Công tác phối hợp với cơ quan công an trong hoạt động thi hành án dân sự và đề xuất, kiến nghị

10/11/2023


1. Kết quả đạt được
1.1. Công tác chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết
Công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an các địa phương là nòng cốt nhằm bảo vệ trật tự, an toàn cho việc cưỡng chế thi hành án dân sự, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Trong những năm qua, Công an các địa phương luôn làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan khi triển khai thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự; tham gia ký kết và ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự giữa Cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an để triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp của Công an các địa phương đã chủ động phối hợp từ giai đoạn nghiên cứu hồ sơ vụ việc, xác minh, khảo sát thực tế, nắm tình hình, nắm tâm tư, nguyện vọng, thái độ của người bị cưỡng chế và những người có liên quan, cũng như khả năng chống đối, kích động của họ. Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án, dự kiến các tình huống và biện pháp xử lý để thống nhất trong bảo đảm thực hiện bảo vệ cưỡng chế sát với tình hình thực tế từng vụ việc và đúng theo quy định của pháp luật. Việc xây dựng nội dung kế hoạch, phương án bảo vệ cưỡng chế đã có sự trao đổi, thống nhất giữa lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp với Cơ quan thi hành án dân sự trước khi trình lãnh đạo đơn vị phê duyệt.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp chủ động phối hợp với Chấp hành viên của Cơ quan thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Công an các địa phương, chính quyền địa phương (UBND, Công an phường, xã, thị trấn...) nơi diễn ra buổi cưỡng chế, tổ chức tuyên truyền, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị cưỡng chế, người có quyền lợi ích liên quan việc cưỡng chế thi hành án dân sự, cũng như quần chúng nhân dân xung quanh khu vực, địa điểm cưỡng chế hiểu rõ về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và vận động người bị cưỡng chế tự nguyện chấp hành bản án, quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra, Công an các địa phương thường xuyên phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, ban ngành có liên quan trao đổi, thống nhất các nội dung, giải pháp trước, trong và sau khi cưỡng chế thi hành án dân sự để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, rút kinh nghiệm các thiếu sót (nếu cần thiết).
1.2. Công tác phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc thu, nộp các khoản tiền thi hành án dân sự trong các bản án hình sự của phạm nhân, làm căn cứ đề nghị Tòa án xét, quyết định miễn, giảm hình phạt cho người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật
a) Về phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan thi hành án về phạm nhân là người phải thi hành án dân sự
Các trại giam khi tiếp nhận phạm nhân đến chấp hành án, trong thời hạn 15 ngày đã kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự các địa phương nơi Tòa án xét xử sơ thẩm về họ, tên phạm nhân là người phải thi hành án dân sự và các khoản án phí, bồi thường dân sự, các nghĩa vụ dân sự khác có trong bản án mà phạm nhân phải thực hiện.
Các trại giam khi nhận được quyết định thi hành án và các tài liệu liên quan khác của cơ quan thi hành án dân sự, đã tống đạt, thông báo cho phạm nhân biết để thực hiện và lưu hồ sơ phạm nhân theo đúng quy định.
Ngoài ra, để việc thi hành án dân sự được nhanh chóng, kịp thời Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên tra cứu trả lời cho các Cục, Chi cục thi hành án dân sự các địa phương (mỗi năm trên 1.000 trường hợp) đề nghị cung cấp nơi chấp hành án của phạm nhân để các cơ quan thi hành án dân sự trả lại tài sản, tiền, hoặc tống đạt các quyết định thi hành án chủ động cho phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam.
b) Về nhận tiền, tài sản, giấy tờ mà phạm nhân, thân nhân của phạm nhân tự nguyện nộp tại trại giam để thi hành án dân sự; nhận tiền, giấy tờ do cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến để giao cho phạm nhân
Việc tiếp nhận tiền, giấy tờ mà phạm nhân là người phải thi hành án dân sự hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại các trại giam được thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho những phạm nhân cải tạo tiến bộ có cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, đặc xá, các trại giam đã thường xuyên giáo dục, phổ biến, hướng dẫn và tạo điều kiện cho phạm nhân liên lạc với thân nhân để vận động thân nhân của họ thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đồng thời bố trí cán bộ thường trực để thu tiền thị hành án dân sự cho phạm nhân hoặc thân nhân họ tự nguyện đến nộp tiền tại trại, kể cả ngoài giờ làm việc hay ngày nghỉ. Việc nhận tiền do phạm nhân nộp đều được lập biên lai thu tiền, vào sổ theo dõi và chuyển tiền thu được vào tài khoản tạm gửi của cơ quan thi hành án dân sự hoặc được chuyển, bàn giao trực tiếp cho cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án dân sự theo đúng quy định.
Những trường hợp tạm thu tiền thi hành án dân sự do phạm nhân hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tại trại giam nhưng chưa nhận được quyết định thi hành án dân sự, các trại giam đều tiến hành lập biên lai thu tiền, lập biên bản theo mẫu quy định và thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án xét xử sơ thẩm để ra quyết định thi hành án dân sự theo quy định. Sau khi nhận được quyết định thi hành án dân sự, trại giam đã tiến hành chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án dân sự.
c) Phối hợp trong kiểm tra công tác thi hành án dân sự
Để kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp của cơ quan thi hành án dân sự và các trại giam trong công tác thi hành án dân sự; rà soát, xử lý số tiền thi hành án dân sự còn tồn đọng tại các trại giam cũng như nắm được những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự, Bộ Công an đã cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đi kiểm tra thực tế tại một số Cục, Chi cục thi hành án dân sự các địa phương và một số trại giam. Qua công tác kiểm tra Đoàn công tác đã thống nhất được phương hướng xử lý số tiền thi hành án dân sự còn tồn đọng tại các trại giam đồng thời nắm được những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ, cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
2. Khó khăn, vướng mắc
2.1. Về bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự
- Công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động thi hành án dân sự có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc phối hợp trao đổi thông tin, hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ về vụ việc cưỡng chế giữa Cơ quan thi hành án dân sự với Cơ quan Công an chưa được đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời dẫn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ có lúc còn bị động, chưa nhịp nhàng; việc giải quyết, xem xét các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân một số vụ việc còn chậm dẫn đến việc xác định và đánh giá chưa sát với tình hình, chưa đúng tính chất, mức độ của vụ cưỡng chế thi hành án dân sự; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ và chưa thật sự quan tâm đến công tác thi hành án dân sự.
- Số lượng việc và tiền thụ lý thi hành ngày càng tăng với nhiều vụ việc có tính chất phức tạp, khó thi hành; việc xử lý tài sản để thi hành án gặp nhiều khó khăn; ý thức chấp hành pháp luật của một số đương sự còn thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự.
- Các trường hợp phải cưỡng chế đều chấp hành pháp luật chưa tốt, chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian, cản trở việc thi hành án, một số trường hợp lợi dụng lý do gia đình khó khăn không có chỗ ở, giá trị tài sản đấu giá thấp hơn giá trị thực tế hoặc tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất chưa xác định rõ ranh giới, quyền sở hữu... để gây khó khăn cho việc thi hành án.
- Do tính chất, đặc điểm của việc cưỡng chế thi hành án dân sự có liên quan đến quyền và lợi ích kinh tế của tổ chức, người phải thi hành án nên tính manh động, liều lĩnh của đối tượng rất nguy hiểm, khó lường.
- Biên chế cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thiếu, đặc biệt là ở cấp huyện thậm chí đào tạo chưa đúng chuyên ngành, thường xuyên có sự thay đổi vị trí công tác, phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Thường xuyên phải trưng dụng cán bộ, chiến sĩ ở nhiều mảng công việc khác nhau để tham gia bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự, do vậy có lúc chưa chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ khi xử lý các tình huống tập trung đông người xung quanh khu vực cưỡng chế.
- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, đặc biệt là các vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án dẫn sự phức tạp, nhiều đối tượng manh động, hung hãn, chống đối quyết liệt.
- Kinh phí bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự còn thấp, phần nào chưa động viên họ yên tâm công tác.
2.2. Về việc thu, nộp các khoản tiền thi hành án dân sự trong các bản án hình sự của phạm nhân
- Theo quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự, tòa án đã ra bản án, quyết định phải chuyển giao bản án cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để tổ chức thi hành bản án, tuy nhiên, trong thực tế nhiều Tòa án chưa kịp thời chuyển hồ sơ nên cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định thi hành án dân sự. Vì vậy, nhiều trại giam khi tiếp nhận tiền của phạm nhân có văn bản gửi thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự thì được trả lời là chưa tổ chức thi hành án.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan thi hành án dân sự với các trại giam để trao đổi thông tin còn chưa chặt chẽ, kịp thời nên ảnh hưởng đến việc thực hiện giải quyết thu, nộp, quản lý, chuyển giao tiền phạm nhân tự nguyện nộp tại trại để thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự mà tòa án đã tuyên. Một số cơ quan thi hành án dân sự chưa thực sự quan tâm, sau khi nhận được thông báo của trại giam chưa kịp thời có văn bản trả lời để cùng phối hợp thực hiện như cung cấp địa chỉ, số tài khoản để các trại giam thực hiện chuyển tiền, gửi biên lai thu tiền theo quy định và ngược lại các cơ quan thi hành án dân sự gửi rất chậm hoặc không gửi biên lai, quyết định kết thúc việc thi hành án để trại giam lưu hồ sơ phạm nhân dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác thi hành án dân sự, đôn đốc phạm nhân thực hiện nghĩa vụ dân sự và ảnh hưởng đến quyền lợi của phạm nhân trong việc thực hiện các chính sách đối với phạm nhân theo quy định của pháp luật như xếp loại thi đua chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện….
Do việc trao đổi thông tin không kịp thời giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự, nên có sự chồng chéo trong việc phạm nhân, thân nhân phạm nhân cùng thi hành trách nhiệm dân sự và trả lại tiền cho phạm nhân là người được thi hành án dân sự gây khó khăn cho trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết khoản tiền đã thu từ phạm nhân nộp tại trại và thân nhân phạm nhân. Cá biệt có những trường hợp phạm nhân đã chết, chấp hành xong án phạt tù nhưng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo đề nghị trại giam cung cấp số tài khoản để chuyển lại tiền thi hành án dân sự để trại giam trả lại cho phạm nhân.
- Việc ủy thác thi hành án dân sự giữa các cơ quan thi hành án dân sự liên quan đến nghĩa vụ dân sự của phạm nhân trong bản án hình sự không có văn bản thông báo hoặc thông báo chưa kịp thời cho trại giam biết nên việc phối hợp giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong thực hiện thi hành án dân sự đạt hiệu quả chưa cao, gây khó khăn cho trại giam trong việc giải quyết khoản tiền đã thu của phạm nhân.
- Kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác phối hợp giữa trại giam và cơ quan thi hành án dân sự trong thi hành án dân sự như kinh phí mua văn phòng phẩm, chi phí chuyển tiền, giấy tờ do trại giam tiếp nhận cho cơ quan thi hành án dân sự, chi tiền bồi dưỡng cho cán bộ chưa được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn trình tự, thủ tục thu, nộp, quản lý tiền, giấy tờ của người phải thi hành án dân sự và trả tiền, giấy tờ cho người được thi hành án dân sự là phạm nhân, Điều 9 Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
3. Kiến nghị, đề xuất
Cơ quan thi hành án dân sự các địa phương cần kịp thời trao đổi thông tin với trại giam về người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, nhanh chóng có văn bản trả lời khi nhận được thông báo của trại giam, đặc biệt là đối với các trường hợp được ủy thác. Sau khi cơ quan thi hành án dân sự xác minh điều kiện thi hành án đối với phạm nhân là người phải chấp hành án thì gửi biên bản xác minh cho trại giam để thuận lợi cho việc phối hợp thi hành án dân sự và làm cơ sở thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù.
Khi nhận được thông báo của trại giam về việc phạm nhân hoặc thân nhân của họ tự nguyện nộp tiền để thi hành án, đề nghị cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo cho trại giam theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự, Điều 9 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC, kịp thời có văn bản trả lời cho trại giam biết để xử lý số tiền đã thu, tránh việc chồng chéo trong thu tiền thi hành án dân sự. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự từ chối không nhận tiền do phạm nhân tự nguyện thi hành án thì phải có văn bản xác nhận gửi cho trại giam nơi phạm nhân đang chấp hành án biết để phối hợp và có căn cứ thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn về việc giải quyết số tiền thu của phạm nhân hoặc thân nhân tự nguyện nộp để thi hành án dân sự trong trường hợp người được thi hành án chưa có đơn yêu cầu thi hành án hoặc không liên hệ được do người được thi hành án không có mặt tại địa phương, không rõ nơi cư trú để các trại giam thực hiện, tránh để tồn đọng số tiền thu để thi hành án của phạm nhân tại các trại giam.
 Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1