Công tác kiểm tra THADS, THAHC được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hệ thống cơ quan THADS; luôn được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ quan tâm, chú trọng. Do đó, ngày 11/01/2024, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có Công văn số 693-CV/BCSĐ tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra. Quá trình triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quá và phát sinh tồn tại, hạn chế cần có giải pháp kịp thời khắc phục để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ.
Xác định ý nghĩa quan trọng của công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm, tiêu cực, tham nhũng về THADS, Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục THADS đã lãnh đạo, chỉ đạo đưa vào Chương trình công tác, nghị quyết của Tổng cục
[1]; có nhiều văn bản triển khai gửi đến các cơ quan Trung ương (trong đó có Ủy ban kiểm tra Trung ương để báo cáo), gửi Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; cũng như triển khai trong hệ thống THADS
[2]. Trong đó phải kể đến Công văn số 260/TCTHADS-GQKNTC ngày 18/01/2024 triển khai toàn diện, đầy đủ nội dung Công văn số 693-CV/BCSĐ; Thông báo kết luận số 40/TB-TCTHADS ngày 05/2/2024 lãnh đạo Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Hệ thống THADS cần tăng cường nhận thức đầy đủ về yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ
1. Kết quả đạt được
Sau khi có chỉ đạo triển khai Công văn 693-CV/BCSĐ, Tổng cục và cơ quan thi hành án dân sự đã chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả những kết quả cụ thể:
Về thực hiện tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và quán triệt, thực hiện các văn bản, Nghị quyết của đảng
- Về nội dung tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm trong toàn Hệ thống THADS về những tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra, kết luận kiểm sát, kết luận thanh tra. Trong 04 tháng đầu năm 2024, Tổng cục THADS đã chỉ đạo thực hiện tổng kết, đánh giá nhiều mảng công tác để tổ chức rút kinh nghiệm trong hệ thống THADS
- Về nội dung tiếp tục thực hiện hiệu quả các văn bản, Nghị quyết, Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, Nghị quyết của Đảng ủy Tổng cục THADS. Nhiệm vụ này luôn được Đảng ủy Tổng cục, Tổng cục THADS quan tâm, đưa vào các Chương trình công tác đảng, các kế hoạch công tác, chương trình hành động của Tổng cục THADS
Các Cục THADS đưa nhiệm vụ quán triệt, triển khai và tiếp tục thực hiện các văn bản, nghị quyết của đảng vào Chương trình công tác đảng, Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024, Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS. Đồng thời, Cục THADS cũng thực hiện quán triệt, triển khai trong các hội nghị giao ban đơn vị.
Về yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra trong THADS
- Về nội dung rà soát các quy trình, quy chế nội bộ, quy chế kiểm tra, chủ động sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính khả thi, đồng bộ
- Về nội dung tăng cường công tác kiểm tra đối với công tác THADS, THAHC theo hướng sâu sát, chất lượng, hiệu quả, đúng quy định; chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra hàng năm trong Hệ thống THADS.
- Về nội dung chỉ đạo khắc phục vi phạm, xử lý nghiêm các vi phạm; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Cục THADS thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, đơn vị mình phụ trách; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
- Về nội dung tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát ngay những vụ việc liên quan đến thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THADS trước khi đưa ra bán đấu giá. Việc phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân các cấp là nhiệm vụ thường xuyên được các cơ quan THADS địa phương thực hiện khá tốt.
Về chỉ đạo các Cục THADS tổ chức tự kiểm tra
Tổng cục THADS đã có nhiều văn bản chỉ đạo Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác từ 01/10/2015 đến 30/9/2023.
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Với các kết quả đạt được nêu trên cho thấy, Tổng cục THADS đã quán triệt, triển khai quyết liệt, đầy đủ, toàn diện các nội dung, yêu cầu của Ban cán sự đảng Bộ đặt ra trong Công văn 693-CV/BCSĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ chưa thực sự hiệu quả, cụ thể như sau:
- Mặc dù Tổng cục THADS đã có nhiều văn bản quán triệt, triển khai, tổ chức một số đoàn công tác kiểm tra việc quán triệt, triển khai thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ nhưng còn chưa tổ chức được nhiều đoàn kiểm tra;
- Một số cơ quan THADS địa phương chậm triển khai, qua các đoàn công tác của Tổng cục gần đây cho thấy phần lớn các cơ quan THADS mới triển khai sau Tết Nguyên đán.
- Một số địa phương đã triển khai nhưng chưa thực chất, chưa đúng theo yêu cầu của Ban cán sự đảng Bộ, yêu cầu của Lãnh đạo Tổng cục, chưa quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai một cách bài bản; một số địa phương còn lúng túng trong việc tổng hợp số liệu kết quả tự kiểm tra từ năm 2016 đến 2023.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên do:
- Một số địa phương có lượng án lớn, phức tạp, kỳ kiểm tra dài (từ năm 2016 đến hết năm 2023) trong khi biên chế thì ít nên trong thời gian ngắn, việc tổ chức thực hiện tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác theo yêu cầu cũng còn nhiều khó khăn.
- Một số địa phương, Lãnh đạo chưa quan tâm đến hoạt động tự kiểm tra, chưa phân bổ nguồn lực cho công tác kiểm tra một cách thỏa đáng gồm thời gian và nhân lực nên việc triển khai còn chậm, mới triển khai, hoặc đang thực hiện nhưng chưa hiệu quả.
- Nhiệm vụ, giải pháp
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024, Tổng cục THADS yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Cục THADS địa phương thực hiện một số nội dung sau:
Đối với Tổng cục THADS
Trong thời gian qua, Tổng cục THADS luôn quan tâm và xác định công tác kiểm tra, tự kiểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên đã có các hình thức quán triệt, triển khai thực hiện từ trước. Từ sau khi Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp có Công văn số 693-CV/BCSĐ lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác THADS, Tổng cục THADS đã tiếp tục triển khai quyết liệt, đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Ban cán sự đảng. Để triển khai có hiệu quả, thực chất hơn nữa, Tổng cục THADS sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
(1) Về công tác tổ chức thực hiện tự kiểm tra theo Công văn 693-CV/BCSĐ và thực hiện kế hoạch kiểm tra:
- Bám sát chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ, tiếp tục có nhiều hình thức quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024. Tăng cường thành lập các đoàn công tác của Lãnh đạo Tổng cục hoặc buổi làm việc trực tuyến để đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công văn 693. Hiện nay, Tổng cục THADS đã dự kiến thành lập nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo Tổng cục để thực hiện nhiệm vụ này: Đắk Lắk, Bình Dương, Phú Thọ, Thành phố Hồ Chí Minh,….
- Kịp thời tổng hợp kết quả tự kiểm tra của các Cục THADS địa phương từ 2016 đến 2023, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng Bộ về kết quả đánh giá, tổng hợp; đề xuất thành lập các đoàn kiểm tra do các đồng chí thành viên Ban cán sự đảng Bộ kiểm tra lại kết quả tự kiểm tra của địa phương xong trước 30/4/2024.
- Chủ trì tham mưu cho các đồng chí thành viên Ban cán sự đảng Bộ thành lập các đoàn kiểm tra lại kết quả tự kiểm tra của Cục THADS địa phương theo Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 sau khi có chỉ đạo của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
- Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra: kiểm tra nội bộ, kiểm tra công vụ, kiểm tra đột xuất đối với các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, có đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Hiện nay, theo kế hoạch kiểm tra của Tổng cục sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện 04 đơn vị, kiểm tra chuyên đề 15 đơn vị (tăng 04 đơn vị so với năm 2023), Tổng cục THADS cũng đang xây dựng kế hoạch kiểm tra công vụ trong THADS để thực hiện nhằm kiểm soát kỷ luật, kỷ cương công vụ.
- Chỉ đạo Cục THADS địa phương chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả tự kiểm tra theo yêu cầu tại Công văn số 693-CV/BCSĐ, thực hiện đầy đủ kế hoạch kiểm tra, kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm trong Hệ thống THADS và các nhiệm vụ kiểm tra khi được phân công.
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát trong đó kiểm soát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm đã được nêu trong kết luận.
(2) Về công tác xây dựng thể chế, quy chế nội bộ:
- Huy động tối đa nguồn lực của Hệ thống THADS, các đơn vị trong và ngoài Bộ tham gia rà soát các vướng mắc, bất cập, khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực trạng công tác THADS để xây dựng Luật THADS (sửa đổi) và Nghị định sửa đổi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
- Thực hiện sửa đổi các quy chế nội bộ đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi Quy chế kiểm tra trong THADS, Quy trình hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, Quy chế phối hợp giữa Thanh tra Bộ và Tổng cục THADS trong công tác THADS.
(3) Về Công tác tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm: Để tiếp tục thực hiện việc rút kinh nghiệm trong hệ thống về các hạn chế, vi phạm, yếu kém, Tổng cục sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá, có các văn bản chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với tồn tại, hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh, kết luận kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, kết luận kiểm tra của Tổng cục THADS, Cục THADS.
Hiện nay, Tổng cục đã tổng hợp, đánh giá sai phạm trong công tác xác minh, kê biên, xử lý tài sản trong hoạt động thi hành án dân sự và sẽ có văn bản chỉ đạo rút kinh nghiệm trong hệ thống.
(4) Về công tác hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn:
- Lãnh đạo Tổng cục thường xuyên tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với các cơ quan THADS có lượng án lớn, phức tạp để đôn đốc thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ.
- Tổ chức tập huấn có trọng tâm, trọng điểm về các vấn đề mà cơ quan THADS địa phương cần bổ trợ, tăng cường chuyên môn phục vụ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ như: tập trung vào những tình huống nghiệp vụ dễ xảy ra vi phạm, khái quát các dạng sai phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến nguy cơ xử lý kỷ luật, phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước, xử lý hình sự và nội dung cần lưu ý để phòng ngừa, ngăn chặn trong quá trình tổ chức thi hành án; kỹ năng kiểm tra, tự kiểm tra,…
(5) Về công tác cán bộ:
- Có giải pháp hỗ trợ các địa bàn có lượng án lớn, phức tạp như biệt phái, điều động,… công chức để tăng cường lực lượng thực hiện công tác kiểm tra (nếu cần).
- Tham mưu tổ chức xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Cục THADS thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra; cũng như có hình thức xử lý nghiêm các cá nhân thuộc thẩm quyền của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục để xảy ra vi phạm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi.
- Chỉ đạo Cục THADS địa phương tổ chức xem xét, xử lý trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra vi phạm được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát theo thẩm quyền.
(6) Về công tác phối hợp: Kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường công tác kiểm sát ngay từ đầu vụ việc, nhất là các vụ việc phức tạp, có giá trị thi hành lớn.
(7) Về phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra: Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục, Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy cùng cấp thường xuyên, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong THADS, THAHC.
Đối với Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc tự kiểm tra toàn diện công việc tại Cục từ năm 2016 đến năm 2023 theo yêu cầu của Ban cán sự đảng hiệu quả, chất lượng, xác định đây là một khâu quan trọng trong việc phòng ngừa vi phạm, thiếu sót và hiệu quả nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Trường hợp, đã tự kiểm tra nhưng qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát mà phát hiện vi phạm thì đồng chí Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, trước pháp luật về kết quả kiểm tra của các cơ quan, đơn vị quản lý theo thẩm quyền.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác, Kế hoạch kiểm tra năm 2024 đảm bảo tiến độ, chất lượng; tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề đối với các lĩnh vực, đơn vị có nguy cơ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực: vụ việc bán đấu giá, thu, chi tiền thi hành án, quản lý biên lai thu tiền thi hành án, kho vật chứng, các vụ việc có giá trị lớn, phức tạp, vụ án thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo, vụ việc thi hành án có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong,..
- Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả biện pháp khắc phục vi phạm, thiếu sót phát hiện theo các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát.
Tăng cường phúc tra, kiểm tra việc thực hiện các kết luận tự kiểm tra, đảm bảo kết luận kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, không bỏ sót các nội dung của kết luận kiểm tra. Có các hình thức tổ chức rút kinh nghiệm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, có hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với các cá nhân để xảy ra vi phạm. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm do cố ý, có mục đích vụ lợi, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực theo các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát.
- Tích cực phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án, cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm sát, giám sát ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thi hành án để kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót, vi phạm.
- Tiếp tục có các hình thức thường xuyên phổ biến, quán triệt về vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị xác định hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra là công cụ để đánh giá, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác, kiểm soát quyền lực trong hoạt động THADS; nâng cao ý thức trong chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, răn đe, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, tham nhũng, tiêu cực xảy ra.
Đối với Chi cục THADS
- Chủ động xây dựng và tổ chức tự kiểm tra toàn diện các mặt công tác theo yêu cầu của Công văn số 693-CV/BCSĐ. Chi cục trưởng Chi cục THADS chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Cục trưởng Cục THADS, trước pháp luật đối với kết quả tự kiểm tra của cơ quan, công chức.
- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, trong đó tập trung tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ, kiểm tra đột xuất, trong đó, tăng cường kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề những cá nhân có nhiều vi phạm, có dấu hiệu vi phạm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, thực hiện không nghiêm hoặc không đúng kết luận kiểm tra.
- Thực hiên đúng, đủ các Kết luận tự kiểm tra, kết luận kiểm tra của cấp trên, kết luận thanh tra, kết luận kiểm sát, tham mưu người có thẩm quyền hình thức xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân để xảy ra vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
- Tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án, cấp ủy, chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm sát, giám sát trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để kịp thời phát hiện, khắc phục thiếu sót, vi phạm ngay từ giai đoạn đầu của quá trình thi hành án.
Vụ GQKNTC
[1] Chương trình số công tác của Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục THADS năm 2024 số 318-CTr/ĐU ngày 02/02/2024 của Đảng ủy Tổng cục THADS.
[2] Thông báo kết luận của Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái tại giao ban cấp Vụ thuộc Tổng cục ngày 05/02/2024 số 40/TB-TCTHADS ngày 05/02/2024 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS; Thông báo kết luận của Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái tại giao ban Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục ngày 19/02/2024 số 52/TB-TCTHADS ngày 22/02/2024 của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.