Ngày 07 tháng 7 năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (NĐ số 67) ; đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018. Đây là một trong những chính sách đột phá, nhằm hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp phương tiện tàu đánh cá, nâng cao khả năng khai thác hải sản trên biển, góp phần quan trọng để ngư dân vươn khơi, bám biển, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, vừa tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau gần 10 năm triển khai, thực hiện chính sách, trong đó có tỉnh Bình Định, về cơ bản những mục tiêu đề ra là đúng hướng, nhiều tàu cá làm ăn hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng ngư dân ven biển, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung; đồng thời, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số tàu cá thuộc diện đóng mới theo NĐ số 67 thời gian gần đây khai thác không hiệu quả, nhiều tàu thường xuyên hư hỏng, phải nằm bờ nên nguồn thu nhập từ khai thác trên biển của ngư dân giảm sút hoặc không có thu nhập, nên điều kiện trả nợ vay khó khăn, các khoản lãi tiếp tục phát sinh, nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng đã chuyển sang nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14.
|
Qua việc tổ chức thi hành án, thông qua các buổi làm việc và xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, trong nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính các tàu cá khai thác không hiệu quả do kết cấu, vận hành một số tàu chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thường xuyên hư hỏng, giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm tăng; ngư dân thiếu kỹ năng, kinh nghiệm vận hành tàu vỏ thép và các trang, thiết bị hiện đại, dẫn đến khai thác không hiệu quả. Bên cạnh đó, một số ngư dân chưa hiểu đúng về chính sách của Nhà nước, có tư tưởng chây ỳ, kéo dài thời gian trả nợ nên đã phát sinh các khoản nợ quá hạn, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ở mức cao.
Theo thống kê của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, tại Bình Định đến nay (tháng 10.2023) có 40 vụ việc thi hành án liên quan đến tàu cá theo NĐ số 67 do các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh thụ lý thi hành, trong đó có 40 tàu cá là tài sản thế chấp được bản án tuyên xử lý để đảm bảo thu hồi nợ vay cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều là ở thị xã Hoài Nhơn, các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn. Trong số 40 chiếc tàu, có 05 tàu vỏ gỗ, 05 tàu vỏ sắt, 03 tàu vỏ composite và 27 tàu vỏ thép. Tổng số tiền phải thi hành loại này là: 734.209.951.000 đồng, đây là khoản thuộc diện nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc hội.
Theo báo cáo của cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, quá trình tổ chức thi hành án đối với các vụ việc này trong thời gian qua đã phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc nên nhiều vụ việc phải kéo dài, chi phí phát sinh cao, cụ thể:
Thứ nhất, trong số 32 tàu cá vỏ sắt, thép tại thời điểm thi hành án đều đã bị rỉ sét, mục nát, máy móc xuống cấp nghiêm trọng; tại thời điểm kê biên, thân tàu đã hư hỏng, không hoạt động; các trang thiết bị của tàu đều bị xuống cấp, không vận hành được; ngư lưới cụ phục vụ khai thác đã cũ, không đáp ứng yêu cầu khai thác trên biển, cá biệt có ngư lưới cụ bị mất, đến thời điểm thi hành án không còn trên tàu, nên giá trị con tàu bị giảm rất nhiều so với thời điểm cho vay.
Thứ hai, việc thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự cũng gặp không ít khó khăn. Khi cơ quan Thi hành án dân sự phối hợp thi hành án, phải thuê phương tiện đến nơi neo đậu tàu cá (có thể trong hoặc ngoài địa bàn tỉnh) để tiến hành xác minh, kiểm tra hiện trạng, thực hiện các trình tự, thủ tục thi hành án. Đối với một số tàu cá đã có bản án, quyết định thi hành án nhưng còn đang hoạt động trên biển, rất khó khăn cho việc xác minh tài sản trước khi thực hiện các thủ tục kê biên, xử lý; một số người phải thi hành án là chủ tàu thường có thái độ bất hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nên việc thông báo các văn bản, giấy tờ về thi hành án gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thi hành án.
Thứ ba, tài sản thế chấp được bản án tuyên đảm bảo cho việc thi hành án là tàu cá, đây cũng là phương tiện sinh sống của ngư dân, nhưng đồng thời cũng là đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định số 67, với trang thiết bị công nghệ hiện đại nên số lượng nhân công tham gia đánh bắt trên tàu khá đông, cả người thân trong gia đình và thu nhập của họ cũng chỉ từ hoạt động khai thác của tàu cá. Do vậy, khi tàu bị kê biên để thi hành án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống bản thân, gia đình người phải thi hành án và một số người lao động trực tiếp; ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển của địa phương và tham gia giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Thứ tư, trong các tàu đánh cá là tài sản thế chấp do các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tổ chức thi hành, do đã xuống cấp, hư hỏng nên khi kê biên, bán đấu giá tài sản thu được số tiền thấp, giá trị bán tài sản có sự chênh lệch rất lớn so với số tiền phải thi hành án; có trường hợp cơ quan thẩm định giá định giá tài sản quá cao so với thị trường nên phải giảm giá nhiều lần, có trường hợp đã giảm giá và thông báo bán đấu giá hơn 07 lần nhưng vẫn không có người tham gia đăng ký đấu giá.
|
Thứ năm, đối tượng mua tài sản tàu cá rất hạn chế, chỉ là những người làm nghề đánh bắt thủy sản nên thường không có người mua, dẫn tới việc thi hành án kéo dài, chi phí xử lý tài sản như chi phí đi lại, trông giữ phát sinh lớn, trong khi đó giá trị tài sản ngày càng giảm. Hầu hết, các tàu đã bán đấu giá thu được số tiền rất thấp, giá trị chiếm khoảng 07-10% so với giá trị khoản vay và lãi suất theo bản án của Tòa án, nên chỉ thi hành án được một phần nhỏ, cơ quan Thi hành án dân sự phải tiếp tục theo dõi thi hành các phần còn lại mặc dù đã xử lý xong tài sản thế chấp.
Thứ sáu, một số vấn đề mà khi tổ chức thi hành án, các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương có quan điểm không thống nhất, đó là việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng yêu cầu tiếp tục xử lý các tài sản khác để thi hành án sau khi đã xử tài sản bảo đảm (tàu cá) nhưng không đủ để thanh toán nghĩa vụ vay theo bản án tuyên. Nhiều trường hợp, người phải thi hành án rất khó khăn, chỉ còn tài sản duy nhất là ngôi nhà (không phải là tài sản thế chấp) nhưng bên được thi hành án yêu cầu kê biên, xử lý để thi hành án số tiền còn lại theo bản án của Tòa án.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng nhờ có sự chỉ đạo kịp thời, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi hành án, nên đã giải quyết xong nhiều vụ việc, sớm thu hồi tiền, tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Tính đến nay, các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã xử lý xong 30 vụ việc, cùng với 30 chiếc tàu cá, thu được: 63.789.208.000 đồng. So với tổng số tiền phải thi hành án của loại này, thì số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp chiếm tỷ lệ khá thấp, khoảng từ 07-10%, do giá trị còn lại của tàu cá thấp. Đối với 10 vụ việc/10 chiếc tàu còn lại, hiện cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh đã kê biên, thẩm định giá, đưa ra bán đấu giá và sẽ xử lý dứt điểm trong thời gian đến.
Để tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thi hành án, nhất là việc xử lý tàu cá là tài sản thế chấp, xin kiến nghị một số giải pháp:
Một là, để thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP hiệu quả cần nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên và quyết định là phải đảm bảo chất lượng các vật liệu đóng tàu (chất lượng thép), các trang thiết bị, máy móc khi đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, nhằm đảm bảo tàu có tuổi thọ cao, đồng thời phải cải tiến thiết kế theo hướng hiện đại, phù hợp điều kiện khai thác từng vùng, đảm bảo sự chống chịu, thích ứng với mọi điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt trên môi trường biển; vận hành đồng bộ, thông suốt, phát huy tối đa lợi thế trong việc khai thác, đánh bắt theo công nghệ hiện đại nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Hai là, các cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ, nhất là khâu vận hành, khai thác hải sản trên biển cho ngư dân; phân công cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, quản lý, nắm bắt tình hình vươn khơi, bám biển, cũng như hiệu quả đánh bắt, khai thác hải sản và đời sống của ngư dân làm nghề trên biển; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi có hoạn nạn, khó khăn, nhất là khi phương tiện xuống cấp, hư hỏng, thu nhập giảm sút để có phương án hỗ trợ kịp thời (khoanh nợ, giãn nợ), tránh để phát sinh những khoản nợ lớn đến mức ngân hàng phải khởi kiện và yêu cầu xử lý tàu cá là tài sản thế chấp để thi hành án.
Ba là, khi vụ việc đã có bản án, quyết định của Tòa án, đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan cần phối hợp tuyên truyền, vận động người phải thi hành án, các bên có liên quan phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự sớm xử lý tài sản là tàu cá, không nên để kéo dài, tài sản sẽ nhanh xuống cấp và giảm giá trị, dẫn đến khi bán để thi hành án số tiền còn lại thấp, điều đó đồng nghĩa với việc ngư dân còn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thi hành số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Công Hoàng