Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung một số điều): bỏ qui định về quyền làm đơn yêu cầu thi hành án dân sự là không phù hợp tính chất của thi hành án dân sự

15/09/2014
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (THADS) đã được Quốc hội (Khóa XIII), kỳ họp lần thứ 7 (tháng 5/2014) thảo luận, cho ý kiến những vấn đề cơ bản và định hướng những vấn đề sửa đổi. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm của Dự thảo lần này là bỏ qui định về yêu cầu thi hành án dân sự.


Giảm việc đi lại cho người được thi hành án, nhưng chưa phù hợp với tính chất của thi hành án dân sự

Việc bỏ qui định yêu cầu thi hành án là giảm thủ tục về hành chính trong thi hành án, người được thi hành án không phải đi đến cơ quan Thi hành án dân sự để làm đơn yêu cầu thi hành án hoặc gửi đơn bằng đường bưu điện; việc này cũng làm cho người được thi hành án an tâm hơn khi không phải lo hết thời hiệu yêu cầu thi hành án hoặc không lo yêu cầu thi hành án của mình thất lạc, có sai sót, không đúng nội dung bản án, quyết định của tòa án khi không trực tiếp đến cơ quan Thi hành án dân sự làm đơn yêu cầu mà gửi bằng bưu điện; và cơ quan Thi hành án dân sự hàng ngày không phải phân công người thường trực để tiếp nhận, hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế nếu cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án cho tất cả các bản án, quyết định mà không căn cứ vào yêu cầu của người được thi hành án thì rất khó xử lý đối với những trường hợp người được thi hành án không yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành quyền lợi của họ trong bản án, quyết định của tòa án và qui định như trên là chưa phù hợp với tính chất của thi hành án dân sự.

Yêu cầu thi hành án là một thủ tục nhằm xác nhận lại ý chí và quyền tự định đoạt của người được thi hành án trong giai đoạn thi hành án

Theo qui định của Bộ luật dân sự thì quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của đương sự được thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào trong quan hệ dân sự. Vì vậy, sau khi có bản án, quyết định của tòa án, đương sự vẫn có quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt về quyền, nghĩa vụ của mình đã được tòa án tuyên trong bản án, quyết định, như: cho nợ, xóa nợ, giảm, giãn nợ, hoãn, kéo dài việc thực hiện nghĩa vụ hoặc có thể thỏa thuận tự thực hiện, không yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành án... Trên thực tế, rất nhiều trường hợp, sau khi xét xử, người được thi hành án không yêu cầu thi hành án, vì cho rằng việc khởi kiện của họ không phải vì tiền mà vì danh dự, sau khi thắng kiện họ đã thỏa mãn và không yêu cầu thực hiện bất cứ quyền lợi gì, có trường hợp sau khi xét xử, người được thi hành án thống nhất cho một phần hay toàn bộ số tiền đã khởi kiện cho người phải thi hành án hoặc có những thỏa thuận khác mà các bên không yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự thi hành. Như vậy, để xác định quyền của người được thi hành án, sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được tòa án chuyển giao, cần phải qui định thủ tục yêu cầu thi hành án, nhằm kiểm tra lại ý chí và quyền tự định đoạt của người được thi hành án trong giai đoạn thi hành án.

Án tồn đọng tăng, tạo gánh nặng cho cơ quan Thi hành án dân sự

Việc bỏ qui định người được thi hành án yêu cầu thi hành án, thì đồng nghĩa cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án đối với tất cả các khoản tiền, tài sản sau khi nhận được bản án, quyết định Tòa án chuyển giao. Việc ra quyết định thi hành án như nói trên chưa xác thực đúng ý chí và quyền tự định đoạt của đương sự trong giai đoạn thi hành án dân sự, vì không phải tất cả những vụ việc dân sự nào được tòa án xét xử, đương sự cũng mong muốn được thi hành án. Vì vậy, việc ra quyết định thi hành án đối với những vụ việc đương sự không yêu cầu thi hành án và không mong muốn được thi hành án tạo ra số lượng án ảo, số lượng án tăng, không phù hợp với thực tế, dẫn đến án án tồn đọng nhiều, cơ quan Thi hành án dân sự phải theo dõi các quyết định, phần quyết định đã ban hành nhưng đương sự không yêu cầu được thi hành án, vấn đề này lại tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho cơ quan Thi hành án dân sự.

                        Công Hoàng

 

Công Hoàng