Một số vấn đề bàn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự

13/03/2018
Xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự là một trong những công tác quan trọng nhằm đấu tranh phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thi hành án dân sự. Hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự hiện hành bao gồm: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, ngày 14/8/2015 của Chính phủ (sau đây gọi tắt Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).


Nhìn chung, những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự là khá đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả XLvi phạm hành chính trong thi hành án dân sự còn rất khiêm tốn, chưa phản ánh được hết thực trạng vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự hiện nay. Các qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự thời gian qua vẫn chưa phát huy hiệu quả, việc phòng ngừa, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự diễn ra phổ biến nhưng chưa được xử lý kịp thời. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự còn “ngại” việc xử phạt vi phạm hành chính, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xử phạt. Thống kê cho thấy một số địa phương trong nhiều năm không thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính[1]. Bên cạnh đó, một số quy phạm pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự còn có những hạn chế nhất định.
Thứ nhất, hạn chế từ phía người có thẩm quyền xử phạt:
Chấp hành viên và các cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính hoặc né tránh xử phạt vi phạm hành chính do ngại phải tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nhiều hành vi vi phạm xảy ra thường xuyên nhưng rất ít khi bị xử lý hành chính, điển hình như những hành vi: đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai nhưng không đến địa điểm mà không có lý do chính đáng, không cung cấp thông tin, không thực hiện quyết định khấu trừ thu nhập của người có thẩm quyền…Việc “ngại” xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có nhiều lý do, gồm:
- Về thủ tục và trình tự xử phạt vi phạm hành chính có khá nhiều thủ tục, từ việc lập biên bản vi phạm hành chính, mời người làm chứng, chứng kiến, ra quyết định xử phạt, thông báo quyết định xử phạt, thu tiền, nộp ngân sách nhà nước,…trong khi mức phạt là không đáng kể và không dẫn tới một trách nhiệm nào nghiêm khắc hơn đối với người bị xử phạt.
-Về tính hiệu quả của quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì việc xử phạt thật sự không có tính khả thi, số tiền phải thi hành tăng dẫn đến người phải thi hành án sẽ tiếp tục chống đối, cản trở việc thi hành án, không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong khi việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính lại không hề dễ dàng.
Thứ hai, hạn chế trong quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
Một là, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt tối đa mà Chấp hành viên có quyền áp dụng là 500.000 đồng, đối với Chi cục trưởng là 2.500.000 đồng; đối với Cục trưởng Cục thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu là 20.000.000 đồng. Vấn đề đặt ra là thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên và Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự có mức phạt tiền quá thấp dẫn đến rất khó khăn trong việc áp dụng. Theo đúng quy định thì chấp hành viên chỉ có thể xử phạt duy nhất đối với một hành vi là đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó có rất nhiều các hành vi vi phạm mà cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện thường xuyên gặp phải nhưng theo quy định thì lại không thuộc thẩm quyền xử phạt, ví dụ như các hành vi: Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án…Các hành vi nói trên đều thuộc khung hình phạt trên 3.000.000 đồng, do đó không thuộc thẩm quyền xử phạt của các cơ quan thi hành án cấp huyện. Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện phải lập hồ sơ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc làm này mất rất nhiều thời gian của các cơ quan thi hành án dân sự, trong khi thực tế, các hành vi vi phạm hành chính diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.
Việc chưa phân định rõ thẩm quyền xử lý đối với một số hành vi vi phạm cũng làm hạn chế việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan thi hành án dân sự. Đối với một số hành vi như: Không cung cấp thông tin, không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền; không thông báo cho cơ quan thi hành án khi có thay đổi về địa chỉ và nơi cư trú; không kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án…Các hành vi trên thuộc thẩm quyền xử phạt của cả cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện và cấp tỉnh, việc định lượng mức độ vi phạm của hành vi, quyết định mức xử phạt và phân định thẩm quyền xử phạt trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hai là, về xác định thẩm quyền lập biên bản làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 65 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định: “Thẩm tra viên, thư ký, chuyên viên cơ quan Thi hành án dân sự lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định tại Chương V của Nghị định này”. Theo như quy định nêu trên, thì chỉ có hoặc là Thẩm tra viên, hoặc là Thư ký hoặc là Chuyên viên mới có quyền lập biên bản, còn Chấp hành viên thực hiện chức trách nhiệm vụ lại không được giao quyền lập biên bản nhưng lại được quyền quyết định xử phạt.
Xét về thẩm quyền lập biên bản, Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định[2] và cũng là người có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng, nhưng lại không được giao quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, không phải lúc nào Chấp hành viên thực thi nhiệm vụ cũng có Thư ký thi hành án đi cùng hoặc Chấp hành viên không có thư ký giúp việc. Trong khi đó, căn cứ xử phạt vi phạm hành chính phải là biên bản vi phạm hành chính. Vậy trong trường hợp Chấp hành viên không có thư ký thi hành án và có thư ký thi hành án nhưng không đi cùng thực hiện nhiệm vụ thì ai sẽ là người lập biên bản vi phạm hành chính?
Xét về hình thức biên bản: Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp Thư ký thi hành án lập thì Thư ký chỉ ký tên, không có thẩm quyền đóng dấu. Vậy trong trường hợp này Chấp hành viên hay người có thẩm quyền ký tên đóng dấu như Chi cục trưởng, phó Chi chi cục trưởng, Thẩm tra viên ký xác nhận hay không? Về nguyên tắc người ký xác nhận biên bản do Thư ký thi hành án lập phải là người biết rõ có hành vi vi phạm hành chính. Vì vậy, nếu không biết rõ về hành vi vi phạm hành chính thì không thể dễ dàng ký xác nhận làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính.
Xét về nội dung biên bản: Thư ký chỉ là người giúp Chấp hành viên lập biên bản và thực hiện một số công việc nhất định khác. Việc xác đinh hành vi vi phạm, lỗi,… của người vi phạm hành chính phải thuộc về Chấp hành viên xác định. Vì vậy, không quy định thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với Chấp hành viên là một “khoảng trống” pháp lý đối với việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Quy định nêu trên gây không ít bối rối, khó khăn cho Chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ được giao.
Ba là, mâu thuẫn trong quy định về xác định thẩm quyền xử phạt.
Theo quy định tại Luật thi hành án dân sự, cụ thể là khoản 1 Điều 118 Luật thi hành án dân sự quy định: “…Trường hợp thi hành nghĩa vụ phải thực hiện công việc nhất định theo bản án, quyết định mà người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên quyết định phạt tiền và ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó thực hiện nghĩa vụ thi hành án…”.
 Điều 119 Luật thi hành án dân sự cũng quy định: “Người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt việc thực hiện công việc mà theo bản án, quyết định không được thực hiện thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người đó, trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu họ khôi phục hiện trạng ban đầu. Trường hợp người đó vẫn không chấm dứt công việc không được làm, không khôi phục lại hiện trạng ban đầu thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án”.
Như vậy, xét về mặt thẩm quyền xử phạt theo khoản 1 Điều 118 và Điều 119 của Luật thi hành án dân sự thì Chấp hành viên được giao quyền quyết định phạt tiền, ra quyết định phạt tiền. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính thì: “…Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng…”.
 Và theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì “…Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định…”.
 Đối chiếu giữa thẩm quyền xử phạt của Chấp hành viên với mức phạt về hành vi không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định là có sự mâu thuẫn. Luật thi hành án dân sự giao quyền cho Chấp hành viên  được quyền xử phạt nhưng Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP lại làm mất quyền xử phạt của Chấp hành viên. Vì rằng, với mức phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng lại thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục thi hành án dân sự.
Đây là sự mâu thuẫn trong quy định giữa Luật thi hành án dân sự với Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ, gây không ít khó khăn cho Chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ. Vì muốn xử phạt được những hành vi vi phạm hành chính này Chấp hành viên phải lập hồ sơ, văn bản đề nghị Cục trưởng Cục thi hành án dân sự ra quyết định xử phạt. Và như vậy, việc thi hành án sẽ kéo dài không kịp thời và điều quan trọng là làm giảm vai trò, giảm thẩm quyền của Chấp hành viên.
Đề xuất, kiến nghị:
Một là: Đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự theo hướng phù hợp giữa hành vi và thẩm quyền xử phạt; tăng thẩm quyền xử phạt của chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, nhằm đảm bảo cho việc xử lý thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tránh tình trạng kéo dài thời gian do phải đề nghị cấp trên quyết định xử phạt. Đề xuất xem xét ban hành Thông tư hướng dẫn chi tiết những nội dung chưa rõ ràng, những nội dung còn mâu thuẫn. Mặt khác cần hướng dẫn rõ ràng về trình tự, thủ tục, thành phần tham gia trong việc lập biên bản vi phạm hành chính.
Hai là: Cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự, đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính được phát hiện phải được xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thi hành án dân sự.
Ba là: Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của pháp luật xử lý vi phạm hành chính để nâng cao nhận thức của các cơ quan thi hành án dân sự đối với việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự.
Nâng cao chất lượng công tác xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự trong tình hình hiện nay.
           Đồng tác giả: Ths. Đinh Duy Bằng  và Ths. Hoàng Thanh Hoa
 

[1] Công Hoàng, Xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự vướng mắc nhìn từ thực tiễn, http://thads.moj.gov.vn/binhdinh/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=15, ngày trc: 08/3/2018.
[2] Khoản 1 Điều 17 Luật thi hành án dân sự.