Khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành bản án liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản

14/12/2022
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (được ban hành năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2015 và năm 2016) quy định về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế và một số chính sách khác nhằm phát triển thủy sản.


Qua 07 năm thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản cho thấy, đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần phát triển và tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững. Nhiều tàu cá hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thi hành loại án này, cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc:
 
- Việc xác minh điều kiện, thông báo thi hành án đối với tàu cá
 Tàu đánh cá di chuyển liên tục ở môi trường biển, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ nên khó khăn cho việc xác minh địa điểm di chuyển để thực hiện các thủ tục kê biên, xử lý. Bản thân các chủ tàu thường có thái độ bất hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành, thường xuyên đi biển đánh bắt hải sản dài ngày, việc thông báo Quyết định, văn bản về thi hành án bằng đường bưu điện chưa kịp thời dẫn đến quy trình tổ chức thi hành án chưa đảm bảo về mặt thời gian theo Luật định.
 
- Giá trị tài sản bảo đảm giảm sút, dẫn đến kết quả xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án không đủ để thi hành án, cơ quan THADS phải xử lý các tài sản khác của người phải thi hành án
Thời điểm Ngân hàng thẩm định để cho vay giá rất cao, nhưng khi cơ quan THADS thẩm định để đem tài sản ra bán đấu giá, giá trị còn lại của tàu rất thấp (có những trường hợp khi xử lý tàu giá trị còn lại chỉ từ 25% đến 30%)[1]. Do đó, khi kê biên, bán đấu giá tài sản phải giảm giá nhiều lần (có trường hợp phải giảm giá tới hơn 20 lần). Trong khi đó, đối tượng mua tài sản rất hạn chế, chỉ ngư dân mới có nhu cầu mua, nhiều trường hợp không có người tham gia đăng ký mua tài sản; dẫn tới kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Nhiều trường hợp bán được tài sản nhưng số tiền thu được chỉ thanh toán được một phần nhỏ so với khoản nợ mà chủ tàu đã vay và đang dư nợ tại các ngân hàng[2].
 
- Chi phí trông giữ, bảo quản, lai dắt tàu cao
Tàu đánh cá là loại tài sản có trọng tải lớn, đa số các tàu (tài sản đảm bảo) đều được đóng bằng vật liệu vỏ thép, có kích thước lớn, công suất trên 800 mã lực[3] nên khó khăn thực hiện việc trông giữ, bảo quản, lai dắt tàu. Do đó, phát sinh thêm chi phí lai dắt về nơi bảo quản, gây thiệt hại cho đương sự.
 
- Việc kê biên, xử lý đối với tài sản là tàu cá gặp rất nhiều khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp
Trong trường hợp phải áp dụng biện pháp ngăn chặn, khi xác minh được tàu về cập cảng đòi hỏi phải có các thành phần và lực lượng tham gia ngay. Để thực hiện cơ quan THADS phải chuẩn bị rất gấp để phối hợp và áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp cưỡng chế nên rất khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.
 
- Việc kê biên, xử lý tàu cá ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người phải thi hành án, gia đình của họ và những người lao động khác trên địa bàn
Tài sản thế chấp được bản án tuyên đảm bảo cho việc thi hành án là tàu đánh cá, đây cũng là phương tiện sinh sống của ngư dân; đồng thời, tàu cá thuộc diện được hỗ trợ tại Nghị định số 67 thường là tàu cá có công suất lớn hoạt động khai thác xa bờ dài ngày với trang thiết bị công nghệ hiện đại, số lượng nhân công tham gia đánh bắt trên tàu thường khá đông (huy động người thân trong gia đình), thu nhập của họ cũng chỉ từ nguồn thu nhập từ hoạt động của tàu cá.
 
Do vậy, khi tàu cá bị kê biên để thi hành án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình người phải thi hành án và một số đông người lao; ảnh hưởng đến động chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển của địa phương và việc tham gia giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo.
 
- Ngoài kê biên, xử lý tàu cá, cơ quan THADS phải xử lý cả các tài sản khác của người phải thi hành án, kể cả tài sản là nhà ở duy nhất của gia đình
Mặc dù Nghị định 67 quy định "con tàu là tài sản thế chấp", nhưng Ngân hàng thường yêu cầu phải thế chấp cả quyền sử dụng đất và các tài sản khác. Khi cơ quan THADS xử lý xong hết tài sản tàu nhưng không đủ để trả khoản vay thì cơ quan thi hành án buộc phải tiếp tục xử lý tài sản khác (như nhà, đất…) của ngư dân, dẫn đến họ và gia đình không còn nơi ở, không còn công cụ, phương tiện để ra khơi hoặc sản xuất kinh doanh dựa vào biển.
 
Bên cạnh đó, dư luận địa phương cũng không ủng hộ việc cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản khác, nhất là tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình họ, đi ngược với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo bức xúc và chống đối của người phải thi hành án.
 
Ngoài ra, khi cơ quan THADS xử lý tài sản nhà đất để đảm bảo thi hành án, nhiều chủ tàu muốn tự nguyện thi hành án bằng cách đề nghị được thỏa thuận với Ngân hàng để tránh biện pháp cưỡng chế kê biên, phải chịu thêm chi phí cưỡng chế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình nhưng nhiều Ngân hàng không đồng ý thỏa thuận vì cho rằng khoản nợ chủ tàu 67 còn nợ lớn hơn giá trị tài sản.
 
- Ngân hàng chưa xem xét, cơ cấu nợ cho chủ tàu
Nghị định có quy định, khi tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ngân hàng nên cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoản vay... nhưng đối với các chủ tàu không thể ra khơi do đánh bắt không hiệu quả lại không được Ngân hàng xem xét cơ cấu nợ. Đến khi chủ tàu vỡ nợ, Ngân hàng khởi kiện ra Tòa, cơ quan Thi hành án kê biên, thu hồi cả tàu và xử lý cả nhà, đất của ngư dân để bán đấu giá, thu hồi vốn vay.
 
- Một số ngân hàng không nhất trí việc thay đổi chủ tàu
Theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67 có quy định về việc cho chuyển đổi chủ tàu[4], tuy nhiên trên thực tế Ngân hàng[5] không nhất trí để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận chuyển nhượng lại các tàu (thay đổi chủ tàu) theo Nghị định số 67 và Nghị định số 17 mà yêu cầu Cơ quan thi hành án phải kê biên, xử lý con tàu để đảm bảo thi hành án. Việc này gây bức xúc với người phải thi hành án và gây nhiều khó khăn với cơ quan thi hành án trong quá trình giải quyết các vụ việc[6].
 
- Về xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp
Xuất phát từ vướng mắc tại khâu thiết kế, đóng mới và giải ngân của Ngân hàng, theo Hợp đồng tín dụng và các phụ lục Hợp đồng kèm theo thì thời hạn trả nợ được xác định là 192 tháng (16 năm); Cơ sở đóng tàu bàn giao tàu đóng mới chậm, kéo dài nên chủ tàu đã phải trả nợ gốc và lãi cho Ngân hàng khi chưa có tầu đi sản xuất; tàu đóng mới sử dụng thiết kế mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi đi sản xuất trên biển tàu bị mất thăng bằng, không giữ được sự cân bằng ổn định như yêu cầu thiết kế đặt ra để đảm bảo cho hoạt động đánh bắt hải sản làm giảm hiệu quả chuyến biển (về vấn đề này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo việc tàu hoạt động kém hiệu quả là do lỗi từ khâu thiết kế). Khi chủ tàu được bàn giao tàu đi hoạt động tàu gặp trục trặc tốn nhiều chi phí bổ sung, sửa chữa. Chủ tàu đã mua bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ theo quy định nhưng trong quá trình sản xuất trên biển gặp sự cố hư hỏng nhưng không được công ty bảo hiểm bồi thường.
 
Như vậy, đây có được xem là rủi ro khách quan, bất khả kháng được áp dụng cho cơ chế xử lí rủi ro theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 67 hay không. Nếu theo cơ chế này thì các ngân hàng báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý từng trường hợp cụ thể.
 
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định số 67 ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã chỉ ra một số tồn tại và hạn chế đó là: “Cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; một số trường hợp chất lượng tầu cá vỏ thép chưa tốt, nhận thức của ngư dân về sử dụng, duy tu, bảo dưỡng tàu cá vỏ thép còn hạn chế, lạc hậu”…Đồng thời yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ như: “Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách theo Nghị định số 67; tập trung xử lí dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai; Trong phạm vi thẩm quyền, chủ động xác định các căn cứ cụ thể để làm cơ sở đánh giá việc đáp ứng tiêu chí “không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản” khi thực hiện xem xét cho phép cơ chế chuyển đổi chủ tàu.
 
Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu vỏ thép, quy định về cải hoán, chuyển đổi nghề và thực hiện kiểm tra gia hạn đúng quy định”.
 
Mặc dù, số việc phải thi hành án liên quan đến Nghị định 67 là không nhiều, nhưng số tiền phải thi hành án là rất lớn. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS, góp phần nâng cao kết quả tổ chức thi hành án, đồng thời đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả các chính sách theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan Trung ương để nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết.
 

[1] Nguyên nhân: (1) Chất lượng đóng tàu theo Nghị định số 67 chưa đáp ứng yêu cầu; (2) Nhiều trường hợp khi tiếp nhận tàu để kê biên thì tàu đã xuống cấp, nhiều hạng mục không còn hoặc đã hư hỏng, có hiện tượng ngư dân tự ý tháo dỡ, hủy hoại các trang thiết bị hàng hải, ngư lưới cụ, phụ kiện trên tàu cá, làm tàu không thể hoạt động bình thường, làm ảnh hưởng lớn tới giá trị con tàu; (3) Qua thời gian sử dụng có trường hợp tàu cá bị hư hỏng, vỏ thép rỉ sét do không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng (nhiều tàu neo đậu bến thuyền đã hơn hai năm, không hoạt động đánh bắt cá)…dẫn tới giá trị tàu giảm sút lớn so với giá trị ban đầu
[2] Ban đầu, thẩm định giá trị mỗi con tàu ở mức từ 6 - 7 tỷ đồng; đến khi đưa ra đấu giá, do không có người mua nên phải nhiều lần giảm giá xuống còn hơn 1 tỷ đồng, thiệt hại cho cả ngân hàng và người dân.
[3] Công suất này đều vượt quá giới hạn cho phép về kích thước, công suất tiêu chuẩn để được neo đậu, tránh trú tại Khu neo đậu duy nhất tại địa bàn tỉnh Quảng Bình. Mặc dù đã liên hệ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình để tìm nơi neo đậu cho các con tàu để bảo quản sau khi kê biên, tuy nhiên, công tác tìm nơi neo đậu cho tàu rất khó khăn, phức tạp.
[4] Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới những không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ
[5] Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nam Định, nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (chi nhánh tại Nam Định)
[6] Vì họ cho rằng theo Nghị định số 17 cho phép họ được quyền chuyển đổi chủ tàu trong khi đó Ngân hàng không cho phép và cho rằng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền làm căn cứ để thực hiện.