Cảm nhận qua thực tiễn cưỡng chế giao nhà, chuyển giao quyền sử dụng đất

22/09/2014
Cưỡng chế thi hành án dân sự là việc sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án, phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Toà án. Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự do Chấp hành viên quyết định trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện mà không tự nguyện thi hành. Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự hiện nay còn khá nhiều và là vấn đề phức tạp, khó khăn, không chỉ đơn thuần là vấn đề nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án dân sự mà là an ninh, trật tự địa phương nơi xảy ra cưỡng chế thi hành án dân sự.


Có thể nói, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cuối cùng mà chấp hành viên lựa chọn áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp động viên, thuyết phục người phải thi hành án không hợp tác, không tự nguyện thi hành. Vẫn biết, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích vật chất, nhân thân của người phải thi hành án nên thường xuyên gặp phải sự chống đối quyết liệt của đương sự, đồng thời đây là giai đoạn rất dễ bị khiếu nại, tố cáo. Chính vì vậy, chấp hành viên, cơ quan Thi hành án dân sự cần phải thận trọng áp dụng đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.

Trách nhiệm nặng nề của chấp hành viên khi thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế

Áp dụng biện pháp cưỡng chế là biện pháp cực chẳng đã đối với mỗi chấp hành viên, nhưng với chấp hành viên nữ lại càng vất vả, khó khăn hơn khi hàng ngày họ phải thường xuyên tiếp xúc với những đối tượng có hành vi chống đối, thách thức xem thường pháp luật. Tuy nhiên, họ không ngại khó, ngại khổ mà luôn biết vượt lên chính mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy với nữ Chấp hành viên - một người dịu dàng, yếu đuối nhưng mà họ vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ, vẫn áp dụng tốt các biện pháp cưỡng chế để thi hành dứt điểm vụ việc. Phải chăng do nghề nghiệp mà tạo nên tính cách của họ không? Cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn. Theo chúng tôi nhìn nhận từ thực tiễn, đã yêu nghề, tâm huyết xây dựng ngành Thi hành án thì buộc phải thực hiện hết trách nhiệm của mình vượt qua những khó khăn, thử thách đó nhưng với nữ chấp hành viên có phương pháp thuyết phục rất thành công trong những trường hợp đương sự có điều kiện thi hành mà dây dưa kéo dài, họ mềm mỏng thuyết phục rất tốt và ít áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Qua đó chúng tôi cũng mong muốn, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thi hành án dân sự mà nhiều người nhận thức không đúng về hoạt động thi hành án dân sự. Có nhiều quan điểm và nhìn nhận cơ quan Thi hành án như một cơ quan “đi đòi nợ thay”, là nữ chấp hành viên, chúng tôi nghe xong cảm thấy buồn nhưng luôn đứng lên để bảo vệ vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự bằng những hoạt động cụ thể, việc làm hiệu quả, nhằm góp phần không nhỏ vào việc tăng cường tính pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đưa trật tự xã hội vào nề nếp và bảo đảm hiệu lực của quyết định, bản án của Toà án, của Trọng tài kinh tế... được thực thi trên thực tế. Đây là vấn đề được xã hội quan tâm và nên nhận thức đúng đắn về hoạt động thi hành án dân sự. Với công tác thi hành án rất phức tạp những thực tiễn của nó mang lại hiệu quả thiết thực. Ví dụ như: Một vụ tranh chấp di sản thừa kế hoặc tranh chấp hợp đồng mua bán nhà ở... sau khi bản án có hiệu lực thi hành, nếu không có nghiệp vụ của cơ quan Thi hành án, không có hoạt động tác nghiệp độc lập của chấp hành viên thì liệu bản án, quyết định của Toà án có thực thi được không? người dân có được pháp luật bảo vệ về quyền và lợi ích kịp thời hay không? Cho nên, Nhà nước và xã hội cần phải quan tâm hơn, nhìn nhận và đánh giá đúng đắn hơn nữa về hoạt động thi hành án dân sự, xem công tác thi hành án dân sự là một nhiệm chung của cả hệ thống chính trị thì hiệu quả mới càng cao, nhất là trong phối hợp cưỡng chế thi hành án dân sự.

Vướng mắc khi vận dụng điều Luật vào thực tiễn thi hành

Thực tiễn áp dụng trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì áp dụng biện pháp cưỡng chế theo khoản 5 điều này cho trường hợp cưỡng chế giao nhà theo điều 115 và chuyển giao quyền sử dụng đất theo điều 117 là một trong những biện pháp cưỡng chế phức tạp nhất và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất trong giai đoạn tổ chức thi hành của chấp hành viên. Có những trường hợp người phải thi hành án cũng có hoàn cảnh khó khăn, không chỗ ở nào khác, ngoài tài sản phải cưỡng chế giao nhà theo Bản án đã tuyên. Nếu sau khi tiến hành cưỡng chế theo quy định tại điều 115 xong thì gia đình người phải thi hành án không nơi nương tựa. Gặp phải những trường hợp thế này, chấp hành viên phải vận dụng mọi biện pháp và linh hoạt trong phương pháp giải quyết để vận động, thuyết phục bên được thi hành án hỗ trợ phần nào cho người phải thi hành án một khoản tiền đủ để thuê chỗ ở mới trong khoảng thời gian nhất định nào đó, thì vụ việc cưỡng chế giao nhà mới thành công được. Quy định pháp luật trong trường hợp cưỡng chế giao nhà theo Bản án tuyên không có quy định hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc tạo điều kiện cho người phải thi hành án có nơi ở mới. Chính vì thế, chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế này rất băn khoăn và mệt mỏi. Nhưng kéo dài chậm tổ chức thi hành thì bị bên được thi hành án khiếu nại, bởi Bản án xét xử đúng và quy định của pháp luật theo điều 115 Luật Thi hành án dân sự. Thế là, Chấp hành viên phải vận dụng sáng tạo phương pháp giải quyết tùy từng trường hợp cụ thể và phù hợp quy định pháp luật mới thành công.

Hoặc là việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất trong vụ tranh chấp di sản thừa kế có mối quan hệ giữa người cháu với các bác, chú trong cùng họ tộc. Trong thực tiễn thi hành án, kinh nghiệm cho thấy, khi gặp phải vụ việc mà hai bên đương sự có mối quan hệ anh em, vợ chồng, họ tộc... với nhau là những vụ rất khó thi hành. Bởi quan hệ tình cảm của các bên đương sự đã rạn nứt từ giai đoạn tiến hành tố tụng, họ không thể ngồi cùng nhau để nghe chấp hành viên giải thích, vận động, thuyết phục mà chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế mới giải quyết đứt điểm được. Có khi chấp hành viên trở thành người hoà giải viên, phải chịu đựng lắng nghe tất cả những ý kiến phản ảnh cũng như thái độ bức xúc lâu nay của các bên đương sự, để rồi sau đó thuyết phục.

Những bài học rút ra từ thực tiễn và đề xuất nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự

Đúng vậy, thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự vô cùng phức tạp và trách nhiệm của chấp hành viên cũng rất nặng nề, đứng trước những khó khăn, vướng mắc, không chỉ bị áp lực bởi các bên đương sự mà còn với dư luận xã hội, các ban ngành, với cấp trên, Viện Kiểm sát nhân dân và đặc biệt là lòng tin của nhân dân vào cơ quan Thi hành án dân sự. Chính vì thế, để làm tốt công tác thi hành án dân sự thì đòi hỏi chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải tâm huyết với nghề nghiệp, không bị chi phối bởi cám dỗ về vật chất và lợi ích riêng của mình cũng như áp dụng đúng quy định pháp luật, vận dụng phương pháp khoa học trong công việc, hài hòa và mang tính đồng thuận trong cách giải quyết giữa các bên đương sự thì hiệu quả công tác thi hành án dân sự càng cao hơn.

Tuy nhiên, để góp phần vào công tác thi hành án dân sự ngày càng phát triển bền vững hơn thì vấn đề thứ nhất là: Hoàn thiện về hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự là điều cần thiết nhất và phải mang tính hiệu quả, hiệu lực cao thì công tác thi hành án dân sự đỡ vướng mắc hơn. Thứ hai, cần xây dựng thể chế về bảo vệ chấp hành viên trong thực thi nhiệm vụ, do thủ tục thi hành án còn nhiều rườm rà, thủ tục rắc rối nên chấp hành viên dễ mắc phải sai sót và vi phạm về trình tự thủ tục thi hành án dân sự, cũng như tính nguy hiểm trong thực thi nhiệm vụ, nên cần có quy định pháp luật làm hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể để chấp hành viên an tâm công tác và thực thi nhiệm vụ tốt hơn, giảm áp lực và giảm tình trạng đơn thư khiếu nại nhiều trong hoạt động thi hành án dân sự. Thứ ba, cần phải nhìn nhận và xem hoạt động thi hành án dân sự là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và nâng cao vị thế, vai trò của ngành Thi hành án dân sự hơn nữa mới góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự và phát triển bền vững hơn./.

Lê Lanh

Chi cục Thi hành án dân sự TP Tuy Hoà, Phú Yên.