Trao đổi nghiệp vụ về tổ chức thi hành án một vụ việc chia tài sản sau ly hôn

17/03/2014
Trao đổi nghiệp vụ về thi hành án dân sự trong những trường hợp quá trình tổ chức thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc được đánh giá là rất quan trọng. Qua trao đổi có thể tập hợp được nhiều ý kiến, kinh nghiệm hay về cách thức giải quyết vụ việc góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ trong đội ngũ chấp hành viên đang trực tiếp tổ chức thi hành án.


Trong bài viết xin nêu ra một tình huống như sau: Bà Vũ Thị H xin ly hôn với ông Phạm Ngọc Đ vào cuối năm 2002, vụ kiện được giải quyết qua hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Y đã thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của bà Vũ Thị H về việc chia tài sản sau ly hôn. Theo Bản án số 01/PTLH ngày 15/01/2003 của Tòa án nhân dân tỉnh Y việc phân chia tài sản như sau:

“Về tài sản, chị Vũ Thị H được sở hữu 1 nhà xây 2 tầng tại Tổ 31, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái trị giá 100.000.000 đ, … Số tài sản trên anh Đ đang quản lý phải có trách nhiệm giao cho chị H và 16 triệu đồng chị H bán đất, chị đang quản lý. Chị H phải thanh toán tiền chênh lệch tài sản cho anh Đ là 56.225.000 đ. Vậy chị H được chia 60.725.000 đồng“.

Thực hiện Quyết định thi hành án số 171/ QĐ-THA ngày 21/3/2003 chấp hành viên đã tiến hành làm việc với hai bên nhiều lần. Đã có thỏa thuận về việc thi hành giữa hai bên nhưng không đi đến kết quả do một bên vi phạm thỏa thuận, vụ việc thi hành án do đó bị kéo dài. Sau đó chấp hành viên đã phát hiện bản án có nội dung cần giải thích. Cụ thể Bản án số 01/PTLH không xác định vị trí, ranh giới, lô thửa đất; chưa phân định quyền sử dụng đất thuộc về bà H hay ông Đ. Để làm rõ Chi cục Thi hành án dân sự đã đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Y giải thích nội dung vướng mắc nêu trên và được trả lời tại Công văn số 04/TA-DS ngày 9/4/2012. Nội dung giải thích: “Bà Vũ Thị H được sở hữu căn nhà xây 2 tầng tại Tổ 31 thì đương nhiên bà H có quyền sử dụng phần đất dùng để xây căn nhà này bởi nhà xây là tài sản gắn liền với đất“. Chưa thống nhất với nội dung giải thích của Tòa án nhân dân tỉnh Y vì qua xác minh đã xác định lô đất gắn liền ngôi nhà đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của bà H và ông Đ. Để chắc chắn, Chi cục Thi hành án dân sự đã cung cấp tài liệu về vụ việc đến Phòng tài nguyên và môi trường thành phố Y xem xét về điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà H trước khi báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố họp đề xuất áp dụng biện pháp cưỡng chế giao nhà cho bà H.

Tại Công văn số 200/CV-TNMT ngày 5/6/2012 của Phòng tài nguyên và môi trường trả lời: Bà H chưa đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân. Trên cơ sở văn bản này, chấp hành viên chưa tiến hành cưỡng chế buộc ông Đ giao nhà cho bà H được.

Từ vụ việc trên đã có những quan điểm khác nhau về cách thức giải quyết vụ việc.

Quan điểm thứ nhất, theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 23 của luật Thi hành án dân sự năm 2008, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Y đã có văn bản đề nghị giải thích bản án và đã được Tòa án tỉnh Y giải thích cụ thể, nếu ông Đ không chấp hành thì chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc ông Đ giao nhà cho bà H.

Quan điểm thứ hai, chấp hành viên không thể cưỡng chế giao tài sản cho bà H vì phần quyền sử dụng đất hiện vẫn là tài sản chung của bà H và ông Đ. Nếu cưỡng chế giao nhà cho bà H thì xâm phạm quyền của ông Đ. Do đã hết thời hiệu xem xét theo trình tự giám đốc thẩm nên chấp hành viên hướng dẫn bà H khởi kiện phân chia phần tài sản chung là quyền sử dụng đất, sau khi có kết quả sẽ tiếp tục tổ chức thi hành.

Đối với quan điểm thứ nhất, xét về mặt pháp lý chấp hành viên có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế giao nhà cho bà H. Nếu giải quyết như vậy, sự chống đối của người phải thi hành án sẽ rất gay gắt, có thể xảy ra những phức tạp khó lường, thiếu sự đồng tình của nhân dân vì bản án phân chia tài sản chưa triệt để. Vấn đề đặt ra đó là hiện bà H không có nhu cầu sử dụng nhà vì đã chuyển đi nơi khác sinh sống, khi nhận được nhà bà H không thể chuyển nhượng cho người khác được theo văn bản của Phòng tài nguyên môi trường.

Một số chấp hành viên và cá nhân đồng tình với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, để thực hiện được phải có sự phối hợp của người được thi hành án để khởi kiện phân chia quyền sử dụng đất chung với ông Đ, khắc phục thiếu sót của bản án. Rất tiếc trong thời gian dài mặc dù được giải thích, thông báo nhưng bà H không thực hiện dẫn đến chưa giải quyết được vụ việc. Như vậy, để giải quyết được vụ việc trong trường hợp này cần phải có sự phối hợp thực hiện của người được thi hành án.

Từ vụ việc nêu trên rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp, từ đó tìm được cách thức hợp lý nhất giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền lợi cho các bên, hạn chế án tồn đọng kéo dài.

Minh Thuận