Nghị định số 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự được ban hành ngày 18/7/2015 và có hiệu lực từ ngày 01/9/2015. Nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định, ngày 17/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Đây là văn bản quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục thi hành án và khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác THADS: về trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án; thời hiệu yêu cầu thi hành án; thỏa thuận thi hành án; ra quyết định; xác minh điều kiện; thông báo; áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế; ủy thác; việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án; kê biên tài sản; bán đấu giá và xử lý kết quả bán đấu giá tài sản; thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản; tương trợ tư pháp về dân sự; việc xuất cảnh của người phải thi hành án… Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật về THADS trên phạm vi toàn quốc.
Tôi thấy rằng có một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án cần tháo gỡ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định, cụ thể:
1. Về xử lý đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản hình thành trong tương lai, cổ phần, cổ phiếu, vốn góp
* Nội dung vướng mắc
Luật THADS và Nghị định đều chưa có quy định về trình tự, thủ tục kê biên, xử lý đối với loại tài sản đặc thù là tài sản hình thành trong tương lai; cổ phần, cổ phiếu, vốn góp…
* Đề xuất phương án
Phương án 1: Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý đối với từng loại tài sản trên. Ví dụ: Thời gian vừa qua, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để thống nhất hướng dẫn liên quan đến một số loại tài sản đặc thù này, cụ thể đối với việc xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu; cổ phần có giá trị âm…, Tổng cục THADS đã tổ chức họp liên ngành Trung ương và thống nhất hướng xử lý tại Công văn số 372/TCTHADS-NV2 ngày 28/01/2022. Theo đó, việc xử lý được thực hiện như sau:
Đối với chứng khoán đã được niêm yết hoặc đã được đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán: Căn cứ các quy định pháp luật chứng khoán, cơ quan THADS bán trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo phương thức khớp lệnh với mức giá nằm trong biên độ giá giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán tại ngày thực hiện giao dịch. Cơ quan THADS không phải thực hiện thủ tục thẩm định giá khi bán chứng khoán theo phương thức này (Các thủ tục xử lý chứng khoán các cơ quan THADS tham khảo thêm tại Công văn số 7917/UBCK-PTTT ngày 30/11/2021 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).
-
Đối với chứng khoán chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán: Cơ quan THADS áp dụng biện pháp cưỡng chế, thẩm định giá và bán đấu giá theo quy định của pháp luật về THADS.
Đối với tài sản hình thành trong tương lai, Tổng cục đã phối hợp hướng dẫn, giải quyết đối với các vụ việc cụ thể (xử lý các dự án thế chấp tại các tổ chức tín dụng). Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để bổ sung cụ thể các quy định về xử lý các tài sản đặc thù này trong Nghị định.
Đối với nội dung này, từ thực tiễn xử lý tài sản trên địa bàn, đề nghị các cơ quan THADS đề xuất phương án cụ thể.
Phương án 2: Quy định theo hướng dẫn chiếu việc xử lý các tài sản này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (về cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai).
2. Về việc xác định sự kiện bất khả kháng (khoản 3 Điều 4)
* Nội dung vướng mắc
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định chưa có quy định về việc xác định “sự kiện bất khả kháng” do “dịch bệnh” (ví dụ như tình hình dịch bệnh Covid 19 trong thời gian vừa qua). Dẫn đến nhiều cơ quan thi hành án, cá nhân, tổ chức lúng túng trong việc thực hiện quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án.
* Đề xuất phương án
Bổ sung
“do việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được Chính phủ công bố dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn” là một trong những trường hợp được xác định là trở ngại khách quan dẫn đến đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
3. Về việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong xác minh điều kiện thi hành án
Để đảm bảo tính đồng bộ trong việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sau khi cơ sở dữ liệu THADS được đồng bộ hóa, cần nghiên cứu có quy định về các biện pháp xác minh thông qua cơ sở dữ liệu điện tử và quyền truy cập đối với các nguồn cơ sở dữ liệu khác của Chấp hành viên/ cơ quan THADS trong việc xác minh điều kiện thi hành án.
4. Về các trường hợp có tranh chấp nhưng không hoãn thi hành án (khoản 2 Điều 14)
* Nội dung vướng mắc
Điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp “tài sản để thi hành án đã được Tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và 75 của Luật này”. Đây là quy định nhằm đảm bảo Chấp hành viên xử lý đúng tài sản của người phải thi hành án và hạn chế các hậu quả có thể xảy ra khi “xử lý nhầm” tài sản của người khác. Do đó, cần làm rõ quy định này và xác định 02 trường hợp “có tranh chấp nhưng không hoãn thi hành án”, cụ thể:
Thứ nhất, đối với các tranh chấp không phải tranh chấp về quyền sở hữu tài sản (ví dụ như tranh chấp tiền thuê tài sản; tiền công bảo quản, xây dựng, tu bổ tài sản…) thì không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án nên về nguyên tắc không ảnh hưởng đến việc xử lý tài sản.
Về nguyên tắc, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, trước khi kê biên tài sản, Chấp hành viên có trách nhiệm xác minh, làm rõ và chỉ kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án khi có căn cứ xác định tài sản sẽ kê biên là của người phải thi hành án. Vì vậy, “tranh chấp” trong 2 trường hợp trên được hiểu là tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu tài sản (quyền chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt theo quy định của Bộ luật Dân sự). Các tranh chấp không liên quan đến quyền sở hữu tài sản thì không có căn cứ để hoãn thi hành án.
Thứ hai, trường hợp xử lý tài sản bảo đảm đã được tuyên rõ trong bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật. Lý do:
Theo quy định của Hiến pháp thì “
Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Do đó, trừ trường hợp nội dung “xử lý tài sản bảo đảm” bị hủy, sửa theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì về nguyên tắc, nội dung này phải được tổ chức thi hành. Trường hợp có bản án, quyết định khác của Tòa án tuyên/xác định lại quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm – mà nội dung này đã được tuyên xử lý trong bản án trước đó thì nội dung này phải được Tòa án giải quyết.
* Đề xuất phương án
Bổ sung quy định không ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm d Điều 48 Luật THADS đối với trường hợp tranh chấp không phải tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và trường hợp xử lý tài sản bảo đảm đã được tuyên rõ trong bản án, quyết định đang có hiệu lực pháp luật.
5. Về hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và lãi tiền gửi
5.1. Về hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
* Nội dung vướng mắc
Nghị định mới chỉ có quy định tại đoạn 3 khoản 4 về “trường hợp đến hạn theo hợp đồng bán đấu giá tài sản mà không giao được tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá thì người này có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng”. Tuy nhiên, chưa có quy định về việc hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá trong trường hợp người mua được tài sản không nộp đủ tiền, đúng thời hạn. Trong khi đó, khoản 3 Điều 27 đã quy định rõ: “Người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành
và không được gia hạn thêm”.
* Đề xuất phương án
Quy định rõ “
Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không nộp tiền mua tài sản đúng thời hạn theo quy định thì hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị hủy bỏ”.
5.2. Về việc xác định tiền lãi tiền gửi phát sinh nếu hết thời hạn 60 ngày mà cơ quan THADS chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá theo quy định tại khoản 4 Điều 27
* Nội dung vướng mắc:
Khoản 3 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ nộp tiền của người mua được tài sản bán đấu giá và thời hạn cơ quan THADS phải tổ chức giao tài sản, cụ thể:
“Trong thời hạn không quá 30 ngày, trường hợp khó khăn, phức tạp thì không quá 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức việc giao tài sản cho người mua được tài sản, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng”.
Khoản 4 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định về cách thức xử lý khoản tiền lãi của số tiền bán đấu giá thành trong trường hợp chưa giao được tài sản và không giao được tài sản cụ thể:
“…Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác”.
Hiện nay, có hai cách hiểu khác nhau về chủ thể được hưởng khoản tiền lãi từ số tiền người mua trúng đấu giá nộp, cụ thể:
Ý kiến thứ nhất: Không giao được tài sản là trường hợp kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản bị cơ quan có thẩm quyền hủy hoặc thỏa thuận hủy theo quy định của pháp luật và trong trường hợp đó phần lãi đối với khoản tiền gửi thuộc về người mua trúng đấu giá. Trong trường hợp chậm giao tài sản cho người mua trúng đấu giá (từ ngày thứ 61 đến thời điểm giao được tài sản), thì phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án (người phải thi hành án vẫn phải chịu lãi suất chậm thi hành án).
Ý kiến thứ hai: Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người mua được tài sản nộp đủ tiền mà không có sự kiện bất khả kháng thì cơ quan THADS phải có trách nhiệm giao tài sản cho người mua. Trong khoảng thời gian này thì khoản lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đấu giá được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án. Từ ngày thứ 61 trở đi, kể từ ngày người mua tài sản nộp đủ tiền đến thời điểm giao được tài sản thì chia làm hai trường hợp:
(i) Trường hợp 1: Xác định việc chậm giao tài sản thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đấu giá được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án;
(ii) Trường hợp 2: Xác định việc chậm giao tài sản không thuộc trường hợp bất khả kháng, có lỗi của người phải thi hành án, người có tài sản bị xử lý mà cơ quan THADS phải áp dụng biện pháp cưỡng chế giao tài sản thì khoản lãi tiền gửi ngân hàng phát sinh từ khoản tiền mua tài sản đấu giá thuộc về người mua tài sản.
Đề xuất phương án:
Cách hiểu thứ nhất là phù hợp vì trên cơ sở quy định tại Điều 109, khoản 1 Điều 161, khoản 3 Điều 221, 224 BLDS năm 2015: khi người mua trúng đấu giá nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS, thì người mua trúng đấu giá không còn quyền sở hữu đối với khoản tiền đó. Lúc này, số tiền đã nộp thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Mọi hoa lợi, lợi tức (tiền lãi) phát sinh từ số tiền này đều thuộc về người có tài sản bán đấu giá.
Trường hợp chậm giao tài sản (
vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do người phải thi hành án chống đối), nếu người mua trúng đấu giá yêu cầu bồi thường thiệt hại và chứng minh được thiệt hại của việc chậm được nhận tài sản mua trúng đấu giá thì người có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định buộc cơ quan thi hành án bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, mà không phụ thuộc vào khoản tiền lãi của số tiền người mua trúng đấu giá đã nộp nêu trên. Trường hợp quá thời hạn 30 ngày đối với vụ việc đơn giản, 60 ngày đối với vụ việc phức tạp (quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP), người mua trúng đấu giá có quyền khởi kiện hoặc thỏa thuận hủy kết quả bán đấu giá theo quy định tại Điều 102 Luật THADS, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản; hệ quả pháp lý là hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và bồi thường thiệt hại, tức là phải trả cho người mua trúng đấu giá số tiền gốc và lãi phát sinh.
Do đó, sẽ sửa nghị định 62/2015/NĐ-CP theo hướng quy định rõ về trường hợp “không giao được tài sản”, cụ thể:
“4. Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá.
Trong thời gian chưa giao được tài sản, cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản, phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án; trường hợp không giao được tài sản
do kết quả bán đấu giá hoặc hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị hủy thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác.
6. Về việc xử lý khoản tiền đặt trước theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định
a) Trường hợp người mua trúng đấu giá từ chối mua tài sản hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản nào
* Nội dung vướng mắc
Tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định:
“Trường hợp sau khi phiên đấu giá kết thúc mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản nào thì sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được sử dụng để thanh toán lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án và các chi phí cần thiết khác.”. Quy định này phù hợp với quy định
Khoản 8 Điều 12 Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định:
8. Khoản tiền đặt trước mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua sau khi phiên đấu giá kết thúc hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau đây: a) Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước; b) Ứng chi phí bồi thường Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước; c) Bảo đảm tài chính để thi hành án; d) Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Quy định trong Nghị định về tiền “lãi suất chậm thi hành án” chưa rõ, dễ bị hiểu lầm là lãi suất chậm thi hành án của cả vụ việc thi hành án (về nguyên tắc người phải thi hành án sẽ phải chịu số tiền này). Đồng thời, quy định trên chưa rõ phạm vi áp dụng đối với “vụ việc đã phát sinh khoản tiền đặt trước” hay cả những vụ việc khác do cơ quan THADS tổ chức thi hành.
* Đề xuất phương án
Khoản tiền đặt trước quy định tại đoạn 1 khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản lãi suất chậm thi hành án, tạm ứng chi phí bồi thường Nhà nước, bảo đảm tài chính để thi hành án
của các vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường Nhà nước do cơ quan thi hành án dân sự đó tổ chức thi hành[1].
b) Trường hợp người mua trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán tài sản
* Nội dung vướng mắc
Khoản 5 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: Trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “
2... nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc...”.
Như vậy, số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc và thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định: Nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS bao gồm:…khoản tiền đặt trước của người từ chối mua tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và quy định tại khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị.
Theo quy định tại đoạn 2 khoản 5 Điều 27 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì: “
Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá không thực hiện đầy đủ hoặc không đúng hạn nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng thì tiền thanh toán mua tài sản đấu giá được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá và quy định của pháp luật về hợp đồng mua bán tài sản”. Quy định về việc xử lý số tiền trên theo thỏa thuận trong hợp đồng sẽ gây khó khăn và không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan THADS.
* Đề xuất phương án
Đối với số tiền đặt trước: Theo quy định tại khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì số tiền đặt trước được chuyển thành tiền đặt cọc và thuộc về người có tài sản bán đấu giá. Người có tài sản bán đấu giá là cơ quan THADS và số tiền đặt trước trong trường hợp này sau khi trừ các khoản chi phí hợp pháp được bổ sung vào nguồn kinh phí của đơn vị.
Như vậy,
sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, khoản tiền đặt trước thuộc về ngân sách nhà nước và được bổ sung vào nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự nơi tổ chức thi hành án
- Đối với số tiền đương sự nộp thêm: theo quy định tại khoản 3 Điều 27 thì “người mua được tài sản bán đấu giá phải nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày đấu giá thành và
không được gia hạn thêm”. Do đó, trong trường hợp người mua trúng đấu giá không nộp đủ tiền và đúng thời hạn thì cơ quan THADS phải hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự 2015 thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Do đó,
cơ quan thi hành án dân sự hoàn trả cho người mua được tài sản số tiền họ đã nộp thêm (nếu có).
7. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo
7.1. Về ủy quyền khiếu nại
* Nội dung vướng mắc
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại và Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại thì người khiếu nại có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho Luật sự, trợ giúp viên pháp lý hoặc ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Điểm a khoản 1 Điều 143 Luật Thi hành án dân sự quy định Người khiếu nại có quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại. Điều kiện để trở thành người được ủy quyền khiếu nại, đại diện hợp pháp của người khiếu nại là cá nhân đã thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đây là quy định mới áp dụng từ ngày Nghị định số 124/2020/NĐ-CP nêu trên có hiệu lực pháp luật đặc thù với ủy quyền khiếu nại khác với ủy quyền nói chung.
* Đề xuất phương án
Đề nghị bổ sung quy định về việc ủy quyền khiếu nại theo hướng: người khiếu nại chỉ được ủy quyền cho cá nhân thực hiện việc khiếu nại.
7.2. Về nội dung đơn
* Đề xuất phương án
Trong trường hợp đơn có tiêu đề khác với nội dung thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào nội dung đơn để giải quyết. Đơn có nhiều nội dung khiếu nại, tố cáo, phàn ánh, kiến nghị thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ vào từng nội dung để giải quyết theo đúng quy trình giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, giải quyết phản ánh, kiến nghị.
7.3. Về giải quyết đơn không đúng thẩm quyền
* Đề xuất phương án
Trường hợp đương sự gửi đơn khiếu nại đến cơ quan thi hành án dân sự không đúng thẩm quyền, việc cơ quan thi hành án dân sự trả lời đơn, hướng dẫn đương sự gửi lại đơn đến cơ quan THADS có thẩm quyền đôi khi làm việc khiếu nại của công dân hết thời hiệu. Do vậy, đề xuất bổ sung nội dung: Trường hợp đương sự gửi đơn khiếu nại đến cơ quan thi hành án dân sự không đúng thẩm quyền thì cơ quan thi hành án dân sự nhận được đơn có nghĩa vụ chuyển đơn của công dân đến cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự có thẩm quyền để giải quyết.
8. Về quy định Chấp hành viên có quyền phân chia tài sản chung của vợ chồng và hộ gia đình (điểm c khoản 2 Điều 24)
* Nội dung vướng mắc
Khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định cách thức xác định, phân chia tài sản chung để thi hành án, cụ thể:
“Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Toà án”. Tuy nhiên, điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định Chấp hành viên tiến hành tự phân chia tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình; nếu vợ chồng hoặc các thành viên trong hộ gia đình không đồng ý với việc phân chia của Chấp hành viên thì có quyền yêu cầu Tòa phân chia tài sản chung; hết thời hạn mà họ không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo sự phân chia của Chấp hành viên. Như vậy, quy định tại điểm c khoản 2 Điều Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và khoản 1 Điều 74 Luật THADS có những điểm chưa đồng bộ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
* Đề xuất phương án
Bãi bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 24 Nghị định.
9. Về xử lý trong trường hợp chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực
* Nội dung vướng mắc
Điều 99 Luật THADS quy định về 02 trường hợp định giá lại tài sản, đó là khi Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch kết quả định giá và đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Trên thực tế, đây là các trường hợp định giá lại do kết quả thẩm định giá có sai sót.
Điều 32 Luật giá quy định về kết quả thẩm định giá như sau:
“1. Kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.
2. Việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.”
Mục 7 Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC quy định như sau:
“- Xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá: Thời điểm có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá là ngày, tháng, năm ban hành chứng thư thẩm định giá.
- Xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá:
Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng
tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.”
Như vậy, chứng thư thẩm định giá có nội dung phụ thuộc vào nội dung của báo cáo kết quả thẩm định giá nhưng kết quả thẩm định giá có giá trị pháp lý không quá 6 tháng. Trường hợp kết quả thẩm định giá hết hiệu lực sử dụng thì có thể hiểu chứng thư thẩm định giá cũng không còn giá trị sử dụng.
Trong hoạt động THADS thì thời hạn sử dụng kết quả thẩm định giá hết hạn do một trong các nguyên nhân như: Dịch bệnh, thiên tai; người có thẩm quyền yêu cầu hoãn thi hành án để xem xét lại bản án, quyết định; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo yêu cầu dừng việc thi hành án (khoản 1 Điều 145 Luật THADS); việc thi hành án hoãn do Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp quyền sở hữu (điểm d khoản 1 Điều 48 Luật THADS).
Trong các trường hợp này, nếu thời gian quá kéo dài mà cơ quan THADS vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá đó làm giá khởi điểm thì sẽ không khách quan, không đúng giá trị thực của tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự (đặc biệt là trong trường hợp giá thẩm định thấp hơn giá thị trường).
* Đề xuất phương án
Về bản chất, đây không phải là trường hợp định giá lại theo quy định tại Điều 99 mà là việc “thực hiện lại thủ tục định giá theo quy định tại Điều 98 Luật THADS”. Theo đó:
Trường hợp hết thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá, Chấp hành viên thực hiện lại các thủ tục định giá tài sản theo quy định tại Điều 98 Luật THADS.
Về chi phí thẩm định giá trong trường hợp này vẫn áp dụng nguyên tắc chung theo quy định. Theo đó: Điểm c khoản 1 Điều 73 Luật THADS quy định người phải thi hành án chịu “
Chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản; chi phí định giá lại tài sản, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này”.
Tại điểm a khoản 2 Điều 73 Luật THADS quy định người được thi hành án phải chịu chi phí định giá lại tài sản nếu yêu cầu định giá lại, trừ trường hợp định giá lại do có vi phạm quy định về định giá” điểm a khoản 3 Điều 73 Luật THADS quy định: Ngân sách nhà nước chi trả chi phí cưỡng chế trong trường hợp định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá. Nếu người nào có vi phạm, dẫn đến hết thời hạn chứng thư thì người phải thi hành án có quyền yêu cầu người đó bồi thường (bồi thường dân sự và bồi thường nhà nước) theo quy định.