Hiến pháp năm 2013: Tiếp tục hiến định bản án, quyết định của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành

09/12/2014
Điều 106, Hiếp pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.


Quy định này đã trở thành nguyên tắc cơ bản được ghi nhận xuyên suốt trong các Hiến pháp của Việt Nam (Điều 136 Hiến pháp năm 1992 và Điều 137 Hiến pháp năm 1980). Đây cũng chính là nguyên tắc cho mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện quy định này của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội Khóa XIII (kỳ họp thứ 8) đã thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự nhằm tiếp tục cải cách công tác tư pháp, quy định rõ hơn thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp, đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các cơ quan Tư pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Quyền luôn đi liền với nghĩa vụ và việc chấp hành pháp luật cũng chính là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân, điều đó đã được Hiến pháp năm 2013 quy định rất cụ thể, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng và chấp hành đầy đủ các bản án, quyết định của Tòa án. Chấp hành các bán án, quyết định của Tòa án không chỉ bảo đảm hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định trên thực tế mà còn bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật, duy trì trật tự xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, công lý và cả chế độ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của nhân dân trong mọi mặt của đời sống xã hội. Ngược lại, nếu bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không được nghiêm chỉnh thi hành, thì hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định cũng như hiệu lực quản lý của Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật bị xem thường, lòng tin của nhân dân đối với với Đảng, Nhà nước, chế độ bị giảm sút. Thực tiễn chúng ta thấy, nhà nước ta luôn thể chế hóa bằng nhiều qui định pháp luật để bảo đảm các bản án, quyết định của Tòa án đều được thi hành nghiêm chỉnh trên thực tế, đảm bảo hiệu lực quản lý của nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và mọi công dân, duy trì trật tự xã hội, giữ vững kỷ cương, phép nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn cụ thể.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế vẫn còn bản án, quyết định của Tòa án chưa được các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành, trật tự xã hội có lúc có nơi chưa được bảo đảm, kỷ cương chưa nghiêm, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức và công dân bị xâm phạm, gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong vấn đề này, ngoài việc tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành, còn có nhiều nguyên nhân, như: Có bản án, quyết định của Tòa án xét xử thiếu công tâm, không khách quan, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của người dân; sự can thiệp trái pháp luật của một số cá nhân có chức, có quyền trong quá trình tố tụng và thi hành án; việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của cơ quan Thi hành án dân sự có lúc thiếu quyết liệt, chưa nghiêm, dẫn đến các bên có liên quan chưa nghiêm túc thực hiện, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực pháp luật của bản án, quyết định, hiệu lực quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự xã hội, niền tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Để đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án nhân dân được nghiêm chỉnh chấp hành trên thực tế cần phải có nhiều giải pháp thống nhất, đồng bộ đó là:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan Tư pháp; tiếp tục triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49/NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.

Hai là, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật (theo Hiến pháp năm 2013) đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng pháp luật ở lĩnh vực này mâu thuẫn, chồng chéo với lĩnh vực khác, nhằm áp dụng thống nhất trong quá trình giải quyết vụ việc, bảo đảm bản án, quyết định của tòa án ban hành mang tính khả thi trên thực tế.

Ba là, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan Nhà nước nói chung và hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, năng lực, trình độ, đặc biệt là sự công tâm, khách quan trong việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đồng thời đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan Tư pháp thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc thực hiện và chấp hành kỷ cương, pháp luật của nhà nước.

Năm là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan với các cơ quan Tư pháp, nhất là trong quá trình xét xử và tổ chức thi hành án.

Công Hoàng