Về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ trong hệ thống Thi hành án dân sự

07/08/2023


Ngày 29/3/2022, Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025. Nghị quyết ban hành nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác công nghệ thông tin: Cơ bản hoàn thành việc xây dựng Chính phủ điện tử theo Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Tư pháp Phiên bản 2.0, từng bước thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính phủ số trong Bộ, ngành Tư pháp. Qua đó, ngày 31/8/2022, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1793/QĐ-BTP kem theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1793/QĐ-BTP, thời gian vừa qua, Tổng cục THADS đã và đang tích cực triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu.
          I. Kết quả đạt được
          1. Nâng cao nhận thức của các đơn vị, tổ chức thuộc Tổng cục về vai trò, tầm quan trọng của công tác công nghệ thông tin
- Tổng cục THADS đã tổ chức, quán triệt, phổ biến các quy định, kế hoạch, văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác công nghệ thông tin thông qua các buổi họp giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết, sinh hoạt chi bộ, tin bài trên Cổng/trang TTĐT…
- Lồng ghép các nhiệm vụ về công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào Kế hoạch công tác năm của Tổng cục, kế hoạch công tác năm của đơn vị chuyên môn, xây dựng Kế hoạch cụ thể liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
          2. Phát triển hạ tầng kỹ thật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin
Bảo đảm các trang thiết bị, cơ sở vật chất và tập huấn, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị phục vụ việc soạn thảo, lưu trữ, bảo quản tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cho các đơn vị thuộc Tổng cục và đội ngũ công chức, viên chức thuộc Tổng cục.
    3. Xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
3.1.Về hệ thống thông tin
Hiện tại Tổng cục THADS đã triển khai các phần mềm trong hệ thống THADS như:
- Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS, hiện nay trên hệ thống đã cấp hơn 7.000 tài khoản; Tổng số hồ sơ thi hành án trên hệ thống là trên 3,2 triệu hồ sơ thi hành án được cập nhật, xử lý; hơn 1,5TB file đính kèm cho các hồ sơ thi hành án dân sự;
- Phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, hiện nay đã cấp hơn 1.150 tài khoản người dùng và hơn 2,1 nghìn hồ sơ về thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên hệ thống;
- Phần mềm Hỗ trợ trực tuyến THADS, hiện nay đã cấp hơn 1.789 tài khoản người dùng, đã tiếp nhận được 434 hồ sơ và trả kết quả cho 47 hồ sơ hợp lệ;
- Phần mềm Quản lý công chức THADS, được triển khai đồng bộ đến 63/63 Cục THADS địa phương, đến nay việc cập nhật dữ liệu công chức lên phần mềm là hơn 10.194 hồ sơ công chức;
- Phần mềm Quản lý văn bản điều hành, toàn bộ văn bản đi, đến được nhập, xử lý và luân chuyển trên Hệ thống quản lý văn bản; 100% văn bản ký số được phát hành thông qua phần mềm kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia;
- Triển khai thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục THADS đã ban Kế hoạch tổng thể triển khai dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến 10/8/2023 tiếp tục mở rộng thí điểm tại 05 tỉnh, thành phố ( dự kiến từ ngày 10/8/2023 đến ngày 10/10/2023) trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ vận hành chính thức chậm nhất vào tháng 12/2023;
- Cổng/Trang thông tin điện tử THADS, hiện tại Cổng/Trang thông tin điện tử THADS thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động THADS.
3.2. Về cơ sở dữ liệu THADS
Cơ sở dữ liệu thi hành án dân sự hiện nay đang được thực hiện, quản lý bởi nhiều phần mềm khác nhau, chính vì vậy, việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn ngay ở trong hệ thống cơ quan THADS. Việc chưa kết nối, chia sẻ được cơ sở dữ liệu trong THADS sẽ là vướng mắc lớn khi thực hiện nâng cấp các dịch vụ công lên cấp độ 3, 4. 
Để thực hiện được nội dung này Tổng cục THADS cần nâng cấp, chỉnh sửa các phần mềm trong cơ quan THADS hiện nay đảm bảo phù hợp có thể tích hợp, kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên thực tế việc nâng cấp, chỉnh sửa các phần mềm THADS hiện nay đòi hỏi cần có thời gian và kinh phí để triển khai.
Tổng cục THADS sẽ tiếp tục phối hợp với Cục CNTT để nâng cấp các phần mềm trong THADS và tạo lập dữ liệu điện tử trên các phần mềm. Về lâu dài, sau khi có Quy hoạch tổng thể chuyển đổi số và UDCNTT Tổng cục nghiên cứu, nâng cấp toàn diện đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động THADS và tạo lập Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất, toàn diện.
4. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản về công tác công nghệ thông tin
Qua rà soát, hiện nay, Tổng cục THADS đang triển khai thực hiện thực hiện các văn bản sau:
         - 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt danh sách dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng DVCQG năm 2022; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
         - 03 Đề án, Kế hoạch của Bộ Tư pháp: Đề án UDCNTT, thực hiện chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Hệ thống THADS giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 639/QĐ-BTP ngày 27/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch UDCNTT, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Kế hoạch Chuyển đổi số Ngành Tư pháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm Quyết định số 983/QĐ-BTP ngày 10/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
         5. Kiện toàn tổ chức và bố trí nguồn nhân lực làm công tác ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường phối hợp trong công tác công nghệ thông tin
         - Hiện tại, Tổng cục THADS không có kỹ sư chuyên ngành CNTT để thực hiện nhiệm vụ chuyên trách liên quan đến công tác này. Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng vị trí việc làm và đưa vào Đề án biên chế tổng thể của Hệ thống THADS.
- Tăng cường phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, cụ thể:
    + Việc phối hợp giữa Tổng cục THADS và Cục CNTT – Bộ Tư pháp đã và đang được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Đề nghị Cục CNTT phối hợp với Tổng cục THADS trong việc nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Ứng dụng công nghệ thông tin; Đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các chuẩn an toàn thông tin, chuẩn kết nối để tích hợp, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu THADS, THAHC với các CSDL chuyên ngành khác theo quy định.
    + Phối hợp với Vụ Tổng hợp - Tòa án nhân dân tối cao, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan hoàn thiện việc xây dựng dịch vụ tư pháp công thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
    + Phối hợp với Tập đoàn Viettel khảo sát, phân tích hiện trạng UDCNTT, qua đó đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số có thể triển khai nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống THADS.
     6. Tồn tại, hạn chế
Các nhiệm vụ UDCNTT mặc dù cơ bản đã được triển khai theo kế hoạch, nhưng việc triển khai một số nhiệm vụ chưa theo kịp tình hình để phù hợp với các quy định của pháp luật, chưa kịp thời được bổ sung, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu mới trong công tác THADS, THAHC. Cụ thể:
- Việc xây dựng đội ngũ công chức làm công tác UDCNTT trong Hệ thống THADS chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng;
- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT chưa được đầu tư kịp thời (đường truyền tốc độ chậm, dung lượng thấp; trang thiết bị, công nghệ cũ, cấu hình kỹ thuật chưa bảo đảm, nhưng chưa được kịp thời nâng cấp) nên gây nhiều khó khăn cho việc cập nhật dữ liệu, vận hành các phần mềm nghiệp vụ và xây dựng CSDL điện tử về THADS, THAHC;
- Các phần mềm nghiệp vụ chưa được kịp thời đầu tư nâng cấp, cập nhật, bổ sung những tính năng mới để phù hợp với sự thay đổi của pháp luật; việc khai thác dữ liệu trên các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ đang có chưa hiệu quả; khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp, cập nhật dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu (thường chậm và bị hạn chế về dung lượng);
- Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu THADS, THAHC tập trung, thống nhất phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động THADS, THAHC;
- Cổng/Trang TTĐT nội dung chưa thực sự phong phú, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu truyền tải những thông tin nóng của Hệ thống THADS, của Ngành Tư pháp; giao diện chưa hài hòa, thân thiện, chưa được kịp thời đầu tư nâng cấp;
- Các phần mềm trực tiếp phục vụ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp như: gửi, nhận văn bản điện tử THADS; thu, chi tiền THADS; cung cấp thông tin THADS, THAHC chưa được đầu tư xây dựng, triển khai đồng bộ.
7.  Nguyên nhân của hạn chế
7.1. Nguyên nhân chủ quan
- Một số công chức, trong đó có cả một số công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của UDCNTT, kể cả ở Tổng cục và các cơ quan THADS địa phương. Lãnh đạo các cơ quan THADS, đặc biệt là ở cấp tỉnh, cấp huyện chưa thực sự quan tâm, gương mẫu trong việc sử dụng, khai thác các tiện ích trên các phần mềm đang được vận hành trong Hệ thống THADS. Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ UDCNTT, vẫn còn công chức ý thức trách nhiệm chưa cao, chưa thực sự chủ động, đeo bám công việc quyết liệt, kể cả công chức lãnh đạo, quản lý. 
- Tại Tổng cục THADS chưa được bố trí công chức có trình độ chuyên môn về CNTT và chuyển đổi số (kĩ sư, chuyên gia về CNTT…) để làm đầu mối hướng dẫn, chỉ đạo về nghiên cứu UDCNTT và chuyển đổi số.
Việc kiện toàn, sắp sếp, ổn định tổ chức và tuyển dụng người làm công tác UDCNTT tại Tổng cục chậm, kéo dài (từ năm 2019 đến nay) gây khó khăn cho việc nghiên cứu, tham mưu cho các cấp lãnh đạo xây dựng các giải pháp tăng cường UDCNTT, chuyển đổi số trong THADS, THAHC. Đây là nguyên nhân sâu xa, quan trọng nhất dẫn đến tình trạng hiện nay.
- Kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng ứng dụng CNTT của nhiều công chức THADS còn hạn chế, nhất là tại các Chi cục THADS; chưa có chính sách khuyến khích, đãi ngộ nên chưa thu hút được nguồn nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn cao vào làm việc tại Tổng cục THADS và các cơ quan THADS địa phương.
7.2. Nguyên nhân khách quan
- Cơ chế để phục vụ UDCNTT và chuyển đổi số chưa phù hợp, chưa có sự phân cấp rõ ràng, vẫn có sự chồng chéo giữa Cục CNTT Bộ Tư pháp với Tổng cục THADS; Cơ sở hạ tầng CNTT không đảm bảo, không đáp ứng được nhu cầu lưu trữ dữ liệu và vận hành các phần mềm ứng dụng hiện có trong THADS.
- Chưa có quy hoạch tổng thể về hệ thống thông tin THADS, như: xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT; xây dựng, tạo lập CSDL điện tử THADS, THAHC. Việc nghiên cứu sửa chữa, nâng cấp các phần mềm chuyên môn nghiệp vụ và chuyển đổi số trong THADS, THAHC còn chậm chưa có giải pháp để kịp thời bố trí nhân lực, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ UDCNTT và chuyển đổi số.
- Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT trong Hệ thống THADS chưa được thực hiện đồng bộ, hệ thống máy chủ của Bộ chưa đảm bảo dung lượng; đường truyền internet tại một số cơ quan THADS địa phương chưa đảm bảo, tốc độ đường truyền chậm, không ổn định; công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở các cơ quan THADS địa phương chưa được chú trọng; trang thiết bị tin học cũ, nhiều nơi cấu hình kỹ thuật chưa bảo đảm.
- Khối lượng các nhiệm vụ nhiều trong khi nguồn lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến UDCNTT, chuyển đổi số tại Tổng cục THADS hạn chế, nên một số nhiệm vụ chưa được kịp thời so với tiến độ theo kế hoạch.
II. Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ UDCNTT được giao tại Kế hoạch, Tổng cục THADS đề ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia trực tiếp, vai trò của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương trong việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ THADS.
- Tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan THADS về vai trò và tiện ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin.
- Phát triển hạ tầng số, nền tảng số: Nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng thuê dịch vụ, mạng - truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống phần mềm dùng chung, dịch vụ số hóa dữ liệu. Lựa chọn, áp dụng các hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung; các địa phương khẩn trương số hóa dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, họp không giấy, ký số,....
- Kiện toàn tổ chức, biên chế làm công tác UDCNTT, bổ sung cán bộ ứng dụng công nghệ thông tin tại Tổng cục và bố trí đủ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của Hệ thống THADS.
- Đầu tư đồng bộ cho phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu và đào tạo sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, phí điều hòa thi hành án dân sự được để lại theo quy định.
- Kinh phí của các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống THADS là kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hàng năm, Tổng cục THADS sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan dự toán kinh phí cụ thể cho từng nhiệm vụ để trình cấp có thẩm quyền bố trí đủ kinh phí cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống THADS.
III. Đề xuất, kiến nghị
Để thực hiện các giải pháp đã đề ra, Tổng cục THADS đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:
- Giao Tổng cục nghiên cứu, thuê các đơn tổ chức có chức năng, đủ khả năng, đáp ứng các yêu cầu về pháp lý, kỹ thuật giúp Tổng cục THADS thực hiện các nhiệm vụ sau:
+ Xây dựng quy hoạch tổng thể chuyển đổi số và UDCNTT trong THADS, THAHC;
+ Tư vấn xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai các công việc liên quan đến chuyển đổi số và UDCNTT trong THADS, THAHC;
+ Phối hợp với Cục CNTT, Cục Kế hoạch – Tài chính của Bộ Tư pháp nghiên cứu, triển khai thuê trung tâm dữ liệu, đường truyền và dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử THADS, THAHC và các phần mềm chuyên môn nghiệp vụ THADS, THAHC và cầu truyền hình trực tuyến;
+ Thuê kênh truyền và trung tâm dữ liệu để lưu trữ dữ liệu THADS, THAHC, vận hành cầu truyền hình trực tuyến và vận hành các phần mềm chuyên môn, nghiệp vụ trong THADS.
- Đề nghị giao Cục CNTT phối hợp Tổng cục THADS trong việc nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ nêu trên; Đảm báo các yêu cầu kỹ thuật, các chuẩn an toàn thông tin, chuẩn kết nối để tích hợp, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu THADS, THAHC với các CSDL chuyên ngành khác theo quy định.
- Giao Cục Kế hoạch – Tài chính Bộ Tư pháp phối hợp với Tổng cục THADS nghiên cứu cơ sở pháp lý; bố trí nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và UDCNTT trong THADS.
- Đề nghị Lãnh đạo Bộ làm việc với Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và Viettel để đề nghị hỗ trợ Tổng cục THADS về một số nội dung liên quan đến công tác UDCNTT trong hệ thống THADS.