1) Về một số điểm mới của Nghị định số 04 so với Nghị định số 71
Một là, về kết cấu, Nghị định số 04 có cơ cấu gồm 4 chương, 18 điều (ít hơn 18 điều so với Nghị định số 71) với những nội dung cụ thể: dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm: dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hai là, Nghị định số 04 quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng là cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (không còn nêu chung chung là cơ quan như Nghị định số 71), theo đó quy định “Nghị định được áp dụng đối với cán bộ, công chức quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện; viên chức quy định tại Điều 2 Luật Viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và người làm việc theo chế độ hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP”.
Đồng thời, Nghị định số 04 cũng đã quy định bổ sung thêm đối tượng áp dụng mới của Nghị định là cán bộ, công chức cấp xã “Cán bộ, công chức cấp xã thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan theo quy định tại Nghị định này và các quy định tại Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”. Điều này đã góp phần tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ suốt 16 năm qua đối với nhóm đối tượng này và gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã đối với việc thực hiện nghiêm các quy định về quy chế dân chủ ngay từ cơ sở.
Ba là, Hội nghị cán bộ, công chức được đổi tên thành Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và sửa đổi, bổ sung quy định về việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức
Tên gọi Hội nghị cán bộ, công chức theo Nghị định số 71 nay được đổi thành Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức thể hiện đầy đủ đối tượng áp dụng của Nghị định, tránh trường hợp mỗi đơn vị gọi mỗi tên khác nhau như thực tế hiện nay. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mỗi năm một lần vào cuối năm. Thành phần dự hội nghị bao gồm toàn thể hoặc đại biểu cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.
Việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức bất thường được thực hiện khi có 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu (so với Nghị định số 71 trước kia quy định phải có 2/3).
Nội dung của Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cũng được sửa đổi theo hướng đầy đủ, hoàn thiện hơn với việc Nghị định số 04 đã bổ sung nội dung “Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn” thay thế nội dung “Tham gia ý kiến về những vấn đề được quy định tại Điều 17 của Quy chế này” và đây được xác định là 01 trong 06 nội dung bắt buộc của Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm.
Bốn là, Nghị định số 04 quy định cụ thể, rõ ràng, tập trung thành các nhóm vấn đề theo hướng cô đọng, xúc tích và dễ theo dõi hơn. Nếu như trước kia, tại Nghị định số 71, các nội dung, nhiệm vụ của cùng một nhóm đối tượng, vấn đề được quy định nằm rải rác tại các Điều, gây khó khăn cho việc theo dõi và vận dụng, ví dụ: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quy định rải rác tại 08 Điều (từ Điều 04 đến Điều 11); trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại 03 Điều (từ Điều 12, 13, 14); những việc công chức phải được biết được quy định tại 02 Điều (Điều 15, 16); những việc cán bộ, công chức tham gia ý kiến được quy định tại 03 Điều (Điều 17, 18, 19) thì nay, Nghị định số 04 đã “gom” các nội dung, nhiệm vụ của cùng một nhóm đối tượng, vấn đề quy định tập trung, thống nhất vào chung 01 Điều luật, cụ thể: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được quy định tại Điều 4; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức được quy định tại Điều 6; những việc phải công khai cho cán bộ, công chức, viên chức được biết được quy định tại Điều 7; những việc cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến được quy định tại Điều 9; những việc cán bộ, công chức, viên chức được quyền giám sát được quy định tại Điều 11.
Năm là, Nghị định số 04 đã có những quy định bổ sung so với Nghị định số 71 theo hướng cụ thể, đầy đủ hơn, ví dụ: tại Điều 10, đã bổ sung 02 nội dung công việc phải thực hiện của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đó là: (i) Xem xét, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị; kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; (ii) Kịp thời xử lý người có hành vi cản trở việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và người có hành vi trả thù, trù dập cán bộ, công chức, viên chức khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo quy định của pháp luật; tại Điều 7, đã bổ sung 02 việc phải công khai cho cán bộ, công chức, viên chức được biết: (i) Kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức về những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; (ii) Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị…
2) Về một số nội dung cơ bản của Nghị định số 04 về thực hiện Quy chế dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị cần lưu ý
Một là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện 10 nội dung công việc (Điều 4), ví dụ như: Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, cuối năm; Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo trình tự, thủ tục quy định; Lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức; Ban hành quy chế quản lý trang thiết bị làm việc trong cơ quan, đơn vị bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; sử dụng tiết kiệm kinh phí được cấp; thực hiện các quy định về công khai tài chính; Chủ trì phối hợp với Công đoàn cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức mỗi năm một lần vào cuối năm...
Hai là, có 9 việc người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải công khai cho cán bộ, công chức, viên chức được biết (Điều 7), ví dụ như: Chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; Kế hoạch công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của cơ quan, đơn vị; Kinh phí hoạt động hàng năm; quyết toán kinh phí hàng năm của cơ quan, đơn vị; tài sản, trang thiết bị của cơ quan, đơn vị; kết quả kiểm toán; Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật… đối với cán bộ, công chức, viên chức; Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị; Các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; Văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý cấp trên liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị...
Ba là, cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thực hiện 5 nội dung công việc (Điều 6), ví dụ như: Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người phụ trách trực tiếp và trước người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị về việc thi hành nhiệm vụ của mình; Thực hiện phê bình và tự phê bình nghiêm túc, phát huy ưu điểm, có giải pháp sửa chữa khuyết điểm; thẳng thắn đóng góp ý kiến để xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; Đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các văn bản, đề án của cơ quan, đơn vị khi được yêu cầu; Báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Bốn là, có 8 việc cán bộ, công chức, viên chức được tham gia ý kiến (Điều 9), cụ thể là: Chủ trương, giải pháp thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công việc của cơ quan, đơn vị; Kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; Tổ chức phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị; Báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị; Các biện pháp cải tiến tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân; Kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức; Các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.
Năm là, có 5 việc cán bộ, công chức, viên chức được quyền giám sát (Điều 11), cụ thể là: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kế hoạch công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị; Sử dụng kinh phí hoạt động, chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan, đơn vị; Thực hiện các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; Thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Sáu là, Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mỗi năm một lần vào cuối năm. Thành phần dự hội nghị bao gồm toàn thể hoặc đại biểu cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, với 06 nội dung chính bao gồm: (i) Kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức trước đó và những quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; (ii) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình của cán bộ, công chức, viên chức; giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức; (iii) Thông qua Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thi đua và ký kết giao ước thi đua giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tổ chức công đoàn; (iv) Bàn các biện pháp cải tiến điều kiện làm việc, nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; (v) Ban Thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị báo cáo công tác; bầu Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của pháp luật; (vi) Khen thưởng cá nhân, tập thể của cơ quan, đơn vị có thành tích trong công tác.
3) Ngoài ra, Nghị định còn quy định về việc thức hiện dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu với cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.
Nghị định cũng yêu cầu việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị phải gắn liền với việc bảo đảm sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị; chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của các tổ chức đoàn thể quần chúng của cơ quan, đơn vị; dân chủ trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và quyền làm chủ của nhân dân, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Với những điểm mới, có thể nói là tiến bộ nêu trên, hy vọng rằng trong thời gian tới, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở theo Nghị định số 04 sẽ tiếp tục có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực, phát huy tốt hơn nữa “quyền làm chủ của người dân”, góp phần tích cực vào việc huy động sức mạnh “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Do vậy, thiết nghĩ đây là một nội dung hết sức quan trọng các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương cần phải khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới, nhằm từng bước xây dựng cơ quan “trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, dân chủ”, qua đó, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của cơ quan Thi hành án dân sự địa phương nói riêng và của toàn Hệ thống Thi hành án dân sự nói chung.
Huy Hùng-Văn phòng Tổng cục