Bàn về việc kiến nghị giám đốc thẩm hay tái thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008

27/02/2014
Theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong trường hợp phát hiện có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự “kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về lĩnh vực này nên nhiều cơ quan Thi hành án dân sự đang áp dụng, kiến nghị khác nhau; có trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự kiến nghị tái thẩm thì người có thẩm quyền lại quyết định giám đốc thẩm và ngược lại và sau đây là một trường hợp cụ thể để minh họa cho lĩnh vực này.


Nội dung: Bản án dân sự phúc thẩm số 10/2007/LHPT ngày 17/8/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh H có phần quyết định như sau: “Chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự, giao cho chị S sử dụng 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp Sổ lâm bạ ngày 27/01/1994 mang tên anh N…”, bản án có hiệu lực và chị S có đơn yêu cầu thi hành án.

Do quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh H chỉ căn cứ vào Sổ lâm bạ do anh N cung cấp mà không xác minh thực địa, không thành lập Hội đồng kiểm tra, đo đạc mà vẫn công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như trên, nên khi tổ chức thi hành bản án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện C không thể xác định được vị trí của thửa đất; khi phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc thì  nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân huyện C với nội dung: Diện tích 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp Sổ lâm bạ ngày 27/01/1994 mang tên anh N hiện nay không tồn tại trên thực tế, vì diện tích đất này khi thực hiện chính sách về đất đai, qua kiểm tra soát xét anh N chỉ thực tế sử dụng diện tích 12.443m2 nên năm 1996 Ủy ban nhân dân huyện C đã cấp lại đất cho anh N với diện tích 12.443m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 728 ngày 10/01/1996 thay thế Sổ lâm bạ 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp ngày 27/01/1994.

Từ những nội dung trên, một số quan điểm cho rằng: Khi giải quyết vụ án Tòa án thấy có Sổ lâm bạ và các đương sự thỏa thuận với nhau nên công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là hợp pháp; không cần thiết phải kiểm tra thực địa, thu thập chứng cứ thêm. Nay có văn bản của Ủy ban nhân dân huyện C về việc diện tích 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp sổ lâm bạ ngày 27/01/1994 hiện nay không tồn tại trên thực tế, vì diện tích đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 728 ngày 10/01/1996 cho anh N với diện tích 12.443m2 thay thế Sổ lâm bạ 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp Sổ lâm bạ ngày 27/01/1994 là tình tiết mới để xem xét kiến nghị tái thẩm theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Tuy nhiên, theo quản điểm cá nhân của tôi thì trường hợp này không thể xem là tình tiết mới để kiến nghị theo thủ tục tái thẩm được là vì:

“Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó”.

“Tình tiết mới” được coi là căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm phải là tình tiết “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án”. Trường hợp này không thể nào nói là Tòa án và đương sự không thể biết được; Tòa án có thể xác minh, thực địa, thành lập Hội đồng đo đạc, kiểm tra theo quy định của luật Tố tụng dân sự; anh N là người biết rõ nhất vì năm 1994 Nhà nước cấp đất cho anh, nhưng đến năm 1996 đã cấp lại cho anh thành một diện tích khác theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 728 ngày 10/01/1996 với diện tích 12.443m2 thay thế Sổ lâm bạ 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp ngày 27/01/1994, mà tình tiết mới để kiến nghị theo thủ tục tái thẩm phải là cả Tòa án, đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án, trường hợp này thì cả Tòa án và đương sự đều có thể biết trong quá trình giải quyết vụ án. Và cần lưu ý: Năm 1994 Nhà nước cấp Sổ lâm bạ 5,3 ha đất cho anh N, năm 1996 Nhà nước cấp lại diện tích đất cho anh N theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới thay thề Sổ lâm bạ năm 1994 cho anh N nhưng đến năm 1997 Tòa án nhân dân tỉnh H mới xét xử.

Từ những căn cứ trên, theo tôi không thể kiến nghị theo thủ tục tái thẩm mà phải là kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì:

Theo quy định tại Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Căn cứ để giám đốc thẩm là: 1. Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; 3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Đối chiếu với nội dung trên: Diện tích 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp được cấp cho anh N vào năm 1994, do thực hiện chính sách về đất đai, sau khi soát xét việc sử dụng đất thực tế, năm 1996 Ủy ban nhân dân huyện C đã cấp cho anh N diện tích 12.443m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 728 ngày 10/01/1996 thay thế Sổ lâm bạ 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp đã được cấp ngày 27/01/1994. Như vậy, tại thời điểm Tòa án nhân dân tỉnh H xét xử năm 2007 diện tích 5,3 ha đất sản xuất lâm nghiệp được cấp cho anh N theo sổ Lâm bạ ngày 27/01/1994 đã không tồn tại trên thực tế, nhưng khi xét xử Tòa án chưa làm rõ, chưa thu thập thông tin, chưa đánh giá đúng về chứng cứ dẫn tới việc công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc chia tài sản nhưng tài sản đó lại không có trên thực tế; Tòa án chỉ căn cứ vào Sổ lâm bạ để công nhận sự thỏa thuận nhưng Sổ lâm bạ này lại không có giá trị.

Đáng lẽ ra, trong quá trình giải quyết các vụ án có liên quan đến tài sản, kể cả các tài sản phải đăng ký chủ sở hữu thì cũng không được chỉ xem xét trên giấy tờ đăng ký mà Tòa án phải xem xét hiện trạng tài sản, phải “Mục sở thị” tài sản đó. Từ đó nhận thấy, có việc vi phạm về thủ tục tố tụng nên có căn cứ xem xét kiến nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm là phù hợp.

Nguyễn Đức Hiếu

Cục THADS Hà Tĩnh