* Biện pháp bảo đảm
Theo quy định của Điều 318 Bộ luật dân sự năm 2005 thì có bảy biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong đó có sáu biện pháp bảo đảm bằng tài sản là cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ và bảo lãnh; nhưng tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về kê biên, xử lý tài sản cầm cố, thế chấp “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”. Theo các quy định này thì tài sản đang cầm cố, thế chấp có thể bị kê biên, xử lý để thi hành án dân sự, còn tài sản thực hiện các biện pháp bảo đảm khác thì chưa được quy định để xử lý. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng hai biện pháp là thế chấp và bảo lãnh. Tuy nhiên, theo quy định của Luật thi hành án dân sự 2008 thì quyền sử dụng đất bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng biện pháp thế chấp thì có thể bị kê biên, xử lý thi hành án, nhưng quyền sử dụng đất bảo đảm bằng hình thức bảo lãnh thì chưa được quy định về việc kê biên, xử lý. Do đó, giữa Bộ Luật dân sự và Luật Thi hành án dân sự cần có quy định cụ thể và thống nhất về vấn đề này.
* Xử lý tài sản bảo đảm
Tại Điều 355 Bộ Luật dân sự 2005 quy định “Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336, Điều 338 của Bộ luật này” và tại Điều 336 quy định “Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố”. Tuy nhiên, tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”. Do vậy, nếu theo quy định của Bộ Luật dân sự thì chấp hành viên không thể kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp tại một tổ chức, cá nhân khác và thực tế khi chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì việc giải chấp đối với bên nhận cầm cố, thế chấp là rất khó khăn.
* Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Điểm b Khoản 1 Điều 127 BLDS 2005 quy định: Hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gồm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của Công chứng nhà nước; trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Trong khi đó, Khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở năm 2005 quy định: Hợp đồng về nhà ở phải có chứng nhận của Công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của Ủy ban nhân dân xã đối với nhà ở tại nông thôn. Theo quy định trên, thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền chứng thực hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân. Tại Điều 106 Luật Thi hành án dân sự thì hợp đồng mua bán đã được công chứng viên công chứng ngay tại buổi đấu giá thành. Tại Khoản 2 Điều 124 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó. Song, tại Điều 405 Bộ Luật dân sự lại quy định: Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Có thể thấy việc quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và giao dịch dân sự thì trong quy định của Bộ Luật dân sự lại quy định chi tiết và chồng chéo với các ngành luật trên dẫn đến việc vận dụng gặp một số khó khăn khi xác định thời điểm có hiệu lực và thẩm quyền xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trong các trường hợp trên
* Cách xác định thời hạn
Tại Khoản 2 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định “Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra văn bản…”
Nhưng theo quy định tại Khoản 2 Điều 152 Bộ luật dân sự 2005 thì “Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày kế tiếp theo của ngày được xác định”. Như vậy, cách xác định thời hạn được tính từ ngày kế tiếp của ngày ra văn bản ví dụ: ngày 01/10/2011 ra QĐ-THA thì thời điểm bắt đầu để tính thời hạn thông báo là ngày 02/10/2011 (ngày kế tiếp) chứ không phải ngày ra văn bản. Vì vậy, giữa Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật Thi hành án dân sự 2008 chưa có sự thống nhất trong các quy định của pháp luật tạo nên sự xung đột trong quá trình áp dụng thi hành.
* Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản
Theo quy định tại Điều 168, Điều 170 Bộ Luật dân sự 2005 thì quyền sở hữu tài sản đối với bất động sản đã chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/TTLT/BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự thì“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án, thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan Thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”. Trong thực tế đã có nhiều trường hợp xảy ra, ngay sau khi có bản án, quyết định sơ thẩm, người phải thi hành án chuyển nhượng tài sản của mình là nhà, đất cho người khác. Việc chuyển nhượng này được thực hiện bằng hợp đồng chuyển nhượng có công chứng đúng qui định và đã kê khai đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo quy định tại Điều 168, Điều 170 Bộ luật dân sự 2005 thì quyền sở hữu tài sản đối với bất động sản đã chuyển nhượng cho bên nhận chuyển nhượng kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. Như vậy, đối với trường hợp này thì tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng, nên không còn là tài sản của người phải thi hành án mà là tài sản của người nhận chuyển nhượng (giấy tờ đứng tên sở hữu, sử dụng là của người đã nhận chuyển nhượng). Như vậy, đối với trường hợp này thì tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng, nên không còn là tài sản của người phải thi hành án mà là tài sản của người nhận chuyển nhượng (giấy tờ đứng tên sở hữu, sử dụng là của người đã nhận chuyển nhượng). Vậy theo quy định tại Khoản 1 Điều 6, Thông tư liên tịch số 14 thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án. Vì vậy, chấp hành viên kê biên tài sản trên để thi hành án. Sau khi kê biên, chấp hành viên có thông báo cho người đã nhận chuyển nhượng tài sản và hướng dẫn họ khởi kiện tại Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình, nhưng họ không khởi kiện. Hết thời hạn 30 ngày, chấp hành viên xử lý tài sản kê biên theo quy định của pháp luật. Tài sản bán đấu giá thành, cơ quan Thi hành án có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các văn bản, giấy tờ liên quan cho người trúng đấu giá theo qui định tại Khoản 3, Điều 106 Luật Thi hành án dân sự. Nhưng việc lập thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người trúng đấu giá không thực hiện được vì giao dịch giữa người phải thi hành án và người mua trước đó vẫn còn hiệu lực. Song, kết quả bán đấu giá vẫn được công nhận vì theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thì nếu các thủ tục về bán đấu giá đúng quy định thì kết quả đó được công nhận cho dù các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá trước đó bị hủy.
Hoặc nếu trong trường hợp trước khi có bản án, quyết định của Tòa án mà người phải thi hành án dân sự đã tiến hành bán tài sản đó và đã được công chứng, nhưng đến khi có bản án, quyết định của Tòa án người mua chưa làm thủ tục sang tên đối với quyền sử dụng đất. Như vậy, theo Bộ luật dân sự 2005 và Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất chưa được chuyển giao cho người mua (vì chưa đăng ký), vì vậy sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho chấp hành viên giải quyết việc thi hành án và dẫn đến việc khiếu nại của đương sự.
* Quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá
Điều 258 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.
Theo Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ quy định về thủ tục bán đấu giá tài sản thì người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có sự vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Khoản 5 Điều 2 Thông tư số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định “Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị hủy, sửa thì cơ quan Thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.
Do vậy, trường hợp thủ tục bán đấu giá tài sản thi hành án không vi phạm quy định của pháp luật, cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật để giao tài sản cho bên mua được tài sản bán đấu giá mặc dù bản án, quyết định đã bị hủy, kháng nghị và xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm. Trường hợp các đương sự thỏa thuận với nhau thì cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện theo quy định về thỏa thuận trong thi hành án dân sự.
Hoàng Thu Thủy