Những khó khăn trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

06/05/2013
Thực tiễn khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự trong quá trình tác nghiệp, chấp hành viên đã gặp nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn và bất cập khiến chấp hành viên có sự “e ngại” khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự mà không có yêu cầu từ phía đương sự hay không có được sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành có liên quan.


1. Các biện pháp bảo đảm được quy định trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan:

Công tác thi hành án nói chung và thi hành án dân sự nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Điều 136 Hiến pháp năm 1992 đã quy định rõ: "Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".

Để đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định, trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật, cũng như hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự. Đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã có hiệu lực thi hành đã thật sự phát huy được hiệu quả tích cực, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan Thi hành án cũng như chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc thi hành án được nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự từ Điều 66 đến Điều 69, cụ thể:

Điều 66. Biện pháp bảo đảm thi hành án:

1. Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.

2. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

3. Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:

a) Phong toả tài khoản;

b) Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

c) Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

Tiếp theo đó, Điều 67, 68, 69 quy định cụ thể hơn về từng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự như sau:

Điều 67. Phong tỏa tài khoản

1. Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

2. Khi tiến hành phong toả tài khoản, chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của chấp hành viên về phong toả tài khoản.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này.

Điều 68. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng.

2. Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho đương sự.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;

b) Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.

Điều 69. Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản

Trường hợp cần ngăn chặn hoặc phát hiện đương sự có hành vi chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, huỷ hoại, thay đổi hiện trạng tài sản, chấp hành viên ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án và gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản.

Thêm vào đó, Điều 8, điều 9, điều 10, điều 11, Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự đã hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã giành Mục 1 Chương IV để quy định về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự cho thấy rõ tính cần thiết và quan trọng của các biện pháp này đối với công tác thi hành án dân sự. Một bản án, quyết định của Tòa án có được thi hành trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đương sự có điều kiện thi hành án không. Tuy nhiên, khi đương sự có điều kiện thi hành án (có tài sản) thì chưa hẳn điều kiện đó sẽ được thi hành, nếu pháp luật không có các biện pháp bảo đảm. Vì họ có thể sẽ tẩu tán, hủy hoại tài sản mà họ đang có trước khi chấp hành viên tiến hành các biện pháp cưỡng chế.

2. Những khó khăn, vướng mắc khi chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Thực tiễn khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự trong quá trình tác nghiệp, chấp hành viên đã gặp nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn và bất cập khiến chấp hành viên có sự “e ngại” khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự mà không có yêu cầu từ phía đương sự hay không có được sự hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành có liên quan, cụ thể như sau:

Một là, về thời hạn áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự như sau:

Đối với biện pháp phong tỏa tài khoản thì Khoản 3 Điều 67 quy định “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này”;

Biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ, Khoản 3 Điều 68 quy định “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;

b) Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên”;

Biện pháp tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản, Điều 69 cũng quy định “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định, chấp hành viên thực hiện việc kê biên tài sản hoặc chấm dứt việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản”.

Xét một cách tổng thể, thì việc quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự như trên là hợp lý. Vì sau khi hết thời hạn đã được quy định thì chấp hành viên buộc phải tiến hành các nghiệp vụ khác để thi hành án. Điều này sẽ đảm bảo việc thi hành án được tiến hành liên tục, nhanh chóng, bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Tuy nhiên, quy định thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án với một thời hạn nhất định, không có các trường hợp ngoại lệ như trên, trong một số trường hợp thực tế đã gây ra không ít khó khăn cho chấp hành viên khi giải quyết việc thi hành án.

Thứ nhất, sau khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì trong nhiều trường hợp chấp hành viên phải tiến hành xác minh tài sản, thông tin về tài sản rồi sau đó mới quyết định có kê biên, xử lý tài sản hay không? Ví dụ: tại Điều 89 quy định “Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký”. Trong trường hợp này thời hạn xác minh, cung cấp thông tin không phải hoàn toàn dựa vào chấp hành viên mà còn phụ thuộc vào các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp thông tin. Thực tế cho thấy việc trả lời xác minh, cung cấp thông tin cho cơ quan Thi hành án của những cơ quan có liên quan không phải lúc nào cũng nhanh chóng kịp thời. Có những trường hợp cơ quan Thi hành án phải chờ công văn trả lời của các cơ quan này trong một thời gian khá dài có khi là 2 tháng, 3 tháng và thậm chí là lâu hơn.

Một ví dụ khác là trường hợp tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp. Để xử lý kê biên tài sản trong trường hợp này thì chấp hành viên cũng phải tiến hành xác minh và nếu cần thiết còn phải tiến hành thẩm định giá để biết được tài sản đang cầm cố, thế chấp có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án hay không. Để tiến hành các công việc trên thì chắc chắn trong thời hạn 15 ngày là không thể giải quyết được.

Như vậy, trong những trường hợp trên chấp hành viên không thể tiến hành cưỡng chế cũng như không thể ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án vì chưa có đủ các căn cứ cần thiết.

Thứ hai, thực tế công tác thi hành án cho thấy không phải trường hợp nào khi đã tiến hành áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cũng sẽ dẫn đến việc cưỡng chế thi hành án. Vì mặc dù khi chấp hành viên đã ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, nhưng các bên đương sự vẫn có thể tiến hành các thỏa thuận về biện pháp thi hành án và thời gian thi hành án, mà tinh thần của Luật Thi hành án dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp các bên đương sự đã thỏa thuận được phương thức và thời gian thi hành án mà thời gian đó kéo dài hơn thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì chấp hành viên vẫn không thể ra quyết định cưỡng chế vì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên đương sự, đồng thời cũng không có căn cứ để ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án tự nguyện yêu cầu chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án và chịu trách nhiệm về yêu cầu đó.

Từ những trường hợp trên ta thấy, vấn đề đặt ra là:

- Chấp hành viên có vi phạm thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án hay không?

- Khi đã hết thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo luật định mà chấp hành viên chưa có đủ căn cứ để tiến hành các bước tiếp theo, như áp dụng biện pháp cưỡng chế hay chấm dứt áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, thì quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có còn hiệu lực thi hành nữa hay không?

Đây là những vấn đề còn bất cập mà chấp hành viên thường xuyên gặp phải trong quá trình tác nghiệp thi hành án, vì vậy dù đã có quy định của pháp luật nhưng chấp hành viên vẫn còn chưa mạnh dạn khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Hai là, sự thiếu chặt chẽ trong quy định thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định chưa chặt chẽ về thủ tục áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, cụ thể là:

- Chưa quy định đầy đủ và chặt chẽ các căn cứ để trả lại tài sản, giấy tờ sau khi tạm giữ.

Căn cứ Khoản 3, điều 68 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tạm giữ tài sản, giấy tờ, chấp hành viên ra một trong các quyết định sau đây:

a) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu xác định được tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc sở hữu của người phải thi hành án;

b) Trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Việc trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ phải lập biên bản, có chữ ký của các bên.

Quy định là như vậy nhưng trong thực tế lại phát sinh rất nhiều trường hợp ngoài quy định, đặc biệt là trong trường hợp sau khi bị tạm giữ tài sản đương sự đến cơ quan Thi hành án xin thi hành toàn bộ nghĩa vụ thi hành án và các chi phí phát sinh để nhận lại tài sản nhưng theo quy định của luật chỉ có trường hợp trả lại tài sản cho đương sự khi đương sự chứng minh được tài sản không thuộc sở hữu của người phải thi hành án. Do đó, trong trường hợp này sẽ rất khó khăn cho chấp hành viên khi tiến hành giải quyết vụ việc.

- Quy định về phong tỏa tài khoản có nhiều cách hiểu dẫn đến mỗi nơi áp dụng một kiểu khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, phong tỏa tài khoản là phong tỏa toàn bộ tài khoản (cả chiều vào và chiều ra). Tuy nhiên, quan điểm này không thỏa đáng vì chỉ được áp dụng khi tài khoản có đủ tiền cần khấu trừ, bất hợp lý đối với tài khoản chưa có đủ tiền.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khi phong tỏa tài khoản chấp hành viên chỉ phong tỏa chiều ra, có như vậy lượng tiền vào tài khoản vẫn hoạt động bình thường mới đủ điều kiện để khấu trừ số lượng tiền để thi hành án. Chỉ khi việc khấu trừ tiền thi hành án đã đủ, đã xong mới chấm dứt phong tỏa, quan điểm này có tính khả thi hơn.

Quan điểm thứ ba thì phân vân vì nên hiểu thế nào với Khoản 3 điều 67 Luật Thi hành án dân sự về phong tỏa tài khoản, nếu cứ phong tỏa mà sau 5 ngày làm việc chấp hành viên chưa thu được tiền trong tài khoản thì có được chấm dứt phong tỏa tài khoản hay không.

Ba là, quy định nghĩa vụ bồi thường khi yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự không phát huy được tác dụng:

Khoản 2, Điều 66 Luật thi hành án dân sự quy định: “Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.”

Tuy nhiên, trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng thì phải bồi thường như thế nào, hình thức bồi thường ra sao vẫn chưa có một văn bản nào quy định về vấn đề này. Do đó, chấp hành viên trong nhiều trường hợp đã không dám áp dụng ngay các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi có yêu cầu mà chưa tiến hành xác minh chính xác, trường hợp này chủ yếu rơi vào biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ và tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản. Như vậy những thuận lợi mà pháp luật dành cho chấp hành viên lại không thể sử dụng được kịp thời do nỗi lo thiệt hại xảy ra ai sẽ bồi thường và bồi thường như thế nào. Nhìn chung tất cả các đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đều có cam kết sẽ bồi thường nhưng pháp luật chưa có một cơ chế nào đảm bảo cho việc bồi thường của họ sau này khi có thiệt hại xảy ra. Mặt khác, người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án lại không phải chịu chi phí cho việc tiến hành các thủ tục vì theo quy định của pháp luật chi phí này do người phải thi hành án chịu nên họ cứ “vô tư” yêu cầu mà không cần suy nghĩ.

Bốn là, về lực lượng hỗ trợ chấp hành viên khi tiến hành các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Hoạt động tác nghiệp của chấp hành viên trong quá trình thi hành án dân sự là hoạt động mang tính nhạy cảm vì tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của đương sự, đa phần các vụ việc chấp hành viên không nhận được sự hợp tác từ phía người phải thi hành án chính vì vậy, chấp hành viên rất cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nhưng cho đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về việc hỗ trợ cho chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ, chỉ có Điều 10, Điều 11 Nghị định 58/NĐ-CP ngày 13/9/2009 quy định về trách nhiệm của các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ chấp hành viên khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản và tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản những chưa được rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ. Thực tế khi cơ quan Thi hành án có công văn đề nghị Phòng cảnh sát giao thông phối hợp tạm giữ các phương tiện giao thông để đảm bảo thi hành án nhưng đã không nhận được sự phối hợp vì không có văn bản nào quy định Phòng cảnh sát giao thông phải tạm giữ các phương tiện giao thông để thi hành án. Chính quyền địa phương và cơ quan Công an ở cấp xã, phường, thị trấn rất e ngại khi phải phối hợp tạm giữ tài sản hay tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản vì chỉ có quy định chính quyền địa phương phối hợp cưỡng chế thi hành án chứ chưa có quy định về việc phối hợp áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Thêm vào đó, khi chấp hành viên tiến hành phong tỏa tài khoản của đương sự tại các tổ chức tín dụng thì gặp khó khăn do tài khoản có thể chưa có tiền hoặc chưa đủ tiền, trong khi đó ngân hàng cũng luôn lấy lý do để bảo vệ khách hàng của mình mà thiếu hợp tác với cơ quan Thi hành án dân sự. Do đó khi phong tỏa tài khoản đã quá 5 ngày làm việc thì chưa thể khấu trừ, chưa thể chấm dứt phong tỏa.

Năm là, có được áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ khi đương sự không mặt vào thời điểm tạm giữ tài sản không:

Căn cứ Khoản 2, Điều 68 Luật Thi hành án dân sự thì: Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của chấp hành viên và đương sự. Trường hợp đương sự không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho đương sự. Với quy định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho chấp hành viên trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ vì Luật đã quy định là việc tạm giữ tài sản, giấy tờ phải có mặt của đương sự, trong trường hợp đương sự có mặt tại địa điểm tạm giữ tài sản nhưng không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng trong việc tạm giữ tài sản.

Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành án, người được thi hành án phát hiện được tài sản của người phải thi hành án đang được gửi giữ, bảo quản tại một địa điểm xác định nhưng người phải thi hành án không có mặt ở đó thì chấp hành viên có quyền tạm giữ không. Có trường hợp người phải thi hành án đã được thông báo hợp lệ về việc chấp hành viên sẽ áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản tại nơi gửi giữ nhưng người phải thi hành án cố tình vắng mặt thì chấp hành viên có quyền tạm giữ tài sản tại nơi gửi giữ hay không thì pháp luật không hề có quy định gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của chấp hành viên.

Sáu là, áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án dân sự liên quan đến người thứ ba:

Căn cứ quy định của Luật Thi hành án dân sự thì chấp hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đối với đương sự, mà tại Khoản 1, Điều 3 Luật Thi hành án dân sự thì: đương sự gồm người được thi hành án và người phải thi hành án. Như vậy là Luật thi hành án dân sự chỉ cho phép áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án với người được thi hành án, người phải thi hành án chứ không cho phép áp dụng đối với người thứ ba có liên quan. Một ví dụ cụ thể như: Ông A có nghĩa vụ thi hành án số tiền 30 triệu đồng, ông A có tài sản là một chiếc xe máy giá trị khoảng 30 triệu đồng hiện đang do con gái quản lý, sử dụng, như vậy theo đúng quy định chấp hành viên không được tạm giữ chiếc xe máy nêu trên của ông A. Trong trường hợp này, nếu chấp hành viên áp dụng biện pháp tạm giữ chiếc xe nêu trên liệu có vi phạm quy định của Luật thi hành án dân sự hay không.

Như vậy, có thể thấy rằng Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành ra đời với nhiều quy định mới đã tạo hành lang pháp lý và nhiều điều kiện thuận lợi để chấp hành viên tác nghiệp thi hành án, việc quy định chấp hành viên được áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án là một điểm mới rất quan trọng, tuy nhiên trong quá trình áp dụng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả cao, một phần là do nhưng quy định của pháp luật về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự còn khá nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, chưa chặt chẽ nên chấp hành viên cũng rất khó áp dụng. Hiện nay, các vụ án dân sự ngày càng phức tạp đòi hỏi phải có hướng giải quyết đối với những bất cập nêu trên để chấp hành viên thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp của mình mang lại hiệu quả cao.

3. Một số kiến nghị để các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự phát huy tác dụng điều chỉnh của nó:

Để giải quyết những bất cập trong quy định của pháp về các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp và nâng cao kết quả thi hành án có thể áp dụng các biện pháp sau:

Một là, về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự được quy định khá rõ trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tuy nhiên chính những quy định đó lại gây cản trở cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, chấp hành viên rất khó áp dụng trong những tình huống cụ thể. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, thiết nghĩ pháp luật thi hành án dân sự cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành về áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, trong đó có những quy định mở, những trường hợp ngoại lệ đối với thời hạn áp dụng để tạo một hành lang pháp lý rõ ràng hơn nhằm tạo điều kiện cho chấp hành viên có cơ sở giải quyết án đúng luật đồng thời cũng để phát huy tối đa hiệu quả của các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự. Và không nên giới hạn thời gian áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi chưa thi hành xong.

Ví dụ: Theo quy định tại Khoản 3, điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp đơn vị quản lý tài khoản bị phong tỏa lấy lý do bảo vệ khách hàng không hợp tác với cơ quan Thi hành án dân sự hoặc tiền trong tài khoản chưa đủ để thi hành án thì gây rất nhiều khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, do đó không nên giới hạn thời gian mà chỉ nên quy định thông thoáng là đến khi thi hành xong nghĩa vụ. Tuy nhiên, khi chưa có văn bản quy định cụ thể, chi tiết hơn về thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tác giả xin đề xuất phương án như sau: khi đã hết thời hạn áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo luật định, chấp hành viên có thể ra một công văn duy trì hiệu lực của quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cho đến khi có đủ căn cứ xử lý tài sản. Như vậy chấp hành viên có thể linh động về thợi hạn áp dụng để có những tác nghiệp phù hợp trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.

Hai là, có quy định cụ thể về trách nhiệm của người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Cần bổ sung quy định về việc người yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự phải chịu mọi chi phí thực hiện trong hai trường hợp cụ thể là:

- Yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khi chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án;

- Yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự không đúng gây thiệt hại cho người phải thi hành án hoặc người thứ ba.

Cần phải có một khoản tiền đặt trước khi nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự đồng thời quy định rõ về hình thức bồi thường và mức bồi thường cụ thể. Đây chính là công cụ đắc lực và là cơ chế đảm bảo cụ thể để chấp hành viên mạnh dạn áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự mà không phải lo lắng về trách nhiệm bồi thường đồng thời sẽ nâng cao trách nhiệm và vai trò của người được thi hành án trong việc phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết vụ việc.

Ba là, cần phải có một văn bản phối hợp liên ngành trong vấn đề phối hợp với các cơ quan liên quan khi tiến hành áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự:

Mặc dù việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự không phải là hoạt động cưỡng chế tuy nhiên để áp dụng các biện pháp này có hiệu quả trên thực tế thì việc phối hợp với các cơ quan có liên quan như Kho Bạc nhà nước, các tổ chức tín dụng, chính quyền địa phương các phường, xã, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng cảnh sát giao thông, công an phường - xã …. Trong thực tiễn tác nghiệp thi hành án của chấp hành viên, nhiều trường hợp chấp hành viên không “giữ” được tài sản vì đương sự có hành động chống đối quyết liệt và sự phối hợp của cơ quan công an không đủ mạnh. Việc phối hợp của cơ quan công an trong những trường hợp này phải rất nhanh chóng, linh hoạt mới đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thành công. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay chưa có một văn bản nào quy định về việc phối hợp và trách nhiệm của cơ quan Công an trong việc hỗ trợ chấp hành viên khi tiến hành áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự, sự phối hợp của cơ quan Công an sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên khi tác nghiệp.

Mặt khác, cần có quy định cho phép chấp hành viên được phối hợp với cơ quan công an được tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự trong cả ngày nghỉ, lễ, tết và ngoài giờ hành chính nếu chấp hành viên xét thấy cần thiết nhằm phát huy tối đa ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án này là: áp dụng ngày này nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Thêm vào đó, cũng cần có quy định về chế tài áp dụng đối với cơ quan quản lý tài khoản của đương sự mà chấp hành viên tiến hành ra quyết định phong tỏa nếu không thực hiện quyết định của chấp hành viên hoặc lấy lý do cố tình tạo điều kiện cho đương sự tẩu tán tài sản.

Bốn là, cần có quy định cho phép chấp hành viên được tạm giữ tài sản, giấy tờ, được tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi về hiện trạng tài sản khi đương sự vắng mặt và đối với người thứ ba đang quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án nếu đã xác minh được đó là tài sản của người phải thi hành án:

Có quy định như vậy mới nâng cao được hiệu quả của hoạt động thi hành án dân sự. Thực tiễn thi hành cho thấy có rất nhiều trường hợp tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba quản lý, sử dụng hoặc đang gửi giữ tại một địa điểm nhất định, nếu khi tạm giữ tài sản yêu cầu phải có mặt của đương sự thì gây khó khăn cho chấp hành viên khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án về tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự, nếu người phải thi hành án cố tình vắng mặt thì chấp hành viên sẽ không tạm giữ được tài sản dù biết tài sản đó là của người phải thi hành án nếu thời gian tự nguyện thi hành án chưa hết.

Ý nghĩa của việc tạm giữ ngay tài sản nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, nếu cứ quy định là phải có mặt của người phải thi hành án thì không thể tiến hành biện pháp bảo đảm thi hành án này và ý nghĩa của nó cũng không được phát huy trong thực tế đồng thời còn gây cản trở cho chấp hành viên nếu trong thời hạn tự nguyện thi hành án đương sự có ý đồ tẩu tán tài sản.

Năm là, cần bổ sung quy định về việc trả lại tài sản, giấy tờ trong trường hợp người phải thi hành án đã nộp đủ giấy tờ và các chi phí phát sinh khác:

Trường hợp này trong thực tiễn thi hành án xảy ra rất nhiều nhưng Luật không có quy định nên chấp hành viên sẽ rất lúng túng không biết áp dụng quy định nào để trả lại tài sản cho đương sự vì Luật chỉ quy định trả lại tài sản cho đương sự trong trường hợp đương sự chứng minh tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Đây là một kẽ hở rất lớn của quy định gây khó khăn cho chấp hành viên.

Vì vậy, pháp luật về thi hành án dân sự cần phải được tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên trong quá trình tác nghiệp, góp phần nâng cao kết quả, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.

Cao Thị Ngọc Giang