Cưỡng chế kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu chung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

05/11/2014
Cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án là biện pháp được Chấp hành viên áp dụng thường vấp phải sự chống đối của cá nhân người phải thi hành án hoặc cả những người như anh em, người thân trong gia đình của người phải thi hành án.. nhưng việc cưỡng chế kê biên tài sản thuộc sở hữu chung còn phức tạp và đương nhiên sẽ kéo dài thời gian hơn nhiều vì nó liên quan đến quyền lợi của nhiều người, thực tiễn cho thấy hiện nay có nhiều vụ việc chấp hành viên không biết phải giải quyết như thế nào khi đối chiếu các văn bản pháp luật về thi hành án thì chưa có hướng dẫn hoặc điều luật còn chung chung, dẫn đến có những quan điểm khác nhau, xin nêu một ví dụ:  


Nội dung vụ việc: Bản án số 02/2013/DSPT ngày 11/01/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh K đã tuyên vợ chồng ông T và bà H Phải thi hành khoản trả nợ: Cho bà N  số tiền: 1.200.000.000đồng. Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án của bà N, Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã ra quyết định thi hành án, giao cho chấp hành viên tổ chức thi hành.

Quá trình giải quyết vụ việc, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã tiến hành xác minh, đôn đốc thi hành án, thực hiện các thủ tục theo qui định của pháp luật. Qua xác minh được biết hiện nay người phải thi hành án là ông T đang chấp hành án phạt tù theo một Bản án khác, vợ chồng ông T và bà H chỉ có tài sản duy nhất là ngôi nhà xây cấp IV, diện tích 227m2 đất thổ cư đã được Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông T và các đồng sử dụng bà M, bà U, bà D. Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu chung, căn cứ Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, ngày 16/8/2013 chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện C đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và toàn bộ công trình xây dựng trên đất, đồng thời thông báo cho chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Tuy nhiên hết thời hạn trên chủ sở hữu chung không chấp nhận việc kê biên tài sản và cũng không khởi kiện yêu cầu Tòa phân chia tài sản, chấp hành viên đã hướng dẫn cho người được thi hành án yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của người được thi hành án nhưng đến ngày 24/ 4/ 2014 Tòa án nhân dân huyện C đã ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự vì không đủ điều kiện giải quyết vụ việc dân sự qui định tại Điều 311 Bộ luật tố tụng dân sự.

Đây là vụ việc phải thi hành khoản trả nợ số tiền: 1.200.000.000đồng bên phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất nằm trong khối tài sản chung là ngôi nhà xây cấp IVvà quyền sử dụng đất, các đồng sở hữu không tự thỏa thuận phân chia, người được thi hành án đã có đơn yêu cầu Tòa án phân chia tài sản, Tòa án đã thụ lý nhưng sau đó lại ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự, như vậy phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung chưa xác định được. Đối chiếu các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành thì trong trường hợp trên chưa có hướng dẫn cụ thể nào, do vậy Chi cục Thi hành án dân sự không có cơ sở để tổ chức thi hành.

Để giải quyết vụ việc trên có những quan điểm trái ngược nhau, người viết bài này xin nêu ra 02 quan điểm để các bạn đồng nghiệp cùng nghiên cứu trao đổi:

Quan điểm thứ nhất: Xác định đây là vụ việc thi hành án theo đơn yêu cầu, bên phải thi hành án là vợ chồng ông T bà H phải thi hành khoản trả nợ số tiền: 1.200.000.000,đ cho bà N. Chấp hành viên cơ quan Thi hành án đã tiến hành các thủ tục theo qui định của pháp luật, qua xác minh được biết: Ông T đang chấp hành án phạt tù trong 1 Bản án khác, vợ chồng ông T, bà H chỉ có tài sản duy nhất là ngôi nhà xây cấp IV, diện tích 227m2 đất thổ cư. Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của ông T và các em gái của ông là bà M, bà U và bà D, do vậy trước khi tổ chức cưỡng chế kê biên nhà và quyền sử dụng đất chấp hành viên phải căn cứ theo khoản 1, Điều 74 Luật Thi hành án dân sự  “1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế”. Trong thời hạn 30 ngày chủ sở hữu chung không khởi kiện, người được thi hành án có đơn yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của người được thi hành án nhưng sau đó lại ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự vì không đủ điều kiện giải quyết vụ việc dân sự qui định tại điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về thủ tục thi hành án, sau khi chấp hành viên hướng dẫn người được thi hành án khởi kiện ra Tòa và Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ việc thì chấp hành viên cần căn cứ vào điểm d, khoản 1, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án để chờ kết quả giải quyết của Tòa. Nếu sau đó Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung như vậy không xác định được, nếu cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản  trên thì chưa đủ căn cứ, việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng sở hữu, chấp hành viên không thể làm thay nhiệm vụ của Tòa án để phân chia tài sản. Trong trường hợp này người phải thi hành án không còn tài sản nào khác, chấp hành viên cần ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án, để khi người phải thi hành án có điều kiện người được thi hành án tiếp tục làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại.

Quan điểm thứ 2: Về nguyên tắc cơ quan thi hành án dân sự chỉ kê biên, xử lý phần tài sản của vợ chồng ông T, bà H trong khối tài sản chung để đảm bảo thi hành án. Nếu tài sản chung không chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên vẫn có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Trong trường hợp trên Tòa án đã đình chỉ giải quyết vụ kiện thì cơ quan Thi hành án báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tổ chức cuộc họp liên ngành với Tòa án, Viện Kiểm sát, các cơ quan hữu quan tại địa phương thống nhất biện pháp xử lý phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để đảm bảo việc thi hành án.

Theo tôi dù giải quyết theo phương án nào cũng phải dựa trên các qui định pháp luật hiện hành, khi điều luật chưa rõ ràng, cụ thể thì không thể vận dụng một cách tùy tiện, đối với trường hợp trên tôi thấy quan điểm thứ hai vận dụng theo điểm b, khoản 2, Điều 74 là chưa đủ căn cứ vì tài sản của vợ chồng ông, bà chưa xác định được phần sở hữu trong khối tài sản chung. Khoản 2, Điều 74 nêu rõ: “Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau: a,…

b….”  Như vậy, khi căn cứ pháp lý giải quyết vụ việc chưa đủ cơ sở thì Ban chỉ đạo thi hành án, các Ban ngành hữu quan cũng không thể cùng nhau thống nhất quan điểm giải quyết theo hướng áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên đối với toàn bộ tài sản thuộc sở hữu chung, để ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những người liên quan.

Đối với quan điểm thứ nhất, người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất nằm trong khối tài sản chung không phân chia được, không xác định được phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Như vậy có thể hiểu rằng tài sản của người phải thi hành án là thứ tài sản “vô hình”, không phân chia được và cũng không định lượng được do vậy không thể cưỡng chế kê biên tài sản được, chấp hành viên ra quyết định trả lại đơn yêu cầu cho người được thi hành án là phù hợp.

Trên đây là hai quan điểm giải quyết đối với việc thi hành vụ án dân sự mà tài sản của người phải thi hành án nằm trong khối tài sản chung, không xác định được. Rất mong được sự đóng góp ý kiến của các bạn đồng nghiệp để việc thi hành được đảm bảo chặt chẽ, chính xác, đúng luật. Hiện nay chúng ta đang đóng góp ý kiến xây dựng Luật sửa đổi, bổ xung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được ngày càng hoàn thiện hơn , rất mong Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu tỷ mỷ, dự liệu những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để có sự điều chỉnh, có những qui định cụ thể hơn, việc áp dụng được thống nhất và dễ hiểu.

Anh Quân