I. Đánh giá chung.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự lần này (lần 5) về cơ bản đã khắc phục được một số hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành, nâng cao trách nhiệm của Tòa án, Viện Kiểm sát và Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án dân sự; bổ sung, sửa đổi một số trình tự, thủ tục thi hành án; xác định lại trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án và bổ sung một số quy định mới về biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án hợp lý hơn. Hầu hết các điều khoản sửa đổi, bổ sung đều được đánh giá cao, vì các quy định này đã được cụ thể hóa, chi tiết, rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, theo chúng tôi thì Dự thảo vẫn còn khá nhiều hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Ví dụ như vẫn còn thiếu các quy định đảm bảo an toàn cho chấp hành viên trong hoạt động thi hành án dân sự và vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm đó là trình tự thủ tục thi hành án còn quá rườm rà, phức tạp, chưa được đơn giản hóa. Trong khi đó, các quy định mới sửa đổi, bổ sung lại làm phát sinh thêm một số thủ tục không cần thiết.
Hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Điều đáng lo ngại nhất là nó tạo cho mọi người cách hiểu giai đoạn thi hành án dân sự là một thủ tục bắt buộc để thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì thế, dễ tạo nên tâm lý chây ì, không tự nguyện thi hành khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cứ chờ cho đến khi người được thi hành án làm đơn yêu cầu ra cơ quan Thi hành án dân sự thì mới tính. Nhưng, khi ra đến cơ quan Thi hành án thì các thủ tục mang tính hành chính đã làm giảm hẳn tính nghiêm minh của bản án, của pháp luật, cho nên, kết quả thi hành bản án, quyết định không cao. Có thể thấy đây là một hệ quả xấu do chính các quy định trong pháp luật về thi hành án dân sự tạo nên.
Do vậy, theo chúng tôi việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cần phải quán triệt tinh thần Điều 106 của Hiến pháp đó là: Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Theo đó, cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn thi hành án dân sự. Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là vì một bên đương sự không tự nguyện thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nên bên còn lại mới phải yêu cầu đến cơ quan Thi hành án thi hành dân sự. Nghĩa là, đã có một bên đương sự không tôn trọng pháp luật, không tự nguyện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, giai đoạn thi hành án cần phải hiểu là giai đoạn cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Cho nên, cần phải xây dựng các quy định mang tính cưỡng chế tư pháp, mang tính quyền lực bắt buộc với trình tự, thủ tục thi hành đơn giản, hiệu quả, chứ không phải là các thủ tục hành chính rườm rà và giành quá nhiều quyền không hợp lý cho người phải thi hành án như các quy định hiện nay. Có như thế mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật để xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
II. Một số ý kiến góp ý cụ thể cho từng điều luật trong Dự thảo.
1. Tại Mục 17 của Dự thảo về bổ sung Điều 29a:
Khoản 1 của Điều 29a quy định về các trường hợp Chánh án chủ động ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành.
Tại điểm b quy định trường hợp: “Trả lại tiền, tài sản cho đương sự”.
Quy định như trên là chưa cụ thể vì nội hàm “Trả lại tiền, tài sản cho đương sự” là rất rộng, nó bào gồm cả nhiều trường hợp ra quyết định theo đơn yêu cầu thi hành án. Ví dụ, Tòa tuyên buộc ông A phải trả lại nhà cho ông B hay phải trả tiền chẳng hạn .... Vì vậy, trường hợp chủ động ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành cần phải được cụ thể hóa hơn.
Theo chúng tôi điểm b nên sửa lại như sau: “Trả lại tiền, tài sản tạm giữ hoặc đã bị kê biên cho đương sự”.
2. Tại Mục 23 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 44:
- Điểm b khoản 4 quy định: Các cơ quan, tổ chức, công chức Tư pháp – Hộ tịch, Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường, các cán bộ, công chức cấp xã khác và các cá nhân có liên quan thực hiện yêu cầu của chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.
Quy định như trên chưa thể hiện được trách nhiệm phải cung cấp thông tin của đối tượng có liên quan khi có yêu cầu của Chấp hành viên. Do đó, nên thêm từ “Phải” vào để làm rõ hơn, cụ thể:
“Các cơ quan, tổ chức, công chức Tư pháp – Hộ tịch, Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường, các cán bộ, công chức cấp xã khác và các cá nhân có liên quan phải thực hiện yêu cầu của chấp hành viên và phải chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp”.
- Tại điểm c quy định “Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan Đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chấp hành viên trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên”.
Như vậy, theo quy định trên thì các cơ quan chỉ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chấp hành viên trong thời hạn 03 ngày làm việc. Quy định này là chưa hợp lý vì rất nhiều trường hợp để đảm bảo bản án, quyết định được thi hành kịp thời, chấp hành viên phải tiến hành xác minh trực tiếp tại các cơ quan hữu quan.
Ví dụ: Xác minh tài sản, tài khoản tại các tổ chức tín dụng, nếu phải chờ 03 ngày sau thì tài sản, tiền trong tài khoản có thể đã bị tẩu tán hết. Do đó, trong những trường hợp này cần phải quy định các cơ quan hữu quan phải cung cấp thông tin trực tiếp cho chấp hành viên khi có yêu cầu.
Theo chúng tôi, quy định tại điểm c cần phải sửa lại như sau:
“...cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm trả lời trực tiếp cho chấp hành viên. Trong trường hợp xác minh bằng văn bản, thì phải trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của chấp hành viên”.
3. Tại Mục 24 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 47:
Tại khoản 5 Điều 44 quy định, cứ mỗi ngày chậm thi hành án thì người phải thi hành án phải nộp ngân sách Nhà nước 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án theo bản án quyết định…
Theo chúng tôi quy định trên là không hợp lý, vì hành vi trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, nay lại quy định thu thêm 0,05% trên tổng số tiền chưa thi hành án là không có cơ sở và trái với bản chất của xử phạt vi phạm hành chính.
Hơn nữa, đối với nghĩa vụ thi hành án về tiền, thì thông thường Tòa án đã tuyên: Trường hợp chậm thi hành án thì người phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi suất cơ bản tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả. Bên cạnh đó, việc chậm thi hành án còn phải chịu các biện pháp cưỡng chế tương ứng.
Do vậy, theo chúng tôi không nên quy định thêm khoản phải nộp do chậm thi hành án theo khoản 5 nêu trên, vì nó không phù hợp pháp luật, không khả thi và điều quan trọng là nó làm những khó khăn trong công tác thi hành án dân sự càng tăng lên.
4. Tại Mục 25 của Dự thảo về bổ sung Điều 47a:
Khoản 5 Điều 47a: Để tạo điều kiện cho các bên đương sự trong việc thanh toán tiền trực tiếp cho nhau, thì không nên hạn chế chỉ cho phép thanh toán trực tiếp khi thi hành tại cơ sở mà nên mở rộng hơn ngay cả khi thi hành tại cơ quan Thi hành án. Do vậy, theo chúng tôi thì khoản 5 này nên lấy lại quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp về Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự, cụ thể nên quy định:
Khi thi hành án tại cơ sở, trường hợp người phải thi hành án và người được thi hành án ở cùng một nơi, chấp hành viên có thể chi trả ngay cho đương sự số tiền, tài sản thu được, hoặc khi tiến hành giải quyết thi hành án tại cơ quan Thi hành án, chấp hành viên có thể tạo điều kiện cho người phải thi hành án và người được thi hành án tự thoả thuận chi trả tiền cho nhau và tiến hành tạm thu hoặc thu phí thi hành án theo quy định.
Việc chi trả tiền, tài sản phải lập biên bản ghi đầy đủ thời gian, địa điểm, họ tên đương sự, lý do, nội dung giao nhận, số tiền, tài sản, chữ ký và họ tên của các bên đương sự, chấp hành viên. Biên bản phải giao cho các đương sự, lưu hồ sơ thi hành án và chuyển cho kế toán để vào sổ theo dõi.
5. Tại Mục 30 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 55:
Tại khoản 4 Điều 55 của Dự thảo quy định “…Kết quả thực hiện ủy thác phải được thông báo cho cơ quan Thi hành án dân sự đã ủy thác trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc thi hành án”. Chúng tôi cho rằng quy định này không có ý nghĩa thực tiễn, mà nó chỉ làm tăng thêm thủ tục, công việc cho cơ quan Thi hành án, đặc biệt là cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện, nơi thường xuyên ủy thác và nhận ủy thác. Trong trường hợp cần thiết thì các cơ quan Thi hành án có thể làm công văn yêu cầu thông báo kết quả thi hành việc ủy thác, chứ không nên quy định thành một thủ tục bắt buộc. Do vậy, theo chúng tôi nên bỏ quy định về việc thông báo trên.
6. Tại Mục 37 của Dự thảo về sửa đổi Điều 69:
- Tại khoản 1 nên thêm từ “Ngay” sau từ “...và gửi....”. Đồng thời, nên bỏ khoản 2 Điều 69 của Dự thảo vì nội dung này “Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản phải gửi ngay cho cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đó” đã được quy định tại khoản 1.
7. Tại Mục 40 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 74:
Tại khoản 3 nên rút ngắn thời gian ưu tiên mua tài sản chung, đồng thời chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua tài sản chung ở lần đầu tiên để đảm bảo việc thi hành án được nhanh chóng hiệu quả, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, vì:
Thứ nhất, tại thời điểm cưỡng chế kê biên, chủ sở hữu chung đã được thông báo về quyền của mình đối với tài sản chung và pháp luật cũng đã giành thời gian cho họ thực hiện quyền của mình (tại khoản 1 Điều 74). Do vậy, trước khi bán tài sản lần đầu lại tiếp tục cho họ thời hạn ưu tiên mua tài sản 03 tháng đối với BĐS và 01 tháng đối với ĐS là quá dài là không hợp lý và không cần thiết. Thực chất, việc quy định quyền ưu tiên mua tài sản chung như trên là do nhà làm luật đã lấy nguyên quy định tại khoản 3 Điều 223 Bộ luật dân sự mà không xét đến tính chất của việc thi hành án.
Thứ hai, việc quy định thời hạn ưu tiên ở trường hợp này chẳng qua là khoảng thời gian dành cho chủ sở hữu chung để đưa ra quyết định mua tài sản chung hay không mà thôi. Do vậy, việc giành cho họ khoảng thời gian 03 tháng để đưa ra một quyết định và trong mỗi lần bán tài sản tiếp theo lại giành thời hạn ưu tiên 15 ngày, trong khi việc thi hành án cần nhanh chóng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người được thi hành án là điều bất hợp lý. Đồng thời nó còn làm tăng thêm thủ tục, tăng thêm sự rườm rà phức tạp cho quá trình giải quyết việc thi hành án.
Vì vậy, theo chúng tôi, khoản 3 cần sửa đồi, bổ sung lại như sau:
“3. Chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản trước khi bán tài sản lần đầu đối với tài sản thuộc sở hữu chung, chấp hành viên thông báo cho chủ sở hữu chung biết quyền được ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong thời hạn một tháng đối với bất động sản, 15 ngày đối với động sản kể từ ngày nhận được thông báo hợp lệ. Chủ sở hữu chung được ưu tiên mua tài sản theo giá đã định. Hết thời hạn ưu tiên mua tài sản, nếu chủ sở hữu chung không mua tài sản, thì chấp hành viên tiến hành bán đấu giá tài sản theo quy định.
8. Tại Mục 43 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 81:
Tại khoản 2 quy định:
“2. Trường hợp phát hiện người thứ ba đang phải trả tiền cho người phải thi hành án mà khoản tiền đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì chấp hành viên yêu cầu người thứ ba đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan Thi hành án dân sự để thi hành án”
Theo chúng tôi, đây là trường hợp thi hành theo tính chất bắc cầu, do đó cần phải nghiên cứu kỹ hơn để có giải pháp hợp lý và toàn diện hơn. Vì trong trường hợp này, người thứ ba lại chính là người phải thi hành án (một bản án khác mà người đang phải thi hành án lại là người được thi hành, bản án này có thể đã, đang hoặc chưa có đơn yêu cầu thi hành án). Do đó, việc yêu cầu họ nộp tiền mà không thông qua một trình tự thi hành án có thể sẽ gây ra nhiều hệ lụy pháp lý khó giải quyết.
Ví dụ như: Khi người thứ ba này nộp tiền, thì có thu phí thi hành án của người được thi hành án không? Xác nhận việc thi hành án cho người thứ ba như thế nào? Nếu bản án của họ thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án khác thì xử lý ra sao? Hoặc họ đang thi hành ở cơ quan Thi hành án khác thì việc yêu cầu họ nộp tiền trực tiếp cho cơ quan Thi hành án nơi người phải thi hành án đang thi hành cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Vì lý do trên, chúng tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thêm chứ không thể quy định như khoản 2 của Dự thảo được.
9. Tại Mục 45 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 95:
Tại khoản 1 Điều 95 của Dự thảo quy định về trường hợp kê biên nhà ở như sau “...trừ trường hợp tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án”.
Trong thực tế, thi hành án cũng như theo quy định của pháp luật dân sự thì tài sản bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh (tài sản bảo đảm) là những đối tượng được ưu tiên xử lý trước tiên nếu người có nghĩa vụ không thực hiện đúng cam kết hoặc quyết định mà bản án đã tuyên. Mặt khác, khái niệm tài sản bảo đảm và tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án là hai khái niệm khác nhau, mặc dù cũng có khi tài sản bảo đảm cũng chính là tài sản bị tuyên kê biên.
Do vậy, khoản 1 trên cần bổ sung thêm: “Tài sản bảo đảm”, cụ thể:
“...trừ trường hợp tài sản bảo đảm hoặc tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án”.
10. Tại Mục 46 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 97:
Tại khoản 2 Điều 97 của Dự thảo cần bổ sung rõ thời điểm xác định tài sản hình thành trong tương lai của người phải thi hành án, cụ thể cần sửa đổi bổ sung như sau:
“Trường hợp tại thời điểm thi hành án mà có căn cứ xác định người phải thi hành án có tài sản hình thành trong tương lai, thì chấp hành viên kê biên, xử lý tài sản đó theo quy định của luật này”
11. Tại Mục 49 của Dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 104:
- Nên bỏ cụm từ “Trả giá” trong tiêu đề cũng như trong điều luật, thêm cụm từ này là thừa vì nếu không có người trả giá, thì nó đã thuộc trường hợp bán đấu giá không thành.
- Tại khoản 2 quy định “Sau hai lần giảm giá mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì xử lý như sau:
a) Trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc tài sản bán đấu giá không thành thì chấp hành viên thông báo cho người phải thi hành án biết...”
Chúng tôi cho rằng việc quy định trường hợp người được thi hành án đồng ý nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án như Dự thảo là việc nên khuyến khích, vì việc này có lợi cho tất cả các bên đương sự cũng như cơ quan Thi hành án. Tuy nhiên, nên xem xét để quy định trường hợp này thành một điều luật riêng, đồng thời nên chấp nhận cho người được thi hành án nhận tài sản ở bất cứ giai đoạn nào sau khi cơ quan Thi hành án đã tiến hành các thủ tục kê biên, định giá tài sản mà không nhất thiết phải qua hai lần giảm giá mới được nhận.
- Tại điểm b khoản 2 quy định: “Trường hợp người được thi hành án không nhận tài sản để thi hành án thì chấp hành viên trả lại tài sản cho người phải thi hành án và tìm tài sản khác để thi hành án. Trường hợp không có tài sản khác thì chấp hành viên đề nghị Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án dân sự”.
Quy định như trên là chưa hợp lý vì người phải thi hành án sẽ lợi dụng làm mọi cách để tài sản không bán được và sau 02 lần giảm giá thì lại đương nhiên được trả lại và không còn sợ bị kê biên xử lý. Cơ quan Thi hành án thì phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành, mặc dù người phải thi hành án có tài sản. Điều này vô tình đã tạo nên khe hở cho người phải thi hành án lợi dụng để chây ì, cố tình không thi hành án, trong khi đó người được thi hành án thì bức xúc vì quyền lợi hợp pháp của họ không được bảo vệ.
Vì vậy, theo chúng tôi thì tài sản đã kê biên bán đấu giá cần phải xử lý đến cùng cho đến khi giá tài sản đã giảm thấp hơn chi phí cưỡng chế. Do đó, điểm b khoản 2 trên nên sửa lại như sau: “Trường hợp người được thi hành án không nhận tài sản để thi hành án thì chấp hành viên tìm tài sản khác để thi hành án. Trường hợp không có tài sản khác thì chấp hành viên giảm giá để tiếp tục bán đấu giá tài sản”.
Hồ Quân Chính
Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh