Thực trạng công tác thi hành án hành chính
Kết quả thi hành án hành chính
Theo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số bản án, quyết định của Tòa án mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án trong 06 năm là 3.012 bản án, quyết định (năm 2017 là 361; năm 2018 là 363; năm 2019 là 637; năm 2020 là 830; năm 2021 là 944
[2], năm 2022 là 992
(số liệu tính đến hết ngày 30/9/2022). Kết quả thi hành từng năm cụ thể như sau: năm 2017 thi hành xong 276 bản án, còn phải thi hành 85 bản án; năm 2018 thi hành xong 139 bản án, còn phải thi hành 224 bản án; năm 2019 thi hành xong 298 bản án, còn phải thi hành 339 bản án; năm 2020 thi hành xong 363 bản án, còn phải thi hành 467 bản án; năm 2021 thi hành xong 455 bản án, còn phải thi hành 489 bản án; năm 2022 thi hành xong 429 bản án, còn phải thi hành 563 bản án.
Đánh giá chung
Từ kết quả thi hành án hành chính nêu trên cho thấy, số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án ngày càng tăng qua các năm, cao nhất là năm 2022 với tổng số phải thi hành là 992 bản án, tăng gấp hơn 2,7 lần so với năm 2017. Kết quả thi hành xong trên tổng số bản án, quyết định phải thi hành về cơ bản có chiều hướng gia tăng qua các năm. Cụ thể năm 2019 thi hành xong 298 bản án (tăng 159 bản án so với năm 2018); năm 2020 thi hành xong 363 bản án (tăng 65 bản án so với năm 2019); năm 2021 thi hành xong 455 bản án (tăng 92 bản án so với năm 2020). Trong bối cảnh khiếu kiện hành chính ngày càng gia tăng, số bản án hành chính phải thi hành năm sau luôn cao hơn năm trước cho thấy kết quả thi hành án hành chính trong bộ máy hành chính nhà nước từng bước đã có sự chuyển biến, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân.
Tuy nhiên, vẫn còn 563 bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành xong, trong đó, còn nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm
[3]. Mặc dù còn nhiều bản án hành chính tồn đọng, song chưa có trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án hành chính, mặc dù Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cụ thể về các chế tài xử lý trách nhiệm đối với người chậm, không chấp hành bản án hành chính.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính, bảo đảm kỷ cương hành chính, thời gian tới, Bộ Tư pháp cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và toàn diện, trong đó có giải pháp nghiên cứu đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về thi hành án hành chính, trong đó tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2016 /NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính trên thực tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính.
Sự cần thiết phải nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính
Quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016 /NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ
Tại khoản 2 Điều 314 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định:
“Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đây là điều khoản duy nhất trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về nội dung bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án hành chính.
Để cụ thể hóa quy định nêu trên liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, tại Điều 29 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định:
“Người phải thi hành án trong quá trình thi hành án mà gây ra thiệt hại thì phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, hoàn trả theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, pháp luật về dân sự”. Theo đó, đối với thiệt hại do phía cơ quan nhà nước, công chức gây ra trong quá trình thi hành án hành chính sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước; thiệt hại do các tổ chức, cá nhân (không phải cơ quan nhà nước, không phải công chức) gây ra được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng.
Như vậy, liên quan đến nội dung bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã có những quy định mang tính dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính theo quy định của Luật Bồi thường của Nhà nước năm 2017
Tại Điều 1 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định:
“Luật này quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước”.
Tuy nhiên, tại Chương II Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chỉ quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; thi hành án hình sự, thi hành án dân sự mà chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính. Vì vậy, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng chưa đặt ra các quy định cụ thể về cơ quan giải quyết bồi thường và trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hành chính.
Sự cần thiết cần nghiên cứu, bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính
Sự cần thiết từ các quy định của pháp luật
Tại Điều 598 Bộ Luật dân sự năm 2015 đã quy định:
“Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Liên quan đến nội dung bồi thường thiệt hại trong hoạt động thi hành án hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP đã có những quy định mang tính dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 hiện hành vẫn chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính.
Sự cần thiết từ thực tế hiện hành
Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính. Tuy nhiên, từ kết quả thi hành án hành chính cho thấy, vẫn còn nhiều bản án hành chính chưa được thi hành xong mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, trong đó, có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành nhiều năm, Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Việc chậm thi hành án hành chính đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, gây bức xúc, đơn thư, khiếu nại, phản ánh của người dân. Điều này sẽ tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong quá trình thi hành án hành chính dẫn đến phải bồi thường thiệt hại.
Vì vậy, để bảo đảm tính đồng bộ và tạo hành lang pháp lý để áp dụng trên thực tế khi vụ việc có phát sinh, thời gian tới, khi tiến hành sơ kết, tổng kết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, cần có nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án hành chính, trên cơ sở đó, có quy định cụ thể về cơ quan giải quyết bồi thường và trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hành chính, qua đó nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự