Chuyên đề thứ hai: Thi hành xong việc thi hành án bằng biện pháp cưỡng chế

11/07/2011
Thuật ngữ "cưỡng chế" được hiểu là dùng một sức mạnh nhất định để buộc một đối tượng phải thực hiện một việc trái với ý muốn của họ. Trong thi hành án dân sự, thuật ngữ "cưỡng chế thi hành án dân sự" là việc Chấp hành viên được giao nhiệm vụ sử dụng quyền năng mà pháp luật trao cho để buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ của họ đối với người được thi hành án mà nghĩa vụ đó đã được ấn định trong Bản án, quyết định đã có hiệu pháp luật. Và hiển nhiên, việc cưỡng chế thi hành án dân sự là trái với ý muốn chủ quan của người phải thi hành án.


Chấp hành viên là người trực tiếp được giao tổ chức thi hành Bản án, quyết định và cũng chỉ có Chấp hành viên mới là người được pháp luật trao quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, dù là Thủ trưởng hay Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thì khi áp dụng biện pháp cưỡng chế đều phải thực hiện với tư cách là Chấp hành viên.

Áp dụng biện pháp cưỡng chế là Chấp hành viên đã sử dụng quyền lực Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ được giao, hơn nữa việc cưỡng chế thường nảy sinh nhiều vấn đề về khiếu kiện do đặc điểm là nó trái với ý muốn chủ quan của người phải thi hành án là đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cho nên dù đúng hay sai, dù ít hay nhiều cũng không tránh khỏi đơn thư khiếu nại. Trong bài viết trước đã nêu, nếu biện pháp tự nguyện thi hành án có nhiều lợi ích được Chấp hành viên sử dụng thường xuyên bao nhiêu thì đối với biện pháp cưỡng chế thi hành án Chấp hành viên càng e ngại, rụt rè bấy nhiêu. Điều này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan trong chính nhận thức của một bộ phận Chấp hành viên, một phần do tâm lý sợ bị khiếu nại, tố cáo, một phần do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn yếu dẫn đến việc lúng túng, không dám áp dụng biện pháp cương quyết để tổ chức thi hành dứt điểm. Đây chính là nguyên nhân chủ quan dẫn đến một khối lượng lớn án có điều kiện thi hành mà chưa giải quyết dứt điểm, tình trạng tồn đọng kéo dài qua nhiều năm còn tiếp diễn nếu các Chấp hành viên không thực sự có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và chuyên môn, nghiệp vụ chắc chắn.

Mặc dù cưỡng chế thi hành án không được Nhà nước khuyến khích nhưng người Chấp hành viên cần phải xác định và cương quyết đến thời điểm nào khi mà việc giáo dục, thuyết phục hay nói cách khác khi nào biện pháp tự nguyện không đạt kết quả thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là cần thiết để vừa giải quyết dứt điểm vụ việc, vừa có tác dụng giáo dục, răn đe những đối tượng phải thi hành án khác có điều kiện thi hành mà cố tình chây ỳ.

Xuất phát từ tính chất nhạy cảm, phức tạp, tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định hết sức chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Tránh tình trạng cưỡng chế một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, gây mất lòng tin của nhân dân đối với cơ quan Nhà nước và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội chung.

Để giúp các đồng nghiệp và Chấp hành viên hiểu rõ hơn về điều kiện cũng như trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được pháp luật quy định, tôi xin phân tích các điều luật có liên quan sau đây theo bố cục như sau:

I. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ.

Khoản 2 Điều 9 Luật thi hành án dân sự quy định:

"Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này".

khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự quy định:

"Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án".

Như vậy, qua các quy định trên rút ra điều kiện bắt buộc phải thoả mãn đủ thì Chấp hành viên mới có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án là:

Thứ nhất, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.

Khái niệm "có điều kiện thi hành án" đã được giải thích tại khoản 6 Điều 3 Luật thi hành án dân sự, theo đó là các trường hợp người phải thi hành án có tài sản, thu nhập để thi hành nghĩa vụ về tài sản; tự mình hoặc thông qua người khác thực hiện nghĩa vụ thi hành án (đối với nghĩa vụ về buộc thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định).

Để xác định là người phải thi hành án có điều kiện thi hành, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh một cách đầy đủ và toàn diện, các nguồn cung cấp thông tin phải đáng tin cậy. Trong thực tế thi hành có nhiều trường hợp do không xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác xác minh nên việc thu thập thông tin về điều kiện thi hành án diễn ra qua loa, chiếu lệ, không có sự chọn lọc thông tin thu thập được dẫn đến việc cưỡng chế tài sản không phải là của người phải thi hành án hay là cưỡng chế tài sản của vợ để thi hành nghĩa vụ riêng của chồng ....

Thứ hai, đã hết thời gian tự nguyện thi hành án.

So với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật thi hành án dân sự đã có quy định khác vê thời gian tự nguyện thi hành án. Theo pháp lệnh trước đây thì thời gian tự nguyện thi hành án do Chấp hành viên ấn định nhưng tối đa không quá 30 ngày. Đến nay, theo Luật thi hành án dân sự thì đối với mọi trường hợp, người phải thi hành án đều có thời gian tự nguyện thi hành án là 15 ngày, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có thể áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành án mà không cần phải đợi hết thời gian tự nguyện thi hành án.

Như vậy, sau khi được phân công tổ chức thi hành, Chấp hành viên cần thực hiện ngay việc thông báo Quyết định thi hành án cho người phải thi hành án để làm căn cứ tính thời điểm kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án vì khoản 1 Điều 45 Luật thi hành án dân sự đã quy định thời gian tự nguyện là 15 ngày, mốc tính bắt đầu thời gian tự nguyện là kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Việc thông báo thế nào là hợp lệ được quy định cụ thể tại các Điều 40, 41, 42, 43 Luật thi hành án dân sự, Điều 7 Nghị định số 58 và Điều 3 Thông tư liên tịch số 14. Trong phạm vi loạt bài này không đi sâu phân tích nội dung thông báo thi hành án.

Như vậy, hai điều kiện nói trên là bắt buộc và phải thoả mãn đủ ( nếu không thuộc trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án) thì Chấp hành viên mới có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án được. Chấp hành viên không được coi nhẹ bất cứ điều kiện nào nếu không rất dễ phát sinh khiếu nại từ phía người phải thi hành án. Trong thực tiễn đã chứng minh có nhiều trường hợp, Chấp hành viên vì coi nhẹ hoạt động thông báo nên đã không thực hiện việc thông báo quyết định thi hành án cho người phải thi hành án, sau khi cưỡng chế người phải thi hành án đã khiếu nại vì không nhận được quyết định thi hành án nên không biết thời gian tự nguyện thi hành, đó là những bài học đắt giá mà chúng ta nhận được từ việc chủ quan, xem nhẹ những hoạt động tưởng như chỉ manh tính chất thủ tục.

II. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ.

Sau khi có đủ 2 điều kiện bắt buộc đã nêu ở trên, Chấp hành viên có thể quyết định sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế hay không đối với người phải thi hành án. Khi đã xác định sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế, Chấp hành viên cần lưu ý tuân theo một số nguyên tắc mang tính xuyên suốt sau đây:

1. Nguyên tắc tương ứng.

khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58 quy định:

"Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết ..."

Có thể hiểu nguyên tắc này là Chấp hành viên cần lựa chọn áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản nào có giá trị ước tính tương xứng với nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án và các chi phí phát sinh tạm tính liên quan đến việc cưỡng chế.

Trong giai đoạn này, Chấp hành viên mới chỉ là lựa chọn biện pháp và tài sản sẽ cưỡng chế, nghĩa vụ phải thi hành án thì đã được xác định cụ thể trong Bản án, quyết định, chi phí phát sinh có thể tạm tính và giá trị của tài sản cũng mới chỉ là ước tính. Nguyên tắc tương ứng đặt ra chỉ mang tính chất tương đối, không thể chính xác và cũng không phải tương ứng có nghĩa là phải bằng nhau mà theo cá nhân tôi giữa giá trị tài sản ước tính với nghĩa vụ phải thi hành án và chi phí phát sinh tạm tính có thể chênh lệch nhau đến 10% giá trị của tài sản đó là có thể thoả mãn nguyên tắc tương ứng. Trong thực tiễn, đòi hỏi Chấp hành viên phải mạnh dạn, quyết đoán trong việc quyết định lựa chọn tài sản sẽ cưỡng chế để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Nguyên tắc tương ứng chỉ bị loại trừ trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58:

" ...Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án".

Như vậy, nếu thuộc trường hợp đã được quy định ở trên, Chấp hành viên có thể quyết định ngay sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản mặc dù có giá trị lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành của người phải thi hành án mà không cần phải tuân theo nguyên tắc tương ứng nữa.

2. Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế đã được pháp luật quy định.

Nguyên tắc này nhằm chỉ rõ cho Chấp hành viên phạm vi các biện pháp cưỡng chế mà Chấp hành viên được lựa chọn căn cứ vào đặc điểm nghĩa vụ của người phải thi hành án.

Theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự quy định thì có 6 biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, bao gồm:

"1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định".

Để giải quyết một việc thi hành án nhất định, Chấp hành viên có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế cùng một lúc trong số các biện pháp cưỡng chế đã được quy định ở trên. Đối với từng loại nghĩa vụ và từng đối tượng cưỡng chế khác nhau, Luật thi hành án dân sự đã dành từ mục 3 đến mục 10 để quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiến hành cưỡng chế rất chi tiết và đầy đủ. Đây có thể nói là một thuận lợi rất lớn cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thực hiện.

3. Không tổ chức cưỡng chế trong một số thời điểm nhất định.

Nguyên tắc này đã được thể chế rõ ràng trong khoản 2 Điều 8 Nghị định số 58:

"Ngoài những trường hợp do Luật thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời hạn 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án."

Nguyên tắc này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta, đặc điểm của những ngày này là thời gian nhạy cảm hoặc là những ngày truyền thống đã được công nhận. Ví dụ ngày 27/7 nếu đối tượng phải thi hành án là thương binh, ngày 22-12 nếu đối tượng phải thi hành án là quân nhân ....

Ngoài ra, mặc dù pháp luật không có quy định nhưng Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn và Chấp hành viên khi tổ chức cưỡng chế cũng cần lưu ý tránh những ngày diễn ra các sự kiện lớn hoặc có tầm ảnh hưởng ở địa phương hoặc trên toàn quốc như ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, ngày Đại hội Đảng ... để tổ chức cưỡng chế.

III. CĂN CỨ ĐỂ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ.

Điều 70 Luật Thi hành án dân sự quy định:

"Căn cứ cưỡng chế thi hành án:

1. Bản án, quyết định;

2. Quyết định thi hành án;

3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án."

Theo quy định trên thì để có thể đưa ra cưỡng chế thi hành án đối với người phải thi hành án phải có đầy đủ các căn cứ đã nêu, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài san, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu thuộc một trong các trường hợp này, Chấp hành viên chỉ cần căn cứ vào Bản án, quyết định và quyết định thi hành án để tổ chức cưỡng chế và xử lý mà không cần ban hành quyết định cưỡng chế vì theo Điều 127 Luật Thi hành án dân sự đã quy định:

"Chấp hành viên xử lý theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này đối với tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án."

Về việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án, Điều 130 Luật Thi hành án dân sự đã quy định:

"1. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế sau đây:

a) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các điều 118, 119, 120 và 121 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động;

b) Biện pháp cưỡng chế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 71 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

c) Biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 75 của Luật này để đảm bảo thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định về kê biên tài sản đang tranh chấp.

d) Biện pháp bảo đảm quy định tại các điều 66, 67, 68 và 69 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài sản của người có nghĩa vụ;

đ) Biện pháp cưỡng chế quy định tại khoản 3 Điều 71 và các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này để bảo đảm thi hành quyết định về cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hoá khác.

2. Trường hợp người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở địa phương khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người đó cư trú hoặc nơi có tài sản tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời."

Như vậy, xuất phát từ tính cấp thiết cần áp dụng mà biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án áp dụng để lý giải tại sao Luật Thi hành án dân sự lại phải dành hẳn 1 quy định riêng về trình tự, thủ tục thực hiện để Chấp hành viên có thể áp dụng ngay mà không phải lưỡng lự về việc có thực hiện hay không như là đối với biện phảp bảo đảm thi hành án dân sự. Như vậy sẽ làm mất đi tính cấp thiết và mục đích của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ không đạt được, đồng thời nếu nhìn nhận xa hơn nữa thì ngay chính hoạt động của Chấp hành viên sau này cũng sẽ có những khó khăn nhất định.

Có thể thấy rằng cưỡng chế thi hành án là một biện pháp thi hành án thể hiện rõ nhất bản chất của việc Nhà nước sử dụng quyền lực của mình mà cụ thể là thông qua hoạt động của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự để tác động đến người phải thi hành án để đảm bảo hiệu lực trên thực tế của các Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Chính vì mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng đó mà pháp luật cũng quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng và đòi hỏi Chấp hành viên phải tuân thủ triệt để các quy định đó. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cũng là biện pháp tác động tiêu cực nhất đến người phải thi hành án vì nó trái với ý chí chủ quan của họ, vì vậy đại đa số người phải thi hành án sẽ có hành động "trả đũa" việc làm của Chấp hành viên như đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc thậm chí đe doạ tính mạng, sức khoẻ của mình hoặc của người khác để gây áp lực đối với Chấp hành viên và cơ quan Thi hành án. Bên cạnh đó, áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội. Do đó, đây không phải là biện pháp thi hành án tối ưu, cũng không phải "cây đũa thần" của Chấp hành viên. Xét về mặt xã hội học, nếu cơ quan Thi hành án dân sự nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nhiều thì chính cơ quan Thi hành án đó và Chấp hành viên cơ quan đó chưa làm tốt công tác giáo dục, thuyết phục, động viên và về vĩ mô thì địa phương đó còn có nhiều vấn đề về nhận thức pháp luật của Nhân dân.

Mặc dù vậy, biện pháp cưỡng chế thi hành án cũng có những mặt tích cực nhất định của nó như hiệu quả răn đe nó mang lại là không thể chối cãi.

Nói tóm lại, mỗi người Chấp hành viên khi được giao tổ chức thi hành Bản án, quyết định cần xác định rõ rằng biện pháp cưỡng chế là biện pháp thi hành cuối cùng, phải tổ chức cưỡng chế là mình đã thất bại trong công tác giáo dục, thuyết phục, động viên người phải thi hành án. Nhưng không phải vì thế mà chần chừ, không kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu như biện pháp tự nguyện thi hành án không có hiệu quả. Khi đã phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, để hạn chế thấp nhất những vi phạm liên quan đến trình tự, thủ tục và tránh nảy sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo đòi hỏi Chấp hành viên phải nắm vững các quy định của pháp luật có liên quan nói chung và quy định của pháp luật thi hành án dân sự nói riêng. Bên cạnh đó, Chấp hành viên phải tự xây dựng và rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, không ngại khó, ngại khổ và ngại va chạm. Hội đủ những điều đó, chúng ta sẽ có đội ngũ Chấp hành viên "sắc" về lý luận, "cứng" về nghiệp vụ và "vững" về bản lĩnh, đương nhiên những sai lầm đáng tiếc trong hoạt động sẽ không xảy ra, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác thi hành án sẽ giảm bớt và hơn cả là đảm bảo và giữ vững được kỷ cương pháp luật./.

Lương Thanh Tùng