Một số điểm mới cần lưu ý về Luật bảo hiểm xã hội mới năm 2024 (hiệu lực từ 01/07/2025) – phần 1

17/10/2024


Ngày 29 tháng 6 năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 số 41/2024/QH15 (sau đây được viết là Luật BHXH năm 2024).
Luật BHXH năm 2024 kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014 với nhiều thay đổi và bổ sung nhiều quyền lợi cho người tham gia, bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến Pháp, thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; mở rộng gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động thao gia BHXH; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai, thực hiện Luật BHXH hiện hành; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. (Luật BHXH năm 2024 có 11 chương, 141 điều, tăng 2 chương và 16 điều so với Luật BHXH hiện hành).
Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định các nội dung như sau:
- Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và BHXH tự nguyện;
- Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng;
- Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu;
- Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
- Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
- Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội;
- Sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung;
- Thay đổi quy định hưởng chế độ ốm đau;
- Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả;
- Quy định cụ thể về mức tham chiếu thay cho mức lương cơ sở;
- Quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH;
- Sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.
 I. Luật BHXH năm 2024 mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
Tại khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung thêm các đối tượng người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc bao gồm:
- Viên chức quốc phòng
- Dân quân thường trực
- Người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2023 không hưởng tiền lương.
- Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:
+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019;
+ Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Việc bổ sung quy định nhằm đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động 2019, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại khoản 2 Điều 2 của Luật BHXH 2024 bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này.
3. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây quy định tại khoản 2 điều 2 Luật BHXH 2024:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
- Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
4. Theo khoản 3 điều 2 Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu; tổ hợp tác; liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
II. Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu để hình thành hệ thống BHXH đa tầng
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam); trong khi tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.
Với thiết kế lại Luật BHXH mới được Quốc hội biểu quyết thông qua đã thể chế hoá được nội dung cải cách nêu trên và cũng thể hiện được sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo đó, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung thêm chương III về trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là loại hình BHXH do ngân sách Nhà nước đảm bảo được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi, một sự bổ sung cần thiết trong tương lai để góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
1. Theo Điều 21 Luật BHXH đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Đối với công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Từ đủ 75 tuổi trở lên;
+ Không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trừ trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
+ Có văn bản đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
- Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 21 thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Như vậy, theo luật quy định độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thấp hơn 5 tuổi so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi hiện hành. Hiện nay có khoảng 2 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp xã hội theo Luật Người cao tuổi. Khi Luật BHXH sửa đổi năm 2024 có hiệu lực, thì sẽ chuyển sang tên gọi mới là trợ cấp hưu trí xã hội. Theo ước tính của Bộ Lao động thương binh xã Hội, sẽ có thêm 1,2 triệu người cao tuổi được hưởng lợi từ chính sách lương hưu mới này.
2. Chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo Điều 23:
- Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại Điều 21 của Luật này, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 23.
- Thời gian hưởng, mức hưởng trợ cấp hằng tháng được xác định căn cứ vào thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
- Mức trợ cấp hằng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.
  Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động cao hơn số tiền tính mức trợ cấp hằng tháng bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội tại thời điểm giải quyết hưởng cho khoảng thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì người lao động được tính để hưởng trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn.
  Trường hợp tổng số tiền tính theo thời gian đóng, căn cứ đóng BHXH không đủ để người lao động hưởng trợ cấp hằng tháng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu người lao động có nguyện vọng thì được đóng một lần cho phần còn thiếu để hưởng cho đến khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
- Mức trợ cấp hằng tháng quy định tại khoản 3 Điều này được áp dụng việc điều chỉnh theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
- Trường hợp người đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng chưa nhận và được hưởng một lần trợ cấp mai táng nếu đủ điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 85 hoặc điểm a khoản 1 Điều 109 của Luật này.
- Người đang trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
- Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
 III. Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm
Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ cải cách với nội dung: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.
Theo đó, Tại Điều 98 Luật BHXH năm 2024 nêu rõ đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu: Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên.
Qua khảo sát thực tiễn, một trong những nguyên ngân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động.
Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định mức lương hưu hàng tháng:
- Mức lương hưu hằng tháng của đối tượng đủ điều kiện quy định tại Điều 98 của Luật này được tính như sau:
+ Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
+ Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 20 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
+ Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật này tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
- Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 của Luật này.
- Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH quy định tại Điều 104 của Luật này.
Với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh mức hưởng và trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ BHXH mua thẻ BHYT thì sẽ góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống của người lao động, sẽ có thêm nhiều người được đảm bảo lương hưu và được hưởng BHYT khi về già.
 
IV. Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn
Theo Luật BHXH Việt Nam hiện hành quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo Điều 30 Luật BHXH năm 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ thai sản là người lao động quy định tại các điểm a, b, b, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2014, không áp dụng chế độ thai sản đối với nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo Điểm i Khoản 1 Điều 2 (tức là nhóm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn). Người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau, thai sản là nhờ người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động.
Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 86 Luật BHXH năm 2014 quy định mức đóng của người sử dụng lao động, nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo Điểm i Khoản 1 Điều 2 (tức là nhóm người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn) không được người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.
Theo Luật BHXH Việt Nam, đối chiếu các quy định nêu trên thì người sử dụng lao động không phải đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Do đó, người lao động đó cũng không thuộc đối tượng áp dụng giải quyết hưởng chế độ thai sản.
Theo Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (bao gồm phường, thị trấn) và cả ở thôn, tổ dân phố thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Điều 34 Luật BHXH năm 2024 quy định về mức đóng, phương thức và thời hạn BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động. Theo đó, người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo Điểm k Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2024 (người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) thuộc nhóm được người sử dụng lao động đóng 3% trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản.
Điều 50 Luật BHXH năm 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng chế độ thai sản. Khoản 1 điều 50 quy định nhóm người lao động tham gia BHXH bắt buộc theo Điểm k Khoản 1 Điều 2 (người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản trong cả 7 trường hợp.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thì người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ được hưởng chế độ thai sản./.
Việc sửa đổi bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đảm bảo quyền tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc cho khoảng 86 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn về các chế độ ốm đau, thai sản so với Luật BHXH hiện hành chỉ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất.
 V. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện
Hiện nay, theo Luật BHXH số 58/2014/QH13 BHXH tự nguyện chỉ bao gồm chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Theo khảo sát tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Trong khi thực tế thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.
Do đó, Luật BHXH năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung thêm chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng.
1. Căn cứ Điều 94 Luật BHXH năm 2024 về đối tượng và điều kiện trợ cấp thai sản quy định như sau:
- Đối tượng có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Lao động nữ sinh con;
+ Lao động nam có vợ sinh con.
- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.
- Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại khoản 1 Điều này thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
- Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc.
- Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện.
- Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong BHXH bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong BHXH tự nguyện.
2. Trợ cấp thai sản tại Điều 95 Luật BHXH năm 2024:
- Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 95. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
3. Điều 96 Luật BHXH năm 2024 nêu rõ Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thai sản cần những giấy tờ sau:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
- Trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ hoặc con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì hồ sơ là một trong các giấy tờ sau đây:
+ Bản chính hoặc bản sao bản tóm tắt hồ sơ bệnh án có thể hiện thông tin con chết;
+ Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện của lao động nữ sinh con có thể hiện thông tin con chết;
+ Bản sao giấy báo tử của con;
+ Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp con chết trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
4. Thời gian giải quyết trợ cấp thai sản được quy định tại Điều 97 Luật BHXH năm 2024 như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 96 của Luật này cho cơ quan BHXH.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung
Theo quy định tại Điều 52 Luật BHXH năm 2024 thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định nhưng tối đa theo quy định sau
- Tối đa 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi.
- Tối đa 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi.
- Tối đa 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nữ phá thai nêu trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Như vậy, thay vì chỉ có trường hợp lao động nữ phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản thì từ ngày 1/7/2025, ngay cả khi lao động nữ phá thai ngoài ý muốn thì người này cũng vẫn được giải quyết hưởng chế độ thai sản.
 VI. Sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra định hướng: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.”
Để triển khai nghị quyết của Đảng, Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần theo Điều 70 Luật BHXH 2024:
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2024
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH.
Trường hợp người lao động không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 23 của Luật BHXH năm 2024;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm;
- Trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH năm 2024 khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
2. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật BHXH năm 2024
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH;
- Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
- Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
- Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;
- Người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.
3. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH nhưng không bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, cứ mỗi năm được tính như sau:
- Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng trước năm 2014.
Trường hợp có thời gian đóng BHXH trước và sau năm 2014 mà thời gian đóng trước năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng BHXH từ năm 2014 trở đi để tính mức hưởng BHXH một lần;
- Bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với năm đóng từ năm 2014 trở đi;
- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng bằng số tiền đã đóng nhưng không quá 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
4. Trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng và căn cứ đóng BHXH bao gồm số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; việc tính mức hưởng mỗi năm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều này.
5. Thời điểm tính hưởng BHXH một lần là thời điểm cơ quan BHXH ban hành quyết định hưởng BHXH một lần.
6. Trường hợp người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 và các điểm b, c và đ khoản 2 Điều 70 vừa đủ điều kiện hưởng lương hưu vừa đủ điều kiện hưởng BHXH một lần thì người lao động được lựa chọn hưởng lương hưu hằng tháng hoặc hưởng BHXH một lần.
7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Ưu điểm của quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục được tình trạng hưởng BHXH một lần của thời gian qua; tiến tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.
VPTC THADS