Khi một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, thì theo nguyên tắc hiến định nó phải được thi hành, Điều 106 của Hiến pháp quy định: Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, trên thực tế không ít trường hợp khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng các bên vẫn không tự nguyện thi hành. Do đó, một trong các bên phải làm đơn yêu cầu đến cơ quan Thi hành án dân sự để nhờ cơ quan này can thiệp.
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009, thay thế cho Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đến nay đã hơn bốn năm. Trong thời gian qua, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát huy được vai trò vị trí của mình trong hệ thống pháp luật nói chung và trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự nói riêng. Một mặt đã kiện toàn được hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự từ Trung ương xuống địa phương, mặt khác đã khắc phục được rất nhiều điểm hạn chế bất cập của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan Thi hành án dân sự và chấp hành viên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, từng bước nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự.
Mặc dù vậy, hiện nay quy định về trình tự, thủ tục trong lĩnh vực thi hành án dân sự có thể nói đang bị hành chính hóa, làm giảm đáng kể đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng một cách đầy đủ, chính xác. Trong khi tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải ban hành quá nhiều loại quyết định, thông báo về thi hành án, trong đó có những trình tự, thủ tục không cần thiết. Những quy định này làm cho các chấp hành viên mất rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện, nhưng không có giá trị thực tế.
Ví dụ: Thủ tục thông báo cho đương sự khi đã xác minh kết quả cho thấy họ bỏ địa phương đi nơi khác. Trong trường hợp này, nếu họ vẫn có tài sản là bất động sản ở địa phương thì việc xử lý tài sản của họ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục. Trong suốt quá trình xử lý tài sản, chấp hành viên phải tiến hành thông báo, niêm yết đầy đủ các văn bản, quyết định về thi hành án cho họ.
Để xử lý xong một tài sản này, chấp hành viên phải thông báo, niêm yết các văn bản không dưới 10 lần (nếu tài sản bán đấu giá không thành thì thủ tục này nhiều hơn rất nhiều) và mỗi lẫn như vậy đều phải niêm yết đầy đủ cả 03 nơi (nơi có tài sản, Uỷ ban nhân dân cấp xã, trụ sở cơ quan Thi hành án), có nghĩa là chấp hành viên phải lập thủ tục niêm yết không dưới 30 lần cho việc thông báo.
Có thể nói, chỉ có những người làm công tác thực tế mới thấm thía được những khó khăn và sự vô lý của những thủ tục này, mặc dù về mặt lý luận thì việc phải thực hiện các thủ tục trên là không sai. Tuy nhiên, khi người phải thi hành án đã thể hiện rõ ý chí chống đối pháp luật, không hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền, thì những thủ tục trên không có ý nghĩa gì ngoài việc gây thêm khó khăn, mất thời gian, công sức của cơ quan Thi hành án và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người được thi hành án. Bên cạnh đó, chúng ta còn dành quá nhiều quyền cho người phải thi hành án. Ví dụ, quy định người phải thi hành án mặc dù đã bị cưỡng chế thi hành án vẫn có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, thoả thuận về giá cả tài sản đã kê biên, khiếu nại việc kê biên, định giá, nhận lại tài sản đã kê biên, kể cả trường hợp đã ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản nhưng trước một ngày tổ chức bán đấu giá người phải thi hành án vẫn có quyền nộp đủ tiền và các chi phí phát sinh để nhận lại tài sản.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với trình tự, thủ tục thi hành án dân sự đó là nó tạo cho mọi người cách hiểu giai đoạn thi hành án dân sự là một thủ tục bắt buộc để thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì thế, dễ tạo nên tâm lý chây ì không tự nguyện thi hành, khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà cứ chờ cho đến khi người được thi hành án làm đơn yêu cầu ra cơ quan Thi hành án dân sự thì mới tính. Tuy nhiên, khi vụ việc đã ra đến cơ quan Thi hành án, thì việc tổ chức thi hành các phán quyết của Tòa án lại được thực hiện theo trình tự, thủ tục mang nặng tính hành chính như đã nêu trên. Do vậy, đã làm giảm hẳn tính nghiêm minh của bản án, quyết định của Tòa án nói riêng và tính nghiêm minh của pháp luật nói chung.
Chính vì vậy, kết quả thi hành các bản án, quyết định dân sự hiện nay chưa cao, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đối với các bản án dân sự còn rất hạn chế. Điều này rất dễ dẫn đến việc người dân mất niềm tin vào hệ thống pháp luật, vì người được thi hành án thì cảm thấy không được pháp luật bảo vệ một cách trọn vẹn, còn người phải thi hành án thì có hiện tượng “Lờn thuốc”, không tôn trọng phán quyết của Tòa án và thậm chí không tôn trọng cả những thỏa thuận, cam kết mà họ đã đưa ra trong quá trình giải quyết ở Tòa án cũng như trong giai đoạn thi hành án. Trong thực tế, có nhiều trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, không hợp tác với cơ quan Thi hành án, mặc dù họ có đủ điều kiện nhưng vẫn chờ cho đến “Phút 89” khi cơ quan Thi hành án tổ chức cưỡng chế thì họ mới chịu thi hành.
Nguyên nhân của thực trạng chây ì, không tự nguyện thi hành án như trên, có thể thấy một phần là do hệ quả từ chính các quy định trong pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay tạo nên.
Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và khắc phục những hạn chế trên, chúng ta cần phải thay đổi cơ bản tư duy, cách hiểu về giai đoạn thi hành án dân sự. Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó là vì một bên đương sự không tự nguyện thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, nên bên còn lại mới phải yêu cầu đến cơ quan Thi hành án thi hành. Nghĩa là, đã có một bên đương sự không tôn trọng pháp luật, không tự nguyện chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Vì vậy, giai đoạn thi hành án cần phải hiểu là giai đoạn cưỡng chế thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Cần phải hiểu đúng bản chất của việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án là giai đoạn cưỡng chế thi hành. Do đó, pháp luật về thi hành án dân sự cần phải xây dựng các quy định mang tính cưỡng chế tư pháp, mang tính quyền lực bắt buộc với một trình tự, thủ tục thi hành đơn giản, hiệu quả, chứ không phải là các thủ tục hành chính rườm rà và giành quá nhiều quyền không hợp lý cho người phải thi hành án, đồng thời đẩy chấp hành viên vào “Loại ngành nghề rủi ro cao” như các quy định hiện nay.
Hồ Quân Chính
Cục THADS Tp.HCM