Xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, quan điểm nào thuyết phục?

05/04/2016
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự là lĩnh vực không mới nhưng khó thực hiện. Thực tế Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014 đều có qui định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, các văn bản dưới luật qui định không rõ ràng nên dẫn đến việc áp dụng xử lý vi phạm mỗi cơ quan mỗi khác, còn lúng túng, chưa thống nhất, đồng bộ... Dưới đây tôi xin đưa ra trường hợp vụ việc cụ thể và phân tích hai quan điểm nhận thức về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (đặc biệt là hình thức phạt tiền) trong công tác thi hành án dân sự với quy định hiện hành trong Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 110/2013/NĐ – CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, mong cơ quan có thẩm quyền sớm có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để các cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng, thực hiện thống nhất, đồng bộ, đúng qui định của pháp luật. 


Bản án tuyên: …1. Giao cho bà Nguyễn Thị A diện tích 250m2  đất, tại thửa…
2. Bà Hoàng Thị H có nghĩa vụ di dời toàn bộ cây cảnh, chậu cảnh và các tài sản để trên diện tích đất được giao cho bà A.
Quá trình giải quyết thi hành án do bà H không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 71, 117 và Điều 118 Luật Thi hành án dân sự: “Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc phải thực hiện một công việc nhất định” đối với bà H và yêu cầu bà H thực hiện nhận và di dời tài sản nhưng bà H không thực hiện. Chấp hành viên ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với bà H theo qui định tại khoản 1 Điều 118.
Có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Chấp hành viên không có thẩm quyền phạt tiền đối với bà H vì các qui định trong Luật Thi hành án dân sự và tại Nghị định 110/2013/NĐ – CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ không cho phép chấp hành viên phạt tiền đối với hành vi nêu trên.
Quan điểm thứ hai: Chấp hành viên có thẩm quyền phạt tiền đối với bà H.
Những người theo quan điểm thứ nhất cho rằng: Lý lẽ đơn thuần khẳng định Chấp hành viên không có thẩm quyền phạt tiền bà H đối với hành vi buộc phải thực hiện một công việc nhất định mà đó là thẩm quyền của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự vì: Hành vi này được qui định tại điểm a, khoản 3 Điều 52 “ Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với các hành vi sau: Không thực hiện công việc phải làm…”  và quy định về thẩm quyền tại điểm b, khoản 4 Điều 68; điểm d, khoản 3 Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ – CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ.
Những người theo quan điểm thứ hai cho rằng: Chấp hành viên có quyền phạt tiền bà H và sẽ là phù hợp, đơn giản và dễ thực hiện hơn dựa trên quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hiện hành. Ngược lại, nếu thực hiện trên thực tế theo quan điểm thứ nhất sẽ khó và chưa có quy định cụ thể, thuyết phục và rõ ràng, bởi vì: 
Thứ nhất: Quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng Pháp lệnh Thi hành án dân sự và Luật Thi hành án dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, các Nghị định đều thống nhất quy định thẩm quyền của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự được phạt hành chính (cả hai hình thức phạt cảnh cáo và phạt tiền).
Thứ hai: Tại các Điểm a, khoản 1 Điều 163, Chương VII; Điều 118, 119,120,121… Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014; Khoản 1 Điều 68; điểm a, khoản 3 Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ – CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ đều có quy định cụ thể về thẩm quyền, mức phạt của Chấp hành viên cơ quan thi hành án trong quá trình trực tiếp tổ chức thi hành án.
Thứ ba: Đi vào trường hợp cụ thể nêu trên thì: Điểm a, khoản 1 Điều 163 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014 qui định về thẩm quyền xử phạt là “Chấp hành viên đang giải quyết việc thi hành án”; Khoản 1, Điều 118 quy định “… Người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời gian 05 ngày làm việc…” …như vậy phải hiểu đây là thẩm quyền của Chấp hành viên chứ không phải của Cục trưởng.
Thứ tư: Nghị định 110/2013/NĐ –CP chỉ qui định chung chung, khó hiểu, ví dụ Khoản 4 ghi: Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có quyền: a) Phạt cảnh cáo; b) phạt tiền đến 20 triệu đồng,  Nghị định không qui định hành vi cụ thể theo thẩm quyền của Cục trưởng... Nếu áp dụng vào thực tế và hiểu theo các nội dung, thuật ngữ qui định trong Nghị định 110/2013/NĐ –CP thì Chấp hành viên Chi cục THADS sẽ không có quyền phạt tiền vì mức phạt thấp nhất qui định tại khoản 1 Điều 52 là: “…Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với các hành vi…” còn điểm a, khoản 1 Điều 68 qui định Chấp hành viên chì có thẩm quyền phạt tiền đến 500 nghìn đồng tức là dưới 500 nghìn đồng.
Như vậy có thể thấy ngay rằng hiểu và áp dụng theo quy định nêu trong nghị định sẽ làm mất đi quyền phạt tiền của Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự và mâu thuẫn ngay với các Khoản, các Điều quy định tại Luật Thi hành án dân sự và ngay các quy định trong Nghị định như: Chấp hành viên quyết định phạt tiền, Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều 118, Điều 119, 120, 121 Luật Thi hành án dân sự, Chấp hành viên Thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền: a) phạt cảnh cáo; b) phạt tiền đến 500 nghìn đồng qui định tại khoản 1 Điều 68 và đặc biệt quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ-CP là: “Chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi quy định tại chương V, ...”.
Vì điểm a, khoản 3 Điều 72 Nghị định 110/2013/NĐ-CP qui định như vậy thì đương nhiên phải hiểu là: các hành vi nào quy định tại chương V thì đương nhiên là Chấp hành viên có thẩm quyền phạt và mức phạt thì theo qui định tại khoản 1 Điều 68 Nghị định và mức phạt không quá 500 nghìn đồng. Và cũng nên chăng hiểu theo nghĩa tương tự, tức là: những hành vi vi phạm hành chính được quy định tại chương V của Nghị định mà hành vi đó chưa đến mức phải trình Cục trưởng phạt thi Chấp hành viên phạt, nếu Chấp hành viên đã phạt tiền rồi mà người bị phạt vẫn không thực hiện thì sẽ trình Chi cục trưởng hoặc Cục trưởng phạt sẽ hợp lý và thống nhất với Luật Thi hành án dân sự hơn. Hướng qui định này cũng tương tự với các qui định trước đây trong Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính Phủ.  
Thứ năm: Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự không phải là người đang tác nghiệp, đang trực tiếp thi hành quyết định thi hành án của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự liệu có hợp lý? Không lẽ đùng một cái Chi cục Thi hành án dân sự trình hồ sơ cho ông Cục trưởng ra quyết định xử phạt? chưa nói là hành vi vi phạm của người phải thi hành án có cần thiết phải Cục trưởng phạt và đến mức từ 3 triệu đồng trở lên hay không?
Thứ sáu: Luật Thi hành án dân sự, Nghị định và các văn bản hiệu hành chưa quy định cụ thể, chi tiết hồ sơ và trình tự, thủ tục trình trình Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định phạt.
Thứ bẩy: Chấp hành viên là người trình hay Chi cục trưởng? Vai trò của Chi cục trưởng không được thể hiện? Thời gian bao lâu thì trình, thời gian bao lâu Cục trưởng phải ra quyết định? Ai là người ấn định thời hạn 05 ngày theo khoản 1, Điều 118 Luật Thi hành án dân sự?...
Với hướng tiếp cận và phân tích nêu trên, quan điểm cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Vì theo quan điểm này sẽ dễ áp dụng, phù hợp với thực tế, dễ hiểu và thủ tục trình tự, đơn giản hơn, đồng thời cũng có sức thuyết phục, logic, đồng nhất với các quy định trong Nghị định và Luật Thi hành án dân sự.
Vũ Công An
Chi cục THADS H. Thanh Hà, tỉnh Hải Dương