Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:
+ Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
Người có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự 2008 là người được thi hành án và người phải thi hành án. Nếu người được thi hành án và người phải thi hành án không tự mình thực hiện được quyền này thì có thể ủy quyền cho người khác để thực hiện quyền yêu cầu.
+ Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu.
Cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu phải là cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Bản án, Quyết định phải thi hành theo quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự 2008. Xét một cách khái quát thì các Bản án, Quyết định mà có cấp xét xử sơ thẩm là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở thì sẽ do Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thụ lý thi hành.
+ Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án và người phải thi hành án.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì: “người được thi hành án” là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành; “người phải thi hành án” là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.
+ Nội dung yêu cầu thi hành án;
Nội dung yêu cầu thi hành án phải liên quan đến nội dung của bản án, quyết định. Nếu nội dung yêu cầu thi hành án phải liên quan đến nội dung của bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 34 Luật Thi hành án dân sự.
+ Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trong phạm vi bài viết, tôi xin đề cập đến nội dung “Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án” trong trường hợp người được thi hành án không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án và không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án.
Để cơ quan thi hành án dân sự tham khảo cũng như những người yêu cầu có thể biết được hậu quả pháp lý và cách thức giải quyết của việc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án và không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án, tôi xin trình bày quan điểm của mình về vấn đề này như sau:
Thứ nhất, một trong những điểm mới của Luật Thi hành án dân sự 2008 so với Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 đó là việc quy định người được thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án. Khoản 2 Điều 4 Nghị định 58/2009/NĐ-CP quy định: “Trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo để đương sự bổ sung nội dung đơn yêu cầu thi hành án trước khi ra quyết định thi hành án”. Do vậy, trường hợp đơn yêu cầu thi hành án không có đầy đủ các nội dung quy định và người được thi hành án không yêu cầu xác minh thì cơ quan thi hành án dân sự vẫn nhận đơn và căn cứ vào Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ để có văn bản thông báo cho đương sự bổ sung nội dung đơn còn thiếu trước khi ra quyết định thi hành án. Trong trường hợp này, nếu người được thi hành án không bổ sung thông tin và cũng không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án cũng chưa ra quyết định thi hành án.
Văn bản thông báo phải nêu rõ nội dung, cách thức, hình thức xác minh, hướng giải quyết khi không thực hiện được việc xác minh (như: các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án; người được thi hành án là người già yếu, không có nơi nương tựa; việc đi lại khó khăn hoặc những trường hợp khác mà người được thi hành án không thể xác minh được) thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành xác minh và phải chịu chi phí xác minh theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 và Khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự. Khi người được thi hành án đã cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án hoặc có yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành xác minh theo thông báo của cơ quan thi hành án thì cơ quan thi hành án tiến hành nhận đơn yêu cầu thi hành án, ra quyết định và thụ lý thi hành án. Cơ quan thi hành án dân sự sẽ tiến hành xác minh, nếu có căn cứ ủy thác thì cơ quan thi hành án thực hiện việc ủy thác theo quy định của pháp luật. Nếu người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án thì áp dụng Điều 51 Luật Thi hành án dân sự để trả đơn yêu cầu thi hành án.
Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự được Chấp hành viên chủ động tiến hành cho đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động. Kết quả xác minh tiếp tục được công nhận để tổ chức thi hành khoản nghĩa vụ theo đơn yêu cầu. Do đó, cơ quan thi hành án đã xác minh biết được người phải thi hành có điều kiện thi hành, thì vẫn nhận đơn, ra quyết định và thụ lý việc thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án, mặc dù người được thi hành án không bổ sung thông tin và cũng không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án.
Trên đây là một vài ý kiến của tôi về việc xử lý đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp người được thi hành án không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án và không yêu cầu cơ quan thi hành án xác minh điều kiện thi hành án. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí.
Hoàng Thu Thủy