Thi hành án liên quan đến hộ gia đình

28/09/2012
Thực tiễn tổ chức thi hành án, nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc kê biên quyền sử dụng đất nói riêng và tài sản khác của hộ gia đình nói chung để thi hành án. Nhiều vụ việc gặp phải sự phản ứng quyết liệt của các thành viên khác trong hộ gia đình vì họ cho rằng mình là thành viên của hộ gia đình đó nhưng khi cơ quan Thi hành án dân sự kê biên tài sản lại không thông báo cho họ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vậy làm thế nào để xác định được ai là thành viên của hộ gia đình? Kê biên tài sản của hộ gia đình để thi hành án thì có cần phải làm việc với tất cả các thành viên của hộ gia đình không? Đây là câu hỏi được một số cơ quan Thi hành án dân sự đặt ra. Tôi xin trình bày quan điểm của mình về vấn đề này như sau:


1. Hiện nay pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về hộ gia đình và cũng không quy định tiêu chí, các giấy tờ dùng để làm căn cứ để xác định thành viên của hộ gia đình. Điều 106 của Bộ luật dân sự 2005 quy định: Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này. Trong quan hệ hôn nhân và gia đình, khoản 10 Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình xác định: Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau.

Từ quy định trên và theo phong tục, tập quán văn hóa Việt Nam, thành viên của hộ gia đình thông thường là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung và thường cùng cư trú tại một địa chỉ (cùng sống trong một gia đình). Trên thực tế, thường xác định các thành viên của hộ gia đình căn cứ vào Sổ hộ khẩu gia đình. Thành viên đăng ký trong Sổ hộ khẩu thường xuyên có sự biến động do việc tách, nhập hộ ; nhập cắt, chuyển khẩu do sinh, tử, di chuyển, thậm chí đăng ký cư trú nhờ....Vì vậy, tùy theo từng trường hợp cụ thể, cơ quan Thi hành án có thể căn cứ vào các giấy tờ như Sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, Giấy đăng ký tài sản, Giấy đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh... cũng như tham khảo ý kiến của cơ quan công an, chính quyền cơ sở và các thành viên khác trong gia đình... để xác định cá nhân có phải là thành viên của hộ gia đình không.

2. Liên quan đến việc thi hành án đối với hộ gia đình, cơ quan Thi hành án cần phải căn cứ vào nội dung bản án, quyết định để xác định đương sự trong vụ việc thi hành án là hộ gia đình hay là cá nhân là thành viên trong hộ gia đình để có biện pháp giải quyết tương ứng. Nghĩa là phải xác định chính xác ai là người phải thi hành án mới có thể tổ chức thi hành án đúng quy định của pháp luật.

- Nếu bản án, quyết định buộc hộ gia đình phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản, nghĩa là người phải thi hành án được xác định là hộ gia đình. Trong trường hợp này, trước hết cần xử lý tài sản chung của hộ gia đình để thi hành án.

Cơ quan Thi hành án cần căn cứ các quy định của pháp luật về dân sự, đất đai để xác định tài sản chung của hộ gia đình để làm cơ sở cho việc thi hành án. Trong đó, Điều 102 của Bộ luật dân sự quy định: Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ; các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận; việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. Như vậy, tài sản chung của hộ gia đình là các tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung hoặc những tài sản khác mà các thành viên thỏa thuận là tài sản chung của hộ. Việc xác định tài sản chung của hộ gia đình gặp khó khăn hơn nhiều so với việc xác định tài sản riêng của cá nhân hoặc tài sản chung của vợ chồng. Để xác định tài sản nào là tài sản của hộ gia đình, cơ quan thi hành án dân sự cần phải tham khảo ý kiến của các thành viên hộ gia đình và ý kiến của chính quyền cơ sở.

Về quyền sử dụng đất, pháp luật đất đai, hộ gia đình là một trong các chủ thể được giao quyền sử dụng đất. Điều 43 khoản 3 mục b của Nghị định 181 ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai chỉ qui định: Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình không thuộc trường hợp quy định trên thì ghi họ, tên chủ hộ. Cơ quan Thi hành án cần thông qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý đất đai để xác định quyền sử dụng đất được giao cho hộ gia đình hay cho cá nhân là thành viên trong hộ gia đình để làm cơ sở cho việc thi hành án.

Trên thực tế, việc xác minh tài sản của hộ gia đình, phân biệt với tài sản riêng của cá nhân hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Đối với những tài sản cơ quan Thi hành án dân sự xác minh và xác định đó là tài sản của hộ gia đình mà có thành viên trong hộ không đồng ý thì có thể yêu cầu thành viên đó yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản chung đối với tài sản đó để làm cơ sở tổ chức thi hành án theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung  năm 2012.

Nếu tài sản chung của hộ gia đình không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình theo quy định tại Điều 104 Bộ luật dân sự 2005 : Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình. Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án dân sự cần tiến hành các trình tự, thủ tục xử lý tài sản riêng của cá nhân thành viên của hộ gia đình để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật. Cần đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ liên đới được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

- Nếu bản án, quyết định tuyên cá nhân là thành viên trong hộ gia đình (kể cả trường hợp cá nhân là chủ hộ gia đình hay cá nhân chỉ là một thành viên trong hộ gia đình) phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì về nguyên tắc, chỉ được xử lý tài sản riêng của cá nhân đó để thi hành án. Nếu cần phải kê biên tài sản của cá nhân đó trong khối tài sản chung của hộ gia đình thì cơ quan Thi hành án dân sự có thể hướng dẫn cho các thành viên trong hộ gia đình thỏa thuận hoặc hướng họ khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung của hộ gia đình để làm cơ sở cho việc thi hành án.

Việc kê biên, xử lý tài sản thuộc sở hữu chung phải được thực hiện đúng các quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự 2008. Cụ thể :

Về nguyên tắc, trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Nghĩa là Chấp hành viên phải thông báo việc cưỡng chế đối với tài sản của hộ gia đình cho tất cả các thành viên của hộ gia đình biết.

Các thành viên trong hộ gia đình là chủ sở hữu chung đối với tài sản có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.

Đối với tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi bán tài sản chung, các chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Hoàng Thu Thủy

Vụ Nghiệp vụ 1- Tổng cục Thi hành án dân sự