Ngày 10/6/2024, Thông tư số 05/2024/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) đã được Lãnh đạo Bộ Tư pháp ký ban hành, thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/12/2019 quy định Chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC. Thông tư có hiệu lực từ ngày 26/7/2024 (sau 45 ngày theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Thông tư số 05/2024/TT-BTP có những điểm điểm mới như sau:
I. NỘI DUNG THÔNG TƯ SỐ 05/2024/TT-BTP
1. Căn cứ ban hành Thông tư:
Bổ sung quy định của các văn bản mới gồm:
- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008, được sửa đổi, bổ sung ngày 25 tháng 11 năm 2014, ngày 12 tháng 6 năm 2018, ngày 13 tháng 11 năm 2020 và ngày 11 tháng 01 năm 2022;
- Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung ngày 12 tháng 11 năm 2021;
- Căn cứ Luật Tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung ngày 26 tháng 11 tháng 2019;
- Căn cứ
Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung Chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Căn cứ
Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
2. Nội dung Thông tư
2.1. Điều 1 “Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng”
- Phạm vi điều chỉnh: Bổ sung quy định bao gồm “lập, gửi, nhận, tính toán” vào khoản 1 Điều này;
- Đối tượng áp dụng: Bổ sung cụm từ “sau đây gọi chung là Cục THADS”, “sau đây gọi chung là Chi cục THADS”.
2.2. Điều 2 “Hệ thống Biểu mẫu thống kê”
- So với quy định tại Thông tư 06/2019/TT-BTP thì Thông tư số 05/2024/TT-BTP đã tách phần trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu thành 01 điều riêng;
- Bổ sung cụm từ “hành chính”. Bổ sung quy định “...áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp..” vào tên Biểu mẫu số 7. Bổ sung quy định “...kiến nghị, phản ánh” vào tên Biểu mẫu số 8.
Tách phần trách nhiệm thực hiện thành 01 Điều riêng (Điều 3)
2.3. Điều 3 “Cơ quan thực hiện Biểu mẫu thống kê và trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu thống kê”
Điều 3 được tách từ khoản 2 Điều 2 của Thông tư 06/2019/TT-BTP để quy định rõ và chi tiết hơn đối với Cơ quan thực hiện Biểu mẫu thống kê và trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu thống kê.
“1. Cơ quan, cá nhân thực hiện Biểu mẫu thống kê
a) Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
b) Cục thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
c) Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh.
d) Phòng thi hành án cấp quân khu.
đ) Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện.
e) Chấp hành viên làm công tác thi hành án dân sự, hành chính tại các cơ quan Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án trong quân đội.
g) Người được phân công làm công tác thống kê thi hành án dân sự, hành chính trong cơ quan quản lý thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án trong quân đội.
2. Trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu báo cáo thống kê
Trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu báo cáo thống kê thi hành án dân sự được quy định tại Phụ lục Danh mục Biểu mẫu báo cáo thống kê thi hành án dân sự (quy định trách nhiệm thực hiện biểu mẫu) kèm theo Thông tư này”.
2.4. Điều 4 “Cơ quan nhận báo cáo thống kê”
Quy định rõ và chi tiết hơn đối với cơ quan nhận báo cáo thống kê như: Bộ Tư pháp; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp; Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Thi hành án dân sự…;
2.5. Điều 5 “Kỳ báo cáo thống kê”
Đưa quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư 06/2019/TT-BTP lên khoản 1 Điều này tại Thông tư mới đề phù hợp với quy định kỳ báo cáo thống kê tại Điều này như sau: “1. Báo cáo thống kê định kỳ bao gồm: kỳ báo cáo thống kê 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng, 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng, 12 tháng. Kỳ báo cáo thống kê 12 tháng là kỳ báo cáo thống kê năm.
Kỳ báo cáo thống kê được tính bắt đầu từ ngày 01/10 của năm hiện tại, kết thúc vào ngày cuối tháng của các kỳ báo cáo thống kê. Năm báo cáo thống kê thi hành án dân sự bắt đầu từ ngày 01/10 năm trước, kết thúc vào ngày 30/9 năm sau.
2. Báo cáo thống kê đột xuất được thực hiện theo yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền, nhằm thực hiện các yêu cầu về quản lý nhà nước trong thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Văn bản của người có yêu cầu báo cáo thống kê đột xuất phải nêu rõ thời gian, thời hạn, nội dung báo cáo thống kê và các yêu cầu khác (nếu có) để cơ quan, cá nhân được yêu cầu thực hiện”.
2.6. Điều 6 “Giá trị pháp lý của số liệu thống kê”
Quy định rõ hơn đối với số liệu thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính là bộ phận của số liệu thống kê Ngành Tư pháp; là một trong những căn cứ để thực hiện việc quản lý, điều hành công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Sau khi công bố, phổ biến, số liệu thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính có giá trị pháp lý. Không tổ chức, cá nhân nào được thay đổi hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân khác công bố, phổ biến số liệu thống kê thi hành án dân sự sai sự thật.
2.7. Điều 7 “Phương pháp tính trong báo cáo thống kê”
Quy định rõ thêm, ngoài phương pháp tính theo lũy kế thì bổ sung thêm các phương pháp tính khác được hướng dẫn chi tiết tại các Biểu mẫu được ban hành kèm theo Thông tư này.
2.8. Điều 8 “Lập báo cáo thống kê”
- Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 8 đối với quy định “tại khoản 2 Điều 1” Thông tư 06/2019/TT-BTP thành “khoản 1 Điều 3” tại Thông tư mới.
- Quy định rõ thêm đối với các cấp chốt số liệu, lập danh sách định kỳ 3, 6, 10, 12 tháng đối với các loại danh sách vụ việc gồm: thi hành án chưa có điều kiện thi hành đã chuyển sổ theo dõi riêng; danh sách việc thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành; danh sách vụ việc bồi thường nhà nước đang theo dõi, giải quyết (bao gồm cả vụ việc do Toà án nhân dân đang thụ lý giải quyết); danh sách việc thi hành án cho tổ chức tín dụng.
2.9. Điều 9 “Hình thức báo cáo và phương thức gửi báo cáo thống kê”
- Quy định rõ hình thức Báo cáo thống kê thi hành án dân sự được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử.
Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều này đối với việc
“a) Gửi bằng thư điện tử công vụ do Bộ Tư pháp cấp (*@moj.gov.vn);
b) Gửi trên Phần mềm quản lý văn bản của Bộ Tư pháp (qlvb.moj.gov.vn);
c) Việc gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự trong quân đội được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng”.
2.10. Điều 10 “Trình tự gửi, nhận, ngày gửi và thời hạn gửi báo cáo thống kê”
Quy định lại Điều này để làm rõ hơn đối với việc gửi, nhận và thời hạn gửi báo cáo thống kê đối với từng cấp thực hiện.
2.11. Điều 11 “Chỉnh sửa số liệu trong báo cáo thống kê”
Quy định rõ hơn việc gửi báo cáo bổ sung và giải trình rõ về nội dung chỉnh sửa. Báo cáo bổ sung, giải trình phải có chữ ký xác nhận của Thủ trưởng đơn vị, đóng dấu của cơ quan, gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự theo phương thức đã quy định tại Điều 9 của Thông tư này. Nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, chỉnh sửa trong Biểu mẫu báo cáo thống kê.
2.12. Điều 12 “Kiểm tra, thẩm tra thống kê”
Bổ sung quy định về dữ liệu điện tử thống kê tại điểm c khoản 2 Điều này
Bổ sung quy định đối với việc sử dụng số liệu thống kê tại điểm đ khoản 2 Điều này.
2.13. Điều 13 “Thẩm quyền công bố và phổ biến thông tin thống kê”
Sửa đổi toàn diện Điều này theo quy định của Luật thống kê “Bộ trưởng phải là người công bố và phổ biến thông tin thống kê thi hành án dân sự, hành chính theo quy định của pháp luật”. Không được ủy quyền như quy định của tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư số 06/2019/TT-BTP.
Bãi bỏ khoản 2 Điều này của Thông tư số 06/2019/TT-BTP do không còn phù hợp với quy định của Luật Thống kê.
2.14. Điều 14 “Sử dụng số liệu, thông tin trong báo cáo thống kê”
Quy định rõ hơn đối với việc xử dụng số liệu thống kê để “Xác định mức độ hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ và tổng hợp, bình xét thi đua, khen thưởng đối với cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên” và “Đánh giá kết quả thi hành án hành chính làm căn cứ kiến nghị xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính”.
2.15. Điều 15 “Trách nhiệm thực hiện Chế độ báo cáo thống kê”
Quy định rõ hơn đối với trách nhiệm thực hiện Chế độ báo cáo thống kê theo từng cấp thực hiện được quy định tại Phụ lục “Danh mục Biểu mẫu kèm theo Thông tư”. Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm ưu tiên đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến vào hoạt động thống kê thi hành án dân sự; nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm về thống kê, cơ sở dữ liệu điện tử về thống kê thi hành án dân sự.
2.16. Điều 16 “Khen thưởng và xử lý vi phạm”
Giữ nguyên quy định tại Điều này.
2.17. Điều 17 “Hiệu lực thi hành”
Quy định rõ hiệu lực thi hành và thay thế Thông tư 06/2019/TT-BTP. Đồng thời bổ sung quy định “Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế đó”.
II. BIỂU MẪU THỐNG KÊ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
1.1. Phụ lục danh mục Biểu mẫu thống kê
Quy định rõ thêm trách nhiệm thực hiện báo cáo thống kê và kỳ thực hiện báo cáo như: thực hiện Biểu mẫu số 8/TK-THADS “Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự” cấp Chi cục, Phòng thi hành án cấp quân khu phải thực hiện báo cáo theo 12 kỳ báo cáo; Biểu mẫu số 11/TK-THADS “Kết quả giải quyết bồi thường Nhà nước trong thi hành án dân sự”, Thông tư cũ quy định gửi kỳ 6, 12 tháng, Thông tư mới quy định rõ hơn việc gửi Biểu mẫu này tại các kỳ 3, 6, 10, 12 tháng đề phù hợp với thời hạn xây dựng Báo cáo Chính phủ; Biểu mẫu số 12/TK-THADS “Kết quả theo dõi thi hành án hành chính” cũng tương tự, quy định cũ báo cáo theo kỳ 3, 6, 9, 12 tháng, Thông tư mới quy định đối với Chấp hành viên phải báo cáo 12 kỳ, cấp Cục, Chi cục thực hiện báo cáo tại kỳ 3, 6, 10, 12 tháng.
1.2. Phụ lục 12 Biểu mẫu thống kê THADS
1.2.1. Biểu mẫu số 01/TK-THADS “Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc”
a. Theo cột:
Tách Chỉ tiêu trường hợp khác bao gồm 03 Chỉ tiêu thành phần gồm: “Tạm dừng THA để giải quyết khiếu nại, tố cáo”, “Trong thời hạn tự nguyện thi hành án”, “ Trở ngại khách quan” thành cột độc lập, không nằm trong “Tổng số có điều kiện thi hành” nhưng vẫn nằm trong “Tổng số phải thi hành” để phù hợp với quy định tại Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung Chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Quy định rõ hơn đối với Chỉ tiêu “Số chuyển kỳ sau” trừ số chưa có điều kiện thi hành án đã chuyển sổ theo dõi riêng.
b. Theo dòng:
Bãi bỏ Chỉ tiêu “Tín dụng”, “Trọng tài thương mại”, “Vụ việc cạnh tranh”, gộp 03 Chỉ tiêu này vào chung Chỉ tiêu “Kinh doanh, thương mại”.
Gộp Chỉ tiêu “Dân sự trong hành chính” vào Chỉ tiêu “Dân sự”.
Gộp Chỉ tiêu “Dân sự trong hình sự (tội phạm, chức vụ)”, “Dân sự trong hình sự (các tội XPTrTQLKT)” thành Chỉ tiêu chung “Dân sự trong hình sự về tham nhũng, kinh kế”.
Như vậy, đối với thống kê theo loại “Chủ động” và “Theo yêu cầu thi hành án” sẽ có 07 Chỉ tiêu cần thống kê, giảm 06 Chỉ tiêu so với Thông tư thống kê 06/2019/TT-BTP.
Bổ sung thống kê đối với Ủy thác xử lý tài sản gồm: “Đơn vị ủy thác đi” và “Đơn vị nhận ủy thác” thu thập số liệu thống kê Chỉ tiêu này để thực hiện Điều 55, Điều 56, Điều 57 Luật THADS đã được sửa đổi năm 2022.
c. Biểu phân tích một số Chỉ tiêu Việc thi hành án dân sự
- Đối với phân tích Chỉ tiêu “Hoãn thi hành án”: Bổ sung thêm Chỉ tiêu “Hoãn theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân” và “Hoãn theo yêu cầu của Tòa án nhân dân” để thu thập số liệu thống kê đối với 02 Chỉ tiêu này và bằng “Hoãn theo khoản 2 Điều 48).
- Chỉ tiêu “Tạm đình chỉ thi hành án” phân tích rõ Chỉ tiêu “Tạm đình chỉ thi hành án theo khoản 1 Điều 49” thành 02 Chỉ tiêu thành phần gồm: “Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị tạm đình chỉ” và “Tòa án nhân dân kháng nghị tạm đình chỉ”.
- Phân tích Chỉ tiêu “Dân sự trong hình sự về kinh tế, tham nhũng” thành 03 Chỉ tiêu thành phần gồm: “Dân sự trong hình sự về tham nhũng, kinh tế do BCĐTƯ về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo”, “Dân sự trong hình sự về tham nhũng, kinh tế do BCĐ tỉnh, thành phố theo dõi, chỉ đạo” và “Dân sự trong hình sự về tham nhũng, kinh tế khác”.
1.2.2. Biểu mẫu số 02/TK-THADS “Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền”
(Tương tự như Biểu mẫu số 01/TK-THADS)
1.2.3. Biểu mẫu số 03/TK-THADS “Kết quả thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước”
a. Theo cột: (
Tương tự như Biểu mẫu số 01/TK-THADS).
b. Theo dòng: Gộp 02 Chỉ tiêu “Án phí”, “Lệ phí” thành Chỉ tiêu chung “Án phí, lệ phí”; gộp Chỉ tiêu “Tịch thu”, “Truy thu” thành Chỉ tiêu chung “Tịch thu, truy thu”.
1.2.4. Biểu mẫu số 04/TK-THADS “Kết quả thi hành án dân sự tính bằng việc chia theo cơ quan THADS và Chấp hành viên”
(Tương tự như Biểu mẫu số 01/TK-THADS)
1.2.5. Biểu mẫu số 05/TK-THADS “Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chia theo cơ quan THADS và Chấp hành viên”
(Tương tự như Biểu mẫu số 02/TK-THADS)
1.2.6. Biểu mẫu số 06/TK-THADS “Kết quả đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án”
Giữ nguyên như quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BTP.
1.2.7. Biểu mẫu số 07/TK-THADS “Kết quả áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế trong thi hành án dân sự”
Đây là Biểu mẫu được thiết kế mới, bổ sung Chỉ tiêu áp dụng biện pháp bảo đảm THADS cụ thể như sau:
- Bổ sung Chỉ tiêu thống kê “Tổng số việc thi hành án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm”.
- Sửa đổi Chỉ tiêu “Kết quả cưỡng chế” bao gồm 04 Chỉ tiêu thành phần là: “Đương sự tự nguyện trước khi cưỡng chế”, “Cưỡng chế thành công”, “Cưỡng chế không thành công”, “Chưa tổ chức cưỡng chế” của Thông tư 06/2019/TT-BTP thành 02 Chỉ tiêu thành phần là “Đã thi hành xong”, “Chưa thi hành xong” tại Biểu mẫu này của Thông tư số 05/2024/TT-BTP.
1.2.8. Biểu mẫu số 08/TK-THADS “Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự”
Biểu mẫu này được thiết kế mới, theo đó: Bổ sung Chỉ tiêu thống kê đối với “kiến nghị, phản ánh” để thu thập số liệu đối với Chỉ tiêu này. Lưu ý: Chỉ tiêu thống kê này chỉ thu thập số liệu đối với việc xử lý đơn tiếp nhận gồm: Tổng số đơn tiếp nhận, lưu đơn, chuyển đơn, hướng dẫn, trả lời đơn, đã thụ lý, đang thụ lý.
1.2.9. Biểu mẫu số 09/TK-THADS “Tiếp công dân trong thi hành án dân sự”
Giữ nguyên biểu này
1.2.10. Biểu mẫu số 10/TK-THADS “Kết quả giám sát, kiểm sát, kiểm tra thi hành án dân sự”
Sửa đổi, bổ sung 02 Chỉ tiêu trong Biểu mẫu này gồm: “Tự kiểm tra và kiểm tra nội bộ”, “Kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới”, để thu thập Chỉ tiêu thống kê này.
1.2.11. Biểu mẫu số 11/TK-THADS “Kết quả bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự”
Biểu mẫu này được thiết kế lại toàn bộ để thu thập các Chỉ tiêu quy định tại Biểu mẫu này.
1.2.12. Biểu mẫu số 12/TK-THADS “Kết quả thi hành các bản án, quyết định về hành chính”
Thiết kế mới toàn bộ các Chỉ tiêu trong Biểu mẫu để phù hợp với quy định của pháp luật.
a. Theo cột:
1. Số bản án, quyết định về vụ án hành chính cơ quan THADS đã nhận chuyển giao từ Tòa án.
2. Tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính phải theo dõi.
3. Tổng số bản án, quyết định tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện Đã có quyết định buộc thi hành án.
4. Số bản án, quyết định tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện Đã có quyết định buộc thi hành án Năm trước chuyển sang.
5. Số bản án, quyết định tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện Đã có quyết định buộc thi hành án Thụ lý mới.
6. Tổng số Chưa có quyết định buộc thi hành án
7. Tổng số Chưa có quyết định buộc thi hành án Năm trước chuyển sang.
8. Tổng số Chưa có quyết định buộc thi hành án thụ lý mới.
9. Số bản án, quyết định khác của Tòa án về vụ án hành chính.
10. Số vụ việc đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án.
11. Số vụ việc cơ quan THADS đã làm việc với người phải thi hành án.
12. Tổng số quyết định buộc THAHC đã đăng tải công khai.
13. Tổng số Số vụ việc cơ quan THADS có văn bản kiến nghị xử lý trách nhiệm người không chấp hành án.
14. Đã nhận được kết quả xử lý trách nhiệm Số trường hợp bị xử lý
15. Đã nhận được kết quả xử lý trách nhiệm Số trường hợp không bị xử lý
16. Chưa nhận được kết quả xử lý trách nhiệm.
17. Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã thi hành xong.
III. PHỤ LỤC HƯỚNG DẪN BIỂU MẪU KÈM THEO THÔNG TƯ
Do thay đổi thiết kế và quy định lại đối với 1 số Chỉ tiêu trong Biểu mẫu thống kê của Thông tư mới, do đó, hướng dẫn ghi chép Biểu mẫu cũng phải điều chỉnh cho phù hợp với từng Biểu mẫu được quy định mới.
3.1. Hướng dẫn Biểu mẫu 01/TK-THA “Kết quả thi hành án tính bằng việc”
Do Biểu mẫu thống kê được thiết kế lại một số chỉ tiêu, thiết kế lại quy định tại các cột, các dòng cho nên phần hướng dẫn Biểu mẫu cũng thay đổi cho phù hợp với biểu mẫu. Chủ yếu sửa đổi quy định đối với giải thích khái niệm Việc có điều kiện; Việc đang thi hành …;
Quy định rõ thêm đối với “Việc trường hợp khác” gồm: tạm dừng thi hành án để giải quyết khiếu nại, tố cáo; đang trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự; việc do có trở ngại khách quan mà Chấp hành viên không thể tổ chức thi hành án (bão, lũ, dịch, bệnh).
Giải thích rõ thêm đối với “Việc chuyển kỳ sau”, Thông tư 06/2029/TT-BTP chưa giải thích rõ Chỉ tiêu này không bao gồm số chưa có điều kiện thi hành án đã chuyển sổ theo dõi riêng. Do đó, Thông tư 05/2024/TT-BTP đã quy định rõ thêm (trừ số chưa có điều kiện thi hành án đã chuyển sổ theo dõi riêng) để tránh nhầm lẫn khi thực hiện thống kê. Đồng thời, làm rõ khái niệm đối với các Chỉ tiêu sau chưa được quy định tại phụ lục giải thích gồm:
- Kinh doanh thương mại là số việc thi hành bản án, quyết định về kinh doanh thương mại, tín dụng (trừ khoản thu cho tổ chức tín dụng trong các bản án, quyết định hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế; khoản thu cho tổ chức tín dụng trong các bản án hình sự khác); thi hành các quyết định về dân sự trong vụ việc cạnh tranh, trọng tài thương mại.
- Phá sản là số việc thi hành quyết định về phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm thi hành của cơ quan thi hành án dân sự.
- Hôn nhân và gia đình là số việc thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình.
- Lao động là số việc thi hành bản án, quyết định về lao động.
- Dân sự là số việc thi hành bản án, quyết định dân sự và các quyết định về dân sự trong bản án, quyết định hành chính (trừ quyết định về dân sự trong bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại, phá sản, hôn nhân và gia đình, lao động và việc thi hành án liên quan đến khoản thu cho tổ chức tín dụng trong bản án hình sự, hình sự về tham nhũng, kinh tế).
- Dân sự trong hình sự về tham nhũng, kinh tế là số việc thi hành bản án, quyết định hình sự về tội phạm chức vụ và các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, bao gồm: số do Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và số việc không thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo (bao gồm cả các khoản thu cho tổ chức tín dụng trong các bản án, quyết định này).
- Dân sự trong hình sự là số việc thi hành nghĩa vụ tài sản trong các bản án hình sự (bao gồm cả việc thi hành bản án hình sự liên quan đến khoản thu cho tổ chức tín dụng), trừ số việc thi hành bản án, quyết định hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế.
- Việc ủy thác xử lý tài sản là số quyết định ủy thác xử lý tài sản đã ra trong kỳ báo cáo.
Viết lại công thức tính đảm bảo đúng quy định của Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung Chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống Chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn Chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3.2. Hướng dẫn Biểu mẫu số 02/TK-THADS “Kết quả thi hành án tính bằng tiền”
Tương tự giải thích Biểu mẫu số 01/TK-THADS, đồng thời làm rõ thêm đối với giải thích Chỉ tiêu “Tiền chưa có điều kiện thi hành án” như sau: Số tiền trong các vụ việc có tài sản, nhưng tài sản đã được đảm bảo cho việc thi hành một nghĩa vụ cụ thể khác theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền
mà giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án chỉ bằng nghĩa vụ bảo đảm cộng chi phí cưỡng chế (nếu có).
3.3. Hướng dẫn Biểu mẫu 03/TK-THADS Kết quả thi hành cho ngân sách nhà nước
Do các Chỉ tiêu thống kê trong Biểu mẫu này đã được giải thích rõ tại phần giải thích của Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS nên sẽ được dẫn chiếu theo giải thích Biểu mẫu Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS.
3.4. Hướng dẫn Biểu mẫu số 04/TK-THADS Kết quả thi hành án tính bằng việc chia theo cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên
Do các Chỉ tiêu thống kê trong Biểu mẫu này đã được giải thích rõ tại phần giải thích của Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS nên sẽ được dẫn chiếu theo giải thích Biểu mẫu Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS.
3.5. Hướng dẫn Biểu mẫu số 05/TK-THADS Kết quả thi hành án dân sự tính bằng tiền chia theo cơ quan Thi hành án dân sự và Chấp hành viên
Do các Chỉ tiêu thống kê trong Biểu mẫu này đã được giải thích rõ tại phần giải thích của Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS nên sẽ được dẫn chiếu theo giải thích Biểu mẫu Biểu mẫu số 01/TK-THADS và Biểu mẫu 02/TK-THADS.
3.6. Hướng dẫn Biểu mẫu số 06/TK-THADS Kết quả đề nghị xét miễn và giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự
Biểu mẫu này không thay đổi, do đó phần giải thích Biểu mẫu này không thay đổi.
3.7. Hướng dẫn Biểu mẫu số 07/TK-THADS Kết quả áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế trong thi hành án dân sự
Biểu mẫu này được thiết kế lại toàn bộ, bổ sung Chỉ tiêu thống kê đối với “việc áp dụng biện pháp bảo đảm”, do đó phần giải thích các Chỉ tiêu trong Biểu mẫu này cũng thay đổi như sau:
- Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án dân sự là số việc thi hành án dân sự mà Chấp hành viên đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.
- Mỗi một vụ việc thi hành án có ban hành quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được tính là một việc cưỡng chế (một việc thi hành án dân sự ra nhiều quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế được tính là 1 việc cưỡng chế).
- Cưỡng chế có huy động lực lượng là trường hợp tổ chức cưỡng chế có huy động ít nhất từ hai người là Công an trở lên để bảo vệ cưỡng chế.
- Đã thi hành xong, là việc thi hành án có ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đã được tổ chức thi hành xong.
- Chưa thi hành xong, là việc thi hành án có ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế, nhưng chưa được tổ chức thi hành xong.
3.8. Hướng dẫn Biểu mẫu số 08/TK-THADS Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự
- Việc khiếu nại là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật, khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, của Chấp hành viên đã có Thông báo về việc thụ lý giải quyết khiếu nại.
Việc tố cáo là việc công dân theo quy định của pháp luật, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức làm công tác thi hành án dân sự đã có quyết định thụ lý tố cáo.
Đơn kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với người có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong thi hành án dân sự.
Mỗi trường hợp khiếu nại hoặc tố cáo được thụ lý được tính là một việc khiếu nại hoặc một việc tố cáo.
Mỗi đơn kiến nghị, phản ánh của một hoặc nhiều người cùng gửi đơn được tính là một đơn kiến nghị, phản ánh.
Chuyển đơn là trường hợp chuyển đến cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đơn.
Hướng dẫn, trả lời đơn là trường hợp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trả lời cá nhân, tổ chức đã gửi đơn.
Số việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thi hành án dân sự là số việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự đã thụ lý.
- Đơn
khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là văn bản của cá nhân, tổ chức khiếu nại, tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
Biên bản tiếp công dân có nội dung tố cáo, khiếu nại hoặc kiến nghị, phản ánh được tính là “Đơn”. Trường hợp tiếp công dân có lập Biên bản tiếp công dân và có đơn gửi kèm theo thì tính là “Đơn”; trường hợp có nhiều đơn của nhiều người, với nhiều nội dung khác nhau thì “Đơn” tính theo kết quả phân loại đơn.
3.9. Hướng dẫn Biểu mẫu số 09/TK-THADS Tiếp công dân trong thi hành án dân sự
Làm rõ thêm đối với các khái niệm:
Việc tiếp công dân là số việc cơ quan thi hành án dân sự tiếp công dân theo quy định của pháp luật đến trụ sở cơ quan thi hành án dân sự trình bày trực tiếp các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự.
Mỗi trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được tính là một Lượt (Việc) tiếp công dân.
Đoàn đông người là trường hợp có từ 05 công dân trở lên cùng đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về cùng 01 nội dung (một hoặc nhiều lần tiếp nhưng trùng lặp nội dung) được tính là một Lượt.
Lãnh đạo cơ quan tiếp: trường hợp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được lãnh đạo cơ quan (Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự, Chi cục thi hành án dân sự) tiếp theo quy định của Luật tiếp công dân về Thủ trưởng cơ quan tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất (một hoặc nhiều lần tiếp nhưng trùng lặp nội dung) được tính là một Lượt.
3.10. Hướng dẫn Biểu mẫu số 10/TK-THADS Kết quả giám sát, kiểm sát, kiểm tra thi hành án dân sự
Sửa đổi, bổ sung đơn vị tính đối với “báo cáo giám sát”, và quy định rõ thêm đối với nguồn số liệu được thống kê tại Biểu mẫu này “Số liệu trong Biểu mẫu được lấy từ hồ sơ thi hành án dân sự và các loại sổ chuyên môn nghiệp vụ có liên quan; báo cáo giám sát, kết luận kiểm sát; thông báo kết quả giám sát, thông báo kết quả kiểm sát; kháng nghị, kiến nghị, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền”.
Cuộc giám sát, kiểm sát đã có quyết định kiểm sát và có báo cáo giám sát, kết luận kiểm sát của các cơ quan có thẩm quyền hoặc Viện kiểm sát nhân dân khi tiến hành giám sát, kiểm sát trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự.
Mỗi quyết định, thông báo giám sát, kiểm sát đã có báo cáo giám sát, kết luận kiểm sát của cơ quan có thẩm quyền được tính là một cuộc giám sát, kiểm sát.
Mỗi cuộc kiểm tra đã có kết luận kiểm tra được tính là 1 cuộc kiểm tra.
3.11. Hướng dẫn Biểu mẫu số 11/TK-THADS Kết quả bồi thường nhà nước trong thi hành án dân sự
Biểu mẫu 11/TK-THADS.BTNN được sửa đổi toàn diện để phù hợp với quy định của Luật bồi thường nhà nước, phần giải thích đối với các Chỉ tiêu nêu trong Biểu mẫu phải rõ ràng. Do đó, giải thích đối với từng Chỉ tiêu cụ thể như sau:
Bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự: phản ánh tình hình yêu cầu và kết quả giải quyết của cơ quan giải quyết bồi thường (bao gồm cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền) thực hiện giải quyết yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại theo trình tự, thủ tục luật định.
- Năm trước chuyển sang, là số việc Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự vẫn đang trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước tại thời điểm báo cáo thống kê, chuyển sang năm sau tiếp tục giải quyết.
- Thụ lý mới là số việc Toà án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự thụ lý giải quyết trong năm công tác.
- Đã ban hành quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực là việc cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định giải quyết bồi thường, đã quá 15 ngày người yêu cầu bồi thường không khởi kiện tại Tòa án.
- Chưa ban hành quyết định giải quyết bồi thường là việc cơ quan thi hành án dân sự đang trong quá trình thực hiện các trình tự theo quy định để giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Người yêu cầu bồi thường khởi kiện theo khoản 2 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 là trường hợp người yêu cầu bồi thường,
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường, hoặc thương lượng không thành mà người yêu cầu bồi thường khởi kiện tại Tòa án.
- Khởi kiện theo khoản 1 Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là những việc trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường.
- Trường hợp khác là những việc đình chỉ giải quyết và lý do khác phù hợp với quy định của pháp luật (ví dụ: tự thỏa thuận giữa người thi hành công vụ gây ra thiệt hại và người yêu cầu bồi thường; cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường sử dụng khoản kinh phí tiết kiệm để chi trả cho người yêu cầu bồi thường...).
- Số chưa thi hành xong là những việc chưa có bản án của Tòa án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan thi hành án dân sự và những bản án của Tòa án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan thi hành án dân sự có hiệu lực nhưng chưa được cấp kinh phí.
3.12. Hướng dẫn Biểu mẫu số 12/TK-THA Kết quả theo dõi thi hành án hành chính
Thiết kế mới Biểu mẫu này, do đó phụ lục hướng dẫn ghi chép cũng phải thiết kế mới để hướng dẫn các Chỉ tiêu quy định trong biểu mẫu:
Bản án, quyết định về vụ án hành chính mà cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải tổ chức thi hành án (có nội dung phải thi hành) là những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật có nội dung tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện và các quyết định khác của Tòa án về vụ án hành chính như: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong vụ án hành chính, Quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, Quyết định của Tòa án tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Số bản án, quyết định về vụ án hành chính đã có hiệu lực cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành từ số cũ chuyển sang bao gồm: Bản án, quyết định chưa có quyết định buộc thi hành án của Tòa án và bản án, quyết định đã có quyết định buộc thi hành án.
Số bản án, quyết định về vụ án hành chính đã có hiệu lực cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành tiếp nhận mới bao gồm: Bản án, quyết định chưa có quyết định buộc thi hành án của Tòa án và bản án, quyết định đã có quyết định buộc thi hành án.
Bản án, quyết định về vụ án hành chính đã thi hành xong là những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật có nội dung tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong vụ án hành chính, Quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, Quyết định của Tòa án tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đã được cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện xong nhiệm vụ, công vụ theo đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án (Bao gồm cả bản án có quyết định buộc thi hành án và bản án chưa có quyết định buộc thi hành án; cả số từ năm trước chuyển sang và số tiếp nhận mới).
Số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa thi hành xong (Bao gồm cả bản án có quyết định buộc thi hành án và chưa có quyết định buộc thi hành án; cả số từ năm trước chuyển sang và số tiếp nhận mới).
Như vậy, so với Thông tư số 06/2019/TT-BTP và Thông tư 05/2024/TT-BTP như sau:
* Nội dung Thông tư:
- Thông tư thống kê số 06/2019/TT-BTP có 3 Chương, 16 Điều.
- Thông tư thống kê mới có 3 Chương, 17 Điều (bổ sung Điều 3 Cơ quan thực hiện Biểu mẫu thống kê và trách nhiệm thực hiện Biểu mẫu thống kê).
- Nội dung Thông tư sửa đổi 16/16 Điều (sửa 100%), bổ sung 01 Điều (bổ sung 6%).
* Biểu mẫu thống kê
- Thông tư cũ: có 12 Biểu mẫu cần thống kê
- Thông tư thống kê mới có 12 Biểu mẫu cần thống kê, sửa đổi 11/12 Biểu mẫu (sửa đổi 92%)
* Giải thích Biểu mẫu thống kê
- Thông tư cũ: có 12 phụ lục giải thích cho 12 Biểu mẫu kèm theo Thông tư.
- Thông tư thống kê mới có 12 phụ lục giải thích theo 12 Biểu mẫu cần thống kê, sửa đổi giải thích 12/12 Biểu mẫu (sửa 100%,).
Trên đây là những điểm mới của Thông tư số 05/2024/TT-BTP ngày 10/6/2024 thay thế Thông tư thống kê số 06/2019/TT-BTP quy định Chế dộ báo cáo thống kê THADS, theo dõi THAHC./.
.........................................................