Cần xây dựng bổ sung thể chế qui định nhiệm vụ, quyền hạn trong Thi hành án dân sự, của cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành án cư trú, công tác, để góp phần giải quyết việc thi hành án tồn đọng.

17/06/2011


Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, qui định: “1. Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án; 2. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành theo qui định của luật này”. Từ điều luật này cho thấy có hai biện pháp tổ chức thi hành án đó là, khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án và cưỡng chế thi hành án.

Cụm từ “Nhà nước…” ở đây là cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự và văn bản pháp luật khác có điều chỉnh.

Đối với cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành án cư trú, công tác, Luật THADS năm 2008 có qui định tại Điều 175  về nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã; Điều 180 về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành hình phạt tù; Góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc, giảm được nhiều việc thi hành án tồn đọng, so với thời kỳ áp dụng Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.

Tuy nhiên, người phải thi hành có đa dạng nơi cư trú và công tác, do vậy cũng có đa dạng cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành án cư trú, công tác; phần lớn người phải thi hành án có nơi cư trú, công tác, lao động, học tập và sinh hoạt, ít nhất ở một cơ quan, tổ chức. Mặt khác, trong hệ thống chính trị của nước ta còn có Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên, Điều 9 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 qui đinh: “…Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận phát huy đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân…cùng nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành hiến pháp và pháp luật…”; Vì vậy, xây dựng bổ sung thể chế về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành án cư trú, công tác, cùng phối hợp thực hiện các biện pháp thi hành án dân sự là có căn cứ.

Thực tiễn công tác Thi hành án dân sự cho thấy, nếu đương sự tự nguyện thi hành, không phải tổ chức cưỡng chế thi hành sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của, công sức của Chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan tổ chức có nhiệm vụ quyền hạn trong thi hành án dân sự; góp phần giữ vững ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, thắt chặt được mối quan hệ đoàn kết giữa các đương sự và nêu cao được ý thức chấp hành pháp luật của công dân; Cũng có một số cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành cư trú công tác, nhận thức được điều này,  mặc dù không có qui định về nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án dân sự, nhưng vẫn tích cực tác động giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành, có hiệu quả; Ngược lại cũng có một số cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành không quan tâm hoặc tác động ngược, giúp người phải thi hành án trốn tránh việc thi hành án, làm cho việc thi hành án thêm phức tạp, khó thi hành.

Việc khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án là sự tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, tôn vinh và nêu cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân, làm cho người phải thi thi hành án nhận thức được quyền, nghĩa vụ,  trách nhiệm của mình, từ đó lựa chọn biện pháp tự nguyện thi hành án; Cho nên, cơ quan, tổ chức nơi đương sự cư trú, công tác mới có điều kiện thuận lợi và thường xuyên cho việc tác động trực tiếp đương sự và người thân, xuyên suốt quá trình tổ chức thi hành án cho đến khi việc thi hành án được kết thúc;

Nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành; Để áp dụng biện pháp cưỡng chế, thì  việc xác minh điều kiện thi hành án cũng  rất cần cơ quan, tổ chức nơi đương sự cư trú, công tác cung cấp thông tin chính xác kịp thời về tài sản, hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành; Khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, thì cơ quan, tổ chức nơi đương sự cư trú, công tác có vai trò quan trọng trong việc: Theo dõi, phát hiện và kịp thời tin báo cho cơ quan thi hành án biết, việc người phải thi hành án tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án hoặc tổ chức chống đối việc cưỡng chế thi hành án…Động viên, giáo dục, thuyết phục đương sự thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án; vận động đương sự tiếp tục tự nguyện thi hành để không phải cưỡng chế; Phối hợp bảo vệ trật tự an toàn trong thời gian cưỡng chế và bảo đảm việc giữ gìn trật tự an ninh sau cưỡng chế, đồng thời chứng kiến việc tiến hành cưỡng chế trong một số trường hợp cần thiết, theo qui định của pháp luật…

Vì vậy, Nhà nước cần xây dựng bổ sung thể chế về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức nơi có người phải thi hành án cư trú, công tác; phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, phối hợp cùng cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên, tổ chức thực hiện các biệp pháp thi hành án là cần thiết; góp phần quan trọng giải quyết tình trạng việc thi hành án tồn đọng./.

Võ Thuần Nho