1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật.
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại tòa án;
e) Quyết định của trọng tài thương mại .
2. Những bản án, quyết định sau đây của tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Căn cứ để đưa ra thi hành là một số vấn đề rất quan trọng trong thi hành án dân sự bởi đây là một sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các văn bản về vấn đề này và thực tiễn áp dụng trong thời gian qua chúng tôi thấy còn một số điểm chưa thật đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến căn cứ để ra quyết định thi hành án gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan Thi hành án và của công dân. Chúng tôi xin dẫn chiếu và bình luận một số điểm còn bất cập sau đây:
Thứ nhất: Tại Điều 27 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về cấp bản án, quyết định: “Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật này phải cấp cho đương sự bản án, quyết định có ghi “Để thi hành”.
Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 đã giải thích tại Mục 2, Phần IV quy định: “Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký các bản án chính và Tòa án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Điều 229, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 quy định về việc giao bản án: “Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, Viện Kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho người bị xử vắng mặt, cơ quan Công an cùng cấp; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị cáo cư trú hoặc làm việc. Trong trường hợp xử vắng mặt bị cáo theo quy định tại điểm a hoặc điểm b Khoản 2 Điều 187 của Bộ luật này thì trong thời hạn nêu trên bản án phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc nơi làm việc cuối cùng của bị cáo. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Toà án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án”.
Điều 380 Luật tố tụng dân sự 2004 quy định về việc cấp bản án, quyết định của tòa án: Khi bản án, quyết định của Toà án thuộc trường hợp được thi hành theo quy định tại Điều 375 của Bộ luật này thì Toà án đã tuyên bản án, quyết định đó phải cấp cho người được thi hành án và người phải thi hành án bản án hoặc quyết định đó có ghi “để thi hành". Toà án phải giải thích cho người được thi hành, người phải thi án về quyền yêu cầu, thời hạn yêu cầu thi hành án và nghĩa vụ thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Từ những dẫn chiếu các điều luật liên quan thấy liên quan đến bản án có các từ ngữ “bản án gốc” “bản án chính” “bản án” “bản sao bản án” và “Trích lục bản án”. Từ các quy định trên đây chưa thật đồng bộ dẫn đến cách hiểu mỗi người, mỗi cơ quan một khác, đối với các cơ quan Thi hành án hiện nay “bản án” được hiểu là “bản án chính” tức là bản án do Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa, thay mặt cho Hội đồng xét xử ký tên và đóng dấu.
Theo các quy định trên, đối với bản án dân sự, các cơ quan Thi hành án và đương sự đều được chuyển giao hoặc được cấp bản án, nhưng đối với vụ án hình sự cơ quan Thi hành án được chuyển giao Bản án, còn các đương sự (người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ Tòa án cấp trích lục bản án hoặc bản sao bản án theo quy định. Như vậy, khi họ làm đơn yêu cầu thi hành án phải kèm theo bản án, mà tòa án chỉ cấp cho họ trích lục bản án hoặc bản sao bản án là không phù hợp với Luật Thi hành án dân sự, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Mặt khác, theo thời gian và sự biến động nhân sự của các cơ quan Tòa án, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa không còn ở vị trí như cũ (có thể nghỉ hưu, thay đổi công tác…) thì không thể cấp cho các đương sự bản án nên họ cũng không có cơ sở để làm đơn yêu cầu thi hành án theo đúng thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Thứ hai: Về bản án sao y bản chính. Hiện nay, các cơ quan Thi hành án dân sự không chấp nhận bản án đã sao y bản chính vì cách hiểu quy định tại Điều 27 Luật Thi hành án dân sự. Tuy nhiên, theo các văn bản quy định hiện hành, đối với bản án, quyết định của Tòa án, Hội đồng sử lý vụ việc cạch tranh, trọng tài thương mại, các văn bản của các cơ quan này ban hành không thuộc danh mục được chứng thực bởi các cơ quan nhà nước (xã phường, thị trấn) mà chỉ các cơ quan ban hành ra văn bản đó (bản án, quyết đinh) mới có quyền sao y bản chính. Mặt khác, “sao y bản chính” là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản và được trình bày theo thể thức quy định, bản sao y bản chính phải được thực hiện từ bản chính. Việc thực hiện sao y bản chính theo đúng quy định của pháp luật thì bản sao sẽ có giá trị pháp lý như bản chính.
Thứ ba: Tại Điều 136 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Như vậy, có thể nói, đối với bản án, quyết định của của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, dấu hiệu để thi hành chính là “bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật” và chỉ cần dấu hiệu này để mọi công dân, cơ quan tổ chức nhận biết và dễ thống nhất cách hiểu để vận dụng trên thực tế. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự là văn bản thể chế hóa Hiến pháp nhưng đối với việc yêu cầu thi hành án, bản án, quyết định phải ghi “Để thi hành”. Việc quy định như trên theo chúng tôi là không hợp lý bởi nó mâu thuẫn với hiến định, các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nếu không có chữ “Để thi hành” thì không thể thụ lý và đưa ra thi hành được như vậy chưa thật phù hợp với Hiến pháp. Mặt khác, về nguyên tắc tố tụng Tòa án chỉ xét xử 2 cấp (xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm), bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, vì quy định trên thì việc bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thể thi hành chỉ vì không có chữ “Để thi hành”.
Vì vậy, để pháp luật đi vào cuộc sống và đơn giản dễ hiểu, dễ áp dụng một cách thống nhất đề xuất khi sửa đổi bổ xung Luật Thi hành án dân sự trong thời gian tới đề nghị sửa đổi Điều 27 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định về cấp bản án, quyết định như sau: “Tòa án, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định được quy định tại Điều 2 của Luật này phải cấp cho đương sự bản án, quyết định hoặc trích sao bản án và bỏ chữ “Để thi hành”.
Từ việc phân tích trên đây và trong quá trình thực hiện chúng tôi còn thấy vướng mắc bất cập, rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp về vấn đề này.
Phạm Quang Dũng
Cục THADS thành phố Hà Nội.