Một số các giải pháp nhằm hạn chế phát sinh các vụ việc phải thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động Thi hành án dân sự

01/04/2025


I. Thực trạng công tác bồi thường nhà nước (BTNN) trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS)
1. Tình hình yêu cầu BTNN trong hoạt động THADS năm 2024 (từ ngày 01/10/2023 đến 30/9/2024)
- Theo số liệu thống kê, toàn hệ thống cơ quan THADS  theo dõi, giải quyết 27 vụ việc bồi thường nhà nước (16 vụ việc năm trước chuyển sang;11 vụ việc thụ lý mới). Giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: đã kết thúc giải quyết 07 vụ việc, đạt tỷ lệ 26% trên tổng số vụ việc phải giải quyết, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện còn 20 vụ việc, chiếm tỷ lệ 74% tổng số vụ việc phải giải quyết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: 15 vụ việc Tòa án đang xem xét, giải quyết; 05 vụ việc cơ quan THADS đang xem xét, giải quyết.
- Ngoài ra, theo báo cáo của các cơ quan THADS địa phương và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục THADS cho thấy, ngoài các vụ việc đã phát sinh yêu cầu BTNN nêu trên, thời gian tới toàn hệ thống cơ quan THADS có thể phát sinh thêm nhiều vụ việc phải thực hiện trách nhiệm BTNN, với số tiền lớn, …
2. Những sai phạm chủ yếu dẫn đến phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS
Qua theo dõi, tổng hợp  các vụ việc đã phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN, BĐTC trong hoạt động THADS cho thấy, tình trạng Chấp hành viên sai sót, vi phạm về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án vẫn xảy ra tương đối nhiều, trong đó tập trung nhiều ở trình tự, thủ tục xác minh, kê biên, xử lý tài sản…những vi phạm này là nguyên nhân dẫn đến phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Cụ thể:
- Vi phạm về thủ tục xác minh điều kiện thi hành án, như: Chấp hành viên chỉ xác minh trên giấy tờ mà không xác minh, đối chiếu trên thực địa dẫn tới kê biên thiếu, kê biên cả phần tài sản thuộc quyền sử dụng của người khác; chậm hoặc không xác minh điều kiện thi hành án nên không kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dẫn đến  đương sự tẩu tán tài sản;
- Vi phạm về thủ tục kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án, như: Kê biên tài sản không phải của người phải thi hành để thi hành án; kê biên tài sản không tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành án; kê biên tài sản thuộc sở hữu chung nhưng không thông báo quyết định kê biên cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết để họ tự thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết;
- Vi phạm thủ tục thẩm định, bán đấu giá tài sản, như: Không  thông báo cho các đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về quyền thỏa thuận giá, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, quyền ưu tiên mua tài sản; sử dụng kết quả thẩm định giá mà không rà soát, đối chiếu với biên bản kê biên và tài sản thực tế hoặc sử dụng chứng thư đã quá hạn theo quy định của pháp luật; hoặc thiếu giám sát trong hoạt động bán đấu giá;
- Vi phạm về thủ tục thu, chi, tiền thi hành án…
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017, thì các sai phạm nêu trên của cơ quan THADS trong quá trình tổ chức thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước nên đã dẫn đến phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS.
3. Nguyên nhân của những sai phạm nêu trên
a. Nguyên nhân chủ quan
- Tại một số cơ quan THADS, Thủ trưởng và Chấp hành viên chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm được giao; một số trường hợp chưa tích cực, chủ động trong việc tổ chức thi hành án, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết bồi thường; năng lực, trình độ chuyên môn của một số Chấp hành viên, công chức THADS còn hạn chế, trong khi khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp gia tăng, dẫn đến nhiều sai phạm không đáng có xảy ra phải thực hiện trách nhiệm BTNN.
- Công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thi hành án của Chấp hành viên chưa hiệu quả; tình trạng buông lỏng quản lý ở một số cơ quan THADS trước đây (Cần Thơ, Lâm Đồng…), dẫn đến nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho người dân và Nhà nước.
- Ý thức trách nhiệm của một bộ phận Lãnh đạo, Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS chưa cao; còn chủ quan, chưa quan tâm đến công tác phòng ngừa nguy cơ BTNN, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc giải quyết các vụ việc đã phát sinh yêu cầu BTNN nên chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết (từ việc xác minh, thương lượng, cho đến việc ban hành, chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường và lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí) dẫn đến một số vụ việc kéo dài thời gian giải quyết
b. Nguyên nhân khách quan
- Pháp luật về THADS cũng như pháp luật về BTNN còn một số vướng mắc, bất cập dẫn đến phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS, cụ thể: Điều 21 Luật TNBTCNN quy định phạm vi trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS quá rộng, bao trùm toàn bộ các hành vi thi hành công vụ trong hoạt động THADS (từ việc ra hoặc không ra các quyết định THADS trái pháp luật đến quá trình tổ chức hoặc không tổ chức thi hành các quyết định thi hành án trái pháp luật) đều có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS.
- Số lượng việc, tiền phải thi hành của hệ thống THADS lớn, tăng nhanh qua các năm; số việc, tiền THADS phải thi hành trên mỗi Chấp hành viên rất cao; Đồng thời, do phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, Chấp hành viên phải đối mặt với những khó khăn khi tác nghiệp tại cơ sở, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xác minh điều kiện thi hành án chưa hiệu quả; cơ chế quản lý, công khai tài sản ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập... nên quá trình tổ chức thi hành án dễ phát sinh vi phạm dẫn đến phải thực hiện trách nhiệm BTNN.
- Khi phát sinh yêu cầu BTNN tại cơ quan THADS, thì đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện việc giải quyết bồi thường đều là kiêm nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn giải quyết yêu cầu bồi thường còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan THADS chưa cao...
II. CÁC GIẢI PHÁP HẠN CHẾ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BTNN
Như đã phân tích ở trên, quá trình thực hiện công tác BTNN  trong hoạt động THADS thời gian qua cho thấy: hầu hết các vụ việc đã phát sinh và nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động THADS là do  các sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, như: xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và bán đấu giá tài sản,... Do đó, để hạn chế nguy cơ phát sinh trách nhiệm BTNN trong hoạt động THADS, thì các cơ quan THADS cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
1. Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành toàn diện các mặt công tác của đơn vị, kiện toàn hoặc tham mưu kiện toàn đầy đủ các chức danh lãnh đạo, quản lý, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Kế toán viên; rà soát, đánh giá tổng thể về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, thái độ, trách nhiệm của đội ngũ công chức làm công tác THADS, nhất là đội ngũ Chấp hành viên; bảo đảm phân công nhiệm vụ phù hợp, đạt hiệu quả cao. Có biện pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hoạt động thi hành án, xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm.
- Thực hiện hợp lý chính sách điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để hạn chế tiêu cực, sai sót. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc BTNN tại đơn vị thuộc quyền quản lý.
- Tăng cường tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác cho đội ngũ Chấp hành viên và công chức THADS.
2. Thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành án
- Đối với Thủ trưởng cơ quan THADS:
+ Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, các Chi cục THADS và Chấp hành viên, công chức thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS về công tác BTNN.
+ Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành án trên địa bàn, thường xuyên quán triệt, hướng dẫn và rút kinh nghiệm chung về nghiệp vụ đối với đội ngũ công chức, Chấp hành viên cơ quan THADS; chủ động kịp thời xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục THADS, Ban chỉ đạo THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và họp liên ngành đối với các vụ việc phức tạp, hạn chế thấp nhất những vi phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án làm phát sinh vụ việc BTNN trong hoạt động THADS.
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ trình tự, thủ tục thi hành án của Chấp hành viên ngay từ khâu thụ lý đến khi kết thúc việc thi hành án, trong đó tập trung chú trọng đến công tác xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản để thi hành án, bảo đảm quá trình tổ chức thi hành án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan, hạn chế thấp nhất những vi phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
+ Thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức có hành vi sai phạm với động cơ nhũng nhiễu, vòi vĩnh đương sự; đối với các hành vi sai phạm có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm. Có kế hoạch kiểm tra chéo các việc thi hành án có tài sản đưa ra bán đấu giá. Đảm bảo trước khi đưa tài sản ra bán đấu giá đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về trình tự, thủ tục THADS; khắc phục kịp thời các sai phạm (nếu có) trước khi đưa ra bán đấu giá tài sản.
- Đối với Chấp hành viên:
+ Thường xuyên học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững các quy định của pháp luật về THADS và các văn bản pháp luật có liên quan trong việc ban hành các quyết định và tổ chức thi hành án nhằm hạn chế những sai phạm trong quá trình thực thi công vụ dẫn đến phải thực hiện trách nhiệm bồi thườngnhà nước ; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ để bảo đảm việc ra hoặc không ra các quyết định thi hành án, tổ chức hoặc không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án luôn đúng quy định pháp luật.
+ Quá trình tổ chức thi hành án, phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với những vụ việc có khó khăn, vướng mắc phát sinh.
- Đối với Thẩm tra viên:
Nâng cao vai trò thẩm tra, kiểm tra những vụ việc thi hành án đang thi hành, đặc biệt là các vụ án phức tạp, các vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có sai sót phải kịp thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền tạm dừng việc thực hiện quyết định sai sót đó để khắc phục, sửa chữa và chịu trách nhiệm về những kiến nghị của mình..
3. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, qua đó, xử lý sớm các vụ việc có nguy cơ phát sinh yêu cầu BTNN
- Kịp thời giải quyết, chỉ đạo giải quyết đúng quy định của pháp luật các vụ việc khiếu nại tố cáo phát sinh trong lĩnh vực THADS.
- Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đảm nhiệm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Những vụ việc phức tạp Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp tiếp dân, tổ chức đối thoại trực tiếp với đương sự. Qua đó, nắm được tâm tư, nguyện vọng, cùng những thông tin phản hồi, kiến nghị của công dân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật.
- Khi xảy ra khiếu kiện đông người, cơ quan THADS cần huy động sức mạnh của hệ thống chính trị ở địa phương tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải tiến hành làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
4. Giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc đã phát sinh yêu cầu BTNNvà chủ động khắc phục hậu quả khi có thiệt hại xảy ra.
- Quan tâm tới việc cử người giải quyết bồi thường theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật TNBTCNN năm 2017, đặc biệt lựa chọn người có kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực THADS để có đánh giá chính xác về các thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
- Chủ động tham gia giải quyết ngay từ đầu đối với các vụ việc có yêu cầu bồi thường trong hoạt động THADS trên địa bàn và báo cáo về Tổng cục THADS. Quá trình giải quyết, chỉ đạo giải quyết phải tổ chức rà soát lại toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án, xác định rõ sai phạm, phần trách nhiệm của cơ quan THADS, của Chấp hành viên và phần trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân khác là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại bị yêu cầu bồi thường; khắc phục tình trạng chậm hoặc kéo dài giải quyết làm phát sinh thêm số tiền phải BTNN.
- Cần chủ động tranh thủ sự phối hợp với các cơ quan có liên quan (đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN, cơ quan tài chính có thẩm quyền) từ giai đoạn xác minh thiệt hại, thương lượng giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 45, Điều 46 Luật  TNBTCNN năm 2017 để việc giải quyết bồi thường chính xác, tránh thiệt hại cho Ngân sách nhà nước hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Thực hiện tốt công tác dự báo các vụ việc có thể xảy ra BTNN trong THADS; thường xuyên rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong lĩnh vực thi hành án có thể dẫn đến vi phạm, phải thực hiện trách nhiệm bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh.
- Đối với những vụ việc có khả năng xảy ra bồi thường, cơ quan THADS cần chỉ đạo công chức gây sai phạm chủ động khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại; tổ chức tiếp xúc người bị thiệt hại với thái độ cầu thị nhằm giảm bức xúc của người dân đối với cơ quan thi hành án.
5. Chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng việc tham gia tố tụng để giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án
- Chấp hành nghiêm việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu BTNN theo triệu tập của Tòa án. Lựa chọn cử người đại diện nắm rõ vụ việc, có năng lực lập luận, phản biện tốt để tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án. Lãnh đạo đơn vị quản lý người thi hành công vụ gây ra lỗi phải trực tiếp tham gia phiên Tòa, không khoán trắng việc tham gia phiên tòa cho Chấp hành viên, cấp dưới nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số việc và số tiền BTNNphát sinh.
- Chuẩn bị kỹ nội dung vụ việc (về hồ sơ thi hành án, các căn cứ lập luận, phản biện đối với yêu cầu bồi thường của người bị hại…) để tham gia hiệu quả tại Tòa án;
- Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân và các đơn vị liên quan để xác định đúng, chính xác vi phạm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn tới thiệt hại phải thực hiện trách nhiệm BTNN, tránh tình trạng cơ quan THADS phải thực hiện trách nhiệm BTNN cho các sai phạm của cơ quan, tổ chức liên quan trong quá trình tổ chức THADS, dẫn đến gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan; đề nghị Tòa án cần tuyên cụ thể trách nhiệm bồi thường tương ứng với mức độ lỗi của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có), không tuyên liên đới để tạo thuận lợi cho việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Cục trưởng Cục THADS có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các Chi cục THADS trực thuộc trong việc tham gia tố tụng giải quyết yêu cầu BTNN theo triệu tập của Tòa án; khi được triệu tập tham gia tố tụng trong các vụ án giải quyết yêu cầu BTNN, cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và Tổng cục THADS biết để kịp thời chỉ đạo.
6. Thực hiện tốt công tác phối hợp
- Phối hợp với các ban ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, để người dân hiểu và chấp hành pháp luật. Tăng cường sự phối hợp giữa Cục THADS, Chi cục THADS với các cơ quan có liên quan tại địa phương để giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu BTNN; từ đó có các giải pháp tăng cường dự báo phát sinh TNBTNN nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh vụ việc yêu cầu BTNN trong thời gian tới.
         
 Vụ Nghiệp vụ 3 - Tổng cục Thi hành án dân sự