1. Quy định về chuyển giao bản án, quyết định
Theo quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 thì Tòa án, Trọng tài đã ra bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định và tổ chức thi hành. Thủ tục giao nhận bản án, quyết định tại Điều 29 Luật Thi hành án dân sự khá chặt chẽ, với việc khi nhận bản án, quyết định do Tòa án, Trọng tài thương mại chuyển giao, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra, vào sổ nhận bản án, quyết định; sổ nhận bản án, quyết định phải ghi rõ số thứ tự; ngày, tháng, năm nhận bản án, quyết định; số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định và tên Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra bản án, quyết định; tên, địa chỉ của đương sự và tài liệu khác có liên quan; việc giao, nhận trực tiếp bản án, quyết định phải có chữ ký của hai bên; trường hợp nhận được bản án, quyết định và tài liệu có liên quan bằng đường bưu điện thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án, Trọng tài thương mại đã chuyển giao biết.
Như vậy, việc giao nhận bản án, quyết định giữa Tòa án, Trọng tài với cơ quan thi hành án dân sự hiện nay mới chỉ quy định thực hiện bằng hình thức giao nhận trực tiếp hoặc bằng đường bưu điện mà chưa quy định bằng hình thức trực tuyến thông qua đường truyền dữ liệu điện tử nên chưa tạo ra sự nhanh chóng trong việc giao nhận bản án, quyết định. Hình thức giao nhận bản án, quyết định hiện nay trong thực tiễn cho thấy phải có thời gian nhất định (như gửi qua đường bưu điện thì phải có thời gian in ấn, đóng dấu bản án, quyết định; thời gian để nhân viên bưu điện chuyển phong bì chứa bản án, quyết định hoặc thời gian đi lại của nhân viên Tòa án, Trọng tài tới cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp giao nhận trực tiếp.v.v), khoảng thời gian này là khá lớn nếu trụ sở Tòa án, Trọng tài cách xa trụ sở cơ quan thi hành án dân sự. Nếu quy định bổ sung hình thức giao nhận bản án, quyết định bằng hình thức chuyển dữ liệu điện tử trực tuyến qua mạng thì giảm bớt thời gian giao nhận và sẽ tạo điều kiện cho việc ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án dân sự nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, với hình thức giao nhận này được hiện được thì phải quy định sử dụng chữ ký số trong việc ký ban hành bản án, quyết định vào tạo lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ kết nối giữa Tòa án, Trọng tài với cơ quan thi hành án dân sự.
2. Về hình thức yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự thì đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp người yêu cầu trực tiếp trình bày bằng lời nói thì cơ quan thi hành án dân sự phải lập biên bản có các nội dung quy định, có chữ ký của người lập biên bản; biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu. Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo, vào sổ nhận yêu cầu thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu. Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án và phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án trong các trường hợp do pháp luật quy định.
Như vậy, hiện nay pháp luật quy định 03 hình thức yêu cầu thi hành án (trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện); mặt khác kèm theo yêu cầu thi hành án thì “người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan”. Quy định này tạo ra sự chặt chẽ và mang tính chất tố tụng gắn với hoạt động tư pháp chịu sự kiểm sát chặt chẽ của Viện kiểm sát nhân dân, bảo đảm lợi ích của người thứ ba (người không yêu cầu thi hành án dân sự và người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thi hành án). Tuy nhiên, hình thức yêu cầu thi hành án hiện nay có lẽ không còn phù hợp bởi lẽ bị hạn chế về tính nhanh chóng, toàn diện của hình thức yêu cầu thi hành án dân sự cũng như thời hạn ra quyết định thi hành án dân sự theo yêu cầu và nhiều thủ tục khác để kịp thời thi hành hiệu quả việc thi hành án dân sự.
Thực tiễn thi hành án dân sự cho thấy qua thời gian thực hiện thí điểm “hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án dân sự” mà Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp triển khai tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 15/7/2016 kết quả cho thấy khả quan trên nhiều phương diện, đặc biệt là hỗ trợ tích cực cho người được thi hành án, người phải thi hành án yêu cầu thi hành án đúng nơi, đúng chỗ, đúng nội dung, góp phần giảm thiểu chi phí về thời gian, vật chất; mặt khác, tạo môi trường tương tác trực tuyến giữa người dân với cơ quan thi hành án dân sự, từng bước tăng cường công khai, minh bạch thủ tục thi hành án dân sự, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công chức thi hành án dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Xác định đây là công việc mang lại rất nhiều tiện ích, lợi ích cho người dân, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong thi hành án dân sự, trên cơ sở đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp đồng ý cho triển khai hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước kể từ 01/6/2017 và mở rộng phạm vi hỗ trợ thêm 02 nội dung, do đó hiện có 03 nội dung là hỗ trợ trực tuyến yêu cầu thi hành án, xác nhận kết quả thi hành án và hỗ trợ trực tuyến về khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; xây dựng giao diện hỗ trợ trực tuyến với Banner nổi bật trên Trang Thông tin điện tử của các Cục Thi hành án dân sự, tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự, địa chỉ website là
http://www.thads.moj.gov.vn, vì thế người dân có thể truy cập vào đó để tương tác trực tuyến với cơ quan thi hành án trên môi trường mạng, rất thuận tiện cho việc gửi email đến cơ quan thi hành án và tiếp nhận hỗ trợ trực tuyến từ cơ quan thi hành án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, trong khuôn khổ quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện nay thì chưa có quy định về gửi và nhận yêu cầu thi hành án dân sự trực tuyến. Bởi vậy, cần sửa đổi Luật Thi hành án dân sự để bổ sung quy định về hình thức gửi và nhận yêu cầu thi hành án dân sự trực tuyến.
3. Quy định thông báo về thi hành án dân sự trên Báo điện tử, Trang/Cổng Thông tin điện tử Thi hành án dân sự
Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện nay (Điều 39 Luật Thi hành án dân sự) thì quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây: (a) Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; (b) Niêm yết công khai; (c) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Như vậy, ngoài việc thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và niêm yết công khai thì việc thông báo về thi hành án dân sự còn được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu và trên phương tiện thông tin nhất định, cụ thể là: “Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp. Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp. Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ”
[1]. Tại Điều 12 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự” quy định việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự, ngoài ra có thể được công khai trên Trang Thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự. Quy định nêu trên tại Nghị định của Chính phủ mới chỉ bó hẹp trong phạm vi “có thể” hoặc chỉ khi “có yêu cầu” của đối tượng được nhận thông báo nên chưa tạo ra cơ chế chủ động cho việc thực hiện thông báo và nhận thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ quan thi hành án dân sự.
Thời hạn thông báo trong thi hành án dân sự đối với từng loại việc thông báo không hoàn toàn giống nhau, mặt khác hậu quả pháp lý phát sinh khi hết thời hạn thông báo hoặc khi người được thông báo nhận được thông báo cũng rất khác nhau. Có thể có trường hợp người được thông báo nhận được thông báo sớm thì bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của họ và ngược lại họ nhận được thông báo khi cận ngày hoặc hết hạn thông báo thì khó khăn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ hoặc mất đi quyền, nghĩa vụ trong thi hành án dân sự và dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài. Do đó, việc quy định thông báo về thi hành án dân sự thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong Luật Thi hành án dân sự sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự nhanh hơn, rút ngắn thời gian thi hành án.
4. Quy định chi tiết và tăng cường áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến tài sản trong thi hành án dân sự
Tài sản đã kê biên trong thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự được bán theo hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục đấu giá. Hình thức
đấu giá, phương thức đấu giá theo quy định tại Điều 40 Luật Đấu giá tài sản áp dụng từ ngày 01/01/2017 đã được mở rộng đa dạng hơn trước, với việc tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức để tiến hành cuộc đấu giá là đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến; với phương thức trả giá lên hoặc phương thức đặt giá xuống.
Có thể nói, phương thức đấu giá trực tuyến là rất tích cực, phù hợp với xu hướng chung, tương đồng với nhiều nước trên thế giới đã thực hiện (Nhật Bản, Thái Lan…), tạo ra hệ thống không gian mạng, mạng lưới vạn vật kết nối Internet để nhiều người biết đến tài sản bán cũng như dễ dàng mua tài sản, với phương thức thanh toán tiền qua tài khoản, đáp ứng trước cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay (Công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu hiện tại trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không gian mạng, mạng lưới vạn vật kết nối Internet và điện toán đám mây (https://www.google.com.vn/?gws_rd=ssl#q=c%C3%A1ch+m%E1%BA%A1ng+4.0). Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của Chính phủ Đức năm 2013. "Industrie 4.0" kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Nếu định nghĩa từ Gartner còn khó hiểu, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới mang đến cái nhìn đơn giản hơn về Cách mạng Công nghiệp 4.0 như sau: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học" (http://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html). Thế nhưng, đây là phương thức đấu giá mới được quy định trong Luật Đấu giá tài sản mà chưa được hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành về thi hành án dân sự và thực tế chưa có cơ quan thi hành án dân sự nào thực hiện phương thức đấu giá tiến bộ này.
5. Tăng cường thanh toán tiền thi hành án qua chuyển khoản
Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án được quy định tại nhiều điều luật, như: Điều 47, Điều 126, Điều 129 Luật Thi hành án dân sự; Điều 6 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự; Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự.
Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án theo phương thức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thu tiền, tài sản thi hành án, giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án theo thứ tự và thu phí thi hành án theo quy định của pháp luật. Chấp hành viên thông báo cho đương sự đến nhận tiền, tài sản. Thông báo đến nhận tiền, tài sản cần ghi rõ: yêu cầu đương sự khi đến nhận tiền, tài sản phải mang theo một trong các giấy tờ sau đây: căn cước công dân; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để đối chiếu (các giấy tờ trên phải là bản chính). Việc thanh toán tiền, trả tài sản được thực hiện theo một trong các hình thức sau đây: (1) đương sự trực tiếp đến nhận tiền tại trụ sở cơ quan thi hành án, trường hợp này Chấp hành viên đề nghị kế toán và thủ quỹ thi hành án làm thủ tục chi trả tiền. (2) Đương sự ủy quyền cho người khác nhận thay. Trường hợp này, người nhận thay phải có giấy ủy quyền hợp pháp kèm theo một trong các giấy tờ sau đây: căn cước công dân; chứng minh nhân dân; hộ chiếu; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để đối chiếu (các giấy tờ trên phải là bản chính). Hồ sơ thi hành án lưu bản chụp giấy ủy quyền, căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã; chứng từ kế toán lưu bản chính giấy ủy quyền và bản chụp căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. (3) Đương sự đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản. Trường hợp này, đương sự phải có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản. Đơn đề nghị ghi rõ tên, địa chỉ của người nhận tiền, số tài khoản (trong trường hợp chuyển khoản), được gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện. Trên cơ sở đơn đề nghị của đương sự, Chấp hành viên đề nghị kế toán lập phiếu chi và thực hiện gửi tiền cho đương sự qua bưu điện hoặc chuyển khoản. Cước phí chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản do người nhận tiền chịu và được trừ vào số tiền họ được nhận. Giấy chuyển tiền qua bưu điện và phiếu báo nhận tiền (bản chụp) lưu trong hồ sơ thi hành án cùng với phiếu chi, bản chính lưu tại bộ phận kế toán. Trường hợp người được thi hành án là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế cử người đại diện hợp pháp đến nhận tiền thi hành án thì người nhận tiền phải xuất trình văn bản chứng minh cho việc đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền, kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu (bản chính) để đối chiếu.
Với thủ tục thanh toán tiền thi hành án dân sự hiện nay thì phương thức thanh toán tiền thi hành án được ưu tiên là đương sự trực tiếp đến nhận tiền (hoặc ủy quyền cho người khác đến nhận thay) tại cơ quan thi hành án dân sự và như vậy có nghĩa là thanh toán bằng tiền mặt. Việc thanh toán tiền bằng phương thức chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản chỉ được thực hiện khi “đương sự có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản”, bởi thế, nếu đương sự không có đơn đề nghị chuyển tiền qua bưu điện hoặc chuyển khoản thì cơ quan thi hành án dân sự không được thực hiện việc thanh toán tiền bằng phương thức này. Điều đó hạn chế sự chủ động của cơ quan thi hành án dân sự và trong trường hợp nhất định sẽ dẫn đến khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán tiền thi hành án, quá tải công việc đối với cơ quan thi hành án dân sự (do số tiền phải thanh toán lớn, thời gian rút tiền từ Kho bạc về cơ quan thi hành án dân sự, thời gian nhập quỹ, rút quỹ, kiểm đếm tiền mặt, xác định tiền thật hay tiền giả.v.v.). Nếu như quy định việc thanh toán tiền qua tài khoản quy định là bắt buộc thì sẽ giảm bớt thời gian thanh toán tiền thi hành án và kiểm soát chặt chẽ được tiền, tài sản trong thi hành án dân sự; việc thanh toán bằng tiền mặt chỉ thực hiện trong trường hợp đặc biệt với số tiền rất nhỏ hoặc người được nhận tiền không thể có tài khoản. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về thi hành án dân sự theo hướng tăng cường và bắt buộc thanh toán tiền thi hành án bằng hình thức chuyển khoản là cần thiết, giảm thiểu chi phí về nhân lực và vật lực, góp phần rút ngắn thời gian thi hành bản án.
6. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đối với các thủ tục khác trong công tác thi hành án dân sự
Công tác thi hành án dân sự thực hiện thông qua nhiều hoạt động, với nhiều thủ tục ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, vì vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động khác, đặc biệt là các thủ tục liên quan trực tiếp đến việc thi hành án cần phải được chú trọng mới có thể đảm bảo rút ngắn thời gian thi hành bản án. Các thủ tục trong thi hành án dân sự cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, như: Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự; kiểm sát, giám sát và thực hiện kiểm sát, giám sát trong thi hành án dân sự; quản lý, xử lý tang vật trong thi hành án dân sự; quản lý cán bộ thi hành án dân sự; thống kê, báo cáo và quản lý, xử lý dữ liệu về thi hành án dân sự.
7. Bảo đảm các điều kiện thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trước yêu cầu rút ngắn thời gian thi hành án dân sự
Để thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự nói chung và trong tổ chức việc thi hành án dân sự nói riêng để rút ngắn thời gian thi hành bản án thì các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phải được chú trọng đồng bộ. Trong đó cần quan tâm về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, máy chủ, máy trạm, đường truyền kết nối, lưu trữ, thiết bị an ninh, bảo mật, đồng thời tiếp nhận và chia sẻ dữ liệu điện tử giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức liên quan về bản án, quyết định cũng như dữ liệu điện tử khác liên quan đến việc thi hành bản án, như: Khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan của Tòa án nhân dân các cấp, các cơ quan thi hành án hình sự; kết nối, cung cấp, tích hợp, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các giải pháp kỹ thuật đưa ra phù hợp và phát huy được hạ tầng kỹ thuật hiện có nhưng ưu tiên việc kế thừa các phần mềm ứng dụng; bảo đảm các phần mềm ứng dụng chuyên ngành thực hiện thuận lợi, trong đó đặc biệt là quản lý, vận hành hiệu quả Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; cơ sở dữ liệu điện tử về thi hành án dân sự, phần mềm quản lý văn bản đi đến, phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ và chức danh tư pháp.v.v.
Bảo đảm nhân lực phù hợp với nền tảng công nghệ thông tin đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đào tạo và tuyển mới đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ có trình độ cho Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong Hệ thống Thi hành án dân sự (có thể lồng ghép nội dung trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự). Nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong Hệ thống Thi hành án dân sự về ý nghĩa, vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự, để từ đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc trong thi hành án dân sự.
Đẩy mạnh việc khảo sát, học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành trong và ngoài nước thông qua các hình thức khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm thực tế, cử cán bộ tham dự các hội thảo, tọa đàm về những vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thi hành bản án.