Để góp một phần nhỏ vào việc đóng góp ý kiến theo chủ trương của Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự, tôi xin nêu ra đây một quy định của Luật Thi hành án dân sự mà theo quan điểm của cá nhân tôi là chưa thống nhất và cần phải sửa đổi. Nội dung như sau:
Điều 126 Luật Thi hành án dân sự quy định về việc trả lại tiền, tài sản tạm giữ cho đương sự:
" 1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản cho đương sự.
Trường hợp người được trả lại tiền, tài sản tạm giữ đồng thời là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý tiền, tài sản đó để thi hành án.
2. Sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản.
Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.
..."
Nội dung quy định trên áp dụng đối với trường hợp thi hành án thuộc diện chủ động và việc quy định về trình tự thông báo, xử lý tài sản cũng như thời hạn để sung quỹ Nhà nước số tiền mà đương sự không nhận (05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật) là hoàn toàn hợp lý nếu như chỉ áp dụng đối với trường hợp thi hành án thuộc diện chủ động.
Điều đáng bàn và bất hợp lý chính là từ các quy định khác dẫn chiếu áp dụng Điều 126 để giải quyết, cụ thể:
Điều 115 Luật Thi hành án dân sự quy định về cưỡng chế trả nhà, giao nhà:
"1. Trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả nhà thì Chấp hành viên buộc người phải thi hành án và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì Chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà.
Trường hợp họ từ chối nhận tài sản, Chấp hành viên phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản và giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.
2. Trường hợp người phải thi hành án cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì Chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều này mà người có tài sản bảo quản không đến nhận thì tài sản đó được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 126 của Luật này, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
..."
Và Điều 117 Luật Thi hành án dân sự quy định về cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất:
" 1. Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án.
Khi tiến hành giao đất phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.
2. Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.
Trường hợp người có tài sản gắn liền với đất từ chối nhận tài sản thì Chấp hành viên lập biên bản ghi rõ số lượng, chủng loại, tình trạng từng loại tài sản, giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện bảo quản hoặc bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án dân sự và thông báo địa điểm, thời gian để người có tài sản nhận lại tài sản.
Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này.
..."
Bất cập ở đây thể hiện ở các vấn đề:
Thứ nhất, điểm a khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự đã quy định:
"Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này."
Đọc quy định trên ta hiểu rằng, Chấp hành viên phải thông báo cho người có tài sản địa điểm, thời gian để họ nhận lại những tài sản đã bị tháo dỡ, di dời ra khỏi diện tích đất phải giao. Nếu hết thời hạn mà họ không nhận thì Chấp hành viên mới được xử lý theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 126 là bán tài sản hoặc khoản 3 Điều 26 là tiêu huỷ sau khi có Quyết định tiêu huỷ của Thủ trưởng cơ quan thi hành án nếu tài sản đó không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng .
Tuy nhiên, trong toàn bộ Điều 117 lại không quy định thời hạn cho phép để người có tài sản đến nhận lại trước khi tài sản bị xử lý theo Điều 126. Như vậy, Chấp hành viên sẽ ấn định thời gian như thế nào? có thể hiểu là thời hạn thông báo cũng là 03 tháng như quy định tại khoản 2 Điều 126 hay không? Nếu không hiểu như vậy thì Chấp hành viên sẽ lúng túng, còn nếu hiểu theo quy định đó thì cần xem xét lại câu chữ trong quy định tại điểm a khoản 2 Điều 117 bởi vì việc dẫn chiếu như trong Điều luật quy định được hiểu là áp dụng toàn bộ Điều 126 Luật Thi hành án dân sự về thời hạn thông báo, xử lý tài sản.
Thứ hai, ta có thể hiểu ngay rằng Điều 115 và Điều 117 Luật Thi hành án dân sự quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế đối với các nghĩa vụ thuộc trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, đó là các nghĩa vụ trả nhà, giao nhà và nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất.
Trong các trường hợp cưỡng chế trên, các tài sản bị đưa ra khỏi nhà hoặc tài sản bị tháo dỡ, di dời khỏi diện tích đất phải giao mà người phải thi hành án hoặc người có tài sản không nhận tại buổi cưỡng chế thì cũng đều có chung một cơ chế xử lý đó là Chấp hành viên giao bảo quản đối với những tài sản đó rồi thông báo cho người phải thi hành án hoặc người có tài sản đến nhận. Nếu họ vẫn không nhận thì dẫn chiếu đến Điều 126 Luật Thi hành án dân sự để xử lý. Như vậy, có nghĩa là tài sản sẽ bị bán hoặc tiêu huỷ. Sau khi bán tài sản, thu được một số tiền, Chấp hành viên lại tiếp tục thông báo để họ đến nhận tiền sau khi đã gửi tiết kiệm không kỳ hạn số tiền thu được từ việc bán tài sản.
Bất cập thể hiện rõ ở việc nếu như họ vẫn không đến nhận tiền thu được từ việc bán tài sản thì hết thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án sẽ làm thủ tục sung quỹ Nhà nước.
Ở đây, tôi muốn trao đổi là việc quy định mốc tính thời gian 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là chưa hợp lý. Bởi trong thực tiễn, có những vụ việc thi hành án mà để đến khi đưa ra tổ chức cưỡng chế, đặc biệt là những vụ việc cưỡng chế trả nhà, giao nhà, cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất thì thời hạn tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật là quá dài, thậm chí vượt quá 05 năm. Nếu như vậy thì sau khi cưỡng chế, những tài sản bị đưa ra khỏi nhà hoặc bị tháo dỡ, di dời mà người phải thi hành án hoặc người có tài sản không nhận thì sau khi hết thời hạn thông báo, Chấp hành viên có thể bán tài sản và làm thủ tục sung quỹ Nhà nước ngay số tiền thu được? Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người phải thi hành án và người có tài sản và sẽ không tránh khỏi việc khiếu nại phát sinh.
Từ những phân tích trên, cá nhân tôi thấy rằng, việc dẫn chiếu Điều 126 Luật Thi hành án dân sự (Vốn là để xử lý tiền, tài sản thuộc trường hợp thi hành án chủ động) để xử lý đối với những tài sản thuộc diện bị đưa ra khỏi nhà hoặc bị tháo dỡ, di dời nảy sinh từ việc cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả nhà, giao nhà hoặc chuyển giao quyền sử dụng đất (Vốn là trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu) là không hợp lý và chắc chắn sẽ nảy sinh khiếu nại.
Để giải quyết những bất cập nêu trên, cá nhân tôi xin nêu ra hướng xử lý như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung quy định tại Điều 117 theo hướng quy định rõ thời hạn thông báo để đương sự, người có tài sản đến nhận lại tài sản trước khi dẫn chiếu đến Điều 126, việc dẫn chiếu cũng cần cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng khó hiểu, dẫn đến Chấp hành viên khó áp dụng. Cụ thể cần sửa đổi như sau:
Sửa đổi quy định: "Hết thời hạn thông báo mà người có tài sản không đến nhận thì tài sản được xử lý theo quy định tại Điều 126 của Luật này"
thành: "Việc thông báo và xử lý tài sản được thực hiện theo quy định tại Điều 126 của Luật này."
Thứ hai, cần sửa đổi quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự theo hướng quy định mốc tính thời gian để thực hiện việc sung quỹ Nhà nước số tiền mà đương sự không nhận là 05 năm kể từ ngày thông báo cho đương sự hoặc người có tài sản.
Cụ thể, sửa đổi quy định: "Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước."
thành: "Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày thông báo mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước."
Việc sửa đổi như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc áp dụng mà không ảnh hưởng đến việc dẫn chiếu từ các quy định của Điều 115, Điều 117 đến áp dụng Điều 126 Luật Thi hành án dân sự. Hơn nữa, quy định như vậy cũng sẽ thống nhất với cách tính mốc thời hạn để sung quỹ Nhà nước quy định tại điểm 3.2.1 mục III Thông tư số 06/2007/TT-BTP, ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp đối với số tiền thu được trong trường hợp thi hành nghĩa vụ về tiền theo đơn yêu cầu.
Trên đây là một số vấn đề quy định tại Luật thi hành án dân sự mà cá nhân tôi thấy rằng chưa hợp lý, cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và cũng là để thuận tiện hơn cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp. Xin chân thành cảm ơn!
Lương Thanh Tùng