Cơ cấu ngạch công chức của mỗi cơ quan, tổ chức là tỷ lệ % (phần trăm) công chức giữ các ngạch phù hợp với vị trí việc làm và mức độ phức tạp của công việc theo vị trí việc làm.
Việc xác định cơ cấu công chức, viên chức hiện nay trong hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) được thực hiện dựa trên quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức, Luật THADS, văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên và các văn bản khác có liên quan, bao gồm Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; Thông tư số 13/2022/TT-BNV ngày 31/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức; Thông tư số 02/2023/TT-BTP ngày 29/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp; Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ cấu tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp, sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 19/2023/QĐ-TTg ngày 02/8/2023….
Theo các văn bản trên, cơ cấu công chức, viên chức trong hệ thống THADS đã bước đầu được xác định, thông qua việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; quy định vị trí việc làm của các nhóm đối tượng.
I. THỰC TRẠNG CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC
1. Kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế
a. Thông qua việc quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục THADS
- Đối với Tổng cục THADS: là cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước về công tác THADS và thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; thực hiện quản lý chuyên ngành về THADS và thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật. Tổng cục THADS có cơ cấu ngạch công chức gồm: Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp thi hành án, công chức khác và viên chức.
- Đối với Cục THADS: là cơ quan trực thuộc Tổng cục THADS, thực hiện chức năng THADS, thi hành án hành chính có nhiệm vụ giúp Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan THADS địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Cục THADS có cơ cấu ngạch công chức gồm:
Chấp hành viên sơ cấp; Chấp hành viên trung cấp; Chấp hành viên cao cấp; Thẩm tra viên thi hành án; Thẩm tra viên chính thi hành án; Thẩm tra viên cao cấp thi hành án (nếu có); Thư ký thi hành án và công chức khác.
- Đối với Chi cục THADS: là cơ quan trực thuộc Cục THADS cấp tỉnh, thực hiện chức năng THADS, đôn đốc thi hành án hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Chi cục THADS cấp huyện có cơ cấu ngạch gồm:
Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án và công chức khác.
Như vậy, cơ cấu công chức giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống THADS có sự khác nhau do có sự khác nhau về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mức độ phức tạp của công việc đối với từng vị trí việc làm
[1].
b. Thông qua việc quy định vị trí việc làm và ngạch công chức tối thiểu:
cơ cấu công chức, viên chức hệ thống THADS hiện nay được phân theo 03 nhóm, tương ứng với 41 vị trí:
(1) nhóm lãnh đạo, quản lý có 14 vị trí;
(2) nhóm chuyên môn, nghiệp vụ có 15 vị trí (Tổng cục THADS có 10, Cục THADS có 3, Chi cục THADS có 2);
(3) nhóm hỗ trợ, phục vụ có 12 vị trí.
Tương ứng với 41 vị trí việc làm có các ngạch công chức tối thiểu, cụ thể:
- Ứng với 14 vị trí thuộc nhóm lãnh đạo, quản lý có các ngạch tối thiểu gồm:
+ Tại Tổng cục THADS: gồm thẩm tra viên (thẩm tra viên cao cấp, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên); chuyên viên (chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên).
+ Tại Cục THADS: gồm thẩm tra viên (thẩm tra viên cao cấp, thẩm tra viên chính, thẩm tra viên); chấp hành viên (chấp hành viên cao cấp, chấp hành viên trung cấp, chấp hành viên sơ cấp); chuyên viên (chuyên viên chính, chuyên viên).
+ Tại Chi cục THADS: gồm chấp hành viên (Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp).
- Ứng với 15 vị trí chuyên môn, nghiệp vụ có các ngạch tối thiểu gồm:
+ Tại Tổng cục THADS: gồm 10 vị trí, ngạch tối thiểu là chuyên viên, thẩm tra viên, thư ký THA.
+ Tại Cục THADS: gồm 03 vị trí, ngạch tối thiểu là chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên, thư ký THA, chuyên viên.
+ Tại Chi cục THADS: gồm 02 vị trí, ngạch tối thiểu là chấp hành viên sơ cấp, thẩm tra viên, thư ký THA, chuyên viên.
- Ứng với 12 vị trí thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ có các ngạch tối thiểu gồm: chuyên viên, kế toán viên trung cấp, cán sự, nhân viên.
c. Bên cạnh các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn ngạch công chức trong hệ thống THADS, cơ cấu ngạch công chức còn được xác định cụ thể khi tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức, thi tuyển chấp hành viên sơ cấp và trong việc xây dựng biên chế, cơ cấu vị trí việc làm. Đặc biệt, đối với ngạch chấp hành viên, thời gian qua đã được xác định tương đối chi tiết về tỷ lệ phần trăm, cụ thể: năm 2017, 2018, 2019, 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phê duyệt tỷ lệ chấp hành viên là 53%, 50% và 47%. Việc phê duyệt tỷ lệ trên được dựa trên số lượng và tính chất công việc của các cơ quan THADS có sự khác nhau.
Như vậy, các văn bản trên đã cơ bản xác định cơ cấu về ngạch trong từng vị trí việc làm của hệ thống THADS, tuy nhiên, tỷ lệ giữa các ngạch là bao nhiêu % (hoặc khoảng bao nhiêu %) thì chưa được xác định cụ thể.
2. Đánh giá kết quả thực hiện
a. Kết quả đạt được
- Về thể chế, ngay sau khi Luật Cán bộ, công chức, Luật THADS, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức có hiệu lực, Tổng cục đã kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết cơ cấu công chức của Tổng cục THADS phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, Tổng cục THADS đã có một hệ thống văn bản điều chỉnh đồng bộ, từ quyết định của thủ tướng, thông tư của bộ trưởng đến các văn bản hướng dẫn chi tiết. Đặc biệt, ngày 29/6/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp, trong đó có quy định vị trí việc làm của hệ thống THADS.
- Việc kiện toàn, tuyển dụng, bố trí sử dụng công chức ngày một hiệu quả hơn.
b. Hạn chế, bất cập
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua thì việc xây dựng, xác định cơ cấu ngạch trong hệ thống THADS còn rất nhiều bất cập, cần phải được tiếp tục hoàn thiện, cụ thể:
- Về thể chế:
+ Chưa xác định được tỷ lệ % của từng nhóm ngạch, ngạch: theo quy định của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức (Khoản 1 Điều 6) thì cơ cấu ngạch của mỗi cơ quan, tổ chức phải được xác định tỷ lệ %. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào xác định tỷ lệ phần trăm của từng ngạch công chức trong hệ thống THADS là bao nhiêu (chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký…), do đó tỷ lệ các ngạch công chức tại các cơ quan THADS địa phương nhiều nơi chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ từng ngạch công chức theo Danh mục vị trí việc làm, nhất là đối với tỷ lệ công chức chuyên ngành THADS (đội ngũ chấp hành viên chưa đủ; công chức hỗ trợ phục vụ là thẩm tra viên, thư ký thiếu nhiều).
Trong từng ngạch, từng chức danh hiện nay cũng chưa chia tỷ lệ là bao nhiêu, như ngạch chấp hành viên thì có bao nhiêu là chấp hành viên cao cấp, bao nhiêu trung cấp, bao nhiêu là sơ cấp.
- Về thực tiễn sắp xếp, bố trí cơ cấu ngạch: do hiện các văn bản điều chỉnh về cơ cấu ngạch công chức mới xác định cơ cấu, vị trí việc làm và ngạch tối thiểu của vị trí, chưa quy định tỷ lệ % của từng nhóm ngạch tại từng cơ quan, đơn vị là bao nhiêu nên việc sắp xếp, bố trí công chức còn cảm tính, nhiều nơi chưa phù hợp.
Như vậy việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cơ cấu ngạch là cần thiết để quản lý ngành một cách toàn diện, bài bản, hạn chế cơ chế xin cho, công chức thi tuyển, bổ nhiệm, điều động cũng được công khai, minh bạch hơn.
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ ĐỀ XUẤT HOÀN THIỆN CƠ CẤU NGẠCH CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HỆ THỐNG THADS
1.1. Xây dựng Đề án vị trí việc làm của hệ thống THADS để làm căn cứ pháp lý xác định cơ cấu công chức trong hệ thống THADS.
1.2. Xây dựng Đề án cơ cấu ngạch công chức trong hệ thống THADS gắn với xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung đề án vị trí việc làm Tổng cục Thi hành án dân sự, trong đó xác định cụ thể tỷ lệ % từng ngạch tại Tổng cục và cơ quan THADS.
1.3. Tổ chức các kỳ thi (thi tuyển chấp hành viên sơ cấp, thi nâng ngạch chấp hành viên, thẩm tra viên…) để kịp thời bổ sung số lượng ngạch còn thiếu.