Chấp hành viên có trách nhiệm phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận tổ chức thẩm định giá hay không?

08/11/2024


Thứ nhất, Chấp hành viên có trách nhiệm phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận giá tài sản kê biên hoặc thỏa thuận tổ chức thẩm định giá hay không?                          
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự quy định về định giá tài sản kê biên như sau:
“1. Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thỏa thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thỏa thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thỏa thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản kê biên trong các trường hợp sau đây:
a) Đương sự không thỏa thuận được về giá và không thỏa thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá;
b) Tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn từ chối việc ký hợp đồng dịch vụ;
c) Thi hành phần bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự”.
 Hiện nay, có 2 quan điểm khác nhau khi áp dụng quy định nêu trên, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngay sau khi thực hiện kê biên, nếu các đương sự thỏa thuận được giá hoặc thỏa thuận được tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên sẽ ghi nhận và thực hiện theo thỏa thuận của các đương sự (trường hợp các đương sự thỏa thuận được giá tài sản kê biên thì Chấp hành viên sẽ ghi nhận và lấy làm giá khởi điểm để ký hợp đồng với tổ chức đấu giá; trường hợp các đương sự không thỏa thuận được về giá nhưng thỏa thuận được tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá đó).
Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngay sau khi kê biên, Chấp hành viên phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận thuận về giá và tổ chức thẩm định giá[1]
Theo quan điểm của cá nhân tác giả, Chấp hành viên không có trách nhiệm phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận về giá hoặc thỏa thuận tổ chức thẩm định giá, bởi vì:
 Một là, các quy định của pháp luật về thỏa thuận thi hành án
 Tại Điều 6 của Luật Thi hành án dân sự quy định về thỏa thuận thi hành án như sau:
“1. Đương sự có quyền thỏa thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thỏa thuận được công nhận.
Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án.
2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thỏa thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định”.
Tại Điều 5 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) quy định về thỏa thuận thi hành án (trích)
“…2. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận thi hành án. Thỏa thuận phải bằng văn bản thể hiện rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, thời hạn thực hiện thỏa thuận, hậu quả pháp lý đối với việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung đã thỏa thuận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia. Đương sự phải chịu trách nhiệm về nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung quyết định thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận, đề nghị của đương sự để tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
….
4. Khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp phát hiện thỏa thuận vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án thì Chấp hành viên từ chối chứng kiến thỏa thuận nhưng phải nêu rõ lý do từ chối vào biên bản thỏa thuận”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì việc thỏa thuận là quyền của các đương sự. Chấp hành viên chỉ có trách nhiệm chứng kiến thỏa thuận khi có yêu cầu và nội dung thỏa thuận không thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án.
Hai là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên trong tổ chức thi hành án
Tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên như sau:
1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”.
Như vậy, pháp luật về thi hành án dân sự không quy định trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận về thi hành án. Mặt khác, tại Điều 98 của Luật Thi hành án cũng không quy định là Chấp hành viên phải tổ chức cho các đương sự thỏa thuận về giá. Do đó, Chấp hành viên không có trách nhiệm phải thông báo, tổ chức cho các đương sự thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá.
Thứ hai, có nên quy định Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá do các đương sự lựa chọn hay không?
Theo quy định của Luật giá năm 2023 thì:   
Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm, phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
 Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để khách hàng, tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi tại hợp đồng thẩm định giá xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản. Chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn hiệu lực theo đúng mục đích thẩm định giá gắn với đúng thông tin tài sản, số lượng tài sản tại hợp đồng thẩm định giá.
Theo các quy định nêu trên thì dù ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn hay do Chấp hành viên lựa chọn thì Chấp hành viên vẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng dịch vụ thẩm định giá và chịu trách nhiệm về sử dụng Chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định. Do đó, theo quan điểm của tác giả thì nên bỏ quy định Chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá do đương sự lựa chọn.
Thứ ba, đề xuất liên quan đến sửa quy định pháp luật về định giá tài sản kê biên trong thi hành án dân sự
Do có cách hiểu khác nhau trong quy định pháp luật về thỏa thuận thi hành án và thẩm định giá, đề nghị Ban soạn thảo dự án sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Thi hành án dân sự cân nhắc xem xét quy định tại Điều 98 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Cần tách bạch rõ quyền của đương sự với trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tổ chức thỏa thuận về giá và tổ chức thẩm định giá. Cụ thể sửa Điều 98 Luật Thi hành án dân sự như sau:
“1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản, Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trừ trường hợp tại buổi kê biên các đương sự có thỏa thuận về giá tài sản kê biên và có yêu cầu Chấp hành viên sử dụng làm giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản.
2. Chấp hành viên xác định giá trong các trường hợp sau đây:
a) Không thực hiện được việc ký hợp đồng dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tài sản kê biên thuộc hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng hoặc có giá trị nhỏ mà đương sự không thoả thuận được với nhau về giá. Chính phủ quy định về tài sản có giá trị nhỏ.
3. Giá khởi điểm để đưa tài sản ra bán đấu giá được xác định như sau:
a) Giá do đương sự thỏa thuận theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Giá do Chấp hành viên xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Giá theo chứng thư thẩm định giá của tổ chức thẩm định giá.
d) Giá theo quyết định giảm giá của Chấp hành viên trong trường hợp tài sản bán đấu giá không thành”./.
 
 

[1] Theo Thông báo số 109/TB-VKSTC ngày 28/5/2024 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao