Bàn về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008

16/09/2014
Công tác thi hành án dân sự là hoạt động đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác được thi hành trên thực tế. Nếu vì một lý do nào đó mà các phán quyết nêu trên không được thi hành, ngưng trễ thi hành,… thì các phán quyết đó chỉ nằm trên giấy và ở góc độ nào đó pháp chế xã hội chủ nghĩa đã bị xâm phạm.


Công tác thi hành án dân sự ở nước ta đã trải qua nhiều thay đổi - với 03 bản Pháp lệnh, 01 Luật và hiện nay đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn tồn tại những hạn chế nhất định cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chúng tôi rất hy vọng lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cùng với việc sửa đổi đồng bộ các bộ luật, các luật có liên quan sẽ là cơ hội tốt cho việc sửa đổi pháp luật về thi hành án dân sự.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã được chỉnh lý sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII dưới hai góc nhìn sau đây.

Thứ nhất, bàn về tính tổng thể của dự thảo luật.

Nhìn tổng thể dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được chỉnh lý sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII thì không còn thấy những quy phạm pháp luật mang tính gắn kết giữa hoạt động xét xử và hoạt động thi hành án hay tính chịu trách nhiệm đến cùng đối với phán quyết của Tòa án đó là việc giao cho Tòa án ra quyết định thi hành án.

Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã nêu: "hoạt động thi hành án dân sự chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp, công đoạn cuối cùng của tố tụng theo như kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, vì vậy, còn chưa thực sự tạo ra sự gắn kết giữa hoạt động xét xử và thi hành án dân sự, Tòa án chưa chịu trách nhiệm đến cùng trong việc thi hành các bản án, quyết định của mình; vẫn còn tình trạng án tuyên không rõ nhưng Tòa án chưa kịp thời giải thích, ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án dân sự. Nhiều bản án, quyết định đã được thi hành nhưng lại bị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án dân sự. Mặt khác, chưa tăng cường được vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc theo dõi, thống kê các bản án, quyết định đã được Tòa án ra quyết định đưa ra thi hành án. Đồng thời, còn có sự chưa rõ ràng về thẩm quyền kiểm sát và thanh tra đối với quá trình tổ chức việc thi hành án dân sự". Theo chúng tôi, đó là hạn chế lớn nhất trong công tác Thi hành án dân sự đã được Chính phủ nhìn nhận. Vì vậy, yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 phải xuất phát từ thực tiễn - giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác Thi hành án dân sự và từ việc xác định nội hàm "quyền tư pháp" của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự.

Như chúng ta đã biết, khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”[1]. Như vậy, nội hàm quyền tư pháp của Tòa án trong giai đoạn thi hành án dân sự cần thiết phải được xác định. Cho đến nay Luật tổ chức Tòa án chưa được sửa đổi, bổ sung và do đó chưa có căn cứ xác định quyền tư pháp trong giai đoạn thi hành án dân sự của Tòa án bao gồm những quyền nào? và càng khó khăn hơn trong việc xác định quyền tư pháp của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự ngay trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung lần này. Vậy giải pháp nào cho vấn đề này?, theo chúng tôi chỉ có hai giải pháp hoặc là xác định rõ nội hàm quyền tư pháp của Tòa án ngay trong dự thảo luật hoặc là lùi thời hạn thông qua dự thảo luật để tiếp tục nghiên cứu chứ không thể bỏ ngỏ như dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được chỉnh lý đã quy định.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa cho thấy giải quyết được tận gốc những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự. Dự thảo mới chỉ dừng lại ở mức độ chỉnh sửa những bất cập trực tiếp từ các quy phạm pháp luật mà chưa tạo ra được một cơ chế đồng bộ đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn là thi hành nhanh, gọn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến lượng án tồn đọng ngoài cách tổ chức thi hành án dân sự cắt khúc, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của Tòa án như nêu trên thì con một nguyên nhân nữa đó là: thiếu một cơ chế thi hành án dân sự hữu hiệu. Hay nói cách khác, cơ chế thi hành án dân sự ở nước ta còn nhiều khoảng trống nhất định. Những khoảng trống đó là: khoảng trống về trách nhiệm, nghĩa vụ của người có nghĩa vụ (nhất là đối với người phải thi hành án); khoảng trống trong việc truy tìm địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án; khoảng trống trong việc cho phép chuyển hóa giữa trách nhiệm hình sự sang trách nhiệm dân sự và ngược lại; khoảng trống trong việc tinh giảm thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án;…

Theo chúng tôi, sửa đổi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cần phải tạo ra được một cơ chế đồng bộ, hữu hiệu để đảm bảo được hiệu quả, hiệu lực của công tác thi hành án dân sự. Cơ chế hữu hiệu, đồng bộ đó không thể thiếu vắng các quy phạm pháp luật khỏa lấp được những khoảng trống đang hiện hữu.

Một là, cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của đương sự nhất là người phải thi hành án trong việc tôn trọng pháp luật, hợp tác với Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và nếu vi phạm cần phải dẫn tới một trách nhiệm rõ ràng kể cả trách nhiệm hình sự;

Hai là, giảm bớt các khâu, thủ tục thi hành án. Việc tinh giảm thủ tục này cần thiết phải tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển,... đó là trong trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự kê biên tài sản để bán đấu giá thi hành án thì ngay sau khi kê biên phải được giao cho tổ chức bán đấu giá theo yêu cầu, thỏa thuận của đương sự hoặc cơ quan Thi hành án dân sự lựa chọn để tổ chức bán đấu giá quản lý tài sản kê biên, tổ chức thẩm định giá và bán đấu giá[2];...

Ba là, cần thiết phải tổng kết việc thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh để làm cơ sở cho việc xã hội hóa thi hành án mạnh mẽ vào trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi. Có như vậy mới tạo ra được tiền đề cho việc đặt vấn đề tổ chức lại bộ máy thi hành án dân sự.

Bốn là, cần nghiên cứu thay thế chế định bảo đảm bằng chế định khám xét người, nhà,...để thu giữ tài sản bảo đảm thi hành án. Thực tiễn thi hành án cho thấy khi người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền có giá trị thấp như án phí; nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ; trả công dân, tổ chức hai, ba triệu đồng mà người phải thi hành án không đứng tên trên bất kỳ tài sản có giá trị nào và cũng không có công việc ổn định để thoái thác nghĩa vụ thi hành án dân sự. Hoặc là người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị quá lớn so với nghĩa vụ. Nhiều trường hợp người phải thi hành án còn “trêu ngươi” cơ quan Thi hành án dân sự khi đi xe gắn máy, ô tô có giá trị cao nhưng giấy tờ lại đứng tên người khác; trên người mang nhiều trang sức là kim loại quý có giá trị cao nhưng cơ quan Thi hành án dân sự cũng không thể thu giữ để thi hành án; … Vì vậy cần phải có cơ chế cho phép khám xét nơi ở, khám người,... đối với người phải thi hành án để thu giữ tài sản đảm bảo việc thi hành án. Thủ tục này cần được quy định chặt chẽ và có thể giao cho cơ quan Công an thực hiện theo lệnh của Tòa án hoặc yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự.

Năm là, cần phải sửa đổi đồng bộ các pháp luật có liên quan. Luật Thi hành án dân sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều bộ luật, luật khác nhau như Bộ luật Tố tụng hình sự, dân sự; Bộ luật hình sự, Luật doanh nghiệp, Luật phá sản doanh nghiệp,... Theo chúng tôi, Bộ Tư pháp cần chủ trì rà soát các nội dung có liên quan đến các ngành luật khác nhau để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp đảm bảo cho được một cơ chế thi hành án dân sự hiệu quả nhất, đảm bảo được yêu cầu thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa[3].

Thứ hai, bàn về các quy định cụ thể:

Một là, về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan theo quy định tại Điều 7, 7a, và 7b của dự thảo theo cá nhân tôi vẫn còn rất chung chung nhất là về nghĩa vụ. Phải chịu trách nhiệm, nhưng trách nhiệm đó là gì? dự thảo luật bỏ ngỏ. Theo chúng tôi, cần quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện và các chế tài kèm theo thật cụ thể. Ví dụ: không thực hiện theo yêu cầu của Chấp hành viên thì phải chịu chế tài gì? Bị xử phạt vi phạm hành chính và tiếp tục không chấp hành thì phải xử lý như thế nào? Hoặc quy định dẫn chiếu đến Điều 162 chương VII nhằm để nâng cao tính răn đe, giáo dục chấp hành pháp luật.

Hai là, về kiểm sát thi hành án của Viện Kiểm sát. Quy định như dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng về phạm vi và trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Lâu nay chúng ta thấy rằng Viện Kiểm sát hầu như chỉ thực hiện việc kiểm sát đối với cơ quan Tthi hành án dân sự và chấp hành viên mà hầu như không đụng tới đương sự và càng "xa lánh" trách nhiệm kiểm sát các cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thực hiện công tác thi hành án dân sự. Vì vậy, chúng tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ phạm vi và trách nhiệm kiểm sát của Viện Kiểm sát theo từng nội dung. Ví dụ: Viện Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc thi hành án phạm vi kiểm sát bao hàm những nội dung nào? trách nhiệm của Viện Kiểm sát?;...

Ba là, về xác minh thi hành án. Chúng tôi thống nhất theo cách quy định tại Điều 44. Tuy nhiên, theo chúng tôi cần quy định rõ chế tài áp dụng đối với mỗi loại đối tượng trong trường hợp người phải thi hành án không kê khai tài sản; cơ quan, tổ chức từ chối cung cấp thông tin; cung cấp thông tin sai sự thật;...  hoặc dẫn chiếu đến Điều 162 Chương VII của Luật thi hành án dân sự nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cũng như tính chất răn đe giáo dục chấp hành pháp luật.

Bốn là, về đình chỉ thi hành án (Điều 50). Trong thực tiễn tổ chức thi hành án có rất nhiều người được thi hành án thiếu hợp tác với chấp hành viên, cơ quan Thi hành án nhất là trong những trường hợp đương sự thực hiện việc trả tiền tài sản tại nhà. Khi được mời, được triệu tập nhiều lần đến để xác nhận các nội dung thi hành án đã thi hành hoặc giải quyết việc thi hành án,...đều vắng mặt không có lý do. Và để nâng cao trách nhiệm, ý thức tôn trọng pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án đối với người có đơn yêu cầu thi hành án. Chúng tôi, đề nghị bổ sung việc ra quyết định đình chỉ trong trường hợp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người được thi hành án vẫn vắng mặt không có lý do.

Năm là, về miễn giảm thi hành án (Điều 61). Trong những năm qua, công tác thực hiện việc miễn, giảm thi hành án gặp những khó khăn nhất định, mà khó khăn lớn nhất đó là từ quy định của pháp luật. "đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước", nhưng người được miễn giảm đa phần lại là những người không có tài sản hoặc không rõ địa chỉ hiện tại ở đâu. Luật sửa đổi bổ sung vẫn kế thừa quy định này sẽ là rào cản rất lớn trong việc giảm án tồn đọng tại các cơ quan Thi hành án dân sự và tốn kém không ít công sức và tiền bạc của Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 2, 3 Điều 61 là không nên đưa quy định "đã thi hành được một phần khoản thu nộp ngân sách nhà nước" làm điều kiện tiên quyết cho việc miễn giảm nghĩa vụ thi hành án./.

                                                                           Ths. Đinh Duy Bằng

                                               Chi cục THADS thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương



[1] Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2013.

[2] Nhà pháp luật Việt - Pháp (2006), Hội thảo quốc tế “các mô hình tổ chức thi hành án trên thế giới”.

[3] Đinh Duy Bằng, "Sửa đổi Luật Thi hành án dân sự phải xuất phát từ thực tiễn và xác định nội hàm quyền tư pháp của Tòa án", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Văn phòng Quốc hội, số 16/2014, tr32-35.