Bất cập giữa Pháp lệnh THADS năm 2004 và Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành – nguyên nhân, giải pháp

26/09/2007

Tiếp theo bài viết “Phân biệt khiếu nại và tố cáo, một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết khiếu nại, tố cáo” và “Giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự”,  để góp một phần nhỏ đáp ứng nhu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự (THADS),  trong bài viết này, tác giả xin trình bày các vấn đề bất cập giữa pháp luật về THADS và pháp luật  về khiếu nại, tố cáo hiện hành, nguyên nhân, các giải pháp tháo gỡ và một số chú ý khi giải quyết khiếu nại trong THADS (có thể áp dụng tương tự trong giải quyết khiếu nại ở nhiều lĩnh vực khác nhau).



Một số vấn đề bất cập giữa pháp luật về  THADS và pháp luật về khiếu nại, tố cáo:

- Theo Điều 60 và điều 61 của Pháp lệnh THADS năm 2004 thì quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng nhưng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 thì không còn giới hạn của giải quyết khiếu nại, thuật ngữ "Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng" đã bị bãi bỏ. Như vậy, về giải quyết khiếu nại thì Pháp lệnh THADS năm 2004 đã có sự bất cập so với  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.

- Khoản 8, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 thì “Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai” không được thụ lý giải quyết. Do đó, nếu áp dụng chế định này thì Cục trưởng Cục THADS sẽ không được thụ lý giải quyết khiếu nại sau khi có Quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng THADS cấp huyện và Quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng THADS cấp tỉnh.

- Xét về thời hạn và thời hiệu giải quyết khiếu nại của Pháp lệnh THADS và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 là khác nhau.

Nguyên nhân của sự bất cập nêu trên là do khi xây dựng Pháp lệnh THADS năm 2004 (ban hành 14/01/2004), các “Nhà làm luật” đã vận dụng các nguyên tắc của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 để xây dựng chế định về giải quyết khiếu nại trong THADS. Trong khi đó, từ năm 1998 đến nay, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 đã được sửa đổi bổ sung 02 lần theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo năm 2004 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo năm 2005.

Hầu hết các văn bản pháp luật có liên quan đến giải quyết khiếu nại được xây dựng trước thời điểm Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo năm 2005 có hiệu lực (01/6/2006) đều lâm vào tình trạng tương tự như Pháp lệnh THADS năm 2004.

Giải pháp trước mắt

Vấn đề đặt ra là: trong trường hợp có sự bất cập về cùng một vấn đề giữa 2 hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật thì áp dụng văn bản pháp luật nào ? Để giải quyết vấn đề nêu trên, có nhiều quan điểm khác nhau dưới đây:

- Quan điểm thứ nhất: thực hiện nguyên tắc ưu tiên văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, trong các trường hợp nêu trên thì phải áp dụng  Pháp lệnh THADS năm 2004 để giải quyết khiếu nại về thi hành án.

- Quan điểm thứ hai: thực hiện nguyên tắc ưu tiên văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Nhưng khiếu nại, tố cáo là một lĩnh vực chuyên ngành để giải quyết các trường hợp nêu trên nên phải áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998.

- Quan điểm thứ ba: thực hiện nguyên tắc ưu tiên văn bản quy phạm pháp luật cao nhất. Do đó trong các trường hợp nêu trên thì phải áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 vì những văn bản này cao hơn Pháp lệnh THADS năm 2004.

- Quan điểm thứ tư: thực hiện nguyên tắc ưu tiên văn bản quy phạm pháp luật mới nhất. Do đó trong các trường hợp nêu trên thì phải áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005 vì văn bản này ra đời sau Pháp lệnh THADS năm 2004.

Theo tác giả thì phải chọn giải pháp áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành và khi giải quyết khiếu nại về thi hành án thì phải áp dụng các chế định về giải quyết khiếu nại của Pháp lệnh THADS năm 2004. Pháp luật chuyên ngành ở đây được hiểu là pháp luật về thi hành án dân sự.  Hơn nữa trong tất cả các văn bản về pháp luật THADS hiện hành đều quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại của pháp luật THADS. Do đó, tác giả lựa chọn quan điểm thứ nhất. Tức là khi giải quyết khiếu nại về THADS thì người giải quyết khiếu nại phải tuân thủ theo pháp luật THADS. Để Luật hoá quan điểm trên, Bộ Tư pháp cần xây dựng thông tư hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong THADS.

Giải pháp lâu dài

- Hầu hết các chế định liên quan đến khiếu nại trong các văn bản Luật xây dựng trước năm 2006 đều đã bị bất cập so với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Nguyên nhân chính là do pháp luật về khiếu nại luôn được sửa đổi nhưng vẫn không theo kịp với yêu cầu của sự phát triển xã hội trong nền kinh tế thị trường đang phát triển và hoà nhập với quốc tế như hiện nay.

Theo tác giả, để khắc phục triệt để vấn đề bất cập về giải quyết khiếu nại trong các văn bản Luật nói chung so với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành và giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự nói riêng so với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thì chúng ta cần tập trung thống nhất vào một văn bản Luật đó là Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Theo đó, khi xây dựng Bộ Luật THA, hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS chỉ nên quy định tính nguyên tắc về giải quyết  khiếu nại là áp dụng theo Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành và hướng dẫn chi tiết về giải quyết khiếu nại trong THA thì phân cấp cho Chính phủ, Bộ Tư pháp quy định việc giải quyết khiếu nại thì mới đảm bảo tính linh hoạt, tính khả thi, hạn chế bất cập. Nếu làm được như vậy, khi thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo thì chỉ cần sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo và không cần sửa đổi bổ sung chế định giải quyết khiếu nại ở tất cả các văn bản pháp luật khác. Như vậy, về lĩnh vực giải quyết khiếu nại sẽ tạo nên tính đồng bộ - đây là một động cơ lớn để thúc đẩy công tác giải quyết khiếu nại lên một tầm cao mới.

- Sửa đổi lại Luật Khiếu nại, tố cáo theo hướng tách riêng ra làm 02 Luật, đó là Luật Khiếu nại và Luật tố cáo vì những căn cứ mà tác giả đã phân tích tại bài viết “Phân biệt khiếu nại và tố cáo, một số vấn đề cần lưu ý khi giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

- Xây dựng Nghị định về xử lý trách nhiệm đối với người giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong đó cần quy định rõ từng hành vi vi phạm và chế tài xử lý kèm theo, quy định về bảo vệ người khiếu nại, quy định về đảm bảo thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành… để nhân dân giám sát, theo dõi và có quyền tố cáo khi người giải quyết khiếu nại vi phạm các hành vi được quy định trong Nghị định.

- Phải sửa đổi bổ sung Pháp lệnh các thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử cho Toà hành chính theo nguyên tắc giao cho Toà hành chính xét xử tất cả các khiếu nại về quyết định hành chính và hành vi hành chính để mở “lối thoát” cho người khiếu nại (trong đó có  khiếu nại về THADS).

- Xây dựng cơ quan Tài phán hành chính trên nguyên tắc hoạt động độc lập, theo ngành dọc, không có liên quan gì với chính quyền đại phương (càng sớm càng tốt) để phán quyết khiếu nại hành chính nhằm đảm bảo khách quan, độc lập, tránh tình trạng “con xử bố”,  (Toà án huyện xử UBND huyện, Toà án tỉnh xét xử UBND tỉnh), “bố xử con” (cấp trên giải quyết lại quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới), “tôi xử tôi” (Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh thì do chính Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết lần đầu…) như hiện nay.

Tuy nhiên, trong thực tế giải quyết khiếu nại về THADS lại có nhiều vấn đề không được quy định cụ thể trong pháp luật THADS. Tác giả xin lưu ý người giải quyết khiếu nại và người khiếu nại một số vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất: Khi giải quyết khiếu nại về THADS, có một số nội dung, nguyên tắc, chế định lại không được quy định trong Pháp luật về THADS thì phải vận dụng các chế định, các nguyên tắc đã được quy định tại Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo. Ví dụ: trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, Luật sư tham gia giúp đỡ người khiếu nại, đối thoại, thành lập Đoàn xác minh, lập hồ sơ giải quyết khiếu nại, quy định về các văn bản giải quyết khiếu nại…

Vấn đề thứ hai:  Có mấy cấp giải quyết khiếu nại trong THADS ? Giải quyết khiếu nại trong THADS có Quyết định giải quyết cuối cùng không? Tại khoản 4, Điều 60 của Pháp lệnh THADS năm 2004 đã quy định:  “Đối với khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh thì Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp giải quyết và trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại, nếu không đồng ý với nội dung giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải giải quyết khiếu nại trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp không quá sáu mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là quyết định giải quyết cuối cùng.”. Trong thực tế đang có 02 quan điểm vận dụng chế định trên:

Quan điểm thứ nhất: Trường hợp này, Cục trưởng Cục THADS là người ra Quyết định giải quyết lần đầu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 và Quyết định này là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Quan điểm thứ hai: Trường hợp này, Trưởng Thi hành án dân sự huyện đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1, Trưởng THADS tỉnh ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 nhưng còn bị khiếu nại nên Cục trưởng Cục THADS là người ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần 3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần 4 và Quyết định này là Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng.

Theo tác giả, giải quyết khiếu nại về THADS chủ yếu chỉ tập trung ở 2 cấp, Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 là Quyết định có hiệu lực thi hành. Do đó, tác giả ủng hộ quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết vẫn có thể có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 3 như quy định tại khoản 5, Điều 60 của Pháp lệnh THADS năm 2004: “Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh và Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”. Theo đó trong giải quyết khiếu nại về THADS vẫn có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng. Nhưng khi vận dụng Điều 60 của Pháp lệnh THADS ta cần lưu ý: từ khoản 1 đến khoản 4 đều quy định thống nhất việc giải quyết khiếu nại chỉ có 02 cấp, Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ 02 là Quyết định có hiệu lực thi hành. Nhưng tại thời điểm xây dựng Pháp lệnh THADS năm 2004 thì Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 lại quy định Bộ trưởng là người ra Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng sau khi có Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Do đó, khi vận dụng khoản 5, Điều 60 của Pháp lệnh cần phải hiểu rõ hơn cụm từ “Trong trường hợp cần thiết”. Theo tác giả thì “Trường hợp cần thiết” được hiểu như sau:

+ Do yêu cầu quản lý;

+ Do phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại về THADS;

+ Do phát hiện ra những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản vụ việc khiếu nại;

+ Do Quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới chưa thể hiện rõ những nội dung chủ yếu, chưa thấu tình đạt lý, chưa giải quyết đầy đủ, rõ ràng nội dung khiếu nại, chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Vấn đề thứ ba: Người khiếu nại về THADS  có quyền được khởi kiện ra Toà án không ?

Theo quy định của Pháp luật về khiếu nại tố cáo thì sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Toà hành chính. Nhưng khi giải quyết khiếu nại về THADS thì phải áp dụng theo Pháp lệnh THADS 2004, tức là người khiếu nại về THADS không được khởi kiện ra Toà hành chính mà chỉ có Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới có quyền ra Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng “Trong trường hợp cần thiết”như đã nêu ở trên.

Hơn nữa, tại khoản 4, Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 đã quy định:

"…Các khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án:

1. Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

2. Khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

3. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

4. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính bằng một trong các hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính;

5. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố khác;

6. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp, thu hồi giấy phép về xây dựng cơ bản, sản xuất, kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề hoặc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính khác liên quan đến hoạt động kinh doanh, tài chính của thương nhân;

7. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến thương mại hàng hoá quốc tế hoặc trong nước;

8. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến chuyển giao tài chính trong nước và quốc tế, dịch vụ và cung ứng dịch vụ;

9. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc trưng dụng, trưng mua, tịch thu tài sản;

10. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng thuế, thu thuế, truy thu thuế;

11. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng phí, thu phí, lệ phí; thu tiền sử dụng đất;

12. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ;

13. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đầu tư;

14. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hải quan, công chức hải quan;

15. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý hộ tịch;

16. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đối với việc từ chối công chứng, chứng thực;

17. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gia hạn thời hạn sử dụng đất;

18. Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân;

19. Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Vụ trưởng và tương đương trở xuống;

20. Khiếu kiện quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết khiếu nại đối với quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư;

21. Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

22. Các khiếu kiện khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."

Theo đó, có 22 khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhưng không có quy định khiếu kiện về THADS. Do đó, dù người khiếu nại về THADS khởi kiện tại Toà thì vẫn bị Toà án từ chối vì khiếu kiện về THADS không thuộc thẩm quyền của Toà án giải quyết. Chính vì sự bất cập này mà người khiếu nại bị hạn chế quyền khiếu nại và không có “lối thoát”, do đó, hầu hết các vụ việc khiếu nại bức xúc, nổi cộm, kéo dài đều dồn về Bộ Tư pháp để Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải ra Quyết định giải quyết cuối cùng. Thậm chí, có nhiều trường hợp sau khi có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng rồi nhưng đương sự vẫn “kiên trì” đi khiếu nại các cấp, các nơi và bức xúc quá đổi thành “Đơn tố cáo” những người đã tham gia giải quyết khiếu nại.

Vấn đề thứ tư: Người khiếu nại về THADS có được mời Luật sư tham gia giúp đỡ  không ?

Về vấn đề này không được quy định trong Pháp lệnh THADS năm 2004 nhưng người khiếu nại có quyền mời Luật sư giúp đỡ và phải tuân thủ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 136/2006/NĐ-CP:

1. Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có những quyền sau đây:

a) Giúp người khiếu nại viết đơn khiếu nại; cùng với người khiếu nại liên hệ với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc khiếu nại để thu thập tài liệu, bằng chứng; đưa ra bằng chứng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

b) Tham gia cùng người khiếu nại gặp gỡ, đối thoại với người giải quyết khiếu nại, người bị khiếu nại và những người khác liên quan;

c) Tham gia các giai đoạn khác trong quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Giúp người khiếu nại thực hiện các quyền của người khiếu nại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

2. Khi giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư có nghĩa vụ thực hiện theo đúng nội dung yêu cầu giúp đỡ của người khiếu nại phù hợp với quy định của pháp luật; không được kích động, cưỡng ép, mua chuộc, dụ dỗ người khiếu nại khiếu nại sai sự thật hoặc lợi dụng quyền khiếu nại để xuyên tạc, vu khống, xâm phạm trật tự công cộng, gây thiệt hại đến lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Khi tham gia quá trình giải quyết khiếu nại để giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật, luật sư phải xuất trình các giấy tờ sau đây:

a) Thẻ luật sư;

b) Giấy yêu cầu giúp đỡ về pháp luật của người khiếu nại;

c) Giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề luật sư đối với trường hợp luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư hoặc giấy giới thiệu của Đoàn luật sư nơi luật sư đó là thành viên đối với trường hợp luật sư hành nghề với tư cách cá nhân.

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để luật sư giúp đỡ người khiếu nại về pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại.”

Đây là một “bước tiến mới “ của Luật Khiếu nại, tố cáo vì trước đó Luật sư không được tham gia khiếu nại. Khi có Luật sư tham gia giúp đỡ người khiếu nại sẽ “nâng tầm”  tri thức về pháp luật cho cả 2 đối tượng là người giải quyết khiếu nại và người khiếu nại và giải quyết khiếu nại cũng được nâng lên về “chất”.

Vấn đề thứ năm: Đang giải quyết khiếu nại có được tổ chức cưỡng chế THA không ? Ai có quyền hoãn THA để giải quyết khiếu nại ?

Khiếu nại là quyền hợp pháp của công dân nhưng bên cạnh đó, trong khi khiếu nại thì công dân vẫn phải có nghĩa vụ chấp hành các quyết định hành chính như quy định tại Điều 5 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP: “Trong quá trình thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật Khiếu nại, tố cáo và khoản 15 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005.”. Theo đó, người giải quyết khiếu nại trong lúc đang tiến hành giải quyết khiếu nại vẫn tổ chức cưỡng chế THA theo quy định của Pháp luật về THADS và người khiếu nại vẫn phải chấp hành.

Tuy nhiên, người giải quyết khiếu nại được áp dụng một số chế định sau: 

+ Khoản 5, Điều 60 của Pháp lệnh THADS năm 2004 còn quy định: “Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án tạm ngừng thi hành án trong thời gian giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự hoặc ảnh hưởng đến việc giải quyết khiếu nại.”.

+ Điều 35 Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục, thì người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó. Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết lần đầu. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó.”.

+ Khoản 15 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, nếu xét thấy việc thi hành quyết định hành chính bị khiếu nại, quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì người giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định đó.

Thời hạn tạm đình chỉ không vượt quá thời gian còn lại của thời hạn giải quyết. Quyết định tạm đình chỉ phải được gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, lợi ích liên quan. Khi xét thấy lý do của việc tạm đình chỉ không còn thì phải hủy bỏ ngay quyết định tạm đình chỉ đó."

Theo đó, người giải quyết khiếu nại có thẩm quyền tạm ngừng thi hành án (phải bằng văn bản, có căn cứ để tạm ngưng THA, có thời hạn tạm ngưng cụ thể, rõ ràng, công khai) nếu xét thấy có đủ các điều kiện đã quy định ở các chế định nêu trên.

Vấn đề thứ sáu: Giải pháp xử lý đối với tình trạng khiếu nại vượt cấp.

Trong thực tế khiếu nại vượt cấp có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do cấp giải quyết khiếu nại cơ sở còn vi phạm Pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Tức là người giải quyết khiếu nại không giải quyết đúng theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khiếu nại,

tố cáo, giải quyết khiếu nại không thấu tình đạt lý…nghiêm trọng hơn là

 “phớt lờ” không giải quyết, không trả lời hoặc trả lời qua loa, chung chung, né tránh, không ra Quyết định giải quyết khiếu nại vì sợ bị “đưa ra Toà” hoặc bị “kiện” tiếp lên trên.

Về cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề bức xúc nêu trên thì chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể trách nhiệm, chế tài để xử lý trách nhiệm mà chỉ quy định chung chung tại khoản 4, Điều 6 của Nghị định 136/2006/NĐ-CP như sau: “Đối với đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp dưới nhưng quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết thì Thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên yêu cầu cấp dưới giải quyết, đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới và áp dụng biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại đó. Trong trường hợp cần áp dụng biện pháp vượt quá thẩm quyền của mình thì kiến nghị cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền để xử lý.”.

Theo đó, cấp trên không được giải quyết khiếu nại thay cấp dưới mà chỉ có thẩm quyền chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoặc xử lý trách nhiệm đối với cấp dưới nếu có đủ bằng chứng cho thấy cấp dưới thiếu trách nhiệm hoặc cố tình trì hoãn việc giải quyết khiếu nại.

Thực tế, theo khảo sát trên phạm vi cả nước, có hàng vạn đơn thư khiếu nại vượt cấp, quá thời hạn vẫn không giải quyết hoặc bị “phớt lờ” không giải quyết nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý theo quy định nêu trên. Do đó, việc xây dựng “Nghị định về xử lý trách nhiệm đối với người giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.” là đòi hỏi bức xúc từ thực tế, cần phải tiến hành càng sớm càng tốt. Đặc biệt,  để giải quyết dứt điểm tình trạng “phớt lờ” nêu trên, trong Nghị định cần có chế tài thật nghiêm khắc với trường hợp này và quy định cấp trên khi nhận được đơn khiếu nại vượt cấp thì phải ra ngay văn bản đôn đốc (có quy định thời hạn phải giải quyết xong khiếu nại), tiến hành kiểm tra; Sau khi ra văn bản đôn đốc lần 1 mà cấp dưới vẫn không giải quyết thì ra quyết định xử lý trách nhiệm và giao cho cấp trên trực tiếp của người bị xử lý thụ lý giải quyết đơn khiếu nại đó (riêng đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ vi phạm thì Thanh tra Chính phủ thụ lý giải quyết đơn khiếu nại đó và kiến nghị Thủ tướng xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể nêu trên ).

Vấn đề thứ bảy: Đây là đề nghị của tác giả đối với người giải quyết khiếu nại: Trong công tác giải quyết khiếu nại cần phải thực hiện theo 04 phương châm sau:

+ Tích cực, chủ động, phòng ngừa các khả năng phát sinh khiếu nại;

+ Khi đã xảy ra tranh chấp, khiếu nại thì người giải quyết khiếu nại phải vận dụng tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, hoà giải trên tinh thần “Thoả hiệp dù có thiệt thòi cũng bằng mười kiện cáo” để hạn chế mức thấp nhất khiếu kiện do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, do “cay cú” cá nhân mà “chiến đấu đến cùng”.

+ Giải quyết khiếu nại phải hạn chế mức thấp nhất khiếu nại phát sinh và khiếu nại tiếp theo.

+ Người giải quyết khiếu nại phải biết luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, phải nhìn nhận vụ việc từ phía người dân, coi hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như xâm phạm đến chính mình, tự mình thắt chặt kỷ cương công tác giải quyết khiếu nại để giảm bớt ai oán của người dân, để  thắt chặt tình cảm của dân đối với Đảng.

Trên đây là một số giải pháp tháo gỡ và khắc phục những vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Để giúp cho người giải quyết khiếu nại và người khiếu nại tháo gỡ một số vướng mắc, trong bài viết, tác giả đã lồng trong nội dung để trả lời một số câu hỏi bức xúc của đọc giả , chúng tôi rất mong tiếp nhận được sự đóng góp ý kiến xây dựng nghiệp vụ cho Ngành, chia xẻ thông tin, kiến thức hoặc hỏi đáp, thắc mắc về nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo địa chỉ của tác giả: Hoàng Quốc Hùng – Thanh tra Bộ Tư pháp, Tel: 8231127 & 0913001513 & Email: Hunghq@moj.gov.vn.