Những điểm mới của Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức Tổng cục Thi hành án dân sự năm 2024

05/10/2024


Ngày 09/9/2024, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã ký Quyết định số 1135/QĐ-TCTHADS ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng công chức, viên chức Tổng cục THADS (sau đây gọi tắt là Quy chế). Quy chế có những điểm mới sau cần lưu ý:
1. Về bố cục, nội dung cơ bản của Quy chế
1.1. Về bố cục: Quy chế có bố cục 02 phần (nội dung quy chế và phụ lục quy chế)
- Phần I: Nội dung quy chế, chia thành 5 chương:
+ Chương 1: những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 6);
+ Chương 2: tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng công chức (từ Điều 7 đến Điều 10);
+ Chương 3: tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng viên chức (từ Điều 11 đến Điều 14);
+ Chương 4: thẩm quyền, trình tự, thủ tục (từ Điều 15 đến Điều 19);
+ Chương 5: tổ chức thực hiện (từ Điều 20 đến Điều 22).
- Phần 2: phụ lục Quy chế
+ Phụ lục 1: danh mục các biểu mẫu theo vị trí việc làm (18 biểu).
+ Phụ lục 2: thang điểm, cách thức chấm điểm.
1.2. Nội dung cơ bản của Quy chế
a) Nội dung kế thừa gồm:
- Phạm vi, đối tượng áp dụng
- Nội dung đánh giá
- Mức xếp loại
- Tiêu chí chung
- Thẩm quyền
- Trình tự, thủ tục đánh giá công chức
- Bảng chấm điểm đối với các chức danh trong hệ thống THADS.
b) Nội dung sửa đổi, bổ sung, quy định mới gồm:
- Nguyên tắc đánh giá
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ
- Thời điểm đánh giá
- Lưu tài liệu đánh giá công chức
- Phương pháp đánh giá
- Chỉ tiêu xếp loại công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
2. 08 nội dung cơ bản sau được sửa đổi, cụ thể:
1. Nguyên tắc đánh giá (Điều 2)
Bổ sung quy định:
- Gắn trách nhiệm cá nhân với tập thể; gắn kết quả của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý với kết quả thực hiện nhiệm vụ của của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
- Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tập thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu, trừ trường hợp người đứng đầu mới chuyển đến không liên quan mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị mới.
- Công chức nghỉ ốm với tổng thời gian trong năm từ 03 tháng trở lên và công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.
- Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.
b) Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.
c) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.
7. Trường hợp cá nhân có khuyết điểm, vi phạm xảy ra từ năm trước, thời điểm trước nhưng đến thời điểm năm đánh giá, xếp loại mới bị cấp có thẩm quyền quyết định thi hành kỷ luật hoặc cá nhân bị cấp có thẩm quyền quyết định tăng nặng hình thức kỷ luật trong năm đánh giá, xếp loại thì tổ chức cấp trên có thẩm quyền căn cứ vào hình thức kỷ luật, nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể để xem xét đánh giá, xếp loại lại tại thời điểm xảy ra khuyết điểm, vi phạm, cụ thể:
a) Sau khi quyết định thi hành kỷ luật cá nhân có hiệu lực, cấp trên trực tiếp căn cứ hình thức kỷ luật, thời điểm xảy ra khuyết điểm, vi phạm được ghi trên quyết định thi hành kỷ luật để tiến hành đánh giá lại kết quả xếp loại chất lượng tại thời điểm đó ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; đối với trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả thì cân nhắc kỹ lưỡng nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, hoàn cảnh, nguyên nhân vi phạm để xem xét, quyết định đánh giá lại kết quả cho phù hợp.
b) Ra quyết định hủy bỏ kết quả xếp loại cũ và công nhận kết quả xếp loại mới. Chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc hủy bỏ các nội dung về thi đua khen thưởng (nếu có) theo thẩm quyền để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan.
2. Tiêu chí chung (Điều 6)
Bổ sung quy định:
- Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể)
- Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra:
+ Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra qua kiểm điểm, đánh giá hàng năm;
+ Kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm, vi phạm công chức, viên chức được chỉ ra qua thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền (nếu có).
3. Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức, viên chức (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ) ((Điều 7,8,9, 10,11,12,13,14)
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
Bổ sung quy định: Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 6 Quy chế này; các tiêu chí đánh giá đều đạt “Tốt” trở lên; trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt “Xuất sắc” bằng sản phẩm cụ thể.
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
Bổ sung quy định: Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4,  điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 6 Quy chế này; các tiêu chí được đánh giá đạt “Trung bình” trở lên, trong đó những tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm (đối với cá nhân) đều được đánh giá đạt “Tốt” trở lên bằng sản phẩm cụ thể.
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ:
Bổ sung quy định: Đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4, điểm b khoản 5 và khoản 6 Điều 6 Quy chế này; các tiêu chí cơ bản được đánh giá đạt “Trung bình” trở lên bằng sản phẩm cụ thể.
- Tiêu chí xếp loại chất lượng công chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
Bổ sung quy định:
- Bị cấp có thẩm quyền kết luận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi công tác;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả).
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 70% các chỉ tiêu, nhiệm vụ hoặc xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ;
- Có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục xong hậu quả);
- Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm theo quy định trong năm đánh giá
4. Phương pháp đánh giá/thời điểm đánh giá (Điều 16)
Bổ sung quy định: Thời điểm thực hiện đánh giá công chức, viên chức là hàng tháng, có sản phẩm cụ thể kèm theo.
Thời điểm thực hiện xếp loại chất lượng công chức, viên chức đối với cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự ở Trung ương được tiến hành trước ngày 30 tháng 11 hàng năm; đối với các cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương được tiến hành sau ngày 30 tháng 9 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thời điểm hoàn thành công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại trước 31/12 hằng năm, chậm nhất trước 15/01 năm sau, trước khi tổng kết công tác năm của cơ quan, đơn vị.
5. Trình tự, thủ tục đánh giá (Điều 17):
Điều chỉnh thành phần dự họp đánh giá đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu theo quy định tại điểm b Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, đó là: Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có đơn vị cấu thành thì thành phần bao gồm tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên cùng cấp và người đứng đầu các đơn vị cấu thành; đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn thì người đứng đầu các đơn vị cấu thành có thể tham gia ý kiến bằng văn bản. (Quy chế năm 2021 quy định: người đứng đầu các đơn vị cấu thành (tại Tổng cục Thi hành án dân sự là các Vụ trưởng và tương đương, tại các Cục Thi hành án dân sự là các Trưởng phòng và tương đương).
6. Sử dụng kết quả đánh giá (Điều 18)
Bổ sung quy định: Việc xử lý công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ được quy định như sau:
a) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cho thôi việc đối với công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
Viên chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức (trừ trường hợp không được đơn phương chấm dứt theo quy định).
b) Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại;
c) Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.
d) Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức, viên chức có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp; trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
7. Lưu tài liệu đánh giá công chức (Điều 19)
Tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm:
1. Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá.
2. Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có).
4. Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền.
5. Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có).
6. Các văn bản khác liên quan (nếu có).
8. Tổ chức thực hiện (Điều 20)
- Bỏ đoạn: Kết quả đánh giá của các năm trước năm 2021 được tính liên tục để áp dụng các quy định có liên quan đối với công chức, viên chức.
- Bổ sung tiêu chí chấm điểm từ 05 thành 06 tiêu chí, cụ thể:
1. Nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng (10 điểm);
2. Nhóm tiêu chí về đạo đức, lối sống (10 điểm);
3. Nhóm tiêu chí về tác phong, lề lối làm việc (10 điểm);
4. Nhóm tiêu chí về ý thức tổ chức kỷ luật (10 điểm);
5. Nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (50 điểm).
6. Kết quả khắc phục hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đã được chỉ ra (10 điểm)