Năm nay, ngày 02/6/2011 Cục THADS tỉnh Kon Tum tổ chức hội nghị chuyên đề nghiệp vụ THADS và tập huấn công tác thống kê THADS. Tại buổi tập huấn, những khó khăn, vướng mắc được đưa ra trao đổi, tranh luận. Qua đó cho thấy, vẫn còn những qui định của pháp luật về THADS chưa rõ ràng, cụ thể. Dẫn đến hiểu và áp dụng chưa thống nhất, còn nhiều ý kiến khác nhau. Như qui định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật THADS: “Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” là một ví dụ. Đây là điểm mới về nội dung đơn yêu cầu thi hành án, cũng là một trong những nội dung chính, quan trọng trong đơn yêu cầu thi hành án.
Tại buổi tập huấn, điều luật này được đưa ra tranh luận sôi nổi, có hai quan điểm khác nhau về nhận thức và áp dụng vào thực tiễn.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong đơn yêu cầu thi hành án nếu thiếu “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người được thi hành án”. Cơ quan THADS phải thông báo, hướng dẫn cho đương sự xác minh hoặc yêu cầu cơ quan THADS xác minh trước khi ra quyết định thi hành án.
Để chứng minh cho quan điểm của mình, quan điểm này viện dẫn khoản 2 Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật THADS về thủ tục thi hành án dân sự, qui định: “Trong trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung theo qui định hoặc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án trước khi ra quyết định thi hành án”.
Tại điểm 2 mục I Báo cáo tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong việc triển khai Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành của Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, đã lưu ý những nội dung sau:
Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung và người được thi hành án không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó cần nêu rõ nội dung, cách thức, hình thức xác minh, hướng giải quyết khi không xác minh được để người được thi hành án thực hiện, trường hợp không thể thực hiện được việc xác minh (như: các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án; người được thi hành án là người già yếu, không có người nương tựa; việc đi lại khó khăn hoặc những trường hợp khác mà người được thi hành án không thể xác minh được) thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác minh và phải chịu chi phí xác minh theo qui định tại khoản 1 Điều 44 và khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự.
Trường hợp người được thi hành án cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án hoặc có yêu cầu cơ quan Thi hành án tiến hành xác minh theo thông báo của cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án tiến hành việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, vào sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định và thụ lý thi hành án.
Trường hợp người được thi hành án không bổ sung thông tin và cũng không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh thì thủ trưởng cơ quan thi hành án chưa ra quyết định thi hành án nhưng cần thông báo cho đương sự biết.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nếu đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung qui định, cơ quan THADS phải hướng dẫn cho họ bổ sung. Việc cơ quan THADS thông báo cho họ xác minh hoặc yêu cầu cơ quan THADS xác minh là không có cơ sở. Như vậy là tổ chức thi hành án ngược, không có căn cứ, không đúng qui định của pháp luật về trình tự, thủ tục THADS.
Chúng tôi thấy, dù bất cứ quan điểm nào đi chăng nữa, khi tổ chức thi hành án phải căn cứ vào qui định của pháp luật. Trở lại vấn đề nêu trên, nghiên cứu Điều 31 Luật THADS cho chúng ta thấy không có qui định nào qui định trong đơn yêu cầu thi hành án, người được THA phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu không xác minh được thì yêu cầu cơ quan THADS xác minh. Tại khoản 2 điều luật này qui định: “…Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án”.
Đơn yêu cầu thi hành án nếu thiếu nội dung nào, thì cơ quan THADS phải hướng dẫn cho người có quyền làm đơn bổ sung mà không được từ chối nhận đơn, bởi đó không thuộc một trong các trường hợp từ chối nhận đơn qui định tại Điều 34 Luật THADS. Việc này bất cứ người được thi hành án nào khi nhận được yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan THADS họ cũng sẵn sàng bổ sung vào đơn của mình. Mà cơ quan THADS chưa phải thông báo, hướng dẫn cho đương sự xác minh hoặc yêu cầu cơ quan THADS xác minh trước khi ra quyết định thi hành án, việc này pháp luật không qui định. Hơn nữa, cơ quan THADS đã nhận đơn yêu cầu thi hành án của họ, chờ kết quả xác minh theo thông báo của cơ quan THADS, mà để quá 05 ngày làm việc không ra quyết định THA là vi phạm khoản 2 Điều 36 Luật THADS.
Theo qui định, “trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó” (khoản 3 Điều 36 Luật THADS). “Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh…” (khoản 1 Điều 44).
Luật THADS qui định rất cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành án. Sau khi có quyết định thi hành án, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án mới căn cứ vào bản án, quyết định của tòa án và Quyết định thi hành án, tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (trường hợp chủ động ra quyết định THA). Người được thi hành án mới có căn cứ xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu không xác minh được lúc này họ mới có cơ sở yêu cầu Chấp hành viên xác minh.
Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS cần phải xem xét đơn đã đầy đủ những nội dung chính theo qui định chưa, nếu thiếu nội dung nào thì phải hướng dẫn cho người có quyền làm đơn bổ sung. Pháp luật THADS không qui định, trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung và người được thi hành án không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó cần nêu rõ nội dung, cách thức, hình thức xác minh, hướng giải quyết khi không xác minh được để người được thi hành án thực hiện, trường hợp không thể thực hiện được việc xác minh thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác minh. Vì thế, nếu trường hợp này xẩy ra mà cơ quan THADS thông báo cho đương sự xác minh, trường hợp không thể thực hiện được việc xác minh thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác minh là không phù hợp, không đúng qui định.
Nghiên cứu điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật THADS, chúng tôi thấy điều luật qui định như vậy là “thừa” gây nên nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi, muốn biết điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, thì phải xem xét người phải thi hành án có tài sản, nguồn thu nhập,… hay không? Vì thế không cần phải qui định thông tin về “tài sản” mà chỉ cần qui định thông tin về “điều kiện thi hành án” là đủ.
Về tương lai, khi sửa đổi Luật THADS, chúng tôi đề nghị sửa điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật THADS như sau: Thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Do trình độ còn hạn chế, rất mong nhận được sự trao đổi của các bạn, để việc áp dụng pháp luật THADS vào thực tiễn được thống nhất./.
Ý Công