Vướng mắc trong việc yêu cầu định giá lại tài sản

11/06/2012
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong công tác thi hành án, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, đồng thời góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Thi hành án dân sự năm 2008 vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.


 

Sau đây, tôi xin nêu ra trường hợp cụ thể:

1. Về xử lý tài sản bán đấu giá không thành, Điều 104 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định "trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành mà Đương sự không yêu cầu định giá lại thì Chấp hành viên ra Quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá".

2. Điều 99 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định "việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

"...Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản..."

Qua 02 cơ sở trên thì vấn đề khó khăn đối với các Cơ quan Thi hành án là ở quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: "đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án". Vướng mắc ở đây là việc xác định quyền được yêu cầu định giá lại ở cả hai trường hợp trên chỉ cần một bên đương sự đồng ý hay phải có ý kiến của cả người được thi hành án và người phải thi hành án. Trong thực tế hiện nay, rất nhiều trường hợp Cơ quan Thi hành án chỉ cần có ý kiến của người phải thi hành án hoặc người được thi hành án yêu cầu là cho thẩm định giá lại tài sản.

Ví dụ: Khách sạn A phải trả cho Ngân hàng B số tiền 20 tỷ đồng tiền gốc và lãi phát sinh. Tài sản thế chấp là toàn bộ quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất được định giá và bán đấu giá khởi điểm là 22 tỷ đồng

Sau khi giảm giá đến lần thứ 15 giá trị tài sản còn 19 tỷ đồng nghĩa là không đủ số tiền mà Khách sạn A phải trả cho Ngân hàng B. Sau đó Cơ quan Thi hành án tiếp tục giảm giá và chuẩn bị có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản thì Khách sạn A có đơn yêu cầu thẩm định giá lại.

Như vậy, dựa vào quyền được yêu cầu định giá lại của minh Khách sạn A có thể kéo dài thời gian trả nợ để tìm cách khai thác nguồn thu từ hoạt động kinh doanh của Khách sạn. Trong khi đó, số nợ phải trả cho Ngân hàng thì không biết bao giờ mới trả được. Mặt khác, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng án chưa điều kiện về việc và giá trị tại các Cơ quan Thi hành án đối với những trường hợp như trên ngày một tăng lên. Và dẫn đến chỉ tiêu giải quyết án chưa điều kiện chuyển kỳ sau về việc là 10% sẽ khó thực hiện được trong thực tế.

Do vậy, thiết nghĩ cần phải có một sự hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên để Luật Thi hành án được hoàn thiện hơn, đồng thời tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thi hành án và quan trọng là tạo ra sự nghiêm minh trong vấn đề thực thi pháp luật.

Định Hữu Tính