Một số vướng mắc, bất cập của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 trong hoạt động THADS

18/08/2023


Thứ nhất, về quyền yêu cầu Tòa án của cơ quan THADS: Theo quy định của pháp luật về THADS thì Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật[1]. Tuy nhiên, Tòa thường hay từ chối yêu cầu này của cơ quan THADS vì cho rằng yêu cầu của cơ quan THADS không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 27 BLTTDS 2015. Do đó, để thống nhất quy định đảm bảo việc thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật được nghiêm minh, cần bổ sung quy định rõ hơn yêu cầu của cơ quan THADS thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Thứ hai, quy định về việc xem xét thẩm định tại chỗ khi bản án, quyết định tuyên xử lý tài sản bảo đảm: Quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS vướng mắc khi xử lý tài sản là quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án tuyên kê biên nhưng kết quả xác minh thực tế thì diện tích đất thay đổi (tăng hoặc giảm) không đúng với giấy chứng nhận mà Tòa đã tuyên. Do đó, quá trình giải quyết cơ quan THADS phải tổ chức cho các bên đương sự thỏa thuận, yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp tìm biện pháp giải quyết, việc này dẫn đến tâm lý bức xúc của các bên đương sự dẫn đến khiếu nại, tố cáo gay gắt, việc thi hành án kéo dài. Do đó, đề xuất sủa đổi, bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp khi Tòa tuyên kê biên, xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án thì thuộc trường hợp cần thiết phải xem xét thẩm định tại chỗ (Điều 101 BLTTDS 2015).
Thứ ba, về chi phí phát sinh trong hoạt động THADS khi thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án: Khoản 2 Điều 48 và khoản 1 Điều 49 Luật THADS quy định cơ quan THADS hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị hoặc thông báo về việc tạm đình chỉ khi nhận được quyết định tạm đình chỉ của người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại Điều 332 BLTTDS, trong trường hợp này cơ quan THADS phải dừng thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, trong đó có những thủ tục phát sinh chi phí[2]. Tuy nhiên, sau đó nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền hoặc quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm tuyên giữ nguyên bản án, quyết định thì cơ quan THADS phải tiếp tục tổ chức thi hành bản án, quyết định ban đầu. Việc này phát sinh vướng mắc trong hoạt động THADS là một số thủ tục phải thực hiện lại, phát sinh chi phí mà không phải lỗi của nguyên đơn hay bị đơn, cơ quan THADS không xác định được người phải chịu chi phí trong trường hợp này là ai. Do đó, cần có quy định bổ sung, hướng dẫn cụ thể trong trường hợp cơ quan THADS hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền mà hậu quả phát sinh đương sự phải chịu chi phí thì cơ chế giải quyết như thế nào hoặc Ngân sách nhà nước phải chi trả.
Thứ tư, về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS quy định Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật, phải tuân theo thời hạn tại Điều 334 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, có nhiều bản án, quyết định khi cơ quan THADS phát hiện có một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì đã quá thời hạn kháng nghị bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân người được thi hành án làm đơn yêu cầu sau 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật[3].
Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và bảo đảm tính ổn định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, cần bổ sung quy định cơ chế mở đối với trường hợp Thủ trưởng cơ quan THADS phát hiện có một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 326 BLTTDS năm 2015 và bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của nhà nước thì không áp dụng thời hạn theo quy định tại Điều 334 BLTTDS 2015.
Thứ năm, liên quan đến việc cơ quan THADS tham gia tố tụng, khoản 1 Điều 362 BLTTDS 2015 quy định:
 “1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.
Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.”
Có thể nói việc bổ sung quy định này vào BLTTDS 2015 đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc của cơ quan THADS trong thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, quy định Chấp hành viên là đương sự có quyền và nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 70, Điều 73 BLTTDS 2015 là chưa phù hợp, bởi vì: thi hành án cũng là một khâu trong quá trình tố tụng, Chấp hành viên đang thực thi nhiệm vụ nhằm bảo đảm bản án, quyết định của Tòa án được thi hành trên thực tế. Ngoài ra, khi cơ quan THADS yêu cầu việc dân sự thì hiện nay Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định không phải nộp án phí[4] nhưng vẫn phải đóng các khoản phí thẩm định tại chỗ là chưa phù hợp.
Do đó, đề xuất nghiên cứu bổ sung khi Chấp hành viên cơ quan THADS tham gia hoạt động tố tụng với tư cách của cơ quan thực thi pháp luật thì có quy định đặc thù riêng và không phải chịu các khoản chi phí liên quan.
Thứ sáu, đối với những bản án, quyết định được thi hành: Điều 482 BLTTDS 2015 quy định những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành, pháp luật về THADS cũng đã quy định cụ thể tại Điều 2 Luật THADS 2014. Liên quan đến quy định này, Điều 35 Luật số 58/2020/QH14 về hòa giải đối thoại tại Tòa[5] quy định Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Do đó, để thống nhất áp dụng, tránh chồng chéo quy định của pháp luật có liên quan, nội dung này trong BLTTDS 2015 cần được bổ dung, hướng dẫn rõ ràng hơn.
Thứ bảy, về giải thích, sửa chữa bản án, quyết định của Tòa án: Điều 179 Luật THADS 2014 mới quy định về thời hạn Tòa có trách nhiệm ban hành văn bản giải thích nội dung bản án, quyết định[6]. Thực tế trong hoạt động thi hành án dân sự, khi cơ quan THADS yêu cầu Tòa giải thích bản án, quyết định thì xảy ra hai trường hợp, cụ thể là:
- Nhận được văn bản giải thích, đính chính của Tòa án nhưng quá chậm hoặc nội dung giải thích chưa rõ dẫn đến việc thi hành án kéo dài hoặc cơ quan THADS không tổ chức thi hành án được trên thực tế.
- Có nhiều trường hợp cơ quan THADS đã có văn bản yêu cầu nhưng Tòa án nơi ban hành bản án, quyết định không giải thích cũng không nêu rõ lý do.
Liên quan đến quy định này, Điều 486 BLTTDS 2015 quy định trách nhiệm giải thích bản án, quyết định của Tòa  nhưng chưa quy định về thời hạn thực hiện việc giải thích, sửa chữa.
Do đó, để bảo đảm bản án, quyết định của Tòa sau khi được ban hành, có hiệu lực pháp luật được thi hành trên thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án, tổ chức thi hành đúng bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định, đề xuất:  Bổ sung quy định thời hạn Tòa án giải thích, sửa chữa bản án, quyết định khi nhận được yêu cầu của đương sự, cơ quan THADS, nếu quá thời hạn mà Tòa chưa giải thích thì cần quy định trách nhiệm của Tòa trong việc chậm trễ này.
Đối với các văn bản giải thích chưa rõ, cơ quan THADS vẫn không thể tổ chức thi hành án trên thực tế thì cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định trong trường hợp này cơ quan THADS được quyền ban hành văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
Thứ tám, về thời hạn trả lời kiến nghị của Tòa án khi nhận được văn bản của cơ quan THADS: Điểm b khoản 2 Điều 170 Luật THADS quy định thời hạn Tòa phải trả lời kiến nghị của cơ quan THADS trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định trong trường hợp này cơ quan THADS sẽ hoãn thi hành án trong thời hạn chờ kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Điều 487 BLTTDS 2015 xác định thời hạn trả lời là 03 tháng kể từ ngày nhận được kiến nghị; trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 04 tháng kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị nhưng lại chưa có hướng dẫn như thế nào là vụ việc phức tạp. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại sai phạm nên nhiều cơ quan THADS sau khi hết thời hạn 90 ngày theo quy định của Luật THADS nhưng chưa ra quyết định tiếp tục thi hành án mà chờ hết 04 tháng mới tiếp tục tổ chức thi hành án. Do đó, để pháp luật được áp dụng thống nhất, tránh tùy tiện kéo dài việc thi hành án làm phát sinh khiếu nại, tố cáo của đương sự thì nội dung này trong BLTTDS 2015 cần được hướng dẫn rõ ràng hơn. Theo đó, có thể quy định trách nhiệm của Tòa án khi xác định vụ việc có tính chất phức tạp thì có văn bản thông báo cho cơ quan THADS đã thực hiện việc kiến nghị để biết và áp dụng đúng quy định của pháp luật chuyên ngành.
                                                            Đậu Thị Hiền - Vụ Nghiệp vụ 1
 

[1] Khoản 3 Điều 69 quy định: “trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có quyền yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản theo quy định của pháp luật”.
[2] Đã thẩm định giá nhưng chứng thư hết hạn phải thẩm định giá lại; phải thực hiện lại thủ tục bán đấu giá, hoặc lên kể hoạch giao tài sản bán đấu giá thành.
[3] Điều 30 Luật THADS quy định thời hạn yêu cầu thi hành án là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, có nhiều vụ việc đương sự làm đơn yêu cầu muộn nên khi phát hiện bản án, quyết định của Tòa có căn cứ kháng nghị thì thời hạn kháng nghị đã hết.
 
[4] Khoản 4 điều 11 Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết các việc quy định tại khoản 1 Điều 74; khoản 1 và khoản 2 Điều 75 của Luật thi hành án dân sự thì không phải nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án; không phải chịu án phí, lệ phí Tòa án
[5]Điều 35. Hiệu lực của quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
1. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
2. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”
[6] Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn này là không quá 30 ngày.