảm đi và số vụ việc khiếu nại, tố cáo cũng giảm theo; tác dụng giáo dục, răn đe được nâng lên rõ rệt. Chính vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục trách nhiệm công vụ, đạo đức nghề nghiệp của Chấp hành viên. Tác giả xin có một số đề xuất như sau:
Một là, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho Chấp hành viên, làm chuyển biến nhận thức và tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và hành động của Chấp hành viên. Phải phê phán được những việc làm sai phạm, những Chấp hành viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân bằng cách nói thẳng, nói thật, không nể nang, né tránh. Qua đó, rèn luyện cho Chấp hành viên có bản lĩnh, luôn yêu nghề, không ngại khó khăn, vượt qua trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ; ra sức rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tham nhũng, sách nhiễu, phiền hà cho dân.
Hai là, đề cao trách nhiệm học tập của Chấp hành viên. Việc yêu nghề cần gắn liền với việc nâng cao trình độ. Nâng cao trình độ cả về chuyên môn và chính trị, đó là việc nâng cao hiểu biết sâu sắc về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hiểu biết về các vấn đề quốc tế liên quan đến lĩnh vực mình công tác, chứ không chỉ đơn thuần là học tập chính trị, chuyên môn tại các trường học. Ngoài ra, Chấp hành viên cũng cần thông qua thực tế công việc để học hỏi nâng cao trình độ, nhằm áp dụng pháp luật một cách chính xác, phù hợp, tạo ra bản lĩnh để Chấp hành viên có thể tự mình vượt qua được mọi sự cám dỗ của tiền tài, vật chất từ phía các bên đương sự trong hoạt động thi hành án.
Ba là, thực hiện nghiêm các quy định về những việc Chấp hành viên không được làm. Đây là một trong yêu cầu về chuẩn mực đạo đức của người Chấp hành viên. Bởi vì, muốn việc thi hành án được công bằng thì trước hết cái tâm của người Chấp hành viên phải trong sáng, không tư lợi, không bị chi phối ràng buộc bởi các quan hệ ngoài công việc chung hoặc những “sức ép” trái pháp luật.
Bốn là, đề cao tác phong và ý thức gương mẫu của Chấp hành viên. Là người được nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nên Chấp hành viên phải biết lắng nghe ý kiến của đương sự; giải thích cho đương sự hiểu quyền và nghĩa vụ của họ; không quan liêu, hách dịch với đương sự. Với đồng nghiệp phải đoàn kết, trung thực, tương trợ và hợp tác, tự phê bình và sẵn sàng lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý của đồng nghiệp; phê bình, góp ý với đồng nghiệp trên tinh thần xây dựng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc; không né tránh nhiệm vụ hoặc lợi dụng những hạn chế của đồng nghiệp để gièm pha, đổ lỗi cho đồng nghiệp.
Năm là, Chấp hành viên là người có ý thức tích cực, tự giác học tập nâng cao kiến thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện tốt 06 "Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên", có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, tâm huyết với công việc; có trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới .