Xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự

29/08/2017
Thi hành án dân sự là thi hành những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Vậy thì căn cứ pháp lý nào xác định những bản án, quyết định nào được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự ? Những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự là những bản án, quyết định nào và được xác định theo các tiêu chí nào ? Đây là những vấn đề cần được lưu ý trong công tác thi hành án dân sự.


1. Căn cứ pháp lý để xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Căn cứ pháp lý để xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự dựa vào Hiến pháp, Bộ luật và các Luật sau đây:
1.1. Hiến pháp năm 2013: Tại Điều 136 quy định mang tính nguyên tắc hiến định “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Như vậy, bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án là bản án, quyết định có tính bắt buộc thực hiện đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
1.2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Tại Phần thứ chín, Chương XXXIX, Điều 482 những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành, gồm bản án, quyết định dân sự của Tòa án được thi hành là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật này; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công; quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
1.3. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: Điều 28 quy định bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án, theo đó bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Điều 445 quy định thẩm quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân. Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật  Thi hành án dân sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật hình sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp nhân bị kết án thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
1.4. Luật Tố tụng Hành chính năm 2015: Tại điểm h khoản 1 Điều 311 về thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
1.5. Luật Phá sản năm 2014: Tại khoản 1 Điều 17 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự “Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật này”. Điều 119 quy định “thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
1.6. Luật Trọng tài thương mại năm 2010: Theo quy định tại khoản 5 Điều 50, Điều 65, Điều 66, Điều 67 thì việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật này. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Hơn nữa, căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại thì xác định “việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án”.
1.7. Luật Cạnh tranh năm 2004: Quy định tại Điều 121 về thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, theo đó sau thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, không khởi kiện ra Toà án theo quy định tại Mục 7 Chương này (Điều 115. Khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại: (1) Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền. ( 2) Trường hợp Tòa án thụ lý đơn khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có trách nhiệm chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Tòa án trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án. Điều 116. Hậu quả của việc khởi kiện: Những phần của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không bị khởi kiện ra Tòa án vẫn được tiếp tục đưa ra thi hành) thì bên được thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó. Trường hợp quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành thì bên được thi hành có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở, nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của bên phải thi hành tổ chức thực hiện quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
1.8. Luật Thi hành án dân sự số 26/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 64/2014/QH13 ngày 25/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015: Đây là văn bản quy phạm pháp luật quy định chung nhất, đầy đủ nhất về các bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự. Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm: (1). Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. (2) Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị: Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, có thể thấy rằng trong giai đoạn xét xử, giải quyết tranh chấp thì Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh xác định sự thật khách quan của vụ việc, khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Kết thúc giai đoạn xét xử, giải quyết tranh chấp, Tòa án, Trọng tài, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đưa ra những phán quyết về nội dung vụ việc, xác định các quyền và nghĩa vụ của các bên bằng bản án hoặc quyết định để có thể thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
2. Xác định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Có nhiều cách các định những bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, tuy nhiên có thể xác định theo những cách sau đây:
2.1. Xác định theo thẩm quyền ra bản án, quyết định
2.1.1. Bản án, quyết định của Tòa án
Đây là những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án dân sự, hình sự, hành chính và quyết định của Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
2.1.2. Bản án, quyết định do cơ quan, tổ chức không phải là Tòa án
Đó là quyết định của Trọng tài thương mại (bao gồm phán quyết, quyết định giải quyết vụ việc trọng tài và quyết định của Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) và quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
2.2. Xác định theo loại bản án, quyết định
2.1.1. Những bản án được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Bản án là văn bản mà Tòa án nhân danh Nhà nước để tuyên bố một người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội hay không phạm tội đối với vụ án hình sự; chấp nhận hay không chấp nhận, cho hưởng hay không cho hưởng quyền nào đó của đương sự, buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định khi giải quyết tranh chấp mà các đương sự không thỏa thuận được tất cả các vấn đề trong vụ án đói với vụ việc dân sự, hành chính.
- Xác định theo loại tố tụng thì có:
+ Bản án dân sự
Bản án dân sự được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm 04 loại, đó là bản án giải quyết các vụ án về (1) tranh chấp dân sự, (2) hôn nhân và gia đình, (3) kinh doanh, thương mại, (4) lao động.
Theo nghĩa hẹp thì bản án dân sự là bản án giải quyết 14 loại tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự, gồm: Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Bộ luật này. Tranh chấp về thừa kế tài sản. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính. Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí. Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Các tranh chấp khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bản án hôn nhân và gia đình là bản án giải quyết 8 loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự, gồm:  Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Tranh chấp về cấp dưỡng. Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bản án kinh doanh, thương mại là bản án giải quyết 5 loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự, gồm: Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Bản án lao động là bản án giải quyết 5 loại tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự, gồm: (1) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (2) Tranh chấp lao động tập thể về quyền giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện không giải quyết. (3) Tranh chấp liên quan đến lao động bao gồm: Tranh chấp về học nghề, tập nghề; tranh chấp về cho thuê lại lao động; tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động. (4) Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp. (5) Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
+ Bản án hình sự
Bản án hình sự được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự là bản án có nội dung tuyên về hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự.
+ Bản án hành chính
Bản án hành chính được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự là bản án có nội dung tuyên về phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án.
 - Xác định theo thủ tục tố tụng tại Tòa án thì có:
+ Bản án sơ thẩm (bản án của Tòa án cấp sơ thẩm).
+ Bản án phúc thẩm (bản án của Tòa án cấp phúc thẩm).
2.1.2. Những quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
Quyết định là văn bản cá biệt nhằm đưa ra giải quyết, công bố một sự kiện, một quyết định nào đó của mình của chủ thể có thẩm quyền. Quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự gồm:
- Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
- Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.
- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án.
Quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu về dân sự gồm 10 loại: Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó. Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích. Yêu cầu tuyên bố hoặc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 470 của Bộ luật này. Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án và yêu cầu khác theo quy định của Luật thi hành án dân sự. Các yêu cầu khác về dân sự, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu về hôn nhân và gia đình gồm 11 loại: Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Yêu cầu công nhận thỏa thuận của cha, mẹ về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn hoặc công nhận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi. Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Yêu cầu công nhận thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án. Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu về kinh doanh, thương mại gồm 06 loại: Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại. Yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam, trừ trường hợp bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài. Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Tòa án giải quyết yêu cầu về lao động gồm 05 loại: Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu. Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài. Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
- Quyết định của Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài (bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam).
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án.
- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.
- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2.3. Xác định theo hiệu lực thi hành của bản án, quyết định
2.3.1. Những bản án, quyết định có hiệu lực thi hành
Những bản án, quyết định này được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, bao gồm:
- Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.
- Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Toà án.
- Bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Toà án.
- Quyết định của Trọng tài thương mại. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật phá sản thì có 04 loại quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thuộc nhiệm vụ, quyền hạn thi hành của cơ quan thi hành dân sự: Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu. Quyết định tuyên bố phá sản. Các quyết định khác, như:  Điều 118 Luật phá sản về thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài quy định việc công nhận và cho thi hành quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định tương trợ tư pháp mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định khác của pháp luật về tương trợ tư pháp; khi có quyết định của Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định giải quyết phá sản của Tòa án nước ngoài hoặc quyết định khác theo quy định của Luật phá sản thì cơ quan thi hành án dân sự tổ chức việc thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
2.3.2. Những bản án, quyết định được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị
Thường thì bản án quyết định dân sự được thi hành phải là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì bản án, quyết định dân sự được thi hành còn bao gồm cả những bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay. Đó là những bản án, quyết định sau đây:
- Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc.
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (của Tòa án hoặc của Hội đồng trọng tài). Tuy nhiên, trong từng loại tố tụng thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có sự khác nhau, như:
+ Trong tố tụng dân sự, theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có 14 loại: Giao người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, quyết định sa thải người lao động. Kê biên tài sản đang tranh chấp. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.. Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định. Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu. Bắt giữ tàu bay, tàu biển để bảo đảm giải quyết vụ án. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà luật có quy định.
+ Trong tố tụng hành chính, theo quy định tại Điều 68 Luật tố tụng Hành chính thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có 03 loại: Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Tạm dừng việc thực hiện hành vi hành chính. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định.
+ Trong giải quyết phá sản, theo quy định tại khoản 1 Điều 70 Luật Phá sản thì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có 09 loại:  Cho bán hàng hoá dễ bị hư hỏng, hàng hoá sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hoá không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác. Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Phong toả tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ. Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.
+ Trong giải quyết tranh chấp trọng tài, theo quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thì theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm 06 loại: Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài; Kê biên tài sản đang tranh chấp; Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp; yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Việc xác định bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng nhưng để xác định đầy đủ thì đòi hỏi được nghiên cứu, đề cập ở nhiều góc độ. Với những nội dung nêu trên, hy vọng rằng sẽ là tài liệu tham khảo góp phần cho công tác thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả.
                                                                                    Thanh Hà