Thể chế hoá chủ trương của Đảng với các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại trong thời gian tới

16/03/2023


Thi hành án dân sự (THADS) là giai đoạn cuối cùng để bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của các bên trong bản án, quyết định của Tòa án và tổ chức khác được thi hành theo thủ tục THADS, bảo đảm thực thi công lý trên thực tế. Tính hiệu quả của công tác thi hành án cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường vốn luôn tiềm ẩn những rủi ro pháp lý.
Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến công tác THADS nói chung, thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại (KDTM) nói riêng. Về nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp và thi hành bản án, quyết định về KDTM được thể hiện trong các văn bản quan trọng như:
- Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 quy định: Phòng ngừa, giải quyết sớm, có hiệu quả các tranh chấp liên quan đến đầu tư nước ngoài”, “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi”.
Ngày 27/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW nêu trên, trong đó, Nghị quyết 58/NQ-CP đã chỉ rõ nhiệm vụRà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế phòng ngừa, giải quyết tranh chấp và thực thi phán quyết giải quyết tranh chấp”, gắn với yêu cầu “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại”.
- Năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài...”.
Nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hoàn thiện thể chế nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó hướng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp và thực thi nói riêng, ngày 13/01/2023, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ký Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với bản án, quyết định kinh doanh, thương mại giai đoạn 2023-2028”. Đây là Đề án được Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS phối hợp với các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu công phu, chất lượng, phản ánh thực trạng khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thi hành án KDTM trong thời gian qua và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với loại thi hành án này trong thời gian tới. Ngoài quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và phạm vi, Đề án đã đề xuất một loạt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây::
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về THADS, pháp luật khác có liên quan, bao gồm:
- Rà soát, đánh giá tổng thể quy định của Luật THADS, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đề xuất giải pháp hoàn thiện, trong đó đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành bản án, quyết định KDTM, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, thể chế hóa những nội dung mang tính đặc thù của thi hành án KDTM;
- Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo hướng công khai, minh bạch hóa việc bán đấu giá tài sản thi hành án; đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu cho người mua được tài sản bán đấu giá; có cơ chế giám sát, kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản bảo đảm khách quan, có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá...; nghiên cứu việc quy định cụ thể những đặc thù trong quá trình bán đấu giá tài sản THADS, thi hành án KDTM;
- Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Trọng tài thương mại về thời hiệu thi hành phán quyết trọng tài; về thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài; giải thích đối với phán quyết trọng tài,...;
- Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phá sản nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác THADS nói chung, thi hành các bản án, quyết định KDTM nói riêng;
- Nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục xử lý tài sản thi hành án là cổ phần, cổ phiếu, vốn góp (xác minh giá trị phần vốn góp, kê biên, thẩm định, bán đấu giá phần vốn góp, cổ phần, cổ phiếu...);
- Nghiên cứu, làm rõ vai trò, trách nhiệm của luật sư trong hoạt động thi hành án dân sự, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành. Nâng cao hiệu lực của hệ thống cơ quan THADS.
Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu lực của hệ thống cơ quan THADS, đề cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thi hành án KDTM; kiên quyết tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án KDTM có điều kiện thi hành; có giải pháp phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp cản trở, chống đối, chây ỳ, không chấp hành bản án KDTM, với các nội dung cụ thể sau đây:
- Hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc thi hành án KDTM có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp; các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; các tài sản đã áp dụng biện pháp bảo đảm, kê biên, phong toả;
- Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp giữa cơ quan THADS và các cơ quan có chức năng trong công tác thi hành án, trong đó: Cơ quan tài nguyên và môi trường kịp thời cung cấp thông tin xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án liên quan đến đất đai; cơ quan công an tăng cường phối hợp hiệu quả, chặt chẽ với cơ quan THADS trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là những vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, kiên quyết xử lý hình sự đối với những trường hợp cản trở, chống đối việc thi hành án, cố ý không chấp hành án theo quy định pháp luật. Nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý và chế tài áp dụng trong trường hợp các cơ quan có chức năng không phối hợp hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp trong công tác thi hành án;
- Đề cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS các cấp trong thi hành án KDTM, nhất là chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan THADS, kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm, kê biên, phong toả, xử lý tài sản trong quá trình thi hành án KDTM;
- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương để kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và đề nghị xử lý hình sự đối với những người vi phạm từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án KDTM.
- Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật trong thi hành án KDTM, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cản trở, chống đối, chây ỳ, không chấp hành bản án theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án KDTM. Kiểm soát chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản trong THADS, trong đó, tăng cường kiểm tra việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản của cơ quan THADS thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về bán đấu giá tài sản; đẩy mạnh tổ chức triển khai việc đấu giá trực tuyến tài sản thi hành án.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hệ thống THADS có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan THADS, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Ba là, công khai, minh bạch quy trình THADS, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, tham gia giám sát của tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, người dân trong việc tuân thủ pháp luật về chấp hành các bản án, quyết định KDTM, với các nội dung sau đây:
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu THADS, trong đó chú trọng dữ liệu về công tác thi hành án KDTM, cụ thể: hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu điện tử THADS và KDTM; tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyên môn xây dựng, vận hành quản lý cơ sở dữ liệu về THADS, thi hành án KDTM;
- Nghiên cứu cơ chế phối hợp, trao đổi, tích hợp, đồng bộ hóa giữa cơ sở dữ liệu THADS nói chung với cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập, tài khoản… của doanh nghiệp, người phải thi hành án đang được lưu giữ tại các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về công chứng, bảo hiểm xã hội, đăng ký đất đai, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký doanh nghiệp,...) để việc tra cứu, khai thác thông tin được dễ dàng, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên trong việc xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế khi tổ chức thi hành các bản án, quyết định KDTM.
- Minh bạch, công khai các bước thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án như: kết quả xác minh điều kiện thi hành án, kết quả lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản, kết quả lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản; thực hiện nghiêm việc đăng tải công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; nghiên cứu cơ chế công khai danh sách các vụ việc chưa có điều kiện thi hành án đã chuyển sổ theo dõi riêng;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ quan ban ngành trong hệ thống chính trị xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác THADS; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ pháp luật, chấp hành các bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền; tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về thi hành các bản án, quyết định KDTM dành cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đội ngũ luật sư... nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS nói chung, công tác thi hành án KDTM nói riêng.
Hy vọng rằng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêut trên sẽ sớm được thực hiện đúng kế hoạch, có chất lượng nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS nói chung, thi hành bản án, quyết định KDTM nói riêng đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới./.
 
Tác giả: TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Học viện Toà án, Toà án nhân dân tối cao