Có phải ra quyết định thi hành án hay không?

14/07/2014
Căn cứ để đưa ra thi hành các bản án, quyết định dân sự là vấn đề quan trọng trong quá trình thi hành án dân sự. Những căn cứ này phải được pháp luật quy định rất chặt chẽ và đồng bộ, đây là xuất phát điểm ban đầu nhưng rất cơ bản để quá trình thi hành án dân sự được thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều tình huống phát sinh mà chưa có văn bản pháp luật nào quy định, nên việc xử lý của các cơ quan Thi hành án chưa thống nhất, dưới đây là một tình huống:


Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lao động số 01/2013 ngày 17/4/2013 của Toà án nhân dân huyện TL, có tuyên:

"1. Đình chỉ giải quyết vụ án lao động sơ thẩm thụ lý số 06/TLST-LĐ ngày 14/6/2012 về việc “Tranh chấp phát sinh về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải”.

2. Đối với nguyên đơn: Chị Trịnh Thị C,

Bị đơn: Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện.

3. Về án phí chị, Trịnh Thị C không phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

4. Các đương sự có quyền kháng cáo quyết định này trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định".

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, các đương sự không kháng cáo, Toà án đã đóng dấu “Quyết định có hiệu lực pháp luật để thi hành” và quyết định trên được chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự huyện TL.

Hiện nay, có hai quan điểm về việc ra quyết định thi hành án chủ động khoản án phí chị Trịnh Thị C không phải chịu án phí theo quy định pháp luật.

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan Thi hành án dân sự không phải ra quyết định thi hành án chủ động vì chị Trịnh Thị C không phải chịu án phí nên cơ quan Thi hành án không phải thực hiện bất cứ việc thi hành gì (không phải thu án phí, không phải viết biên lai, không phải thực hiện việc xung công án phí vào ngân sách Nhà nước). Đối với quyết định này chỉ cần lưu tại bộ phận thụ lý và chú thích vào sổ nhận bản án, quyết định của Toà án, Trọng tài hoặc Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (gọi chung là sổ nhận bản án, quyết định).

Quan điểm thứ hai: Cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án vì tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự quy định: Bản án, quyết định được thi hành là những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (theo khoản 1 Điều 2) và những bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị (theo khoản 2, Điều 2). Như vậy có thể khẳng định, những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật phải được thi hành là phù hợp với nguyên tắc hiến định  “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2014). Điều luật trên chỉ ra điều kiện để thi hành là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc những bản án, quyết định chưa có hiệu lực được thi hành ngay, đây là những điều kiện và nguyên tắc cơ bản chi phối toàn bộ Luật Thi hành án dân sự và là căn cứ để các cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Việc ra quyết định thi hành án có thể có 02 trường hợp: Buộc thực hiện công việc nhất định (có thể là phải nộp án phí, tiền phạt, tiền truy nộp hoặc xung công…) hoặc không phải thực hiện công việc nhất định (không phải nộp án phí…). Mặt khác, để pháp luật có tính nghiêm minh, khách quan, công bằng và thống nhất, trên thực tế cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án dân sự chủ động để đảm bảo thực hiện đúng Luật, việc phải thu tiền án phí hoặc không phải thu tiền án phí là những việc làm cụ thể không làm ảnh hưởng đến việc thi hành đối với bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định ra quyết định thi hành án, tại khoản 1 quy định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây: a. Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí. Như vậy có thể hiểu, khoản án phí có thể phải thu và cũng có thể không phải thu nên cơ quan thi hành án vẫn phải ra quyết định thi hành án chủ động.

Quan điểm của tác giả ủng hộ quan điểm thứ 2, cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án mới phù hợp và đúng bản chất của hoạt động thi hành án dân sự.

Trên đây là tình huống xảy ra trên thực tế nêu ra để các đồng nghiệp cùng trao đổi và cũng mong nhận được sự chỉ đạo của Tổng cục thi hành án để việc thi hành án dân sự được thống nhất. 

Phạm Quang Dũng

Chi cục Thi hành án dân sự quận Bắc Từ Liêm