Nội dung bản án của Tòa án
Ngày 11/9/2014, Tòa án nhân dân huyện LT đã xét xử việc tranh chấp hôn nhân và gia đình giữa:
Nguyên đơn: Anh Đào Quang Ngà, sinh năm 05/6/1978.
Bị đơn: Chị Khương Thị Tình, sinh ngày 10/10/1977.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1) Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Triệu Đề.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Giám đốc (vắng mặt)
2) Hội cựu chiến binh xã Tiên Lữ
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Ngọc Lan- Chủ tịch, vắng mặt.
Theo đó, Tòa án nhân dân đã ban hành Bản án số 37/2014/HNGĐ-ST ngày 11/9/2014 của có nội dung như sau:
“Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh Đào Quang Ngà và chị Khương Thị Tình.
Giao cho anh Ngà trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Đào Thị Thu Thảo sinh ngày 05/4/2003; chị Tình trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cháu Đào Đức Long sinh ngày 12/10200 và Đào Duy Lâm sinh ngày 19/12/2007. Xác nhận sự tự nguyện của chị Tình không yêu cầu anh Ngà phải đóng góp nuôi con chung cùng chị. Sau khi ly hôn chị Tình và anh Ngà đều có quyền chăm sóc và gặp con chung không ai được cản trở.
Giao cho anh Ngà quản lý, sử dụng 02 giường gỗ đã cũ 300.000 đ/2 chiếc, 01 án gian thờ bằng gỗ 3.500.000 đồng, 02 tủ gỗ ép hai buồng 300.000 đ/2 chiếc, 01 kệ giá sách đã cũ 70.000 đ, 01 sân gạch 35m2 trị giá 2.500.000 đ, 01 cổng gồm 02 trụ xây gạch trên lợp ngói và proximang trị giá 4.450.000 đ, 01 bếp xây gạch lợp ngói diện tích 5m2 trị giá 7.000.000đ, 01 nhà tắm 3.4m2trị giá 10.500.000 đ, 01 téc nước loại 1.000 lít bằng inox trị giá 2.000.000đ, 6m2 mái tôn trị giá 1.000.000đ, 01 nhà cấp 4 trị giá 117.000.000đ. Tổng trị giá 152.420.000đ.
Giao cho anh Ngà có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triền nông thôn chi nhánh Triệu Đề 100.000.000đ; Hội Cựu chiến binh xã Tiên Lữ 10.000.000đ.
Buộc anh Ngà phải thanh toán chênh lệch tài sản cho chị Tình 30.000.000đ.
Kể từ khi án có hiệu lực pháp luật và chị Tình có đơn đề nghị thi hành án , nếu anh Ngà không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ các khoản tiền trên, thì hàng tháng còn phải chịu một khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định tường ứng với thời gian chậm thi hành án.
Ngày 23/3/2016, Ngân hàng có đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi cục Thi hành án dân sự với nội dung yêu cầu anh Đào Quang Ngà phải trả 99.000.000đồng theo nội dung Bản án đã tuyên.
- Trên cơ sở nội dung yêu cầu của Ngân hàng, ngày 01/4/2016, Chi cục Thi hành án dân sự ban hành Quyết định thi hành án số 36/QĐ-CCTHA buộc anh Đào Quang Ngà có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Triệu Đề số tiền 99.000.000đồng.
Có 02 ý kiến khác nhau trong việc ra quyết định thi hành dân sự nêu trên của Chi cục Thi hành án dân sự.
Ý kiến thứ nhất, việc ra quyết định thi hành án nêu trên của Chi cục Thi hành án dân sự là không đúng với nội dung bản án đã tuyên, vì:
Một là, đây là bản án xét xử việc tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa anh Ngà và chị Tình chứ không phải là vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại (theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự thì việc kiện đòi nợ giữa ngân hàng với khách hàng theo hợp đồng tín dụng thuộc vụ kiện về tranh chấp kinh doanh thương mại). Trong quá trình xét xử vụ kiện tranh chấp về hôn nhân và gia đình, trên cơ sở bản kê khai tài sản và các khoản nợ của các đương sự thì Tòa án đã đưa các chủ nợ (bao gồm ngân hàng và Hội cựu chiến binh) tham gia với tư cách là người có quyền lợi liên quan.
Hai là, trong vụ việc này, khi Tòa án giải quyết đã lấy lời khai của ngân hàng với tư cách là người có quyền lợi liên quan nhưng ngân hàng không có yêu cầu độc lập (khi ngân hàng có yêu cầu độc lập thì ngân hàng có trách nhiệm nộp khoản tiền dự phí theo quy định). Do đó, Tòa án đã không xem xét giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc vay nợ giữa ngân hàng và vợ chồng anh Ngà và chị Tình mà chỉ xác định là sau khi ly hôn anh Ngà sẽ có trách nhiệm trả nợ. Vì thế, tại phần quyết định của bản án, Tòa án chỉ tuyên là “giao” cho anh Ngà có trách nhiệm trả nợ chứ không “buộc” anh Ngà có trách nhiệm trả nợ. Ngoài ra, trong phần quyết định của bản án Tòa án cũng không tuyên quyền yêu cầu thi hành án của ngân hàng như đối với trường hợp chị Tình và cũng không buộc anh Ngà phải nộp khoản án phí liên quan đến việc tranh chấp đối với khoản tiền trên. Như vậy, trong trường hợp này Tòa án chỉ xác định trách nhiệm trả nợ các khoản vay của ngân hàng thuộc về anh Ngà. Ngân hàng muốn yêu cầu ông Ngà trả nợ khoản tiền vay thì phải khởi kiện bằng một vụ kiện khác.
Ý kiến thứ hai, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án nêu trên theo yêu cầu của ngân hàng là có cơ sở và phù hợp với pháp luật về thi hành án dân sự, bởi vì:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành án.
Tại khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có một trong những quyền đó là “quyền yêu cầu thi hành án” .
Tại Bản án số 37/2014/HNGĐ-ST đã tuyên: Giao cho anh Ngà có trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triền nông thôn chi nhánh Triệu Đề 100.000.000đồng; Hội Cựu chiến binh xã Tiên Lữ 10.000.000 đồng.
Như vậy, theo nội dung bản án trên thì đã xác định rất rõ là Ngân hàng là người được hưởng quyền (cụ thể là được nhận 100.000.000 đồng từ anh Ngà); anh Ngà là người có nghĩa vụ thi hành án (có trách nhiệm trả cho ngân hàng 100.000.000 đồng), nghĩa vụ thi hành án là 100.000.000 đồng.
Do đó, khi ngân hàng làm đơn yêu cầu thi hành án thì theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án dân sự phải nhận đơn yêu cầu và ra quyết định thi hành án.
Mặt khác, hiện nay theo Luật Thi hành án dân sự và cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành án cũng không quy định rõ là trường hợp Tòa án tuyên là “giao” thì không phát sinh quyền và nghĩa vụ thi hành án và pháp luật cũng không quy định rõ cơ quan thi hành án không có quyền và trách nhiệm tổ chức thi hành án trong trường hợp bản án của Tòa án chỉ tuyên “giao”. Việc còn 02 ý kiến khác nhau trong việc ra quyết định thi hành án trong trường hợp nêu trên nếu không thống nhất được cách thức giải quyết dễ dẫn đến khiếu nại và phát sinh trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự. Do đó, cần được xem xét làm rõ các nội dung sau:
Thứ nhất, trong trường hợp bản án chỉ tuyên “giao” mà không tuyên “buộc” thì có phát sinh nghĩa vụ thi hành án hay không ?
Thứ hai, trường hợp bản án không tuyên quyền yêu cầu thi hành án thì người được thi hành án có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án hay không?
Văn Thị Tâm Hồng