Trao đổi về thỏa thuận trong thi hành án dân sự

20/05/2014
Thỏa thuận là quyền dân sự của công dân trong giao lưu dân sự được pháp luật công nhận và bảo vệ. Khi giao kết dân sự, các bên thỏa thuận với nhau về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Họ thể hiện ý chí của mình trong giao lưu dân sự tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.


Trong thi hành án dân sự, các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án có ý nghĩa rất quan trọng. Không những các bên giữ được mối quan hệ tình cảm với nhau, thông qua đó hiểu nhau hơn, tình cảm thân thiết, gắn bó với nhau hơn, … Mà việc thi hành án được giải quyết nhanh gọn, rút ngắn thời gian, đỡ tốn tốn kém về công sức, tiền bạc để tổ chức thi hành.

Pháp luật Thi hành án dân sự hiện hành đã quy định thỏa thuận trong thi hành án dân sự. Tuy nhiên, để việc thỏa thuận trong thi hành án dân sự được thực hiện thuận lợi, pháp luật phải quy định cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện, chúng tôi trao đổi các quy định của pháp luật về vấn đề này như sau:

Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về, thoả thuận thi hành án:

"1. Đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.

Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án.

2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định".

Vấn đề đặt ra, thỏa thuận thi hành án được thực hiện ở hai giai đoạn, đó là: Ở giai đoạn trước khi có quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, tức là đương sự chưa yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự đưa bản án, quyết định của Tòa án ra thi hành, các bên đã thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Giai đoạn sau khi có quyết định thi hành án, tức là đương sự đã có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành.

Điều luật quy định: Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thỏa thuận về thi hành án ở giai đoạn trước khi có quyết định thi hành án. Nếu thỏa thuận không được thực hiện thì yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

Việc thỏa thuận ở giai đoạn này là sự tự nguyện của các bên đương sự, chưa liên quan đến cơ quan Thi hành án dân sự. Hay nói cách khác, xuất hiện mối quan hệ pháp luật giữa các đương sự với cơ quan Thi hành án dân sự. Đương sự biết chấp hành viên nào mà yêu cầu? Giả sử, một trong các đương sự có quen biết chấp hành viên, yêu cầu chấp hành viên này chứng kiến sự thỏa thuận việc thi hành án. Nếu như chưa được Thủ trưởng cơ quan phân công, liệu chấp hành viên này có "Dám" chứng kiến theo yêu cầu của đương sự? Nếu Thủ trưởng muốn phân công chấp hành viên chứng kiến theo yêu cầu của đương sự, nhưng chưa có đơn yêu cầu thi hành án, chưa có quyết định thi hành án (chưa xuất hiện mối quan hệ pháp luật) thì căn cứ vào đâu để phân công?

Ở giai đoan sau khi có quyết định thi hành án và trong quá trình tổ chức thi hành án, các đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận với nhau về việc thi hành án. Nhưng việc thỏa thuận này được tổ chức tại đâu? Do ai tổ chức? Nếu đương sự yêu cầu chấp hành viên không chứng kiến thì sao?

Ở Điều 6 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật thi hành án dân sự - Bản dự thảo lần thứ 05, thì "Theo yêu cầu của đương sự, chấp hành viên chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án". Quy định lần này mang tính chất tùy nghi, đương sự yêu cầu, nhưng chấp hành viên chứng kiến hay không là quyền của chấp hành viên. Không mang tính bắt buộc như quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 "Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án".

Chúng tôi thấy điều luật quy định như vậy không có tính khả thi, khó thực hiện, nên kể từ khi có hiệu lực thi hành đến nay hầu như chưa có đương sự nào yêu cầu chấp hành viên chứng kiến thỏa thuận về thi hành án, chưa có chấp hành viên nào phải chứng kiến việc thỏa thuận này.

Để việc thỏa thuận trong thi hành án dân sự được thực hiện thuận lợi, có hiệu quả, theo chúng tôi Điều luật cần sửa đổi:

1. Sau khi có quyết định thi hành án và trong quá trình tổ chức thi hành án các đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm  pháp luật, không trái đạo đức xã hội. (xâm phạm quyền lợi của người thứ ba là vi phạm pháp luật, nên không cần thiết phải đưa vào làm cho Điều luật dài dòng).

Chấp hành viên tổ chức, động viên, thuyết phục các đương sự thỏa thuận về việc thi hành án. Kết quả thoả thuận về thi hành án được công nhận.

2. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì chấp hành viên tiếp tục tổ chức thi hành án theo quy định.

Trên đây là ý kiến của chúng tôi, xin được trao đổi, góp ý về thỏa thuận thi hành án. Mong nhận đổi sự trao đổi của các bạn đồng nghiệp và độc giả. Hy vọng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự xem xét, để pháp luật về thi hành án dân sự ngày càng hoàn thiện, dễ áp dụng vào thực tiễn.

Phạm Công Ý