Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, có nhiều doanh nghiệp đã vững vàng bước qua những thách thức và phát triển hiệu quả, bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp không trụ vững, kinh doanh thua lỗ, phát sinh nhiều tranh chấp phải yêu cầu tòa án giải quyết. Hàng năm, tại các địa phương như: Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, BR-VT… Lượng án tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp được tòa án thụ lý tăng cao, dẫn đến các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan Thi hành án phải tổ chức thi hành chiếm một tỷ lệ lớn trong các việc phải tổ chức thi hành án. Hầu hết các loại việc này liên quan đến việc thi hành án đối với doanh nghiệp hoặc các thành viên góp vốn của doanh nghiệp.
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự ra đời vào ngày 14/11/2008, đã góp phần hoàn thiện một bước thể chế trong công tác thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho cơ quan Thi hành án dân sự và chấp hành viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đã đề cập đến đến việc tổ chức thi hành án đối với doanh nghiệp và các thành viên của doanh nghiệp nhưng chưa thể chế hóa một cách cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, lượng án liên quan đến người phải thi hành án là đối tượng này chiếm một tỷ lệ lớn, nhưng hiệu quả mang lại từ việc tổ chức thi hành án vẫn chưa được như mong muốn.
Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong công tác tổ chức thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp và các thành viên góp vốn của doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan Thi hành án giải quyết được một khối lượng công việc khá lớn, góp phần đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch công tác được giao.
Theo quy định tại Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh” và Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định bốn loại hình doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, đó là: Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Trong phạm vi bài viết này, dưới góc độ thực tiễn vướng mắc trong tổ chức thi hành án đối với người phải thi hành án là doanh nghiệp và các thành viên góp vốn của doanh nghiệp, chúng tôi xin phép nghiên cứu và trình bày đối với 02 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, thực tiễn cho thấy để chứng minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án là Công ty TNHH, Công ty Cổ phần hoặc thành viên của họ có rất nhiều trở ngại, vướng mắc cụ thể:
Thứ nhất: Trường hợp người phải thi hành án là doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty TNHH và Công ty cổ phần:
Hiện nay, trong thực tiễn công tác đã phát sinh tình huống Công ty TNHH và Công ty cổ phần là người phải thi hành án, quá trình tổ chức thi hành án, xác định các doanh nghiệp này không có điều kiện thi hành án (tức không có tài sản và thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo án tuyên). Tuy nhiên, các thành viên góp vốn sáng lập ra doanh nghiệp như: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, giám đốc, người đại diện theo pháp luật…đều có tài sản, thu nhập đủ để thi hành phần nghĩa vụ của doanh nghiệp. Vậy, vấn đề đặt ra là cơ quan Thi hành án có được quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với các thành viên của doanh nghiệp để thi hành nghĩa vụ của doanh nghiệp được không.
Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, cụ thể:
- Điểm b, khoản 1 - Điều 38 quy định: Thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp;
- Khoản 1- Điều 63 quy định: Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty;
- Điểm b, khoản 1 - Điều 77 quy định: Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là ba và không hạn chế số lượng tối đa
- Điểm c, khoản 1 - Điều 77 quy định: Cổ đông của công ty cổ phần chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
- Khoản 3 - Điều 84 quy định: ...Khi số cổ phần đăng ký góp của các cổ đông sáng lập chưa được góp đủ thì các cổ đông sáng lập cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số cổ phần chưa góp đủ đó.
Căn cứ các quy định viện dẫn trên của Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì các thành viên góp vốn vào Công ty TNHH và cổ đông của Công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty tương ứng với tỷ lệ vốn góp.
Như vậy, trong trường hợp các thành viên của doanh nghiệp đã góp đủ số vốn cam kết góp vào doanh nghiệp thì đương nhiên chỉ chịu trách nhiệm rũi ro của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp. Trong trường hợp doanh nghiệp không còn điều kiện thi hành án mà thành viên góp vốn có tài sản, thu nhập khác đủ để thi hành nghĩa vụ của doanh nghiệp thì đương nhiên không được phép kê biên tài sản của họ hoặc khấu trừ thu nhập của họ.
Tuy nhiên, trong trường hợp các thành viên này chưa góp vốn đủ như đã cam kết - đối với Công ty TNHH và cổ đông sáng lập chưa có đủ số cổ phần theo quy định - đối với Công ty Cổ phần (Xin gọi tắt 02 đối tượng này là thành viên góp vốn) thì trong trường hợp Doanh nghiệp là người thi hành án không có điều kiện thi hành án mà thành viên góp vốn có tài sản đủ thi hành nghĩa vụ của Doanh nghiệp thì có được kê biên tài sản của họ để thi hành nghĩa vụ của doanh nghiệp không - Đây là vấn đề cần được xem xét để có sự thống nhất bằng pháp luật một cách rõ ràng.
Nếu chỉ căn cứ các quy định trên của Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì đối với trường hợp nói trên, dường như chấp hành viên có thể kê biên tài sản của các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp là Công ty TNHH và Công ty Cổ phần để thi hành phần nghĩa vụ dân sự theo án tuyên của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kê biên tài sản sẽ không đảm bảo tính pháp lý ở chổ:
Theo khoản 3, Điều 3 - Luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành”. Như vậy, đối chiếu với quy định này thì người phải thi hành án ở đây là doanh nghiệp - cụ thể là Công ty TNHH và Công ty Cổ phần, chứ không phải là các thành viên góp vốn vào Công ty. Nếu muốn tổ chức thi hành án đối các thành viên góp vốn để thi hành phần nghĩa vụ của doanh nghiệp thì thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải ban hành quyết định thu hồi quyết định thi hành án đối với Công ty TNHH, Công ty cổ phần và ra quyết định thi hành án đối với thành viên góp vốn của Công ty để tổ chức thi hành. Tuy nhiên, căn cứ Điều 54 - Luật Thi hành án dân sự quy định chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án lại không điều chỉnh trường hợp này nên trên thực tế vấn đề trên không thể thực hiện được.
Mặt khác, khoản nợ phải thi hành án là khoản nợ của doanh nghiệp, không liên quan gì đến cá nhân thành viên góp vốn vào doanh nghiệp. Trường hợp cá nhân thành viên góp vốn đồng ý tự nguyện để chấp hành viên kê biên tài sản của mình để thi hành nghĩa vụ thi hành án của doanh nghiệp thì nhất thiết giữa doanh nghiệp và thành viên góp vốn phải có sự thỏa thuận về vấn đề này bằng một quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự do Tòa án có thẩm quyền ban hành thì mới có khả thi thực hiện được trên thực tế.
Như vậy, mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định các thành viên góp vốn vào Công ty TNHH và cổ đông của Công ty cổ phần phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty tương ứng với tỷ lệ vốn góp nhưng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 không điều chỉnh cụ thể nên trong thực tiễn đã gặp bế tắc, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, chúng tôi thiết nghĩ, cần phải bổ sung điều chỉnh Điều 54 - Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (quy định chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án) cần quy định thêm nội dung chuyển giao quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp là Công ty TNHH, Công ty Cổ phần sang thành viên góp vốn, hoặc cổ đông của Công ty. Trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ quan Thi hành án sẽ ban hành Quyết định thu hồi quyết định thi hành án đối với doanh nghiệp và ra quyết định thi hành án đối với thành viên góp vốn hoặc cổ đông của doanh nghiệp để tổ chức thi hành án. Có như vậy, vướng mắc pháp lý mới được tháo gỡ, giúp cơ quan thi hành án giải quyết triệt để khó khăn trong loại việc thi hành án này.
Thứ hai: Vướng mắc trong trường hợp người phải thi hành án là thành viên góp vốn vào doanh nghiệp thuộc loại hình Công ty TNHH và Công ty cổ phần:
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, phần lớn công dân tích lũy tài sản cho bản thân mình ở dạng chủ yếu là nhà ở và quyền sử dụng đất. Quá trình đầu tư kinh doanh trong cơ chế thị trường, họ cũng tham gia góp vốn để trở thành thành viên của doanh nghiệp để đạt mục đích thu lợi nhuận thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp bằng chính nguồn tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất hiện có của mình.
Từ đó, trong thực tiễn thi hành án cũng phát sinh tình huống người phải thi hành án là thành viên góp vốn bằng tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp thuộc loại hình công ty TNHH, Công ty cổ phần (tỷ lệ góp vốn của người phải thi hành án lớn, doanh nghiệp đang làm ăn có hiệu quả). Ngoài tài sản đã góp vốn vào doanh nghiệp thì họ không còn bất kỳ tài sản hoặc nguồn thu nhập nào khác đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án; hoặc có tài sản và nguồn thu nhập nhưng vẫn không đủ để thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Để tổ chức thi hành án đối với đối tượng này, Luật Thi hành án dân sự đã quy định việc kê biên vốn góp tại Điều 92 - Luật Thi hành án dân sự, theo đó:
“Chấp hành viên yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án để kê biên phần vốn góp đó. Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án…”
Tuy nhiên, trong thực tiễn việc triển khai thực hiện quy định này gặp nhiều khó khăn bất cập, chúng tôi xin nêu một ví dụ cụ thể để chứng minh tính chất khó khăn, phức tạp như sau:
Ông Cao Đức Tiến là người phải thi hành án trả cho ông Trần Mạnh Trung số tiền 1,7 tỷ đồng theo một bản án phúc thẩm của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình thi hành án, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh B xác minh biết ông Cao Đức Tiến có căn nhà đang ở trị giá khoảng 300 triệu đồng và ông Tiến đang là thành viên của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Long (gọi tắt là Công ty Thiên Long) có số vốn góp vào Công ty Thiên Long là 2,4 tỷ đồng, cụ thể là ông Cao Đức Tiến đã góp 500 triệu đồng tiền mặt, một chiếc xe ôtô trị giá 300 triệu đồng và quyền sử dụng đất trị giá 1,6 tỷ đồng (thủ tục góp vốn đã hoàn tất theo quy định pháp luật).
Do ông Tiến không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên đã tiến hành kê biên, phát mãi căn nhà của ông để thi hành án. Nhưng số tiền phát mãi căn nhà không đủ để thi hành nên Chấp hành viên tiếp tục kê biên giá trị quyền sử dụng đất mà ông Cao Đức Tiến đã góp vốn vào Công ty Thiên Long. Khi tiến hành cưỡng chế kê biên (đại diện Công ty Thiên Long không đồng ý với quyết định kê biên) Chấp hành viên đã thông báo cho đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Long biết quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của Công ty đối với tài sản bị kê biên theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, Công ty Thiên Long không khởi kiện tại Toà án và có văn bản đề nghị chấp hành viên không được xử lý quyền sử dụng đất của ông Cao Đức Tiến đã góp vốn vì cho rằng sau khi ông Tiến góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất này là tài sản của Công ty Thiên Long chứ không phải của ông Tiến nữa. Chính điều này làm cho hoạt động tổ chức thi hành án bị vướng mắc do Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản pháp luật liên quan chưa điều chỉnh toàn diện.
Để giải quyết tình huống này, chúng ta cần tìm hiểu các quy định của Luật Doanh nghiệp về vấn đề góp vốn vào doanh nghiệp và sở hữu vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, vốn góp của các thành viên được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, tại thời điểm thành viên của doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án thì không có cơ sở xác định số vốn góp của họ vào doanh nghiệp là bao nhiêu, được thể hiện ở dạng cụ thể nào (tiền hoặc tài sản). Mặc dù Luật Thi hành án dân sự có quy định cho chấp hành viên được thẩm quyền “…Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định phần vốn góp của người phải thi hành án; trưng cầu tổ chức, cá nhân có chuyên môn xác định phần giá trị vốn góp của người phải thi hành án để cưỡng chế thi hành án…”, Nhưng trên thực tế đây là một công việc vô cùng khó khăn và rất khó thực hiện vì tài sản hiện nay là tài sản của doanh nghiệp, chính tài sản góp vốn đã chuyển hóa thành tài sản của doanh nghiệp. Đặt trường hợp tại thời điểm thi hành án, mà chấp hành viên xác định được tỷ lệ vốn góp cụ thể của người phải thi hành án là thành viên của doanh nghiệp thì việc kê biên tài sản vẫn gặp sự khiếu nại gay gắt của doanh nghiệp. Vì nếu kê biên là kê biên tài sản của doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại không phải là người phải thi hành án - vấn đề này hiện nay chúng ta vẫn chưa có cơ sở giải quyết thỏa đáng.
Theo khoản 4 Điều 4 - Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty”.
Theo quy định trên tài sản tham gia vào việc góp vốn rất đa dạng nhưng để tài sản góp vốn trở thành phần vốn góp, thì những tài sản này phải được định giá. Khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp có quy định “Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá”. Như vậy, ở đây có sự phân biệt rõ ràng giữa phần vốn góp và tài sản góp vốn.
Theo khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp giải thích về phần vốn góp như sau: “Phần vốn góp là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty góp vào vốn điều lệ”. Theo các quy định của pháp luật, chủ sở hữu phần vốn góp (người góp vốn) có các quyền sau:
- Quyền tài chính: được phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ giá trị phần vốn góp; gánh chịu phần lỗ tương ứng với tỷ lệ giá trị phần vốn góp nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, khi đang hoạt động cũng như khi doanh nghiệp kết thúc hoạt động; nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp sau khi đã thanh toán hết các nghĩa vụ của doanh nghiệp khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản.
- Quyền phi tài chính như quyền biểu quyết, quyền thông tin.
Ngoài ra, phần vốn góp với tư cách là một tài sản có giá trị tiền tệ nên chủ sở hữu được tự do chuyển giao trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, việc chuyển giao này bị hạn chế bởi một số quy định theo Luật Doanh nghiệp nhằm bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Như vậy, phần vốn góp là một tài sản đặc biệt, được hình thành thông qua việc góp vốn vào doanh nghiệp và tồn tại song song với sự tồn tại của doanh nghiệp. Phần vốn góp không phải là tài sản cụ thể như những tài sản khi đem góp vốn.
Tài sản góp vốn “có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty”. Những tài sản này khi được người góp vốn đem góp vào doanh nghiệp theo một trình tự, thủ tục nhất định thì nó đã trở thành tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp (pháp nhân). Do đó, cá nhân người góp vốn không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã góp vốn. Đổi lại, họ được sở hữu phần vốn góp và có các quyền như đã nêu trên.
Như vậy, đối chiếu các quy định của Luật Doanh nghiệp để phân tích tình huống trên, thì chấp hành viên không thể xem quyền sử dụng đất trên là tài sản chung của ông Cao Đức Tiến và Công ty Thiên Long và cũng không được xác định quyền sử dụng đất trên là phần vốn góp của ông Cao Đức Tiến, bởi vì:
- Khi tài sản là quyền sử dụng đất đã được ông Cao Đức Tiến đem góp vốn vào Công ty Thiên Long, thì nó trở thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Thiên Long - một pháp nhân độc lập. Do đó, cá nhân ông Cao Đức Tiến không còn quyền sở hữu đối với tài sản đã góp vốn. Như vậy, không thể xem ông Cao Đức Tiến là đồng sở hữu chủ đối với quyền sử dụng đất đã mà ông đã góp vốn.
- Quyền sử dụng đất được ông Cao Đức Tiến đem góp vốn vào Công ty Thiên Long cũng không được xem là phần vốn góp của ông Tiến. Bởi vì, phần vốn góp là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty góp vào vốn điều lệ. Nên nó không xác định bằng một tài sản cụ thể nào trong khối tài sản của công ty nhận góp vốn.
Như vậy, nếu chấp hành viên kê biên quyền sử dụng đất trong tình huống trên là không đảm bảo căn cứ pháp lý, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của Công ty Thiên Long.
Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng để thực hiện việc kê biên vốn góp theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự đạt hiệu quả và tuân thủ các quy định của pháp luật, cần kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định, hướng dẫn rõ trình tự thủ tục thực hiện, theo đó cần xác định một cách cụ thể các vấn đề sau:
Một là: Người phải thi hành án là thành viên góp vốn vào doanh nghiệp, bị cưỡng chế kê biên phần vốn góp theo Điều 92 - Luật Thi hành án dân sự có tư cách chủ thể độc lập với doanh nghiệp (Pháp nhân) nơi người đó góp vốn, đồng thời xác định doanh nghiệp không phải là người phải thi hành án;
Hai là: Trong quyết định kê biên phải xác định đối tượng kê biên là phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp, chứ không được kê biên tài sản đã góp vốn hay một tài sản cụ thể khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp, trừ trường hợp được doanh nghiệp đồng ý;
Ba là: Việc kê biên vốn góp có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nên cơ quan chức năng cần ban hành một văn bản hướng dẫn, quy định rõ trình tự thủ tục tiến hành kê biên, xử lý phần vốn góp của người phải thi hành án để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
Phạm Hồng Đức