Việc Luật Thi hành án dân sự quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự là một trong các phương thức để đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nhân dân) thực hiện quyền kiểm tra, giám sát và thực hiện quyền làm chủ của mình, hướng tới bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền.
Luật Thi hành án dân sự tại Chương 6 Mục 1 có 20 điều, từ Điều 140 đến Điều 153 quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự như sau:
Thứ nhất, đối tượng khiếu nại về thi hành án được quy định tại Điều 140 của Luật: “Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, đối tượng bị khiếu nại là quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên. Việc thi hành án dân sự rất phức tạp, quá trình thi hành án Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều trình tự thủ tục để thi hành dứt điểm bản án, quyết định của tòa án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại. Bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cũng bị người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan khiếu nại. Do đó, Luật Thi hành án dân sự đã được cân nhắc cho phép thiết kế thời hiệu khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ở mỗi thời điểm ra quyết định, thực hiện hành vi thi hành án khác nhau thì thời hiệu khiếu nại cũng khác nhau tùy thuộc vào tính chất của quyết định, hành vi, cụ thể: khoản 2 Điều 140 của Luật quy định quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên tại 4 thời điểm bị khiếu nại gồm: (1) trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế; (2) áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, áp dụng biện pháp bảo đảm khác; (3)áp dụng biện pháp cưỡng chế; (4) sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế. Thời hiệu khiếu nại tương ứng với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ở các thời điểm này được quy định như sau:
“a) Đối với quyết định, hành vi về thi hành án trước khi áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
b) Đối với quyết định về áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định;
Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm khác là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
c) Đối với quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó;
d) Đối với quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được hành vi đó.
Trường hợp do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hạn khiếu nại.
Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền”.
Thứ hai, về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, Điều 143 Luật Thi hành án dân sự quy định:
“1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
b) Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
d) Được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có;
e) Được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
g) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.
2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này”.
Thứ ba, về quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại được quy định tại Điều 144 Luật Thi hành án dân sự như sau:
1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:
a) Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại;
b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.
2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu;
b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này;
c) Bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, về thẩm quyền giải quyết khiếu nại Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định:
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Chấp hành viên cơ quan thi hành án cấp quân khu.
6. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.
7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.
Thứ năm, về thụ lý đơn khiếu nại, Điều 148 Luật Thi hành án dân sự quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết.
Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.
Thứ sáu, về thời hạn giải quyết khiếu nại, Điều 146 Luật Thi hành án dân sự quy định:
1. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
2. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
3. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
4. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.
5.Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.
Thứ bảy, về trình tự giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 150 Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
Về trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu: Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành xác minh, yêu cầu người bị khiếu nại giải trình, trong trường hợp cần thiết, có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền.
Về thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: 1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.
2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền được quy định tại Điều 145 của Luật này và có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại; triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại để tổ chức đối thoại khi cần thiết; xác minh; trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Đồng thời, Luật Thi hành án dân sự cũng quy định cơ chế giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong việc giải quyết khiếu nại tại Điều 159 của Luật như sau: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại có căn cứ, đúng pháp luật.
Cùng với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng, các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã được hoàn thiện. Theo quy định tại khoản 41 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 thì từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 thời hạn giải quyết khiếu nại đối với trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại đã khắc phục những bất cập, không khả thi về mặt thời hạn do việc thi hành án dân sự rất phức tạp, đòi hỏi thời gian để địa phương báo cáo, sao gửi hồ sơ, thời gian để nghiên cứu hồ sơ thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại, nghiên cứu pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật chuyên ngành khác để giải quyết khiếu nại về mặt nội dung; nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh, đối thoại, trao đổi, làm việc với các cơ quan, ban hành hữu quan để thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc. Luật Thi hành án dân sự quy định rõ ràng về quyền khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại và vai trò của Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự như đã nêu và phân tích trên đây đã góp phần đảm bảo tính minh bạch của hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự, đảm bảo quá trình thi hành án được giám sát kịp thời, ngăn chặn, chấn chỉnh và khắc phục những hành vi vi phạm pháp luật của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tổ chức thi hành án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác Thi hành án dân sự nói chung và công tác giải quyết khiếu nại trong Thi hành án dân sự nói riêng.
Nguyễn Hằng
Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo – Tổng cục THADS