Những lưu ý trong thực hiện uỷ thác thi hành án dân sự

23/07/2017
Ủy thác thi hành án dân sự có vai trò rất quan trọng trong hoạt động thi hành án dân sự góp phần bảo đảm thi hành kịp thời, đầy đủ nội dung phần quyết định của bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, bảo đảm thực thi quyền, nghĩa vụ của các đương sự trong thi hành án dân sự, mặt khác giúp cho cơ quan thi hành án dân sự giải quyết việc thi hành án dân sự, giảm thiểu việc thi hành án tồn đọng. Việc ủy thác thi hành án dân sự nhìn chung đã được cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên thực tiễn cho thấy có lúc, có nơi còn lúng túng, thực hiện chưa đúng dẫn đến sai sót, vi phạm về thủ tục ủy thác thi hành án dân sự. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực hiện ủy thác thi hành án dân sự chưa đúng là do nhận thức chưa đầy đủ, chưa chính xác quy định về ủy thác thi hành án dân sự.


Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật và hiệu quả ủy thác thi hành án dân sự thì cần nhận diện và lưu ý những nội dung cơ bản sau đây:
1. Cơ sở pháp lý về uỷ thác thi hành án dân sự
Ủy thác thi hành án dân sự hiện nay được quy định tại:
- Luật Thi hành án dân sự gồm các điều: Điều 55, 56, 57 và khoản 2 Điều 130.
- Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự: Điều 16, 34, 35.
- Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
- Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 08/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp.
- Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2006 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự: Khoản 6 Điều 5.

- “Quy trình tổ chức thi hành án trong nội bộ cơ quan thi hành án dân sự” ban hành kèm theo Quyết định số 273/QĐ-TCTHADS ngày 22/02/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự.
- Công văn số 3089/BTP-TCTHADS ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp “về việc thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản”.
2. Xác định đúng và đầy đủ các trường hợp ủy thác thi hành án dân sự
2.1. Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật Thi hành án dân sự thì về nguyên tắc đối với bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án lần đầu là cơ quan thi hành án nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm (đối với quyết định của Trọng tài thương mại và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh thì cũng tương tự). Theo quy định của pháp luật, Tòa án, Trọng tài thương mại phải chuyển giao bản án, quyết định thuộc diện chủ động thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi đã xét xử sơ thẩm vụ án, vụ việc trọng tài. Người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định đến cơ quan thi hành án nơi Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (gọi chung là Tòa án) đã xét xử sơ thẩm bản án, quyết định. Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi Tòa án xét xử sơ thẩm căn cứ vào bản án, quyết định, yêu cầu của người được thi hành án, người phải thi hành án để ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Trong trường hợp xét thấy do có căn cứ ủy thác thi hành án thì cơ quan thi hành án chuyển giao bản án, quyết định, yêu cầu thi hành án cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở. Như vậy, uỷ thác thi hành án dân sự là việc chuyển giao việc thi hành bản án, quyết định từ cơ quan thi hành án này sang cơ quan thi hành án khác theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định nhằm đảm bảo việc thi hành các bản án, quyết định trên thực tế, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự tham gia vào việc thi hành án.
2.2. Các trường hợp ủy thác thi hành án dân sự
2.2.1. Uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án
Uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án còn được gọi là ủy thác thẳng. Đây là trường hợp khi cơ quan thi hành án nhận được bản án, quyết định thuộc diện chủ động thi hành án hoặc yêu cầu thi hành án kèm theo bản án, quyết định, nếu xét thấy việc thi hành án có căn cứ ủy thác thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở mà không ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ ra quyết định ủy thác thẳng trong những trường hợp pháp luật quy định rõ ràng, gồm: Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 2 Điều 130 Luật Thi hành án dân sự, Điều 35 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ ngày 18/7/2015 của Chính phủ); trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản thi hành án cụ thể mà tài sản đó ở nơi khác (khoản 3 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ ngày 18/7/2015 của Chính phủ). Việc uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án tùy từng trường hợp cụ thể có thể là ủy thác toàn bộ hoặc một phần nội dung quyết định của bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Đối với các trường hợp khác thì cần ra quyết định thi hành án rồi mới tiến hành ủy thác thi hành án để đảm bảo chặt chẽ về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm căn cứ chắc chắn căn cứ ủy thác thi hành án dân sự. Trong việc thực hiện ủy thác này, nhất là trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi khác nhau thì cần thực hiện tốt quy định về ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án tại khoản 3 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự để ủy thác đến đúng nơi có thẩm quyền thi hành án, hạn chế đùn đẩy trách nhiệm giữa các các cơ quan thi hành án dân sự. Ví dụ, ông A phải thi hành nghĩa vụ trả tiền cho ông B, ông A có tài sản là 01 căn nhà ở địa bàn Chi cục Thi hành án dân sự quận C thuộc thành phố tỉnh D và 03 ngôi nhà ở địa bàn quận Đ, E, G thuộc thành phố H. Trong trường hợp này, Chi cục Thi hành án dân sự quận C ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án cho Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ, E, G để xác minh xem giá trị tài sản lớn nhất ở địa bàn quận nào, trên cơ sở đó sau khi xử lý xong tài sản của ông A ở địa bàn Chi cục mình thì ủy thác thi hành án đến Chi cục Thi hành án dân sự quận Đ hoặc E hoặc G là nơi tài sản có giá trị lớn nhất.
Ủy thác thi hành án khi chưa ra quyết định thi hành án thì chưa được coi là một việc ủy thác thi hành án dân sự mặc dù đã ra quyết định ủy thác thi hành án dân sự. Trường hợp này, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự không thống kê và chỉ tiêu ủy thác thi hành án nhưng cần lập sổ theo dõi riêng về ra quyết định ủy thác thẳng.
2.2.2. Uỷ thác sau khi ra quyết định thi hành án

Đối với bản án, quyết định đã được cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án nhưng qua xác minh cho thấy có cơ sở xác định cơ quan thi hành án khác có điều kiện thực hiện việc thi hành án (cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc, có tài sản hoặc nơi có trụ sở) thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án uỷ thác cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án.
Các trường hợp ủy thác sau khi ra quyết định thi hành án gồm có:
- Uỷ thác toàn bộ
Là trường hợp uỷ thác tất cả các khoản phải thi hành của quyết định thi hành án khi đã ra quyết định thi hành án dân sự mà chưa thi hành được phần nào của quyết định thi hành án dân sự.
- Uỷ thác một phần đồng thời thi hành phần còn lại
Đây là trường hợp sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự xác minh cho thấy có căn cứ ủy thác một phần, phần còn lại tổ chức thi hành án. Trong trường hợp có tài sản đảm bảo việc thi hành án đã được Tòa án chuyển giao thì phải xử lý xong tài sản này mới được uỷ thác phần còn lại cho cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành.Trường hợp trong bản án, quyết định của Tòa án có nhiều người phải thi hành án khác nhau cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì có thể uỷ thác từng phần cho các cơ quan thi hành án nơi có điều kiện thi hành nếu xét thấy việc uỷ thác không ảnh hưởng đến quyền lợi của người được thi hành án.
- Uỷ thác phần còn lại và khi kết thúc hồ sơ
Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, trong quá trình thi hành án Chấp hành viên đã thi hành hết các khoản có điều kiện thi hành án ở địa phương mình xét thấy người phải thi hành án có điều kiện thi hành án ở nơi khác thì cơ quan thi hành án ra quyết định uỷ thác phần còn lại cho cơ quan thi hành án nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành và kết thúc hồ sơ thi hành án.
- Uỷ thác trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên đới
Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.
- Ủy thác thi hành án khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản thực hiện theo hướng dẫn tại mục 4 Công văn số 3089/BTP-TCTHADS ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp “về việc thi hành quyết định của Tòa án liên quan đến giải quyết phá sản”. Theo đó, theo Điều 17 Luật Phá sản năm 2014, cơ quan thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành quyết định tuyên bố phá sản (khoản 1); thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 7). Khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản, theo điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014, Chấp hành viên có nhiệm vụ thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Như vậy, trong quá trình thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản, khi có căn cứ ủy thác thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự (cơ quan A) có thể ủy thác đến cơ quan Thi hành án dân sự nơi có điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự (cơ quan B).
Theo Luật Phá sản năm 2014, sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải “Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản” (điểm a khoản 2 Điều 120). Như vậy, các khoản tiền thu được từ người mắc nợ sẽ được chuyển vào 01 tài khoản mở tại ngân hàng để thực hiện phương án phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản. Do đó, khi thực hiện ủy thác thi hành quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý:
+ Trường hợp ủy thác toàn bộ quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản cho duy nhất 01 cơ quan thi hành án dân sự (cơ quan B), cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) mở một tài khoản đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản (cơ quan B) để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và thực hiện việc phân chia theo phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản. Trường hợp cơ quan ủy thác thi hành án (cơ quan A) đã mở tài khoản thì sau khi có thông báo nhận ủy thác, số tiền trong tài khoản (nếu có) được chuyển đến tài khoản mới của cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) để xử lý theo quy định; tài khoản mà cơ quan ủy thác (cơ quan A) đã mở trước đó cần được xem xét, hủy bỏ.
+ Trường hợp ủy thác một phần quyết định thi hành án thì cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành vụ việc theo quy định. Khi thu được tiền, tài sản, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải gửi ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan mình. Sau khi đã thi hành xong các khoản có điều kiện theo quyết định ủy thác, cơ quan nhận ủy thác thực hiện chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án đã ủy thác (cơ quan A) để thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án nhận ủy thác (cơ quan B) hoàn thành sau khi kết thúc việc thi hành án đối với nội dung được ủy thác và chuyển tiền cho cơ quan đã ủy thác (cơ quan A).
Những vấn đề khác phát sinh, liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự, Quản tài viên, Thẩm phán trong quá trình ủy thác thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Trường hợp ủy thác thi hành án, cơ quan ủy thác phải ghi rõ số phí thi hành án dân sự đã thu, số phí thi hành án dân sự còn phải thu.Cơ quan nhận ủy thác phải căn cứ vào quyết định ủy thác để tiếp tục thu phí thi hành án dân sự và được quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự thu được theo quy định tại Thông tư số 216/2016/TT-BTC ngày 10/11/2006 của Bộ Tài chính.
3. Xác định đúng thẩm quyền ủy thác thi hành án dân sự
3.1. Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh ủy thác thi hành các bản án, quyết định sau đây:
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác thi hành các bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên; bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án cấp quân khu thi hành vụ việc mà đương sự hoặc tài sản có liên quan đến quân đội trên địa bàn.
- Ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện vụ việc khác, trừ những trường hợp thi hành các bản án, quyết định về nhận người lao động trở lại làm việc hoặc bồi thường thiệt hại mà người phải thi hành án là cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên; bản án, quyết định có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; vụ việc mà đương sự hoặc tài sản có liên quan đến quân đội trên địa bàn.
3.2. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện ủy thác vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi khác, cơ quan thi hành án cấp quân khu, cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện khác có điều kiện thi hành.
3.3. Cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của mình cho cơ quan thi hành án cấp quân khu khác, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có điều kiện thi hành.
4. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục ủy thác thi hành án dân sự
4.1. Đối với cơ quan ủy thác thi hành án dân sự
- Khoản 1 Điều 55 Luật Thi hành án dân sự quy định “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở”. Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy địn chi tiết “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; đối với loại tài sản khác thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tổ chức thi hành”. Như vậy, về nguyên tắc chung bắt buộc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng; đối với loại tài sản khác thì có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản tổ chức thi hành, tức là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp thi hành mà không bắt buộc phải ủy thác.
Ví dụ, cơ quan thi hành án dân sự quận A ra quyết định thi hành án đối với bà B phải trả ông C số tiền 500.000.000 đồng. Trường hợp 1, kết quả xác minh cho thấy tài sản để thi hành án của bà B ở địa bàn quận A có 01 căn nhà trị giá 100.000.000 đồng và 01 căn nhà trị giá 600.000.000 đồng ở quận Đ thì sau khi xử lý xong căn nhà ở quận A bắt buộc cơ quan thi hành án dân sự quận A phải ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự quận Đ thi hành án phần còn lại. Trường hợp 2, kết quả xác minh cho thấy bà B ở địa bàn quận A có 01 căn nhà trị giá 100.000.000 đồng và 01 tài khoản có số dư 400.000.000 đồng tại ngân hàng ở quận Đ thì cơ quan thi hành án dân sự quận A có thể ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự quận Đ thì hành khoản 400.000.000 đồng tại ngân hàng ở quận Đ hoặc cơ quan thi hành án dân sự quận A áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tài khoản 400.000.000 đồng tại ngân hàng ở quận Đ đồng thời tổ chức xử lý căn nhà ở quận A mà không bắt buộc phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự quận Đ.
- Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.
Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó.
Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.
- Trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành.
- Thứ tự ủy thác thi hành án
Trường hợp người phải thi hành án có nhiều tài sản ở nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác theo thứ tự sau đây:
+ Theo thỏa thuận của đương sự.
+ Nơi có tài sản đủ để thi hành án.
+ Trường hợp tài sản không đủ để thi hành án thì ủy thác đến nơi có tài sản giá trị lớn nhất, nơi có nhiều tài sản nhất.
- Trường hợp bản án, quyết định tuyên tài sản bảo đảm cho khoản phải thi hành án cụ thể mà tài sản đó ở nơi khác thì có thể ủy thác khoản phải thi hành án mà tài sản đó bảo đảm cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản bảo đảm. Trường hợp này chỉ áp dụng đối với bản án, quyết định đã tuyên cụ thể.
- Việc ủy thác phải thực hiện trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ ủy thác. Trường hợp cần thiết phải ủy thác việc thi hành quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì việc ủy thác phải thực hiện ngay sau khi có căn cứ ủy thác.
- Quyết định ủy thác thi hành án phải ghi rõ nội dung ủy thác, khoản đã thi hành xong, khoản tiếp tục thi hành và các thông tin cần thiết cho việc thực hiện ủy thác.
Khi gửi quyết định ủy thác thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải gửi kèm theo bản án, quyết định; bản sao biên bản kê biên, tạm giữ tài sản và các tài liệu khác có liên quan, nếu có. Trong trường hợp phải ủy thác cho nhiều nơi thì cơ quan thi hành án dân sự sao chụp bản án, quyết định và các tài liệu khác có liên quan thành nhiều bản, có đóng dấu của cơ quan thi hành án dân sự nơi ủy thác để gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác.
4.2. Đối với cơ quan nhận ủy thác thi hành án dân sự
4.2.1. Cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác không được trả lại quyết định ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác mà phải tiếp tục thực hiện việc thi hành án theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quyết định ủy thác có sự nhầm lẫn, sai sót rõ ràng về thẩm quyền của cơ quan nhận ủy thác thi hành án, nội dung thi hành án.
4.2.2. Ra quyết định thi hành án và thông báo về việc nhận được quyết định ủy thác thi hành án
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác về việc nhận được quyết định ủy thác.
4.2.3. Xử lý trong trường hợp việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành hoặc người phải thi hành án có tài sản hoặc cư trú, làm việc hoặc có trụ sở ở địa phương khác
Trường hợp người phải thi hành án không có tài sản hoặc không cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở ở địa phương thì cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác thực hiện như sau:
- Trường hợp việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành thì thực hiện theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự.
- Trường hợp xác định người phải thi hành án có tài sản hoặc cư trú, làm việc hoặc có trụ sở ở địa phương khác thì ủy thác tiếp cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có điều kiện thi hành.

4.2.4. Áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới

Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở nhiều địa phương khác nhau mà tài sản ở địa phương nhận ủy thác không đủ để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án đối với tất cả những người, tài sản có liên quan đến việc thi hành án để tránh trường hợp tẩu tán, trốn tránh việc thi hành án.
4.2.3. Ủy thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ được ủy thác cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản đối với các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây khi người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác:
+ Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động.
+ Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm; buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
+ Kê biên tài sản đang tranh chấp.
+  Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm hàng hóa khác.
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra ngay quyết định ủy thác thi hành án khi có căn cứ ủy thác. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án.
5. Xác định trách nhiệm và những nội dung công việc cần làm
5.1. Xác định trách nhiệm cá nhân trong ủy thác thi hành án dân sự
Chấp hành viên chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu giúp Thủ trưởng cơ quan thực hiện việc ủy thác thi hành án. Thư ký, Chuyên viên, Văn thư có trách nhiệm phối hợp thực hiện.
5.2. Nội dung công việc thực hiện trong ủy thác thi hành án dân sự
Rà soát căn cứ, dự thảo và đề xuất Thủ trưởng cơ quan ký ban hành quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án (trường hợp đã ra quyết định thi hành án).
Tổ chức xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên trước khi ủy thác (nếu có).
Rà soát căn cứ, dự thảo và đề xuất Thủ trưởng cơ quan ký ban hành quyết định ủy thác thi hành án. Thời hạn thực hiện 05 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ ủy thác
Sao y bản chính các văn bản tài liệu có liên quan, quyết định thu hồi quyết định thi hành án (nếu có) và quyết định ủy thác chuyển Văn thư để gửi Cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác.
Chuyển quyết định ủy thác thi hành án, quyết định thu hồi quyết định thi hành án (nếu có) cho Văn thư để gửi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đương sự, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo dõi, đôn đốc thông báo nhận ủy thác thi hành án và thực hiện các công việc cần thiết khác theo quy định.
6. Thống kê, báo cáo quyết định ủy thác thi hành án dân sự
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 08/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp thì Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự chỉ báo cáo vào chỉ tiêu thống kê “ủy thác thi hành án” đối với trường hợp ra quyết định ủy thác thi hành án đối với toàn bộ quyết định thi hành án dân sự, vì vậy khi đã ra quyết định thi hành án và thu hồi quyết định thi hành án, ủy thác  toàn bộ quyết định thi hành án đó thì mới thống kê vào chỉ tiêu này; mặt khác chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự không tính vào số việc, số tiền phải thi hành án dân sự. Tuy nhiên, như đã phân tính ở phần trên, quyết định ủy thác thi hành án dân sự được ban hành trong nhiều trường hợp, do đó phải phân biệt “quyết định ủy thi hành án dân sự” khác với “việc ủy thi hành án dân sự”, từ đó mới thực hiện thống kê, báo cáo quyết định ủy thác thi hành án dân sự chính xác. Bởi vậy, cần lưu ý các trường hợp sau đây:
- Trường hợp đã ra quyết định thi hành án dân sự sau đó ra quyết định ủy thác thi hành án:
+ Trường hợp ra quyết định ủy thác toàn bộ quyết định thi hành án
 Trong trường hợp này, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự xác định đây là việc ủy thác thi hành án dân sự và thống kê vào chỉ tiêu “ủy thác” theo biểu mẫu thống kê ban hành kèm theo Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 08/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, cần lưu ý theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự, số việc, số tiền thụ lý thi hành án là số việc, tiền mà cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án. Mỗi quyết định thi hành án được tính là một việc thi hành án nên tổng số việc thụ lý là tổng số việc cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 55 Luật Thi hành án dân sự, trong quá trình thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể ủy thác thi hành án cho các cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Tại Điều 57 Luật Thi hành án dân sự quy định: trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng xét thấy cần ủy thác thì phải ra quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ quyết định thi hành án và ra quyết định ủy thác cho nơi có điều kiện thi hành. Do vậy, về nguyên tắc, các cơ quan thi hành án dân sự ủy thác bao nhiêu việc thì sẽ phải ra bấy nhiêu quyết định thu hồi quyết định thi hành án đã thụ lý việc thi hành án trước đó. Vì vậy, tổng số việc đưa ra thi hành trên thực tế của các cơ quan thi hành án dân sự phải được tính bằng tổng số việc thụ lý trừ đi số việc ủy thác thì đảm bảo được sự phản ánh khách quan, chính xác với thực tiễn số việc, số tiền phải thi hành án và phù hợp với nguyên tắc thống kê số liệu theo Thông tư số 08/2015/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp vào chỉ tiêu “ủy thác thi hành án”. Nói cách khác, mối liên quan giữa tổng số thụ lý, tổng số phải thi hành và ủy thác thi hành án hay sự chênh lệch giữa tổng số thụ lý và tổng số phải thi hành chính là số ủy thác (sau khi các cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án).
+ Trường hợp đã thi hành được một phần quyết định thi hành án sau đó ra quyết định ủy thác phần còn lại và khi kết thúc hồ sơ thì thống kê phần việc vào chỉ tiêu việc thi hành án “xong” và thống kê phần tiền vào chỉ tiêu tiền “ủy thác” thi hành án.
+ Trường hợp sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự xác minh cho thấy có căn cứ ủy thác một phần, phần còn lại tổ chức thi hành án thì đối với phần tiền đã ủy thác thống kê vào phần tiền “ủy thác” thi hành án, phần việc thì thống kê vào đang thi hành hoặc chỉ tiêu khác phù hợp.
+ Việc thống kê trong trường hợp ủy thác thi hành án phá sản được tính như các việc thi hành án được ủy thác khác. Đối với kết quả thi hành về tiền, cơ quan thi hành án dân sự nhận ủy thác được tính thi hành xong, nhưng phải ghi chú đã chuyển tiền thu được cho cơ quan thi hành án dân sự đã ủy thác theo hướng dẫn tại mục 5 Công văn số 3089/BTP-TCTHADS ngày 09/9/2016 của Bộ Tư pháp.
- Trường hợp ra quyết định uỷ thác trước khi ra quyết định thi hành án (ủy thác thẳng) thì Chế độ thống kê thi hành án dân sự hiện nay chưa quy định chỉ tiêu thống kê đối với quyết định ủy thác thi hành án trong trường hợp này, do đó Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự không bắt buộc phải thống kê đối với loại quyết định ủy thác thi hành án này.
Tuy nhiên, để đảm bảo theo dõi chặt chẽ, kịp thời báo cáo về ủy thác thi hành án dân sự thì ngoài việc thực hiện đúng thống kê ủy thác thi hành án án theo quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 08/TT-BTP ngày 26/6/2015 của Bộ Tư pháp thì cần lập biểu mẫu thống kê đối với quyết định ủy thác thi hành án dân sự, trong đó thể hiện theo dõi đầy đủ các quyết định ủy thác thi hành án dân sự, đồng thời phân biệt được  chỉ tiêu “ủy thác” thi hành án dân sự với “quyết định” ủy thác thi hành án dân sự.
Lại Thanh Hà